Ai đã lấy mất hai tuần của em?

20/05/2019 06:23
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Kiểm tra xong, tâm lý cả thầy và trò đều “xả láng”; thầy lo “làm điểm”, trò thì kiểm tra rồi, học chi nữa.

LTS: Sau khi kiểm tra học kỳ, học sinh vẫn phải học thêm hai tuần nữa theo đúng chương trình.

Tuy nhiên, thực chất các em đến lớp chỉ để chơi, nhiều em cảm thấy 2 tuần này rất vô nghĩa.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết của thầy Sơn Quang Huyến về vấn đề này.

Ngành giáo dục cho các địa phương tự chủ về phân phối chương trình, thổi luồng gió mới vào giáo dục. 

Từ thực tế giảng dạy, giáo viên rút ra được nội dung nào cần tăng thời gian; ngược lại có nội dung bài dạy không cần nhiều thời gian như phân phối trước đây của Bộ. 

Thời gian công tác của giáo viên từ 1/8 đến 31/5; chính vì vậy có nhiều Sở giáo dục biên chế năm học 35 tuần như trước đây của Bộ; có sở lại biên chế 37 tuần.

Có Sở quy định ngày học trước ngày khai giảng (5/9), kéo dài thời gian nghỉ tết cho học sinh.

Việc học trước ngày khai giảng, cũng đã nhận được không ít ý kiến của xã hội, đồng tình cũng có, phản đối cũng nhiều. Dù học trước hay sau, cuối tháng năm đều phải tổng kết năm học. 

Thi xong rồi học sinh sẽ có tâm lý nghỉ xả hơi. Ảnh minh hoạ: Baohaiduong.vn
Thi xong rồi học sinh sẽ có tâm lý nghỉ xả hơi. Ảnh minh hoạ: Baohaiduong.vn

Để thuận lợi cho công việc tổng kết năm học, báo cáo cuối năm, phần lớn kiểm tra học kì 2 trước 2 tuần.

Kiểm tra xong, tâm lý cả thầy và trò đều “xả láng”; thầy lo “làm điểm”, trò thì kiểm tra rồi, học chi nữa.

Các tiết trong thời khóa biểu còn đó, trả bài kiểm tra, ôn tập chương trình v.v..., chỉ do học sinh … tự quản. 

Có giáo viên đề xuất, nhà trường thực hiện đúng phân phối chương trình, kiểm tra học kì 2 sau khi ôn tập cuối năm, tức là tuần cuối cùng, thế nhưng chỉ nhận được tràng “pháo tay”.

Một số trường trung học phổ thông còn kiểm tra học kì hai ngay trong tháng tư cho khối 12; đơn giản là “đảm bảo tiến độ năm học”.

Không có thầy cô trên lớp, nếu có thì thầy cô làm việc của thầy cô; học sinh nghịch phá thoải mái đủ thứ, đây là giai đoạn … phá lớp, phá trường, đánh bài; cũng thời gian này, quản lý của nhà trường lỏng lẻo, học sinh rủ nhau đi tắm, đã có học sinh đuối nước. 

Ai đã lấy mất hai tuần của em? ảnh 2Chưa thi xong, các trung tâm gia sư đã quảng cáo, lôi kéo học trò đến học hè

Có học sinh tâm sự: “Thầy à, em thấy hai tuần qua vô nghĩa quá; đến lớp chả ai còn tâm trạng học; chỉ có mấy bạn thiếu bài kiểm tra 15 phút, một tiết là có tác dụng, đi kiểm tra bù; còn chúng em thấy bị mất … hai tuần. Phải chi tuần cuối mới kiểm tra học kì, thì hay hơn”. 

Việc kiểm tra học kì hai trước hai tuần, vô hình trung học trò “mất đi” hai tuần học.

Thế nhưng cái mất đi không chỉ là thời gian, kiến thức, đôi khi là cả mạng sống của học trò. 

Có trường, hiệu trưởng buộc giáo viên đến tiết phải lên lớp dạy, quản lý học trò; kiểm tra rồi, học trò càng dễ vi phạm nội quy, giáo viên không làm chủ, vô tình vi phạm đạo đức nhà giáo.

Giải pháp nào đảm bảo quyền lợi của người học? 

Đầu tiên phải nói đến quy định của Phòng, Sở; các cấp này thường “ít áp dụng công nghệ” nên cứ đòi hỏi báo cáo bằng “văn bản”; quy định tuần áp chót phải có số liệu báo cáo; giữa tháng sáu phải có kế hoạch biên chế lớp. 

Không cần nói, tất cả cán bộ quản lý buộc phải lên “kế hoạch kiểm tra sớm” để có số liệu.

Vì vậy, Phòng, Sở phải giãn tiến độ báo cáo sau tháng 5, “tạo điều kiện” cho các trường thực hiện “đúng chương trình”. 

Với các môn kiểm tra chung cả Phòng, Sở chỉ thực hiện vào tuần cuối cùng của năm học. Các môn trường ra đề, cũng chỉ thực hiện trong tuần cuối.

Hiện nay, phần lớn các trường đã sử dụng VNEDU.VN; Phòng, Sở chỉ cần khai thác số liệu, có đầy đủ thông số của các trường trên địa bàn, vừa chính xác, vừa giảm bớt thủ tục hành chính. 

Thao tác nhỏ đem lại lợi ích lớn cho học trò, đảm bảo kỉ cương, trách nhiệm. Tận dụng hết thời gian của năm học để dạy học, biểu hiện rõ nhất “Tất cả vì học sinh thân yêu”.                    

Sơn Quang Huyến