Ai muốn “chạy” để làm thầy?

29/03/2018 07:22
Nguyễn Cao
(GDVN) - Có nỗi đau nào khi những sinh viên sư phạm ra trường lại phải cầm tiền đi chạy việc? Làm thầy mà đi chạy việc thì còn gì là “nghề cao quý”.

LTS: Sau bài viết "Nghề cao quý cũng phải chạy chọt thì còn ra gì nữa!" của tác giả Du Thiên đăng trên  Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam (ngày 25/3/2018), với mong muốn chỉ ra những lý do vì sao giáo viên hợp đồng phải tìm đủ mọi cách để “chạy”, tác giả Nguyễn Cao đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Ngày 25/3/2018, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết "Nghề cao quý cũng phải chạy chọt thì còn ra gì nữa!" của tác giả Du Thiên.

Nội dung bài viết xoay quanh cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng về hiện tượng “chạy việc” khiến chúng tôi buồn man mác.

Có giáo viên nào muốn chạy việc không?

Chắc chắn chẳng ai dại gì bỏ ra một đống tiền để chạy chọt rồi thu về mỗi tháng một vài triệu đồng tiền lương.

Nhưng, với cách tuyển dụng của một số địa phương hiện nay nếu không chạy thì ai tuyển dụng?

Bắt khẩn cấp Hiệu trưởng Trường Ngô Mây nhận 300 triệu đồng tiền chạy việc

Tài năng, bằng ưu, bằng giỏi, bằng khá ư. Chẳng ai tuyển dụng những giáo sinh đâu…

Có lẽ chuyện ra trường nộp đơn xin việc là được phân công công tác hiện nay không còn nhiều mà đa số chỉ còn trong câu chuyện cổ tích xưa xa mà thôi.

Có nỗi đau nào khi những sinh viên sư phạm ra trường lại phải cầm tiền đi chạy việc? Làm thầy mà đi chạy việc thì còn gì là “nghề cao quý”.

Nhưng, muốn vào được “nghề cao quý” thì cửa ải đầu tiên là giáo viên là phải “chạy” nhưng phải chạy đúng cửa chứ chạy khơi khơi thì tiền mất mà việc cũng không được.

Vì sao vậy?

Thứ nhất là cách tuyển dụng nhân lực của ngành sư phạm ở một số địa phương chưa công khai, minh bạch.

Khi có chủ trương tuyển dụng thì phần nhiều những thông tin này chỉ những người liên quan mới có thể biết được.

Rồi họ “xì” thông tin ra ngoài, qua người này người kia giới thiệu cho người có nhu cầu và họ tìm đến những người có trách nhiệm, có liên quan để tìm cách móc nối.

Dù có tổ chức thi tuyển thì người “chạy” vẫn chiếm ưu thế hơn rất nhiều so với người không chạy, không quen biết.

Bởi vì việc thi lý thuyết, phỏng vấn hay thực hành trên lớp cũng chỉ có 1 vài người làm giám khảo.

Giám khảo có thể là cán bộ hay giáo viên cốt cán của các trường thì chỉ cần một lời gởi gắm, chỉ đạo “của ai đó” thì điều dĩ nhiên là người chấm phải thực hiện theo.

Chuyện thi và chấm phúc khảo khi tuyển dụng ở Cà Mau vừa qua mà báo chí đã từng phản ánh là một ví dụ.

Muốn vào được “nghề cao quý” thì cửa ải đầu tiên là giáo viên là phải “chạy” (Ảnh minh họa: vietnamnet.vn).
Muốn vào được “nghề cao quý” thì cửa ải đầu tiên là giáo viên là phải “chạy” (Ảnh minh họa: vietnamnet.vn).

Thứ hai là ở một số địa phương khi có nhu cầu thì phần nhiều hiệu trưởng nhà trường là người chủ động.

Bởi khi lập kế hoạch nhân sự hàng năm của nhà trường thì hiệu trưởng nắm và đưa lên trên. Khi trong đơn vị có một giáo viên nào về hưu, chuyển trường, hay xin thôi việc là đã có nhiều người nhắm đến vị trí khuyết đó.

Hiệu trưởng là người âm thầm bắt tay với cán bộ tổ chức, với lãnh đạo Phòng, Sở giáo dục để tuyển dụng.

Một số nơi tổ chức thi tại trường tuyển thì những người chấm thực hành là ban giám hiệu và giáo viên cốt cán nhưng người quyết vẫn là hiệu trưởng.

Vì thế, ai chạy đúng cửa, ai đem lại cho hiệu trưởng lợi ích nhiều hơn thì người đó sẽ trúng tuyển.

Chuyện lùm xùm tuyển dụng ở huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) cho ta thấy rõ hơn về quyền lực của hiệu trưởng. Chỉ riêng hiệu trưởng Huỳnh Bê của Trường trung học cơ sở Ngô Mây cũng đã nhận tiền “chạy” cho nhiều người.

Thứ ba là một số địa phương hiện nay không có nhu cầu tuyển dụng nhân lực sư phạm ở một số môn học vì không có nhu cầu.

Nhưng, vì quen biết lãnh đạo địa phương người ta cũng cố tình “gửi gắm” nên nhiều hiệu trưởng dù biết trường mình đủ giáo viên nhưng vẫn phải nhận giáo viên mới về vì người đó là người thân của lãnh đạo ấn xuống.

Ai muốn “chạy” để làm thầy? ảnh 2Các thầy cô chọn nghề dạy học rồi thi nhau "chạy" cũng chỉ là để ...có danh phận

Thứ tư là vì nhu cầu việc làm nên khi sinh viên sư phạm ra trường thì việc đầu tiên phải tìm việc.

Vì thế, nhiều bậc cha mẹ phải tự tạo mối quan hệ với người này người kia để tìm cách bắc cầu với một số lãnh đạo nhà trường, địa phương để được tuyển dụng.

Dù là hợp đồng có thời hạn thì họ vẫn hy vọng có việc làm để tạo mối quan hệ tiếp theo nhằm ký được hợp đồng không thời hạn.

Quay lại với những chia sẻ của Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, chúng ta thấy rằng ông nói cũng rất đúng:

Anh nói phải "chạy" để được làm cái nghề cao quý, thậm chí có gia đình hai người cùng “chạy” thì người ta sẽ đặt dấu hỏi về đạo đức của người muốn và đã làm giáo viên như anh.

Vì muốn làm giáo viên mà phải "chạy" là điều rất đáng chê trách và đáng buồn cho hệ thống giáo dục.

Vì vậy, trước hết giáo viên phải xem xét lại hành vi của mình có đúng không”.

Dù biết chạy là phạm pháp, là không đúng với đạo đức làm thầy nhưng ai là người khiến cho đạo đức của người thầy “đáng chê trách”? Tất nhiên không phải là giáo viên rồi.

Nếu lãnh đạo không nhận tiền thì giáo sinh có cửa nào để chạy? Nhưng, chúng ta cứ lật lại những trang báo cũ sẽ thấy rõ hơn vì sao mà huyện Yên Định (Thanh Hóa) hay huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) lại có thể thừa và thanh lý hàng trăm giáo viên?

Đại biểu Nhưỡng nói rằng: “Nếu nói do áp lực trong việc tìm kiếm công việc thì anh phải trau dồi thêm kiến thức để được người khác chọn và buộc phải sử dụng anh chứ!

Bây giờ anh lại (nói) phải dùng tiền để "chạy", thậm chí còn thiếu tiêu chuẩn tuyển dụng nữa thì người ta sẽ nghĩ anh thế nào đây?

Những người không đủ tiêu chuẩn, hoặc có nhận thức lệch lạc mới phải “chạy” để có vị trí việc làm.

Như vậy, ngay cả bản thân người giáo viên cũng có tiêu cực trong câu chuyện tuyển dụng này".

Ai muốn “chạy” để làm thầy? ảnh 3Ai rải đinh trên con đường giáo dục?

Theo chúng tôi, những chia sẻ này của Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng có phần “lãng mạn” quá.

Bởi, thực tế trước khi được tuyển dụng thì các giáo sinh làm gì có cơ hội  chứng minh bản thân mình để  “để được người khác chọn và buộc phải sử dụng anh”?

Và, một điều dễ thấy là các giáo sinh những năm gần đây ra trường không mấy em thiếu “chuẩn”. Bằng cấp có khi còn vượt yêu cầu tuyển dụng.

Điều chúng ta dễ nhận thấy là những người theo nghề sư phạm đa phần là con em nhà nghèo mới đi theo sư phạm nhằm đỡ chi phí học tập.

Vì thế, họ không hề “giàu” để bỏ hàng trăm triệu đồng chạy việc. Đó là tiền vay mượn, là tiền cầm cố nhà cửa với ngân hàng.

Nhưng, họ hy vọng, xin được việc rồi để có đồng lương mà sống, để không phải thất nghiệp và hơn nữa là được cống hiến với nghề.

Nếu như trường tư thục thì không nói làm gì nhưng trường tư thục hiện nay của chúng ta có bao nhiêu trường đâu nên phần lớn phải lao vào các trường công lập.

Trong khi, dù biết có suất dạy là phải tốn kém, là không đúng với đạo đức người thầy nhưng họ còn con đường nào khác ngoài “chạy” để có việc làm?

Tài liệu tham khảo:

http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Nghe-cao-quy-cung-phai-chay-chot-thi-con-ra-gi-nua-post184571.gd

Nguyễn Cao