Bạn bè quốc tế đang nghĩ gì về giáo dục Việt Nam?

17/04/2014 06:00
Xuân Trung
(GDVN) - Câu chuyện về thực trạng bất cập giáo dục ở Việt Nam được nhiều nhà giáo dục thế giới chia sẻ kinh nghiệm và ý tưởng giúp nền giáo dục đi lên.
Nỗi sợ phải tránh

Nói tới địa danh “Tam giác quỷ Bermuda” chắc chỉ có những người đi biển mới biết nó nguy hiểm tới mức nào. Nơi này luôn là nỗi khiếp sợ của người đi biển. Dường như sự nguy hiểm này cũng được nhiều nhà giáo dục mượn đó để vận dụng vào sự phát triển của hệ thống giáo dục, của nền giáo dục nhiều quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ.

Trong bài nói chuyện với nhiều nhà giáo, nhà chuyên môn dưới sự chứng kiến của Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTNTN&NĐ) của Quốc hội, lãnh đạo Bộ GD&ĐT Việt Nam mới đây do Hệ thống  giáo dục Vinschool tổ chức, GS. TS Dennis Lynn Shirly (Đại học Boston, Massachusetts, Hoa Kỳ) ví rằng, ông dùng khái niệm “Bermuda Triangle” để nói về sự thành công và thách thức trong xã hội, để đem lại sự thay đổi ở giáo dục.

GS. TS Dennis Lynn Shirly - Đại học Boston, Massachusetts, Hoa Kỳ. Ảnh Xuân Trung
GS. TS Dennis Lynn Shirly - Đại học Boston, Massachusetts,  Hoa Kỳ. Ảnh Xuân Trung

Theo GS. Dennis Lynn Shirly, ứng với ba cạnh của tam giác Bermuda sẽ là 3 yếu tố quan trọng mà giáo dục nên tránh.

Thứ nhất, sự “trình bày” - một tư duy ngắn hạn trong khi người thầy phải chuyển tải nhiều thông tin tới học trò, nhưng trong lớp chỉ có một thầy và nhiều trò các em sẽ không chú ý được, người thầy phải chuyển tải một lượng kiến thức rất mệt mỏi, và như vậy tư duy ngắn hạn xuất hiện để chuyển tài kiến thức cho học sinh. 

Thứ hai, là sự “riêng tư” – giáo viên tự mình quán xuyến lớp học.

Thứ ba, là sự “bảo thủ” – người thầy cho rằng từ xưa tới nay vẫn được dạy như thế thì bây giờ phải dạy học sinh của mình như thế. Với tư duy bảo thủ này sẽ cản trở việc khích lệ tính tò mò và sáng tạo của học sinh. 

“Trong xã hội chúng ta có 3 cách tư duy này sẽ mang lại hệ quả không tích cực trong hệ thống giáo dục. Đây là tam giác Bermuda cần phải tránh, nó có thể dẫn đến hệ thống giáo dục không bền vững. Nhìn vào tam giác này thấy được tầm quan trọng của giáo viên như thế nào và khó như thế nào, nếu chúng ta không có sự thay đổi sẽ dẫn đến hệ quả chẳng khác nào chúng ta ăn mặc đẹp nhưng giấu đầu xuống đất, đây cũng là thách thức của thế giới”, GS. Dennis khẳng định. 

Từ khái niệm này, ông Dennis đưa ra 4 con đường để thay đổi. Và, 1 trong 4 con đường đó là giáo viên phải hoàn toàn tự do, độc lập và toàn quyền quyết định xem có thể dạy như thế nào, phụ huynh hoàn toàn giao quyền cho giáo viên. 

Thứ hai, sự chuẩn mực và trách nhiệm giải trình là rất quan trọng, chúng ta yên tâm tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến thì yên tâm với chất lượng chuẩn mực của giáo viên.

Hãy quyết định giáo dục dựa trên những số liệu, nhưng bên cạnh số liệu còn nhiều yếu tố khác liên quan quan trọng (nhân văn, giáo dục thể chất, âm nhạc, nghệ thuật…), hiện chúng ta chỉ quan tâm tới Toán, Lý, Hóa. 

GS. Dennis cho rằng, vai trò của giáo viên là kích thích sự tò mò về thế giới, tính sáng tạo của học sinh. Bản thân giáo sư này đã học được từ người thầy của mình tính tò mò và sáng tạo khi thầy dạy cho ông về thuyết tương đối của Albert Einstein.

Theo quan niệm của GS. Dennis, sản phẩm của giáo dục là những người thành đạt trong xã hội, biết hưởng thụ cuộc sống một cách trọn vẹn nhất với những kỹ năng mà học được học trong nhà trường.

Vậy, Việt Nam sẽ học được những gì trong nội dung trên? GS. Dennis Lynn Shirly gợi ý, chúng ta phải xác định trụ cột là mục tiêu, nguyên tắc, yếu tố là chất xúc tác. Mục tiêu làm sao để tạo ra sự mơ ước và mong muốn của học sinh. 

GS. TS Dennis Lynn Shirly nói chuyện giáo dục với các nhà giáo Việt Nam. Ảnh Xuân Trung
GS. TS Dennis Lynn Shirly nói chuyện giáo dục với các nhà giáo Việt Nam. Ảnh Xuân Trung

Lời khuyên của ông cho đội ngũ nhà giáo Việt Nam là tính chuyên nghiệp thể hiện ở việc luôn học hỏi và chia sẻ với đồng nghiệp về cách thức giảng dạy mới, liên tục sáng tạo và nâng cao cách thức làm việc của mình, giáo viên học hỏi lẫn nhau, trường học này học trường học khác, khi cùng làm việc thì tạo ra tính tập thể, tính đồng đội và tạo nền tảng cho học sinh sau này. 

“Nghề giáo viên là nghề khó, chúng ta không thành công nếu chúng ta không yêu trẻ em, học sinh với thế hệ tương lai. Phải trồng những cây cho tương lai và để lại cho tương lai thì nó sẽ sống mãi và thế hệ tương lai sẽ truyền lại trong tương lai sau này” GS. Dennis tâm huyết nói.

Bài học từ 100 năm trước

Liên quan tới chủ đề này, GS. TS Kazuhiro Yoshida (Giám đốc Viện hợp tác giáo dục, Hiroshima, Nhật Bản) chia sẻ về sự phát triển của nền giáo dục Nhật Bản thời Minh Trị với việc phát triển giáo dục kỹ năng.

Bởi, theo GS. Yoshida, kỹ năng là một trong những yếu tố đảm bảo sự thành công của con người. GS. Yoshida cũng thừa nhận, có thể ở Nhật Bản việc phát triển kinh tế được coi là thành công, nhưng về kỹ năng thì không phải là hoàn hảo. 

Để phát triển kỹ năng thì xác định giai đoạn phát triển của con người rất quan trọng, lựa chọn đó là giai đoạn trẻ em, tất nhiên tính đến chuyện đầu tư cho giáo dục cũng phải cân đối ngoài trẻ nhỏ ra còn cho hệ giáo dục phổ thông và đại học. 

Vị giáo sư Nhật Bản cho biết, cách đây 100 năm tại Nhật Bản (thời kỳ Minh Trị) đã coi trọng vấn đề này. Tính tới nay ở nhiều quốc gia lực lượng lao động đang tỏ ra thiếu những kỹ năng cần thiết, việc phát triển kỹ năng giúp con người có thể đối mặt với sự thay đổi trong lao động ở toàn cầu.

Cũng theo đó, nếu các nước đào tạo nghề và đào tạo kỹ năng không đầy đủ thì không có gì để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, tại Nhật Bản vẫn còn khoảng cách trong đào tạo nghề.

“Về đào tạo kỹ năng, chúng tôi đã làm nghiên cứu và sau đó đầu tư rất nhiều vào đào tạo nghề và trung cấp kỹ thuật để mở rộng thêm cho hệ thống giáo dục chính quy” GS. Kazuhiro Yoshida nói.

GS. TS Kazuhiro Yoshida - Giám đốc Viện hợp tác giáo dục, Hiroshima, Nhật Bản. Ảnh Xuân Trung
GS. TS Kazuhiro Yoshida - Giám đốc Viện hợp tác giáo dục, Hiroshima, Nhật Bản. Ảnh Xuân Trung

Theo GS. Yoshida, thời kỳ Minh Trị của Nhật Bản được xem là thời kỳ bắt đầu cho sự nghiệp hiện đại hóa sau này, đất nước Nhật thời đó phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp, sau đó từ sản xuất gia đình chuyển sang sản xuất ở nhà máy và giao lưu với các quốc gia khác. Tiến hành công nghiệp hóa với trọng tâm là ngành công nghiệp nặng, cũng chính vì quá khứ nước Nhật có tham gia một số cuộc chiến tranh nên rất chú trọng công nghiệp hóa.

Chính sách đầu tiên với sinh viên học các ngành như luyện kim, máy móc, Bộ Công nghiệp đóng vai trò quan trọng, chính vì thế những sinh viên tham gia các trường này được học từ 2-3 năm, được cấp chứng chỉ và bằng về máy móc, kiến trúc, luyện kim và được xã hội coi trọng.

Thời kỳ Minh Trị ở Nhật đã phát triển kỹ năng và làm tốt công tác liên kết giữa cơ sở đào tạo và nhà tuyển dụng để cung cấp những tay nghề phù hợp với kỹ năng. Ngoài ra, thời kỳ đó của Nhật, Chính phủ đã quan tâm phân loại kỹ năng để tương ứng với các ngành nghề, làm sao dựa vào đó để thiết kế chương trình cho phù hợp.

Trao đổi thêm về thực trạng giáo dục Việt Nam, GS. Nguyễn Thị Mỹ Lộc (Đại học Giáo dục – ĐHQGHN) cho biết, tuy rằng từ năm 2001 -2012 chất lượng giáo dục đào tạo được nâng lên (khoảng 70% sinh viên có việc làm sau khi ra trường), nhưng chất lượng giáo dục còn thấp so với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Cán bộ quản lý giáo dục còn yếu kém, ôm đồm, quản lý nhà nước về giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp bị chia cắt, chồng chéo, phân tán. Nhiều cơ sở giáo dục đại học được nâng cấp không đáp ứng được điều kiện đảm bảo chất lượng. Chuyện thừa giáo viên, phân bố không đều giữa các môn học còn diễn ra, năng lực nhà giáo chưa đáp ứng được với nhu cầu phát triển đất nước. 

Với bài toán chất lượng giáo viên, GS. Nguyễn Thị Mỹ Lộc cho biết, chính sách đổi mới thời gian tới phải đồng bộ, hệ thống đào tạo phải được xây theo hướng mở, hình thức đánh giá nhà giáo cần theo hướng chuẩn hóa…
Xuân Trung