Ban giám hiệu có hồ sơ cá nhân hay không, ai dám kiểm tra?

20/06/2017 06:50
Trần Đăng Anh
(GDVN) - Công văn số 68/BGDĐT-GDTrH ngày 07/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường.

LTS: Trước thực trạng lạm dụng chức quyền, vi phạm quy chế ngành giáo dục của một bộ phận cán bộ quản lý nhà trường hiện nay, tác giả Trần Đăng Anh đã gửi đến Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam những suy nghĩ của mình về vấn đề này.

Đồng thời, tác giả bày tỏ mong muốn cơ quan quản lý sẽ có các biện pháp kiểm tra, xử lý nghiêm khắc những biểu hiện vi phạm của không ít cán bộ quản lý nhà trường.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Theo thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, về việc ban hành quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông trong đó: “hiệu trưởng dạy 2 tiết/tuần, phó hiệu trưởng dạy 4 tiết/tuần”. 

Hình ảnh minh họa về ban giám hiệu nhà trường. (Ảnh: giaoduc.net)
Hình ảnh minh họa về ban giám hiệu nhà trường. (Ảnh: giaoduc.net)


Theo quy định trên đồng thời với nhiệm vụ giảng dạy, ban giám hiệu  phải có hồ sơ sổ sách cá nhân như một giáo viên. 

Hồ sơ sổ sách của một giáo viên theo quy định tại công văn số 68/BGDĐT-GDTrH ngày 07/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc chấn chỉnh lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường.

Cụ thể hồ sơ giáo viên gồm các loại như: giáo án (bài soạn); kế hoạch giảng dạy; sổ ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, thăm lớp; sổ điểm cá nhân; sổ chủ nhiệm.
 
Như vậy, hiệu trưởng và phó hiệu trưởng cũng phải có ít nhất 3 trong 5 loại hồ sơ trên (ngoại trừ sổ điểm cá nhân và sổ chủ nhiệm).

Tuy nhiên trên thực tế, ở không ít trường phổ thông việc có đủ hồ sơ giáo viên của các vị trong ban giám hiệu nhà trường xem ra còn nhiều điều cần bàn.

Việc đủ hồ sơ giáo án, kế hoạch giảng dạy thực chất có được là do họ đi nhờ các giáo viên dạy cùng khối hoặc giáo viên chủ nhiệm soạn giúp, chép giúp, in giúp phòng khi cấp trên kiểm tra và đảm bảo minh chứng khi kiểm định. 

Ban giám hiệu có hồ sơ cá nhân hay không, ai dám kiểm tra? ảnh 2

Có giáo viên nào dám đánh giá Ban giám hiệu không hoàn thành nhiệm vụ?


Cũng có những cán bộ quản lý (nhất là hiệu trưởng) cậy quyền, ỷ lại vì quan hệ quen thân với cán bộ phòng, cán bộ sở mà cho rằng sẽ không ai kiểm tra các loại hồ sơ này nên họ không làm.

Một số trường hợp, khi các đoàn thanh tra tiến hành kiểm tra đột xuất, có những vị trong Ban giám hiệu không xuất trình được các loại hồ sơ này và phải chịu kỷ luật vì vi phạm quy định của ngành.

Về sổ ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, thăm lớp của nhiều vị trong ban giám hiệu cũng không mấy khởi sắc.

Theo quy định thì hiệu trưởng và phó hiệu trưởng cũng là thành viên của một tổ chuyên môn nào đó, tức là họ phải tham gia đầy đủ vào các buổi sinh hoạt chuyên môn.

Nhưng, họ thường lấy lí do bận làm báo cáo, bận họp hành... nên ít khi tham gia sinh hoạt cùng các giáo viên trong tổ chuyên môn, đặc biệt là các vị hiệu trưởng.

Các thành viên ban giám hiệu phải là người gương mẫu, thực hiện tốt các quy định của ngành, trong đó có quy định về hồ sơ sổ sách để giáo viên khác noi theo.

Thực tế, những người lãnh đạo, người quản lý, nhất là trong cơ quan giáo dục lại thực hiện một cách thiếu trách nhiệm, thậm chí vi phạm quy chế chuyên môn.

Chúng tôi mong rằng các cơ quan quản lý giáo dục sẽ có các biện pháp kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh và xử lý nghiêm khắc những biểu hiện vi phạm quy chế chuyên môn của không ít cán bộ quản lý nhà trường.

Có như vậy, mới góp phần làm cho môi trường giáo dục trở nên lành mạnh, công bằng, chất lượng giáo dục của nhà trường sẽ có điều kiện đi vào thực chất.

Trần Đăng Anh