Băn khoăn sau một học kỳ không chấm điểm tiểu học

15/01/2015 06:09
Thiên Thanh
(GDVN) - Một học kỳ thực hiện theo Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học đã kết thúc cũng là lúc giáo viên nhìn lại mặt được và cả băn khoăn về cách đánh giá này.

Năm học 2014-2015 đã đi được nửa chặng đường, cùng với đó việc thực hiện theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy định đánh giá học sinh tiểu học cũng đã triển khai được một học kỳ. Ủng hộ có, lo lắng có, mệt mỏi, chán nản cũng có… đó là những chia sẻ của nhiều giáo viên và phụ huynh sau một học kỳ Thông tư 30 chính thức đi vào thực hiện.

Nhìn nhận Thông tư 30 ở góc độ tích cực, cô Minh Hạnh - một giáo viên ở Long Biên (Hà Nội) chia sẻ: “Thực hiện theo Thông tư 30 có nhiều ưu điểm, đó là không tạo áp lực về điểm số, thành tích cho học sinh, nhất là với những học sinh có học lực trung bình, học lực yếu. Các em không còn cảm giác tự ti, xấu hổ vì điểm thấp trước các bạn. Trong quá trình học, học sinh cũng không bị áp lực làm bài tập về nhà, có thể dành thời gian cho hoạt động vui chơi, giải trí khác”. Tuy nhiên, giáo viên này cũng cho rằng chính những ưu điểm này cũng là mặt không hay.

Giáo viên đánh giá cuối học kỳ I năm học 2014-2015 theo Thông tư 30. (Nguồn ảnh: FB)
Giáo viên đánh giá cuối học kỳ I năm học 2014-2015 theo Thông tư 30. (Nguồn ảnh: FB)

Cô Hải Yến - một giáo viên khác ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho rằng: “Cái hay của Thông tư 30 là bỏ đánh giá xếp loại theo các bậc như Giỏi, Khá, Trung Bình hay Yếu. Học sinh được khen thưởng và khuyến khích ở nhiều mặt khác nhau, chứ không nhất thiết là phải học lực”.

"Giáo viên được quyền chủ động vận dụng một cách linh hoạt, có thể bằng "lời nói" hoặc là "viết" phù hợp với học sinh và nhà trường, đúng với yêu cầu của việc đánh giá thường xuyên bằng nhận xét" 

- Công văn số 6169/BGDĐT-GDTH -

Mặt tích cực của Thông tư là có, nhưng sau một học kỳ triển khai, điều khiến không ít giáo viên đau đầu vẫn là số lượng sổ sách quá lớn. Mặc dù trong thời gian thực hiện Thông tư 30, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chỉ đạo nhằm giảm tải áp lực sổ sách cho giáo viên, tuy nhiên “các loại sổ sách vẫn cứ tăng lên đáng kể”.

Một giáo viên tiểu học cho rằng: “Đồng ý giáo viên có thể nhận xét bằng lời với học sinh nhưng quyển sổ thì không thể để trống được”. Lí do được đưa ra là còn có các đợt kiểm tra.

Ghi nhận xét vào bài làm của học sinh, ghi nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục, sổ liên lạc… và đến bây giờ, khi học kỳ I kết thúc là ghi nhận xét vào học bạ. Một giáo viên thẳng thắn khi cho rằng như vậy là ghi nhận xét “chéo”, lặp lại:

“Cuối kỳ và cuối năm vừa ghi nhận xét bài làm của học sinh, vừa ghi sổ theo dõi chất lượng tháng cuối kỳ, vừa phải ghi học bạ. Đây là chưa nói đến một số nơi bắt giáo viên làm lại sổ chủ nhiệm theo mẫu mới, viết sổ liên lạc”.

Để hoàn thành các loại sổ sách theo đúng kế hoạch, giáo viên tận dụng mọi khoảng thời gian từ giờ ra chơi, tan trường cho đến việc mang về nhà, thức đêm làm.

“Chép đi chép lại mãi cũng xong 22 quyển sổ nhận xét và gần 600 quyển học bạ, tuy nhiên cái mình thực sự cần là thời gian đó để dành cho việc làm thêm đồ dùng trực quan để học sinh hứng thú với môn học và quan tâm học sinh được nhiều hơn”. – một giáo viên mỹ thuật chia sẻ.

Băn khoăn sau một học kỳ không chấm điểm tiểu học ảnh 2Lạ lẫm Giấy khen “Học sinh giỏi về kiến thức – năng lực”

"Học sinh giỏi về kiến thức - năng lực, Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Xuất sắc môn Toán"... là những dòng chữ "lạ lẫm" ghi trong Giấy khen với nhiều phụ huynh.

Thậm chí, nhiều giáo viên còn cho rằng, với học sinh trung bình, yếu… thì việc nhận xét có phần dẽ hơn, bởi nhiều ý để phê hơn, nhưng giáo viên lại gặp phải khó khăn khi không được dùng trực tiếp những từ ngữ nêu ra khuyết điểm của học trò, làm tổn thương các em mà phải nhận xét theo hướng động viên khuyến khích. 

Nhưng nếu không chỉ ra điểm yếu một cách rõ ràng thì suốt ngày chỉ ghi “Con cần cố gắng…, Con có tiến bộ…”, như vậy lời nhận xét dần đi vào lối mòn và rất chung chung. Mặt khác, với học sinh đã học tốt rồi mà nhận xét nào cũng khen nhiều khi lại trùng lặp.  

Kết lại cho những băn khoăn của giáo viên sau một học kỳ thực hiện Thông tư 30 bằng góp ý của một cô giáo: “Đa số chúng tôi đồng ý với thông tư 30 ở chỗ không chấm điểm và thay bằng nhận xét nhưng số lượng sổ sách nhận xét quá nhiều mà lại yêu cầu không được trùng lặp. Nên chăng không lấy sổ theo dõi chất lượng làm tiêu chuẩn đánh giá giáo viên sau mỗi đợt kiểm tra mà hãy coi đó như một loại sổ ghi chép của cá nhân? Hãy để cá nhân tự ghi chép theo cách của riêng mình, miễn là ghi phù hợp, thấy rõ được những em nào cần lưu ý ở điểm nào để có biện pháp hỗ trợ thế là đủ”.

Như vậy, học kỳ đầu tiên triển khai cách đánh giá mới ở bậc tiểu học đã kết thúc với nhiều băn khoăn vẫn chưa được giải đáp. Bắt đầu vào học kỳ sau, hy vọng bằng kinh nghiệm đã có được từ học kỳ vừa qua, giáo viên sẽ khắc phục điều không hài lòng và thực hiện tốt theo Thông tư 30; còn với cấp lãnh đạo, cần lắng nghe nhiều hơn ý kiến của thầy cô, tiếp tục hướng dẫnvà hỗ trợ để giáo viên hiểu đúng và thực hiện tốt thông tư.

Thiên Thanh