Bất ổn văn hóa học đường chủ yếu do đứt dây liên kết nhà trường-gia đình

06/11/2016 08:16
Bùi Minh Tuấn
(GDVN) - Không ít trường mải chạy theo thành tích bằng việc nhồi nhét kiến thức để học sinh đạt kết quả cao mà xem nhẹ việc trang bị những kỹ năng sống cần thiết.

LTS: Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường, xuất hiện cả vụ học sinh ngang nhiên dùng dao đuổi chém giáo viên trong trường học.

Trong khi Bộ Giáo dục vẫn đang phát động phong trào “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” thì những vụ bạo lực này đã bộc lộ những bất ổn đáng lo ngại về văn hóa trường học.

Nếu không được chấn chỉnh kịp thời, vấn nạn này sẽ tác động tiêu cực tới mục tiêu giáo dục, tiêm nhiễm thói bạo lực, vô văn hóa, xói mòn các giá trị đạo đức trong thế hệ trẻ. 

Giáo viên Bùi Minh Tuấn (giáo viên trường Trung học Phổ thông Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An) có bài viết bàn luận về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Chỉ trong một thời gian ngắn, liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường đã diễn ra ở các đơn vị trường học từ bậc Mầm non đến các cấp học phổ thông.

Điển hình là một số vụ việc xảy ra ở các địa phương như: Thái Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Trà Vinh, thành phố Hồ Chí Minh... 

Đáng buồn là, không chỉ có các nam sinh, nữ sinh đánh nhau hay giáo viên đánh học sinh mà còn xuất hiện cả vụ việc học sinh ngang nhiên dùng dao đuổi chém giáo viên ngay trong trường học.

Điển hình là vụ việc diễn ra vào ngày 27/10 vừa qua, Ban Giám hiệu trường Trung học Cơ sở thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương (tỉnh Nghệ An) mời phụ huynh của Nguyễn Trọng Mạnh là học sinh cá biệt của trường đến để bàn biện pháp phối hợp giáo dục.

Trong khi giáo viên Nguyễn Hữu Hiếu (sinh năm 1979) là giáo viên dạy Hóa kiêm trưởng ban an ninh của trường đang nói chuyện với phụ huynh của học sinh này thì bị Mạnh bất ngờ tìm đến, dùng dao đã chuẩn bị sẵn từ trước đuổi chém thầy Hiếu khiến thầy bị thương ở bàn tay trái, phải đi cấp cứu.

Học sinh đánh nhau (Ảnh: tienphong.vn).
Học sinh đánh nhau (Ảnh: tienphong.vn).

Hành vi mang tính côn đồ của một học sinh mới chỉ học lớp 8 của bậc Trung học Cơ sở không chỉ vi phạm pháp luật khi xâm phạm thân thể người khác mà còn thể hiện sự sa sút nghiêm trọng về đao đức, lối sống của học sinh.

Có thể nói, tính chất và mức độ nghiêm trọng một số vụ bạo lực học đường thời gian qua, nhất là những vụ giáo viên “ra tay” với học sinh, học sinh “trả đũa” giáo viên đã và đang làm đau lòng những người làm giáo dục, đồng thời gây bức xúc trong xã hội. 

Những bất ổn về văn hóa trong môi trường học đường - nơi vốn vẫn được xem là an toàn để giáo dục, phát triển nhân cách con người bắt nguồn từ những bất cập trong quá trình phối hợp giáo dục học sinh giữa gia đình với nhà trường.

Bất ổn văn hóa học đường chủ yếu do đứt dây liên kết nhà trường-gia đình ảnh 2

Đại biểu Quốc hội lo thế hệ trẻ tự làm nhục lẫn nhau

Tuy nhiên, thực tế, nhiều gia đình hiện nay vì bận mưu sinh mà bỏ bê con cái, phó mặc việc giáo dục cho nhà trường với suy nghĩ “trăm sự nhờ giáo viên”.

Do không có được chỗ dựa tinh thần vững chắc từ phía gia đình, không ít học sinh đã thể hiện sự chán nản, thất vọng khi phải đối mặt với những khó khăn, thử thách trong quá trình sinh hoạt, học tập.

Từ trước tới nay, gia đình luôn được xem là cái nôi sinh thành, dưỡng dục, định hướng các giá trị đạo đức, nhân cách của mỗi người.

Trong quá trình giáo dục học sinh, sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường thể hiện qua việc thường xuyên có sự liên lạc, trao đổi từ hai phía.

Nhà trường thông báo cho gia đình kết quả học tập, rèn luyện, tu dưỡng của học sinh và cũng kịp thời thông tin tới nhà trường về những thay đổi của các em, nhất là những học sinh cá biệt để có biện pháp giáo dục, quản lý.

Nếu duy trì được thường xuyên sợi dây liên kết hai chiều này, việc giáo dục đạo đức học sinh sẽ có nhiều thuận lợi.

Không ít trong số đó bị bạn xấu lôi kéo, rủ rê, tiêm nhiễm những thói hư tật xấu; đây chính là “mảnh đất màu mỡ” để hình thành và làm bùng phát những hành vi mang tính bạo lực trong học sinh thời gian qua khi những học sinh này xem bạo lực là phương thức duy nhất để phản ứng lại bạn bè, giáo viên.

Trong các nhà trường, việc chỉ quan tâm tới “dạy chữ” mà sao nhãng việc “dạy người” cũng là một tác nhân dẫn tới tình trạng sa sút đạo đức, lối sống của học sinh.

Không ít trường mải chạy theo thành tích bằng việc nhồi nhét kiến thức để học sinh đạt kết quả cao mà xem nhẹ việc trang bị những kỹ năng sống cần thiết.

Bất ổn văn hóa học đường chủ yếu do đứt dây liên kết nhà trường-gia đình ảnh 3

Hành hung học trò chỉ có thất bại!

Trong khi đó, những bài học đạo đức, giáo dục công dân còn nặng về lý thuyết, tính hàn lâm, chưa thực sự hấp dẫn, lôi cuốn người học.

Mặt khác, những hành vi lệch chuẩn, vi phạm đạo đức nhà giáo của một số giáo viên thời gian qua vô tình đã trở thành “tấm gương mờ” đối với học sinh khiến cho khoảng cách thầy – trò bị biến tướng tiêu cực theo hướng “người trên ở chẳng chính ngôi/ Để cho kẻ dưới chúng tôi sỗ sàng”.

Trước những bất ổn về văn hóa học đường, trong đó, đáng lo ngại là tình trạng bạo lực gia tăng, thiết nghĩ, việc xây dựng môi trường học đường thực sự an toàn, thân thiện cần phải được chú trọng.

Đặc biệt, các giáo viên và phụ huynh phải thực sự là những tấm gương sáng để mỗi học sinh noi theo.

Bùi Minh Tuấn