Bí ẩn Hà Nội né tránh trả lời câu hỏi tại sao sữa học đường hôm có, hôm không

09/03/2019 15:08
Hồng Thủy
(GDVN) - 3 tỉnh sử dụng sữa pha lại, Hà Nội vừa triển khai Sữa học đường đã hôm có, hôm không, Thứ trưởng ký công văn xin bổ sung sữa dạng lỏng liệu có mối liên hệ?

Chương trình Sữa học đường có ý nghĩa hết sức nhân văn, góp phần quan trọng cải thiện dinh dưỡng và tầm vóc trẻ em - tương lai của giống nòi.

Không những vậy, chương trình này sẽ góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy ngành nông nghiệp chăn nuôi bò sữa phát triển bền vững nếu các địa phương tuân thủ chặt chẽ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế.

Ngân sách mua sản phẩm không đúng quy định cho Sữa học đường làm sao quyết toán?

Sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường đã được quy định rõ ràng trong Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/09/2016 của Bộ Y tế với nguồn sữa tươi nguyên liệu đầu vào được quy định rõ ràng tại Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT. 

Tuy nhiên trên thực tế triển khai, một số địa phương vẫn làm không đúng quy định, một số địa phương khác chuẩn bị triển khai cũng đang có hướng sử dụng ngân sách mua sữa pha lại từ sữa bột cho trẻ em tham gia Chương trình Sữa học đường.

Tìm hiểu thực tiễn triển khai chương trình nhân văn này, chúng tôi băn khoăn, phải chăng có mối liên hệ giữa hiện tượng này với năng lực đáp ứng sữa tươi nguyên liệu của nhà thầu?

Để Chương trình Sữa học đường phát triển bền vững và đúng hướng, minh bạch thông tin là vô cùng cần thiết, quan trọng.

Hà Nội vừa khởi động Chương trình Sữa học đường đã thiếu sữa

Báo Kinh tế và Đô thị ngày 2/1/2019 đưa tin, cùng ngày tại trường Tiểu học Kim Đồng (quận Ba Đình), Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phối hợp với Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã tổ chức Lễ phát động thực hiện chương trình Sữa học đường thành phố Hà Nội.

Ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tại lễ phát động Chương trình Sữa học đường năm 2019 trên địa bàn Thủ đô. Ảnh: Báo Kinh tế và Đô thị.
Ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tại lễ phát động Chương trình Sữa học đường năm 2019 trên địa bàn Thủ đô. Ảnh: Báo Kinh tế và Đô thị.

Tại lễ phát động, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu ủy ban nhân dân 30 quận, huyện, thị xã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non, các trường tiểu học phối hợp chặt chẽ với Vinamilk tổ chức cho trẻ uống sữa đảm bảo chất lượng, an toàn hiệu quả, đúng đối tượng, thanh quyết toán theo quy định tài chính hiện hành. 

Đại diện nhà cung cấp phát biểu, đây là đề án Sữa học đường lớn nhất cả nước và đòi hỏi sự triển khai thực hiện phải rất chuyên nghiệp, đơn vị cung cấp phải có đủ tiềm lực về tài chỉnh, về năng lực sản xuất, doanh nghiệp cam kết sẽ thực hiện thật tốt. [1]

Trước đó, ngày 29/11/2018 Báo Nhân Dân đưa tin, cùng ngày trao đổi với báo chí, công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết, chương trình Sữa học đường tại Hà Nội sẽ chiếm 10-12% sản lượng 800 tấn/ngày của đàn bò 120 ngàn con của công ty (tương đương với khoảng 100 tấn sữa/ngày). [2]

Thế nhưng ngay ngày hôm sau lễ phát động Chương trình Sữa học đường tại Hà Nội, tình trạng thiếu sữa cục bộ đã xảy ra.

Ngày 6/1/2019, kênh truyền hình VTC 9 phản ánh tình trạng này tại qua phóng sự "Sữa học đường ở Hà Nội: hôm có, hôm không". [3]

Bà Nguyễn Thị Kim Giang, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Phú quận Hoàng Mai, Hà Nội được VTC 9 dẫn lời cho biết:

Bí ẩn Hà Nội né tránh trả lời câu hỏi tại sao sữa học đường hôm có, hôm không ảnh 2

Vấn đề Sữa học đường Hà Nội không nằm ở đấu thầu, mà ở bài thầu

Trong ngày 2/1/2019 toàn bộ học sinh nhà trường được uống sữa đầy đủ, nhưng ngày 3, 4, 5/1/2019, nhà trường không nhận được sữa từ nhà cung cấp Sữa học đường.

Bà Lê Thu Hương, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Trì, quận Hoàng Mai chia sẻ với VTC 9:

"Mùng 3/1 thì nhà trường không nhận được sữa. 10 giờ 40 không nhận được sữa, chúng tôi đã gọi điện cho đồng chí Long là đồng chí phụ trách mảng sữa học đường của quận Hoàng Mai, chúng tôi được đồng chí trả lời là sẽ giao trong chiều nay.

Thế nhưng đến tận 15 giờ 50, nhà trường nhận được thông tin của đồng chí (Long) rằng hôm nay không có sữa. Và chính vì vậy ngày 3/1 nhà trường không có sữa cho học sinh uống.

Tới ngày 4/1 thì công ty đã giao sữa cho nhà trường nhưng với số lượng là 1104 hộp sữa, trong khi đó nhà trường đăng ký với số lượng nhiều hơn, tức là thiếu gần 200 hộp sữa so với số lượng nhà trường đăng ký.

Chính vì vậy nhà trường đã không tổ chức cho học sinh uống sữa.

Bởi vì nếu tổ chức như vậy sẽ dẫn đến tình trạng có học sinh được uống, có học sinh không được uống.

Cho nên là chúng tôi đã không nhận sữa và chúng tôi cũng đã trao đổi với đồng chí Long, báo cáo với Ủy ban nhân dân quận Hoàng Mai, Phòng Giáo dục quận.

Hà Nội vừa phát động chương trình Sữa học đường hôm trước, hôm sau đã thiếu cục bộ suốt 3 ngày mà không rõ lý do, xử lý thiếu chuyên nghiệp. Ảnh: Báo Kinh tế và Đô thị.
Hà Nội vừa phát động chương trình Sữa học đường hôm trước, hôm sau đã thiếu cục bộ suốt 3 ngày mà không rõ lý do, xử lý thiếu chuyên nghiệp. Ảnh: Báo Kinh tế và Đô thị.

Tiếp theo, ngày 5/1 nhà trường chúng tôi không nhận được sữa mặc dù chúng tôi đã báo rồi.

Ngày 6/1 là Chủ nhật. Đến ngày 7/1 lúc 13 giờ 10 phút chúng tôi mới nhận được sữa, số lượng vẫn thiếu 68 hộp so với số lượng mà chúng tôi đã báo."

Ngày 16/01/2019 Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có công văn số 05/GDVN-HC gửi Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội - Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Chương trình Sữa học đường trên địa bàn Hà Nội Chử Xuân Dũng.

Báo đề nghị ông Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo cung cấp thông tin về vấn đề này, xem Hà Nội còn thiếu cục bộ ở những đâu, tại sao lại thiếu sữa và giải pháp khắc phục.

Tuy nhiên cho đến nay Báo không nhận được phản hồi nào về một vấn đề lẽ ra Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nên chủ động công khai, tránh những nghi ngờ và dư luận không đáng có một khi đã làm việc đàng hoàng, bài bản, khoa học và minh bạch.

Có hay không mối liên hệ giữa thực trạng triển khai Chương trình Sữa học đường không đúng quy định, tình trạng thiếu sữa ở Hà Nội với cuộc vận động thêm các loại sữa dạng lỏng?

Nếu khẳng định của đại diện doanh nghiệp trúng thầu cung cấp Sữa học đường cho Hà Nội trên Báo Nhân Dân là đúng, thì tại sao Hà Nội lại thiếu sữa cục bộ 3 ngày liền mà không rõ lý do?

Bí ẩn Hà Nội né tránh trả lời câu hỏi tại sao sữa học đường hôm có, hôm không ảnh 4

Chính phủ chỉ đạo dùng sữa tươi, địa phương mua sữa pha lại cho học sinh

Hơn nữa, đơn vị này cũng chính là doanh nghiệp trúng thầu cung cấp Sữa học đường cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nam và Khánh Hòa, mà sản phẩm lại không phải sữa tươi.

Ở 3 địa phương này, học sinh tham gia Chương trình Sữa học đường sử dụng một loại thực phẩm bổ sung pha lại từ sữa bột có tên gọi "sữa dinh dưỡng tiệt trùng".

Báo Nhân Dân dẫn lời đại diện Vinamilk khẳng định:

Chương trình Sữa học đường tại Hà Nội chỉ chiếm 10-12% sản lượng sữa tươi, sản phẩm cung cấp cho Chương trình Sữa học đường sẽ có logo Sữa học đường và không bán thương mại ngoài thị trường. 

Đây là loại sữa tươi tiệt trùng có đường hoặc không đường, dung tích 180ml và được sản xuất hoàn toàn tại Việt Nam.

Sản phẩm đáp ứng theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng QCVN 5-1:2010/BYT, đáp ứng quyết định số 5450/QĐ-BYT của Bộ Y tế đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường, đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 01-186:2017/BNNPTNT về Sữa tươi nguyên liệu. [2]

Nắm rất chắc các quy định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế cũng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sản phẩm sữa tươi sử dụng cho Chương trình Sữa học đường, tại sao doanh nghiệp không khuyến cáo các tỉnh Hà Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa làm đúng quy định?

Bởi Chương trình Sữa học đường sử dụng ngân sách và tiền đóng góp của nhân dân, nếu sản phẩm đấu thầu không đúng quy định, nguy cơ không quyết toán được ngân sách rất cao.

Nếu điều này xảy ra thì nguy cơ thiệt hại kinh tế đầu tiên sẽ thuộc về doanh nghiệp trúng thầu cung cấp Sữa học đường, sau đó mới tính đến trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham mưu đấu thầu sản phẩm không đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế.

Lẽ thường, nếu thấy địa phương lựa chọn sản phẩm không đúng quy định vì thiếu thông tin hoặc hiểu chưa đầy đủ, thì nhà cung cấp hoàn toàn có thể tư vấn, thậm chí khuyến cáo bên mời thầu.

Đó vừa là bảo vệ mình, đồng thời cũng bảo vệ bên mời thầu bằng cách làm đúng quy định. Nhưng trong trường hợp của Hà Nam, Khánh Hòa và Bà Rịa - Vũng Tàu, điều đó đã không xảy ra.

Bí ẩn Hà Nội né tránh trả lời câu hỏi tại sao sữa học đường hôm có, hôm không ảnh 5

Hà Nội pha thêm những chất gì vào sữa học đường mà sữa ngoài không có?

Trong năm 2018 trên truyền thông xuất hiện một cuộc vận động đưa các loại "sữa dạng lỏng" khác ngoài sữa tươi vào Chương trình Sữa học đường.

Thậm chí một Thứ trưởng Bộ Y tế đã ký công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung "sữa dạng lỏng" vào Chương trình Sữa học đường.

Đề xuất này không được Thủ tướng Chính phủ lẫn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chấp nhận.

Ngày 26/11/2018, Bộ trưởng Bộ Y tế - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia Chương trình Sữa học đường Nguyễn Thị Kim Tiến đã ký công văn số 7162/BYT-BM-TE gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường triển khai Chương trình Sữa học đường.

Công văn nêu rõ:

Sản phẩm dùng trong Chương trình Sữa học đường phải sử dụng nguyên liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu theo Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Nguyên liệu sữa tươi này khi sản xuất thành sản phẩm Sữa học đường phải đạt yêu cầu theo quy định tại Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế về việc quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường. [4]

Có thể thấy, quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là rõ ràng và nhất quán, quyết định lựa chọn sữa tươi cho Chương trình Sữa học đường mà Bộ trưởng Y tế - Trưởng ban chỉ đạo quốc gia Chương trình Sữa học đường đã ký, không có gì thay đổi.

Vậy phải chăng có mối liên hệ giữa việc đấu thầu sản phẩm không đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế ở 3 tỉnh Hà Nam, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu và đang tiếp tục có khả năng lặp lại ở Quảng Trị, Đắk Nông, cuộc vận động đưa "sữa dạng lỏng" vào Chương trình Sữa học đường và hiện tượng Hà Nội vừa triển khai đã hôm có, hôm không, có mối liên hệ với nhau?

Phải chăng nếu Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Y tế kiêm Trưởng ban chỉ đạo quốc gia Chương trình Sữa học đường Nguyễn Thị Kim Tiến không sát sao và chỉ đạo kịp thời, có thể đã bị ai đó qua mặt để thay đổi quyết định lựa chọn sữa tươi của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế?

Tài liệu tham khảo:

[1]http://kinhtedothi.vn/chinh-thuc-trien-khai-chuong-trinh-sua-hoc-duong-tai-ha-noi-333335.html

[2]http://www.nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/38412702-vinamilk-chuong-trinh-sua-hoc-duong-tai-ha-noi-chi-chiem-10-12-san-luong.html

[3]http://myclip.vn/video/2623232/sua-hoc-duong-o-ha-noi-hom-co-hom-khong-tc7ezlkv?click_source=default&click_medium=video_new

[4]http://www.bacgiang.gov.vn/lib/ckfinder/files/d-23374-2018-4-vp.pdf

Hồng Thủy