Bi kịch khi những thí sinh gian lận điểm thi là nạn nhân của bố mẹ mình

13/04/2019 06:28
Trần Phương
(GDVN) - Chính bố mẹ các em đã đẩy các em vào những bi kịch của tuổi đầu đời. Những vết thương lòng ấy có lành lại theo năm tháng?

Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, những thí sinh gian lận điểm thi tại Hòa Bình nộp hồ sơ tuyển sinh vào các trường công an đã bị trả về địa phương.

Đã có 28 thí sinh bị trả về. Sẽ còn nhiều nữa bởi con số thí sinh gian lận điểm thi tại Hòa Bình, Sơn La không dừng lại ở con số 28 bởi tổng cộng số thí sinh của 2 gian lận điểm thi là 108 thí sinh.

Một nền giáo dục văn minh thì cương quyết công khai thí sinh gian lận

Bao nhiêu số đó đã nộp vào các trường đại học, con số đó dư luận chưa biết rõ ràng cụ thể bởi cho đến nay, cơ quan chức năng chưa hề công bố.

Trong nhiều ngày qua, dư luận của cả nước vẫn đang tranh cãi việc công bố hay không công bố điểm thi, danh tính của các thí sinh có điểm thi bị sửa đổi.

Việc trả 28 thí sinh của Hòa Bình về quê của Bộ Công an được đánh giá là nghiêm minh

Cơ quan chức năng tại các tỉnh có tiêu cực điểm thi đã bắt không ít người phạm tội.

Những thủ phạm can thiệp điểm thi từ cán bộ phòng ban đến Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, thậm chí cả cán bộ công an đều đã bị khởi tố và sẽ phải chịu những bản án nghiêm khắc của pháp luật.

Gian lận thi cử năm 2018 là sự việc gây ra lỗi đau kéo dài đối với rắt nhiều gia đình và xã hội. (Ảnh: Vietnamnet)
Gian lận thi cử năm 2018 là sự việc gây ra lỗi đau kéo dài đối với rắt nhiều gia đình và xã hội. (Ảnh: Vietnamnet)

Ở một khía cạnh khác, những thí sinh bị buộc phải rời khỏi giảng đường đại học vì kết quả thi đã được làm sai lệch đang phải đối diện với bi kịch khi vừa bước vào ngưỡng cửa đầu đời.

Các em sẽ phải làm gì khi đối mặt với xã hội, với cộng đồng, với bạn bè của mình khi bị đuổi học vì gian lận?

Thật đau lòng khi, các em đang phải gánh chịu bi kịch đầu đời khi tuổi còn quá trẻ và đau lòng hơn khi bi kịch ấy do chính cha mẹ các em tạo ra.

36 thí sinh gian lận còn lại của Hòa Bình đang lưu lạc phương trời nào?

Bởi bố mẹ các em thay vì đầu tư cho con cái học hành thì họ lại đầu tư cho các em bằng sự gian lận.

Họ là những người có chức quyền, có kinh tế khá giả như ở Hà Giang từ lãnh đạo phòng giáo dục, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.

Những vị phụ huynh này sẵn sàng bằng cách nào đó tác động đến những người có quyền, có khả năng làm sai lệch kết quả thi tạo ra sự gian lận để con cái họ được hưởng lợi.

Nếu những vụ việc tiêu cực điểm thi này không bị phát hiện thì nghiễm nhiên những đứa trẻ được đầu tư bằng sự gian lận sẽ trở thành niềm tự hào của gia đình, dòng họ… dù thâm tâm họ biết rõ năng lực thật sự của con cái họ sẽ không thể vào được những trường này.

Tại sao họ suy nghĩ như vậy? Có lẽ họ nghĩ cứ vào đại học là ra trường, là có bằng.

Lối suy nghĩ đó, ngoài việc họ đã phạm pháp, họ đã tự tay đẩy con em mình vào những bi kịch mà ngay khi bước chân vào ngưỡng cửa cuộc đời các em phải gánh chịu.

Trước hết, đó là bi kịch của sự quá sức, của việc ngồi nhầm lớp.

Học đại học không khác gì chặng đua đòi hỏi sự lao động nghiêm túc, những người năng lực kém sẽ luôn luôn đuối sức, tụt lại phía sau hoặc rơi vào những rắc rối tâm lý do sự không phù hợp giữa khả năng và đòi hỏi về kiến thức của bậc đại học.

Kết quả là dù các em có học cũng không hiểu được kiến thức, bị thi lại triền miên, phải học lại, nợ môn, phải bỏ học giữa chừng dẫn đến cảm giác thất bại, bị bạn bè coi thường…

Và khi ra trường, các em không thể làm được việc dẫn đến những bi kịch trong cuộc sống, bi kịch của sự khinh thường, phần đời còn lại của các em cứ mãi luẩn quẩn trong sự bị kịch ấy.

Các con phải đối mặt như thế nào với chính bi kịch cha mẹ mình tạo ra? (Ảnh minh họa: cndajin)
Các con phải đối mặt như thế nào với chính bi kịch cha mẹ mình tạo ra? (Ảnh minh họa: cndajin)

Đó là khi gian dối đã được thực hiện trót lọt đầu vào. Khi tiêu cực bị phát hiện, con cái của những phụ huynh này đang phải đối diện với bi kịch khác của cuộc sống khi bị loại khỏi trường, bị tước đi cơ hội học ở những trường khác và tâm lý bị ảnh hưởng do cảm giác xấu hổ, đối mặt với sự rè bỉu của xã hội và bị bạn bè coi thường…

Cả một tương lai dài đằng đẵng còn ở phía trước chờ đợi các em bởi những em này chỉ mới vào độ tuổi đôi mươi.

Phần thời gian còn lại của cuộc đời các em, vết thương lòng ấy có liền lại được?

Không công khai gian lận điểm thi là thiếu công bằng với Bí thư Triệu Tài Vinh

Hành động đẩy con vào bi kịch ấy bắt đầu có thể xuất phát từ động cơ tốt của tình mẫu tử nhưng họ đâu biết rằng hành động đó thực sự là tội ác, là phá hoại cả một nền giáo dục và là hành động của những kẻ cướp khi họ tước đoạt đi cơ hội của những bạn bè đồng trang lứa với con em họ.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông Quốc gia được tổ chức là để kiểm tra năng lực nhận thức, tư duy của cả một quá trình học tập tích lũy của các em trong suốt quá trình ngồi trên ghế nhà trường.

Đó là sự chọn lọc và kết quả tốt chỉ dành cho những người xứng đáng.

Có lẽ nào các vị phụ huynh không biết rằng mọi thành quả họ đạt được ngày hôm nay đều trải qua cả một quá trình học tập, rèn luyện và trưởng thành. Chẳng có một thành công nào tự nhiên trên trời rơi xuống.

Một kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia nữa sắp đến, hãy để cho những kỳ thi thực sự khách quan.

Đại học không phải là con đường duy nhất để các con vào đời, cuộc sống còn rất nhiều cơ hội khác rộng mở, hãy để các con hiểu rõ giá trị và năng lực của mình qua các kỳ thi đó.

Hãy để các con biết vị trí của mình, đảm được vị trí, làm chủ cuộc sống của mình theo đúng năng lực của bản thân có như thế, các con sẽ không vướng vào những bị kịch do cha mẹ mình ra và sống một cuộc sống hạnh phúc và nhẹ nhàng.

Các cụ có câu: "Đời cha ăn mặn, đời con khát nước", câu đó luôn luôn đúng.

Trần Phương