Biết học thêm không hiệu quả tại sao phụ huynh vẫn phải cho con theo học?

04/11/2017 08:14
Hoàng Lan
(GDVN) - Nhiều phụ huynh chia sẻ, dù biết rõ con học thêm không hề hiệu quả thậm chí còn có trường hợp “phản tác dụng” nhưng vẫn phải cho con theo học.

LTS: Liên quan đến vấn đề dạy thêm, học thêm Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng gửi tới bạn đọc bài viết của tác giả Hoàng Lan chia sẻ nỗi niềm của một phụ huynh có con “phải đi học thêm”.

Bài làm trước kiểm tra

Vấn đề học thêm là nhu cầu tất yếu của xã hội. Bản thân người làm cha, làm mẹ nào cũng muốn con mình có môi trường học tập tốt nhất, ai cũng muốn lựa chọn những giáo viên tốt nhất để con mình học tập.

Nhiều phụ huynh dù biết theo học lớp phụ đạo này là không tốt, không đúng nhưng vẫn phải quyết định cho con theo học. Ảnh minh họa/giaoduc.net
Nhiều phụ huynh dù biết theo học lớp phụ đạo này là không tốt, không đúng nhưng vẫn phải quyết định cho con theo học. Ảnh minh họa/giaoduc.net

Mục đích cuối cùng là kiến thức của con mình thu nhận được phải là cao nhất. Tuy nhiên, không phải lựa chọn nào của phụ huynh cũng là đúng đắn.

Đặc biệt, nhiều khi phụ huynh biết rõ rằng việc cho con theo học lớp phụ đạo này là không tốt, không đúng nhưng vẫn phải quyết định cho con theo học.

Biết học thêm không hiệu quả tại sao phụ huynh vẫn phải cho con theo học? ảnh 2

Một địa chỉ có 2 cô giáo cùng dạy thêm tiểu học trái phép

Một người bạn của tôi từng chia sẻ về câu chuyện trớ trêu khi cho con trai đang học lớp 6 đi học thêm môn toán (giáo viên là cô giáo dạy toán trên lớp chính khóa).

Sau buổi thi giữa kỳ, anh hỏi con trai mình: “Con làm bài thi thế nào?” thì cậu con trai trả lời “Dễ ợt. Y như bài tối hôm qua cô giải ở lớp học thêm đó bố”.

Câu trả lời của con trai khiến ông bố lặng người, suy nghĩ. Nhiều lần sau, khi con làm bài kiểm tra về phụ huynh cũng hỏi con và nhận được câu trả lời tương tự.

Sau khi tìm hiểu sự việc thì mới vỡ lỡ rằng, nếu ngày hôm sau có tiết kiểm tra thì buổi học thêm trước đó cô giáo sẽ ra bài tập và hướng dẫn cách giải và nhắc nhở đọc thuộc lòng cách giải này.

Bài tập được đưa ra chắc chắn sẽ giống y nguyên, hoặc nếu có khác thì chỉ khác con số. Vậy nên khi làm bài kiểm tra ở lớp học sinh sẽ không gặp khó khăn gì khi giải bài.

Trước tình huống này phụ huynh đã quyết định cho con dừng học ở lớp học thêm.

Lý giải phụ huynh này cho biết “Nếu tiếp tục cho con theo học thì kiến thức chưa biết có hiệu quả hay không nhưng chắc chắn một điều tiêu cực, con sẽ mắc bệnh thành tích, con sẽ dễ dàng hài lòng với kết quả học tập của mình để mất sự cố gắng, nỗ lực”.

Giải pháp học ngày cày đêm

Không cùng chung cách giải quyết với phụ huynh trên, một phụ huynh khác đang làm việc tại một trường Đại học lại quyết định cho con tiếp tục theo học và đăng ký tiếp một lớp học thêm môn toán với giáo viên khác cho con mình.

Biết học thêm không hiệu quả tại sao phụ huynh vẫn phải cho con theo học? ảnh 3

Một trường có 2 cô giáo cùng vi phạm quy định dạy thêm

Lý do mà phụ huynh này đưa ra là: “Không cho con đi học thì không được. Thực tế biết rõ lực học của con tốt hơn các bạn nhưng nếu không đi học thêm với cô thì bài kiểm tra của con chỉ lẹt đẹt 7, 8 điểm. Còn các bạn khác 10 điểm.

Mình thì không quan trọng điểm số nhưng con sẽ buồn và dễ tự tin. Nghĩ vậy nên đành phải cho con theo học với cô dù biết chất lượng không cao.

Cùng với quyết định này thì đứa trẻ phải học ngày, cày đêm. Cùng một môn mà học tới 3 lớp: lớp chính khóa, lớp học thêm với cô dạy chính khóa và lớp học thêm theo nhu cầu của ba mẹ.

Thiết nghĩ, vấn đề dạy thêm học thêm là nhu cầu tất yếu. Nhưng cần phải siết chặt, đưa vào khuôn khổ và quản lý có hiệu quả để phụ huynh yên tâm và việc học của học sinh thực sự là cần thiết và bổ ích.

Bản thân phụ huynh cũng cần có cái nhìn toàn diện khi quyết định việc học thay con.

Hoàng Lan