Bộ Giáo dục cần sớm "dẹp loạn" ở Đại học Hoa Sen

09/02/2015 06:44
Ngọc Quang
(GDVN) - Dù muốn hay không, Đại học Hoa Sen phải tuân thủ đúng theo Điều lệ trường Đại học do Thủ tướng ký ban hành, đã có hiệu lựctừ 30/1.

Đã nửa năm trôi qua, nội bộ Trường Đại học Hoa Sen vẫn "rối như canh hẹ", tất cả đều xoay quanh những quan điểm khác nhau của các cổ đông, trong đó một số cổ đông tỏ rõ quan điểm phản đối bà Bùi Trân Phượng đang điều hành hoạt động của trường ở vai trò Hiệu trưởng. 

Rối loạn ở Đại học Hoa Sen tiếp tục kéo dài sẽ gây ảnh hưởng xấu tới công tác đào tạo và học tập của sinh viên, vì vậy rất cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND thành phố Hồ Chí Minh.

Loạn đến bao giờ?

Những người phản đối bà Bùi Trân Phượng đã đưa ra một loạt thông tin bà này lợi dụng vị trí Hiệu trưởng để làm nhiều việc có lợi có cá nhân. Tất nhiên, bà Phượng "cãi lại".

Bà Phượng cho rằng ngay từ khi thành lập thì Đại học Hoa Sen đã đi theo hướng không vì lợi nhuận. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các cổ đông không đồng tình và cho rằng, thực tế thì Đại học Hoa Sen hoạt động vì lợi nhuận.

Trong một bài viết Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải ngày 26/8/2014, ông Phù Văn Tuấn (một cổ đông của trường) đã phân tích: "Trường Đại học Hoa Sen từ ngày cổ phần hóa năm 2007 đến nay đã được 7 năm. Theo quy định về mô hình của trường Cao đẳng, Đại học Tư thục, Đại học Hoa Sen hoạt động như một doanh nghiệp được cổ phần bình thường. Các cổ đông nhận được cổ tức, cổ phiếu thưởng hằng năm công khai cho tất cả cổ đông. Chưa một cổ đông nào đã từ chối nhận cổ tức hay cổ phiếu của mình bao gồm cả những người đang khẳng định trường hoạt động phi lợi nhuận. 

Chẳng hạn ở thời điểm cổ phần hoá, bà Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen sở hữu 10.800 cổ phần tương đương 0,72%, sau 7 năm với nhiều đợt chia cổ tức, cổ phiếu thưởng và mua lại của các cổ đông khác đến nay bà Phượng đã sở hữu 338.614 cổ phần tương đương 4,71%. Vì lẽ đó có thể khẳng định mô hình này thực tế không phải là phi lợi nhuận".

Cũng theo ông Tuấn thì vấn đề của trường Đại học Hoa Sen hiện nay không phải xuất phát từ vấn đề phi lợi nhuận hay không mà nó xuất phát từ khi các cổ đông bức xúc và yêu cầu làm rõ các sai phạm tại trường trong điều hành và quản lý. 

Thay vì trả lời một cách minh bạch thì Hội đồng quản trị và Ban giám hiệu lại quay sang vu khống các cổ đông đòi chia siêu lợi nhuận và thông cáo truyền thông rằng trường muốn trở thành trường phi lợi nhuận. Có phải chăng là Hội đồng quản trị, Ban giám hiệu đang muốn che đậy những sai phạm của mình và tiếp tục đi từ sai phạm này đến sai phạm khác, coi thường pháp luật?

Nội bộ Đại học Hoa Sen mâu thuẫn trầm trọng. Ảnh: NLĐ.
Nội bộ Đại học Hoa Sen mâu thuẫn trầm trọng. Ảnh: NLĐ.

Hàng loạt câu hỏi về những việc làm và trách nhiệm của ban lãnh đạo Trường Đại học Hoa Sen được nhiều cổ đông đặt ra, nhưng chưa được cơ quan chức năng làm rõ. Vì vậy, nội bộ nhà trường ngày càng có nhiều mâu thuẫn.

Cho tới sự kiện mới nhất, Đại học Hoa Sen tổ chức Đại hội toàn trường vào ngày 31/1 vừa qua cũng bị cổ đông phản đối quyết liệt và tính minh bạch, hợp pháp của cuộc họp này cũng bị nghi ngờ.

Cổ đông Nguyễn Thị Hòa cho rằng, việc Hội đồng quản trị Đại học Hoa Sen tổ chức đại hội toàn trường là không đúng quy định, mà phải làm hồ sơ trình Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, Chính phủ đồng ý thì mới được tiến hành đại hội.

Hài hước nhất là chuyện cổ đông Phạm Tấn Thuần (đã chết từ năm 2013) đã được ban tổ chức tự ý để cho ông Trần Phương tham dự với tư cách người đại diện. Nhưng khi đại hội diễn ra thì ông Phạm Tấn Thi (em trai ông Thuần) nghe tin báo đã đến tận nơi để "lật tẩy" sai phạm này.

Chưa hết, mặc dù là đại hội công khai, có tài liệu phát tới các cổ đông và báo chí, nhưng ban tổ chức lại chỉ đạo bảo vệ quyết liệt ngăn cản phóng viên vào tác nghiệp. Tất cả những hành vi ứng xử "lạ lùng" của những người mang danh lãnh đạo hiện nay của Đại học Hoa Sen thêm một lần nữa đặt ra nhiều câu hỏi, rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.

Đại học Hoa Sen có làm sai Điều lệ?

Trước sự phản đối của một số cổ đông, bà Bùi Trân Phượng lý giải rằng, việc tổ chức đại hội toàn trường lần này chỉ nhằm lấy ý kiến của toàn thể đại biểu về việc góp ý dự thảo quy chế hoạt động của trường để chuẩn bị hồ sơ trình các cơ quan có thẩm quyền thẩm định và công nhận Đại học Hoa Sen là trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Bên cạnh đó, ông Lương Văn Lý, luật sư đại diện pháp lý của Đại học Hoa Sen cũng cho rằng, trường đã xác định con đường hoạt động không vì lợi nhuận ngay từ khi Chính phủ có chủ trương cho phép và đã được thực hiện nhiều năm nay nên việc tổ chức đại hội toàn trường là hoàn toàn hợp lý.

TS. Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: gdtd.
TS. Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: gdtd.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Đại học Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định, mặc dù một số người đại diện của Đại học Hoa Sen có những phát ngôn là đang hoạt động không vì lợi nhuận, nhưng trên thực tế trường này hoạt động vì lợi nhuận.

TS Khuyến phân tích: “Tại thời điểm thành lập trường Đại học Hoa Sen như giới thiệu thì khái niệm hoạt động không vì lợi nhuận chưa được công nhận, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ban hành quy chế 61 về hoạt động của Đại học tư thục rồi sau này điều chỉnh, bổ sung bằng quy chế 63. Bản chất là quy chế đó dành cho các trường hoạt động vì lợi nhuận, hoạt động như một công ty cổ phần.

Vì vậy, trong cả quãng thời gian nhiều năm sau này, trường Đại học Hoa Sen được điều chỉnh bởi những văn bản pháp lý như vậy, thì dù muốn hay không cũng là hoạt động vì lợi nhuận. Tôi nghĩ rằng một số trường hoạt động vì lợi nhuận cũng chẳng có gì là xấu cả, vấn đề là phải rõ ràng ngay từ đầu và đảm bảo được chất lượng đào tạo”.

Đại học Hoa Sen phải tuân thủ theo đúng Điều lệ trường Đại học mà Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
Đại học Hoa Sen phải tuân thủ theo đúng Điều lệ trường Đại học mà Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Như vậy, dù muốn hay không thì Đại học Hoa Sen cũng phải tuân thủ Điều lệ trường đại học mà Thủ tướng Chính phủ đã ký (có hiệu lực từ 30/1/2015), đã quy định rõ tại Khoản 2 Điều 34 – Đối với những trường đại học tư thục chuyển sang hoạt động không vì lợi nhuận, hồ sơ gồm:

a. Tờ trình đề nghị chuyển sang hoạt động không vì lợi nhuận, trong đó nêu rõ tôn chỉ, mục đích hoạt động không vì lợi nhuận; phần vốn góp, phần tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia của nhà trường; cam kết việc sử dụng phần tài chính chênh lệch giữa thu và chi của nhà trường theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 6 của Nghị định số 141/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

b. Biên bản họp đại hội đồng cổ đông thông qua việc trường đại học tư thục chuyển sang hoạt động không vì lợi nhuận. Biên bản này phải được sự đồng ý của đại diện tối thiểu 75% tổng số vốn góp của các thành viên góp vốn.

"Cũng theo TS Khuyến, xảy ra chuyện lùng bùng như vậy còn là lỗi từ quản lý nhà nước, bởi trong Nghị quyết 05/2005 công nhận cả hai loại trường “vì lợi nhuận” và “không vì lợi nhuận” (khuyến khích theo hướng không vì lợi nhuận), nhưng lại không có các văn bản hướng dẫn cho các trường muốn hoạt động “không vì lợi nhuận”.

"Lẽ ra với các trường xác định đi theo hướng không vì lợi nhuận ngay từ đầu như Đại học Hoa Sen thì  Bộ Giáo dục và Đào tạo trong Điều lệ trường đại học cần tiếp thu, góp ý của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam để giúp cho họ chuyển đổi thuận lợi hơn. Đến bây giờ, Bộ Giáo dục không nói một câu gì và không đưa ra một phán xử gì để chấm dứt tình trạng bùng nhùng này là rất không ổn, vì chuyện đã kéo dài quá lâu rồi".

Về phía Đại học Hoa Sen, họ sẽ phải tuân thủ theo đúng Điều lệ trường Đại học, cho dù tổ chức Đại hội toàn trường thì cũng chỉ mang tính chất tham khảo, còn nếu chiểu như Điều lệ trường Đại học vừa có hiệu lực thì phải được sự đồng ý của đại diện tối thiểu 75% tổng số vốn góp của các thành viên góp vốn", TS Khuyến nói.

Các quy định cơ bản đã có và khá đầy đủ, vấn đề là người ta sẽ vận dụng, áp dụng và tuân thủ ở mức độ nào mà thôi. Ở môi trường giáo dục, việc để những lùm xùm, tranh chấp ở cấp lãnh đạo, cổ đông của nhà trường tồn tại quá dài gây ảnh hưởng rất lớn đến việc dạy và học.

Trong trường hợp cụ thể này, chỉ cần Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng UBND thành phố Hồ Chí Minh vào cuộc quyết liệt, mọi chuyện sẽ được giải quyết nhanh chóng trên cơ sở thấu tình, đạt lý. Và, người hưởng lợi lớn nhất sẽ là hàng ngàn sinh viên của nhà trường. 

Ngọc Quang