Bộ Giáo dục sẽ "khai tử" nạn quay cóp nếu lắp camera ở phòng thi

21/06/2012 06:04
Độc giả Minh Quý
(GDVN) - Nếu như quy em thí sinh S vào hành vi tiêu cực cần xử phạt thì chẳng khác nào xe cứu thương 115 luôn vi phạm luật lệ giao thông. Khi xe cứu thương chờ đèn đỏ, đi đúng làn đường trong khi xảy ra tắc đường, làm chậm quá trình cấp cứu, gây chết mạng người thì việc tuân thủ giao thông chính là một tội ác. S thấy tiêu cực mà không tố cáo mới là tội, nhưng đã tố cáo rồi thì công của em là rất lớn.
"Hậu" vụ bê bối thi cử tại Bắc Giang đã được các cơ quan ban ngành xử lý. Hàng loạt nhân viên, giáo viên tại Trường THPT DL Đồi Ngô bị sa thải. Với những gian lận trong thi cử, Trường THPT Dân lập Đồi Ngô (Lục Nam) có tỉ lệ tốt nghiệp thấp nhất Bắc Giang với 78,39%. Thế nhưng, sau kết quả đó vẫn chưa làm hài lòng dư luận. Độc giả Minh Quý viết thư về Tòa soạn Báo Giáo dục Việt Nam mong muốn Bộ Giáo dục cần sửa quy chế thi nếu vẫn duy trì kỳ thi tốt nghiệp.

Ngay sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT kết thúc, ngành giáo dục "thở phào" vì đã qua một kỳ thi nghiêm túc. Thế nhưng, cái sự nghiêm túc giả tạo ấy đã bị "lột trần" khi một cậu bé dùng chiếc bút có gắn camera để vạch trần bộ mặt tiêu cực của giáo dục được "che đậy" bấy lâu nay. Nói theo một cách khác, cậu bé ấy đã dùng chiếc bút thần kỳ của mình vẽ nên một bức tranh biếm họa thật sự sinh động về nền giáo dục đương thời.

Sau khi sự việc xảy ra, clip được đăng tải gây xôn xao dư luận, một số quan chức đều coi đây là vụ việc nghiêm trọng vi phạm quy chế, đề nghị phải xử lý nghiêm minh. Ông Đào Trọng Thi (Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng) của Quốc hội cho rằng "Không thể lấy tiêu cực chống tiêu cực" (Ý nói là mang dụng cụ quay phim chụp ảnh vào là vi phạm quy chế). 

Nhưng về phía dư luận thì lại hoàn toàn có những phản ứng trái chiều. Tôi đã đọc nhiều bức thư cũng như comment của các độc giả tâm huyết trên Báo Giáo dục Việt Nam, tỏ ý đồng tình, khen ngợi và đề nghị khen thưởng cho cậu bé dũng cảm kia. Như vậy, việc làm của cậu bé là công hay là tội? Theo tôi, đây là một hành động mang tính chất "tiêu cực nhỏ" chống lại... "tiêu cực lớn”, kết quả mang lại đã vạch trần bộ mặc thực của nền giáo dục còn nhiều hạn chế, để từ đó mỗi cá nhân, tập thể coi đây là bài học, cùng phát triển cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Thiết tưởng, chúng ta hãy nhìn thẳng vào sự thật, hãy "thật thà, dũng cảm" đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy các cháu thiếu niên, nhi đồng. Thật thà ở đây là thật thà nhìn nhận rằng có quá nhiều giả dối đang tồn tại, dũng cảm là vạch trần nó ra.
Hình ảnh lấy từ clip tố cáo tiêu cực tại THPT DL Đồi Ngô, Bắc Giang
Hình ảnh lấy từ clip tố cáo tiêu cực tại THPT DL Đồi Ngô, Bắc Giang
Trước khi phán xét một tội danh nào đó, đầu tiên ta nên xét về động cơ thực hiện. Vì sao thí sinh này lại làm một việc không phải ai cũng làm được? Đó là vì em muốn có sự công bằng trong thi cử. Đó là vì em ghét thói dối trá, tin vào lẽ phải và mong muốn công bằng được chia đều với mọi người. Có người hỏi: Tại sao em không viết đơn tố cáo mà lại... làm "liều" như vậy? Có lẽ bởi khi đó em nghĩ rằng, nếu không có vật chứng thì sẽ không tạo được tự tin tưởng của các cơ quan chức năng, sự việc khó lòng có thể giải quyết được. Như vậy, em cần được các cơ quan chức năng cũng như dư luận xã hội ghi nhận ở điểm này.  Quy chế thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT có quy định nghiêm cấm học sinh đưa những thiết bị, máy móc vào phòng thi, đặc biệt là những thiết bị có gắn điện và điện tử. Nhiều người vin vào quy định này mà đòi xử phạt em.
Cụ thể, trong trường hợp này, chiếc máy quay đó có hình dạng như một chiếc bút, không có màn hình, không kết nối được với internet thì làm sao có thể hỗ trợ em gian lận trong thi cử được. Bên cạnh đó, việc thí sinh S quay clip không ảnh hưởng đến các thí sinh khác trong quá trình làm bài thi thì không có gì là sai phạm. Xét trong hoàn cảnh đó, ngoài việc thí sinh S quay clip thì em cũng không còn sự lựa chọn khác hơn nữa.

Nếu không có chiếc bút này thì S không thể đứng lên, chạy lên Hội đồng thi tố cáo tiêu cực được, vì nhiều nhẽ: Thứ nhất là em không được phép ra ngoài tự do, thứ hai lời em nói sẽ không ai muốn tin cả, dẫn đến kết quả buổi thi kết thúc tốt đẹp như mọi năm. Mà nói với ai bây giờ, khi mà chính Chủ tịch hội đồng thi và các giáo viên ở đó đều đã dính vào cái mớ "bung xung" này rồi?
Chúng ta cần phân biệt rõ, nếu đưa các thiết bị điện tử kia vào phục vụ cho việc quay cóp, tiêu cực thì cấm là đúng. Thế nhưng, mục đích của thí sinh chống tiêu cực, nhằm tố giác hành vi sai trái thì hoàn toàn chấp nhận được, thậm chí đáng tuyên dương. Có như vậy, pháp luật mới thực sự có ý nghĩa, bởi pháp luật sinh ra là để phục vụ con người, làm cho xã hội ổn định và phát triển chứ không phải để xát phạt, trù dập con người. Cùng những suy nghĩ giáo điều, cứng nhắc thì thực trạng chống tiêu cực cũng như chống tham nhũng ở nước ta sẽ không được phát huy.
Nếu như quy em thí sinh S vào hành vi tiêu cực cần xử phạt thì chẳng khác nào xe cứu thương 115 luôn vi phạm luật lệ giao thông. Khi xe cứu thương chờ đèn đỏ, đi đúng làn đường trong khi xảy ra tắc đường, làm chậm quá trình cấp cứu, gây chết mạng người thì việc tuân thủ giao thông chính là một tội ác. S thấy tiêu cực mà không tố cáo mới là tội, nhưng đã tố cáo rồi thì công của em là rất lớn.

Trong xã hội hiện đại, khi khoa học công nghệ phát triển, bất cứ ai cũng có thể trở thành một người chống tiêu cực nhờ những thiết bị quay phim, ghi âm. Theo tôi, nên phát động toàn dân chống tiêu cực bằng những hành động này. Từ đây, sẽ có nhiều thiếu niên dũng cảm giống như S. Có như thế cái xấu mới được gạt bỏ một cách triệt để. Chúng ta cấm cái xấu, cái ác, chứ không thể cấm người dũng cảm chống cái xấu cái ác.
Qua câu chuyện này để thấy rằng, việc mang bút có gắn thiết bị ghi hình vào quay cảnh phòng thi nhằm mục đích chống tiêu cực nằm trong một tình huống không quy định trong quy chế. Quy chế của Bộ chưa chặt chẽ, còn chung chung và không thể nói học sinh quay clip là sai. Xử lý thí sinh trong tình huống này là công việc nằm ngoài quy chế. Nói cho đúng hơn, quy chế chưa lường trước tình huống này để mà đặt ra cách xử lý. Đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có cái nhìn thực tế, bao quát và nhân văn. Nếu không kịp thời có những phương án tối ưu, thi sinh quay clip sẽ bị tổn thương, cô lập chính tại môi trường sống của em. Em sẽ bị tẩy chay khỏi những người xung quanh, ít nhất là cộng đồng nơi em sinh ra, bạn bè, thầy cô.

Cũng sau sự việc này, cuộc tranh luận nên để kỳ thi tốt nghiệp hay nên hủy bỏ nó cũng đang được diễn ra gay gắt. Có người cho rằng, chương trình THPT chỉ là những kiến thức phổ cập, có tính xóa mù ở cấp sơ đẳng nên loại bỏ. Có người lại nghĩ, học là để thi, nếu không có các kỳ thi thì học sinh sẽ không chú tâm vào học. Thế nhưng, dù có kết luận thế nào thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên sửa lại quy chế thi, bởi nó không chỉ liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT mà liên quan đến tất cả các kỳ thi khác vì tiêu cực luôn tồn tại cùng thi cử. Chỉ cần áp dụng một giải pháp đơn giản là lắp camera ở các phòng thi thì nạn quay cóp sẽ bị "khai tử". Nhưng vì sao ngành giáo dục không làm?

Nói đến đây, tôi lại chợt nhớ tới lời của thầy giáo Đỗ Việt Khoa nói trên Báo Giáo dục Việt Nam đúng một ngày trước khi diễn ra kỳ thi tốt nghiệp rằng: "Xin hỏi lãnh đạo Bộ và Sở: Có dám khuyến khích giám thị mang máy quay vào khu vực thi lấy bằng chứng sai phạm không? Có dám cho các trường vi phạm thi lại không?... Lực lượng cơ hội nhiều lắm. Thế thì đừng có hứa quyết tâm làm gì…”.


Độc giả Minh Quý