Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phải hậu kiểm rất vất vả

31/05/2018 07:50
Đỗ Thơm
(GDVN) - Đại biểu Phạm Tất Thắng nhận định như vậy về việc mở rộng tự chủ cho các trường trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã trao đổi xung quanh dự án Luật này.

Theo đại biểu, dự thảo có nhiều điểm mới.

Một trong những điểm mới đó là mở rộng thêm nhiều quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học.  

“Các trường đại học có trách nhiệm rất lớn với xã hội. Đó là phải đào tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng, trình độ cao.

Để quá trình tự chủ đó được thực hiện một cách đúng nghĩa, đầy đủ, để các trường có trách nhiệm cao hơn thì kiểm định có vai trò quan trọng trong câu chuyện này”, đại biểu Thắng nhấn mạnh.

Đại biểu Phạm Tất Thắng cho rằng khâu hậu kiểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ rất vất vả. (Ảnh: Dương Thu)
Đại biểu Phạm Tất Thắng cho rằng khâu hậu kiểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ rất vất vả. (Ảnh: Dương Thu)

Theo ông, qua kiểm định, cơ quan quản lý có thể xác định được chất lượng các trường. Chất lượng đó sẽ liên quan đến khả năng tự chủ của các trường.

Chính từ việc kiểm định chất lượng, các cơ sở giáo dục đại học tạo được niềm tin, có vị trí với xã hội và thực hiện được trách nhiệm xã hội tốt hơn.

Việc kiểm định là đóng dấu chất lượng để xã hội, người học tin tưởng lựa chọn các cơ sở giáo dục đại học phù hợp.

“Kiểm định có vai trò rất quan trọng trong xu thế nâng cao tính tự chủ của các trường đại học hiện nay”, đại biểu Thắng nêu quan điểm.

Trước băn khoăn, quy định về kiểm định trong luật đã đảm bảo  chưa, ông Phạm Tất Thắng cho hay, quy định trong luật chỉ là nguyên tắc.

Cơ quan quản lý sẽ phải có hướng dẫn cụ thể để quy định về các cơ sở có trách nhiệm kiểm định.

Đồng thời khuyến khích các trường tăng cường các hình thức kiểm định của các tổ chức kiểm định chất lượng Quốc tế.

Một điểm dư luận rất quan tâm là các cơ sở giáo dục đại học sẽ được tự chủ mở ngành, in phôi, cấp phát văn bằng.

Theo đại biểu Phạm Tất Thắng, trước đây, với vai trò quản lý, cơ quan quản lý có quy định khá chặt trong việc mở ngành, về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ để mở được ngành.

Quá trình thẩm định rất dài ảnh hưởng đến việc mở ngành của các cơ sở giáo dục đại học.

Cho nên, trong xu thế mở rộng tự chủ hiện nay, các khó khăn vướng mắc về mở ngành đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi khá cơ bản trong dự thảo Luật lần này.

Song song với đó là việc đảm bảo chất lượng đào tạo, tự in cấp phát văn bằng cũng đã được đưa vào dự thảo lần này. Đó là xu thế đương nhiên.

“Bởi khi giao cho các trường tự chủ thì họ phải chịu trách nhiệm với chất lượng đào tạo. Bằng cấp sẽ là chứng nhận sản phẩm đào tạo của nhà trường.

Họ phải chịu trách nhiệm đảm bảo chất lượng đào tạo và cái bằng chính là hình thức công nhận với sản phẩm của trường trước xã hội”, đại biểu nói.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phải hậu kiểm rất vất vả ảnh 2Không nhất trí thay thuật ngữ “học phí” bằng “giá dịch vụ đào tạo”

Tuy nhiên, để quá trình này dần dần tiệm cận đến mong muốn của xã hội với chất lượng của văn bằng cấp ra, chắc chắn cơ quan quản lý phải có quy định, tiêu chuẩn, hình thức.

“Đặc biệt là quy trình cấp phát văn bằng, chứng chỉ làm sao đảm bảo chất lượng.

Làm sao tránh phát sinh mặt trái, các hiện tượng xã hội chúng ta không mong muốn như bằng giả, chứng chỉ giả”, đại biểu Thẳng chia sẻ.

Theo ông, cơ quan quản lý vẫn phải có trách nhiệm đôn đốc kiểm tra. Làm sao văn bằng đảm bảo đúng là một chứng nhận sản phẩm đào tạo của cơ sở giáo dục đại học. Tránh hệ lụy chúng ta không mong muốn.

Đại biểu khẳng định: “Khâu hậu kiểm của Bộ Giáo dục và Đạo tạo sẽ rất vất vả”.

Đỗ Thơm