Bộ đừng "cầm tay chỉ việc" nữa, hãy để các trường tự quyết thi hay xét tuyển

06/01/2018 06:41
Thùy Linh
(GDVN) - Từ khi áp dụng Thông tư 22 (trước là Thông tư 30), kỹ năng làm bài thi của học sinh Tiểu học rất kém nên vào lớp 6 nhiều học sinh không biết cách làm bài thi.

Tháng 12/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh Trung học cơ sở và tuyển sinh Trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014.

Khoản 2, điều 4 của dự thảo có nêu:“Tuyển sinh Trung học cơ sở theo phương thức xét tuyển.

Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh”.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, việc tuyển sinh Trung học cơ sở phải bảo đảm yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục trung học cơ sở trên địa bàn.

Như vậy có nghĩa là, chỉ những trường đặc thù không thực hiện nhiệm vụ phổ cập, tuyển sinh học sinh theo đúng tuyến được phân công mới được phép có hình thức tuyển sinh kiểm tra, đánh giá năng lực. 

Từ khi áp dụng Thông tư 22 (trước là Thông tư 30), kỹ năng làm bài thi của học sinh Tiểu học rất kém nên vào lớp 6 nhiều học sinh không biết cách làm bài thi. (Ảnh minh họa: Báo Hà Nội mới)
Từ khi áp dụng Thông tư 22 (trước là Thông tư 30), kỹ năng làm bài thi của học sinh Tiểu học rất kém nên vào lớp 6 nhiều học sinh không biết cách làm bài thi. (Ảnh minh họa: Báo Hà Nội mới)

Chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phạm Trung Dũng - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho hay, là trường ngoài công lập nên địa bàn tuyển sinh của trường Lương Thế Vinh trên toàn thành phố thậm chí cả nước nên không ảnh hưởng đến các trường khác cũng như không ảnh hưởng gì đến việc phổ cập giáo dục theo tuyến. 

Dự thảo với quy định cởi mở về việc tuyển sinh vào lớp 6 tạo điều kiện cho các nhà trường chọn được học sinh có chất lượng, tương đối chính xác và công bằng hơn trong việc tuyển sinh. 

Tôi cho rằng, áp dụng hình thức tuyển sinh xét tuyển hay kiểm tra đánh giá năng lực thì nên để các cơ sở giáo dục tự quyết chứ Bộ, Sở đừng nên “cầm tay chỉ việc” và cũng đừng áp đặt kiểu nửa xét tuyển, nửa thi tuyển”, Hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh nhấn mạnh.

Bộ đừng "cầm tay chỉ việc" nữa, hãy để các trường tự quyết thi hay xét tuyển ảnh 2Tuyển sinh trực tuyến chỉ phù hợp với trường công, không nên ép trường tư

Thầy Dũng cho rằng, việc bỏ thi vào lớp 6 từ năm 2014 đã nảy sinh không ít bất cập, các trường những năm trước được quyền thi tuyển thì mấy năm qua, dù tuân thủ quy định nhưng khi phải tiếp nhận học sinh mà mình không kiểm soát được đầu vào nên chất lượng giảm so với khi thi tuyển. 

Chia sẻ những khó khăn đang gặp phải trong việc tuyển sinh vào lớp 6 của Trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh, thầy Hiệu trưởng cho biết:

“Trong 3 mùa tuyển sinh vào lớp 6 vừa qua, trường Lương Thế Vinh gặp khá nhiều khó khăn trong việc xét tuyển thể hiện trong việc chọn lọc hồ sơ”. 

Thầy Dũng chia sẻ, giả sư trường lấy điểm tổng kết của 5 năm Tiểu học cộng lại nếu đạt 100 điểm thì hồ sơ của học trò đó đạt yêu cầu. Tuy nhiên chỉ tiêu của nhà trường chỉ là 600 trong khi có tới 1000 hồ sơ đều đạt yêu cầu 100 điểm.

Vậy trường biết chọn thí sinh nào, loại thí sinh nào?

Và khi có lượng học sinh đăng ký dự tuyển quá đông, trường đã đưa ra ra tiêu chí phụ là các giải thưởng để xét tuyển, chọn lọc hồ sơ.

Do vậy, giả sử một học sinh đạt 98 hay 99 điểm/5 năm tiểu học  nhưng có giải thưởng thì sẽ được chọn vào trường còn em học sinh đạt 100 điểm mà không có giải thưởng nào thì sẽ bị loại. 

Chính những điều này đã làm cho chất lượng đầu vào lớp 6 của nhà trường bị giảm sút so với trước”, thầy Dũng cho hay. 

Hơn nữa, kể từ khi áp dụng Thông tư 22 (trước đó là Thông tư 30), kỹ năng làm bài thi của học sinh Tiểu học rất kém do đó khi vào học lớp 6 nhiều học sinh không biết cách làm bài thi và tốc độ ghi chép của các em rất chậm nên không đáp ứng thời gian kiểm tra (15 phút, 1 tiết). 

Do đó, ngay từ đầu học kỳ 1 của lớp 6 nhà trường buộc phải tăng thời lượng học tập để nâng dần trình học sinh lên từ cách ghi chép bài, cách làm bài kiểm tra, phương pháp học tập. 

Thùy Linh