Bố mẹ tảo tần làm bún nuôi 7 con học Đại học, Cao đẳng

29/08/2013 07:22
Bùi Hồng Mạnh
(GDVN) - Cả 7 anh em vượt khó học hành với khát vọng thoát khỏi “lũy tre làng”. Trong đó 5 người học Đại học, 2 người học Cao đẳng. Chuyện gia đình ông bà Cao Hữu Sáo - Nguyễn Thị Thảo, làm bún ở xã Điền Hải (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) có con học hành thành đạt khiến người dân nghèo vùng biển này ngưỡng mộ, kính phục.
“Thân cò lặn lội” cho con nên người

Đến thôn 2, xã Điền Hải hỏi nhà ông Sáo, bà Thảo, từ trẻ em đến cụ già ai cũng biết bởi tấm gương hiếu học của các con ông bà. Một cụ già trong xã khi tôi hỏi nhà, liền chỉ tay nói: “Chú đến thôn 2 người ta chỉ tiếp cho, ở đó ai cũng biết “Gia đình văn hóa” này mà!”. Thì ra, “Gia đình văn hóa” là danh xưng mà người dân nơi đây gọi “tổ ấm” của gia đình ông bà Sáo.

Ông bà Cao Hữu Sáo-Nguyễn Thị Thảo có 7 người con thì cả 7 người đều học đến Đại học, Cao đẳng. Anh Cao Hữu Dũng, 33 tuổi, con trai trưởng ông Sáo tâm sự: “Nhà tôi làm 1,2 mẫu ruộng cực nhọc nhưng cũng chỉ đủ ăn. Chứng kiến cảnh bố mẹ ngày ngày còng lưng ngoài đồng mà không có phương tiện cơ giới như bây giờ, anh em tôi chỉ biết bảo ban, động viên nhau ráng học để bố mẹ được mở mặt mở mày.

Những lúc anh em tôi đi học, bố mẹ chỉ biết nhìn vào bồ thóc trong nhà để mua sách vở, đồ dùng học tập, đóng tiền học cho con, nhất là khi anh em tôi nối tiếp nhau vô các trường Đại học, Cao đẳng thì ông bà rất lo lắng, vất vả!”, 

Ông bà Sáo – Thảo và các con. Ảnh: Hồng Hạnh
Ông bà Sáo – Thảo và các con. Ảnh: Hồng Hạnh

Nhà nghèo nhưng được cái 7 người con ông Sáo đều chăm ngoan, học giỏi. Các thầy cô trường THPT Tam Giang (Phong Điền) đều ấn tượng tốt đẹp về 7 người con ông bà, bởi vẻ chất phác, hiền lành. Đặc biệt là tư chất thông minh, chăm chỉ học hành, thường xuyên nằm trong tốp học sinh tiêu biểu của trường.

Công lao tần tảo nuôi con ăn học của ông bà được báo đáp khi anh Dũng thi đỗ khoa Luật Thương mại, Đại học Luật TP Hồ Chí Minh (1998). Hiện, anh Dũng làm ở Ban Pháp chế - Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tiếp nối anh, năm 2003, cô em Cao Thị Thủy, sinh năm 1983, thi đỗ Cao đẳng Quản lý lao động (Huế). Một năm sau, em gái Cao Thị Mỹ, sinh năm 1984, thi đỗ nghành Việt Nam học, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh.

Tốt nghiệp năm 2008, Mỹ được nhận vào làm ở Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh. Không chịu thua chị kém anh, năm 2006, cậu con trai thứ 4 Cao Hữu Sỹ, sinh năm 1986, thi đỗ Đại học Nông Lâm Huế, nghành Quản lý đất đai. Dũng hiện làm ở Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh nhà.Góp phần “đa dạng hóa bảng vàng đại học” của gia đình ông Sáo là việc cậu con sinh năm 1989, Cao Hữu Song thi đỗ Đại học Nông Lâm Huế (2008).

 Đang học nghành Quản lý tài nguyên rừng và môi trường, thế rồi hơn 1 tháng học môn Giáo dục Quốc phòng ở trường, những ấn tượng tốt đẹp về người lính và môi trường quân ngũ cứ “ám ảnh”.  Song, cộng với tình thương bố mẹ quá vất vả nuôi con ăn học là “chất xúc tác” khiến Song quyết chí chuyển nghành.

 Năm 2009, khi bao sinh viên đang vui hè, thì Song âm thầm ôn thi vào Trường Sỹ quan Lục quân II (Đại học Nguyễn Huệ). Tốt nghiệp tháng 8-2013 nghành Binh chủng hợp thành, Thiếu úy Cao Hữu Song được Bộ Quốc phòng điều động công tác về lực lượng Bộ đội Biên phòng, trở thành người con duy nhất công tác trong lực lượng vũ trang.

Tốt nghiệp cùng đợt với anh trai Cao Hữu Song, cô em Cao Thị Vân, sinh năm 1991, cũng đã nỗ lực “tậu” được tấm bằng loại ưu (điểm trung bình toàn khóa của Vân là 8,2 điểm) nghành Kế toán kiểm toán, Đại học Kinh tế Huế.

Dù học lực tốt, nhưng cậu con út sinh năm 1992 Cao Hữu Sơn đành gác lại giấc mơ đại học để thi cao đẳng, nhằm giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Hiện, Sơn đang học năm thứ hai nghành Công nghệ kỹ thuật xây dựng, Cao đẳng Quản lý xây dựng đô thị Huế.

7 người con lần lượt vào Đại học, Cao đẳng làm ông bà Sáo-Thảo phấn khởi, tự hào với làng xóm. Nhưng cũng vì “Chúng vào Đại học, Cao đẳng... nhiều quá, khiến vợ chồng tôi lắm lúc... “xanh mang”! Năm 2009, vợ chồng tôi bàn nhau vay mượn 60 triệu đồng mua máy móc làm bún cung cấp cho các tiệm ăn, nhà hàng trong huyện. Có rứa mới “trụ” được đến đứa út đang học cao đẳng đó chớ!”, bà Thảo kể.

Ông Cao Huy Mẫn, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Điền Hải cho biết: “Tấm gương hy sinh vì con và ý chí học tập của các con gia đình bác Sáo khiến người dân xã rất kính phục, noi gương. Bác Sáo còn được dân làng tín nhiệm bầu làm trưởng thôn để thúc đẩy phong trào học tập ở địa phương”. Ngoài tích cực việc thôn, ông Sáo còn thức khuya dậy sớm phụ giúp vợ làm bún, đưa bún nhập mỗi ngày.

Bà Thảo tần tảo cùng gánh bún nuôi các con ăn học thành đạt. Ảnh Hồng Hạnh
Bà Thảo tần tảo cùng gánh bún nuôi các con ăn học thành đạt. Ảnh Hồng Hạnh
Truyền thống làng quê và “trái tim vàng” của chàng Thiếu úy 

Trưởng thôn 2 Cao Hữu Sáo cho biết, cả thôn có 418 hộ/1800 khẩu. Đời sống người dân xã Điền Hải nói chúng, thôn 2 nói riêng nhìn chung còn khó khăn, vất vả. Song ai cũng quan tâm chăm lo việc học của con cái. “Chúng tôi xác định: Muốn thoát nghèo bền vững thì phải mở mang học vấn để nâng cao dân trí. Nhiều gia đình còn khó khăn, con đông, song vẫn ráng lo cho con cái học hành tử tế.

 Được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương và ý thức về sự học của mỗi gia đình. Đến nay, hơn 30% học sinh thôn 2 tốt nghiệp PTTH đã và đang học các trường đại học, cao đẳng tập trung ở Huế, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nhiều người học hành thành đạt là động lực thôi thúc, cổ vũ những gia đình khác noi theo, từ đó tạo thành phong trào học tập trong thôn”, ông Sáo nói.

Sống trong “đất học” ấy, ông bà Sáo-Thảo không muốn bị hàng xóm coi thường, luôn răn dạy, động viên con cái học hành. Ông bà không quản ngại khó nhọc, chắt chiu từng củ khoai, hạt thóc nuôi con, chỉ mong sao chúng không phải khổ cực như bố mẹ. 

Người con thứ 5 của ông Sáo, Thiếu úy Cao Hữu Song tốt nghiệp loại khá nghành Binh chủng hợp thành, Trường Sỹ quan Lục quân II (trong ảnh, Song đang chăm chú bài báo về gia cảnh thủ khoa Đại học Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tiến).
Người con thứ 5 của ông Sáo, Thiếu úy Cao Hữu Song tốt nghiệp loại khá nghành Binh chủng hợp thành, Trường Sỹ quan Lục quân II (trong ảnh, Song đang chăm chú bài báo về gia cảnh thủ khoa Đại học Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tiến).

Đáng nói là khi đã học hành thành danh, các con ông bà luôn nặng lòng trước những em sinh viên nghèo học giỏi. Người con thứ 5, Thiếu úy Cao Hữu Song tâm sự: “Chúng tôi từng trải qua cảnh ngộ như các em nên khi biết những em học sinh, sinh viên nghèo vượt khó học giỏi, chúng tôi có mối đồng cảm tự nhiên và muốn giúp các em bớt một phần khó khăn trong khả năng có thể!”.

Được biết, Thiếu úy Cao Hữu Song chính là một trong những nhà hảo tâm trong bài “Liên tiếp những tin vui đến với thủ khoa Đại học Y Hà Nội” trên báo điện tử Giáo dục Việt Nam. Anh chính là nhân vật chính trong bài “Tấm lòng chàng sỹ quan trẻ” (báo Quân đội nhân dân, ngày 18-8-2013).

 Đọc bài báo “Bố sống trong cống, chấp nhận bị khinh rẻ nuôi 4 con học đại học”, Song vô cùng xúc động, mến phục em học sinh nghèo ở xã Phương Tú (Ứng Hòa, Hà Nội) Nguyễn Hữu Tiến thương bố mẹ vất vả đã thi đỗ thủ khoa Đại học Y Hà Nội. Chàng sỹ quan trẻ liền gọi điện về báo chia sẻ. Song bộc bạch: “Dù mới tốt nghiệp, lương cũng không cao, nhưng tôi muốn giúp Tiến một khoản tiền. Hy vọng món quà nhỏ này sẽ góp phần động viên Tiến tiếp tục phấn đấu vươn lên!”.
Bùi Hồng Mạnh