Bộ mở, Sở đóng

28/04/2018 06:00
Trinh Phúc
(GDVN) - “Hiện tồn tại tư duy quản lý các trường tư thục mang tính ban ơn, cố gắng quản lý thật chặt chứ không làm như Thủ tướng nói là phải theo hướng kiến tạo”.

Quản lý kiểu ban ơn, thiếu tư duy kiến tạo

Ngày 26/4, tại Hội thảo Tuyển sinh của các trường tư thục: Thực trạng và giải pháp do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức đã thu hút nhiều ý kiến lãnh đạo các trường tư thục, các chuyên gia và các nhà quản lý giáo dục.

Trong hội thảo lần này, lãnh đạo nhiều trường tư thục tỏ ra rất bức xúc về cách quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội liên quan đến công tác tuyển sinh.

Rất tiếc, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có mời lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đến tham dự hội thảo nhưng Sở không cử cán bộ tham dự để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các trường tư thục.

Ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) - ảnh Lại Cường.
Ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) - ảnh Lại Cường.

Liên quan đến công tác tuyển sinh, thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) đã chỉ ra nhiều bất cập trong quy định tuyển sinh của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Thầy Khang nhấn mạnh: “Nếu các trường tư được tự chủ tuyển sinh, phụ huynh học sinh sẽ có nhiều phương án, nếu con em mình không đủ điều kiện vào các trường tư hàng đầu. Đó là quyền học tập của trẻ em.

Quy định của Sở đang gây khó cho phụ huynh nên vì quyền lợi cao nhất của học sinh, cha mẹ học sinh chúng tôi sẵn sàng chịu sự khiển trách của Sở.

Hiện nay, chúng tôi đã tuyển sinh xong học sinh vào lớp 1 mặc dù Sở cấm. Chúng tôi sẵn sàng vì lợi ích của học sinh và phụ huynh mà quên mình!”.

Đồng quan điểm, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đoàn Thị Điểm chia sẻ:

Công văn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đối với các trường tiểu học, trung học cơ sở phải tuyển sinh vào đúng ngày quy định của Sở. Tức là từ ngày 1/7 đến ngày 3/7, các trường tư thục mới được tuyển sinh.

Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đoàn Thị Điểm (ảnh Lại Cường).
Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đoàn Thị Điểm (ảnh Lại Cường).

“Nói nghiêm túc, không trường nào không có động thái tuyển sinh trước ngày này.

Tôi cũng giống như thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie sẵn sàng nhận khiển trách để tạo điều kiện cho học sinh, phụ huynh.

Nếu cứ quy định như thế này, cái khó không rơi vào trường tư như chúng tôi mà đang làm khó phụ huynh học sinh.

Chúng tôi bắt buộc các phải lách, nếu không lách sẽ gây khó khăn cho người dân.

Chúng tôi sẵn sàng chịu khiển trách nhưng mang lại lợi ích cho nhiều phụ huynh. Họ sẽ sớm được biết là con họ có hay không được vào trường”, cô Hiền chia sẻ.

Bộ mở, Sở đóng ảnh 3Hà Nội còn làm khó, các trường tư vì học sinh buộc phải "lách"

Cũng liên quan đến chính sách tuyển sinh, thầy Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho rằng:

“Nếu chỉ có thời gian tuyển sinh vào 2-3 ngày thì làm sao tránh khỏi tình trạng xếp hàng, đặt gạch.

Ví dụ Trường Đoàn Thị Điểm số lượng hồ sơ đăng ký là 2.000 nhưng chỉ tiêu là 500, vậy thì rõ ràng ai cũng muốn đi sớm, nộp sớm nên chuyện phụ huynh đi xếp hành từ 3 giờ sáng là dễ hiểu”.

Thầy Hòa cũng nêu tư tưởng của Đảng, Chính phủ là quản lý kiến tạo, do đó muốn giáo dục cất cánh, đất nước phát triển thì cần bỏ cung cách quản lý cứng nhắc.

“Nếu chúng ta cứ vui mừng vì đưa các trường vào một kỷ cương thì sẽ bóp chặt sự sáng tạo, chắc chắn giáo dục không phát triển được”, thầy Hòa nhấn mạnh.

Thầy Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: "Hiện tồn tại tư duy quản lý các trường tư thục mang tính ban ơn" - ảnh Lại Cường.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: "Hiện tồn tại tư duy quản lý các trường tư thục mang tính ban ơn" - ảnh Lại Cường.

Từ những quy định “trói chân” các trường tư thục của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội phân vân: “Tại sao Thành phố Hồ Chí Minh có sự cởi mở về tuyển sinh, trên cơ sở nào người ta làm được như vậy nhưng Hà Nội lại trói?

Quan điểm của tôi là cần phải tháo gỡ những vấn đề cốt lõi không chỉ về vấn đề tuyển sinh mà rộng hơn đó là nhận thức về trường tư thục”.

Bộ mở, Sở đóng ảnh 5Không để bất cứ ai cố tình kéo lùi sự phát triển của giáo dục ngoài công lập

Qua phân tích thực trạng hiện nay trong chính sách đối với trường tư thục, thầy Nguyễn Tùng Lâm đưa ra ý kiến:

“Tôi kiến nghị cần phải có giải pháp để các trường tư thục phát triển bền vững.

Hiện tồn tại tư duy quản lý các trường tư thục mang tính ban ơn, cố gắng quản lý thật chặt chứ không làm như Thủ tướng nói là phải theo hướng kiến tạo”.

Cần có sự quản lý khác hoàn toàn chứ gò hết tất cả vào như quản lý trường công lập là không phù hợp”.

Không thể để tuyển sinh theo kiểu như hiện nay

Sau khi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng đến từ các trường tư thục, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội - bà Ngô Thị Minh cho rằng: “Chủ trương của Đảng và Nhà nước là tạo điều kiện phát triển trường tư thục tuy nhiên cấp dưới hiện đang có những quy định mang tính kéo lùi sự phát triển.

Tuyển sinh đầu cấp đã tạo nên áp lực rất lớn tại nhiều địa phương trong đó có Hà Nội. Nhưng tại sao lại có quy định tuyển đầu vào cả công lập và tư thục cùng một thời điểm.

Tôi cho rằng, việc đồng loạt tuyển sinh như vậy sẽ gây rất nhiều trở ngại khó khăn cho người dân”.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo). ảnh: Lại Cường.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo). ảnh: Lại Cường.

Liên quan đến tuyển sinh đầu cấp, phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: “Thông tư 05/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định thay đổi tuyển sinh vào trung học cơ sở.

Áp dụng hình thức xét tuyển bình thường ở đại đa số các trường trung học cơ sở.
Nhưng đối với các trường tư thục và một số các trường công lập có uy tín, số lượng đăng ký tuyển sinh cao hơn chỉ tiêu thì áp dụng xét tuyển với kiểm tra đánh giá năng lực.

Trong thông tư 05 nêu rõ các sở chỉ hướng dẫn nhà trường thực hiện phương thức xét tuyển và kiểm tra đánh giá năng lực chứ không có quy định nào buộc các trường xây dựng phương án, rồi cấp thẩm quyền phê duyệt”.

Bộ mở, Sở đóng ảnh 7Trường tư thục Hà Nội sẵn sàng "vì nhân dân quên mình"

Ông Nguyễn Xuân Thành nói thêm: “Trong hội thảo lần này nói rất nhiều về tuyển sinh, một là thời gian hai là phương thức.

Quan điểm của Bộ, phương thức giao cho các trường chủ động kiểm tra đánh giá năng lực.

Kiểm tra đánh giá năng lực mà chỉ là bài test trên giấy không đúng bản chất của việc kiểm tra đánh giá năng lực.

Kiểm tra đánh giá năng lực đòi hỏi giao quyền tự chủ nhà trường tuyển học sinh theo năng lực mà người ta mong muốn.

Vì vậy, với trường số lượng ít thì hoàn toàn có thể sẽ có phương thức phù hợp của nhà trường theo tinh thần mong muốn của nhà trường. Tinh thần của câu kiểm tra đánh giá năng lực trong Thông tư 05 là như vậy.

Việc kiểm tra đánh giá năng lực mà ghi trong Thông tư 05 với việc làm bài trắc nghiệm chỉ ghi trên giấy thì không phải như vậy”.

Về mặt thời gian tuyển sinh ông Nguyễn Xuân Thành nêu quan điểm: “Việc thời gian tuyển sinh dành đủ thì giờ cho phụ huynh học sinh được tìm hiểu kỹ về nhà trường, được nghiên cứu kỹ để có thì giờ cân nhắc lựa chọn sao cho đúng với mong muốn. Tinh thần Thông tư 05 của Bộ là như vậy”.

Qua ý kiến phát biểu tại hội thảo có thể thấy, việc trao quyền tự chủ cho các trường tư thục là chủ trương đúng đắn.

Nguyện vọng được tự chủ trong tuyển sinh vì quyền lợi của phụ huynh học sinh là yêu cầu khách quan mà thực tiễn đặt ra.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những thay đổi để tạo điều kiện cho các trường tư thục trong tuyển sinh nhưng phía Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lại siết.

Nguyên nhân có thể xuất phát từ tư duy quản lý và cách hiểu không đúng về những đổi mới của Bộ Giáo dục trong Thông tư 05 về tuyển sinh vừa ban hành.

Trinh Phúc