Bộ não đặc biệt của nhà sử học Thomas Carlyle

04/10/2012 06:02
Theo CAND
Cả đời ông chỉ duy nhất một lần nhận làm công chức. Đó là khi ông được mời giữ chức Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp danh tiếng Edinburgh, nơi ông từng theo học thời trẻ. Hầu như tất cả thời gian và sức lực đều được Thomas Carlyle dồn vào việc nghiên cứu và viết sách. Ông đã để lại cho đời sau những tác phẩm đồ sộ và sâu sắc, có thể được nhìn nhận theo nhiều cách nhưng thường là rất hữu ích. Nhiều câu văn của ông cho tới nay vẫn khiến chúng ta phải khâm phục bởi sự tinh tường và anh minh.
Thông minh và cần cù
Thomas Carlyle sinh ngày 4/12/1795 tại Scotland, trong gia đình nông dân mộ đạo. Cha ông là thợ đá ở làng quê.
Cả hai đấng sinh thành của nhà triết gia tương lai đều là những người theo thuyết thần học Calvin. Và họ rất quan tâm tới sự phát triển tín ngưỡng trong lòng con mình và cũng muốn cho cậu con trai sáng dạ lớn lên trở thành linh mục. Chính vì thế nên ngay từ năm 14 tuổi (1809), Thomas Carlyle, vốn sớm bộc lộ năng khiếu đối với các môn khoa học nhân văn, đã được đưa vào học ở Trường Đại học Tổng hợp Edinburgh. Và Carlyle đã tốt nghiệp học đường này vào năm 1814. Tuy nhiên, vì không muốn trở thành cha cố nên ở năm cuối cùng trong bậc đại học, Carlyle đã chuyển sang học chuyên sâu để trở thành giáo viên toán rồi đi dạy ở tỉnh lẻ.

Nhà sử học người Anh Thomas Carlyle.
Nhà sử học người Anh Thomas Carlyle.

HỘP THƯ TỐ CÁO TIÊU CỰC GIÁO DỤC

Vài năm sau, ông mới trở lại với Edinburgh và kiếm kế sinh nhai chủ yếu nhờ tiền nhuận bút có được chăng hay chớ nhờ các tác phẩm liên quan đến văn học. Một thời gian, ông đã đi sâu vào nghiên cứu luật học nhưng rốt cục đã dành toàn bộ tâm lực cho các hoạt động văn học, đặc biệt là việc nghiên cứu và dịch các tác phẩm văn học Đức. Định hướng này về sau chi phối toàn bộ hệ tư tưởng của Carlyle.
Phải nói rằng, ngay từ trẻ, Carlyle đã bộc lộ một tinh thần lao động tới quên mình. Dường như ý nghĩa cuộc sống của ông chỉ xoay xung quanh các tìm tòi trí tuệ trong phòng giấy.
Thế giới quan triết học và quan điểm về lịch sử nhân loại của Carlyle được hình thành dưới ảnh hưởng của các nhà lãng mạn người Đức, nhất là Johan Gottlieb Fichte (1762-1814). Đây là một trong những đại diện xuất sắc nhất của trường phái triết học cổ điển Đức và cũng là một trong những triết gia đã sáng lập nên hướng nghiên cứu trong triết học mang tên chủ nghĩa lý tưởng chủ quan mà về sau đã được phát triển trong các công trình lý thuyết và mỹ học của Immanuel Kant.
Bản dịch tiểu thuyết Wilhelm Meister của Johan Wolfgang von Goethe năm 1824 và cuốn sách Cuộc đời Schiller năm 1825 đã là những tác phẩm văn học lớn đầu tiên của Carlyle. Tiếp theo đó là những bài phê bình văn học và bản dịch các tác phẩm của Jean Paul (1763-1825), Ernst Theodor Amadeus Hoffmann (1776-1882), Johann Ludwig Tieck (1773-1853)… được in trong tạp chí Toàn cảnh Edinburgh.

Cũng trong ấn phẩm này ở đầu những năm 30 của thế kỷ XIX đã xuất hiện bài báo đầu tiên của Carlyle mang tính chất chung hơn Những dấu hiệu của thời đại, không hoàn toàn thích hợp với phong cách tự do của ấn phẩm này. Đoạn văn tiếp theo của Carlyle, Teufelsdrockh, về sau được phát triển thành hẳn một cuốn sách Sartor Resartus, cũng như tập Lịch sử văn học Đức của Carlyle đã vô cùng khó khăn trong việc tìm kiếm được nhà xuất bản ở Anh chấp nhận in chúng vì phong cách của tác giả bị coi là không hợp thời. Rốt cục là Sartor Resartus đã được in ở Mỹ trước khi xuất hiện ở Anh…
Sự độc đáo cũng là nét nổi bật ở những tác phẩm khác của Carlyle Lịch sử cách mạng Pháp (1837), Chartism (1839), các bài giảng về các anh hùng cũng như về tính anh hùng trong lịch sử On Hero worship (1841) và trong tập suy nghĩ lịch sử và triết học Past and present (1843).
Những tư tưởng mà Carlyle truyền bá xa lạ với những gì phổ cập ở xã hội Anh thời đó. Chính vì thế nên ông đã rất mau chóng cảm nhận được sự cô độc của mình, vì ông không tâm đầu ý hợp được với bất cứ một chính đảng nào ở Anh. Mọi sự quá đà đến mức đã có lúc Carlyle dự định tự đứng ra xuất bản một tạp chí riêng để truyền bá tư tưởng của “chủ nghĩa cực đoan tỉnh táo” do chính ông khởi xướng.
Lịch sử tựa anh hùng
Tất cả những tác phẩm vừa được nêu ra ở trên đều thấm đẫm khát vọng dồn toàn bộ tiến trình phát triển của nhân loại vào đường đời muôn nẻo của những cá nhân kiệt xuất (theo học thuyết mà Carlyle truyền bá, lịch sử thế giới đồng nghĩa với tổng bộ tiểu sử các vĩ nhân), chỉ đặt vào trong cơ sở của nền văn minh duy nhất nghĩa vụ đạo đức. Chương trình chính trị của Carlyle chỉ giới hạn bởi việc tôn vinh lao động, ý thức đạo đức và niềm tin. Đánh giá mang tính cường điệu hóa cái anh hùng trong lịch sử cũng như sự hoài nghi, không tin tưởng ở các định chế và tri thức đã dẫn Carlyle tới sùng bái quá khứ, vốn thích hợp hơn đối với các cá nhân anh hùng.
Theo tư duy của Carlyle, khi khởi nguồn anh hùng trong xã hội suy giảm, thì các sức mạnh tàn phá tiềm ẩn của quần chúng sẽ bắt đầu hoành hành và chúng sẽ tác oai tác quái cho tới khi xã hội lại tìm những anh hùng đích thực, những thủ lĩnh của mình (thí dụ như Oliver Cromwell hay Napoléon…). Quan điểm của ông được thể hiện rõ nét nhất trong 12 Bài văn đả kính gần đây (Latter-day pamphlets, 1858). Trong những tác phẩm này, ông đã giễu cợt việc giải phóng người nô lệ da đen, nền dân chủ, việc từ thiện, các học thuyết chính trị kinh tế học. Chính vì thế nên không chỉ những đối thủ truyền kiếp của Carlyle mắng mỏ ông mà ngay cả những người từng hâm mộ ông cũng bắt đầu rời xa ông.
Trong tất cả các tác phẩm của Carlyle, cuốn Letters and Speeches of Oliver Cromwell (1845-1846) với những lời ghi chú được đánh giá là có ý nghĩa lịch sử to lớn nhất, mặc dù những ghi chú đó không hoàn toàn khách quan khi viết về “nhân vật anh hùng yêu quý” Cromwell của ông. Công trình đồ sộ nhất của Carlyle History of Frederick II (1858-1865), từng bắt ông phải bỏ công sang Đức tìm hiểu thực địa mặc dầu có rất nhiều ưu điểm vẫn bị đánh giá là có nhiều đoạn tràng giang đại hải. Năm 1847 đã xuất hiện tập sách của ông Những thử nghiệm lịch sử và phê phán (tuyển tập các bài báo). Năm 1852, ông cho xuất bản tập sách viết về cuộc đời một người bạn ông từ thời trai trẻ, thi sĩ Sterling.
Từ năm 1868 tới năm 1870, Carlyle đã dồn sức cho việc xuất bản toàn tập các tác phẩm Library edition, gồm 34 tập. Tiếp theo ông cho in những ấn bản rẻ tiền People’s edition các tác phẩm của mình và chúng về sau đã được tái bản rất nhiều lần. Rõ ràng là người Anh đã nhận được nhiều điều bổ ích mà Carlyle đã chiêm nghiệm ngay cả khi ý tưởng của ông không hẳn đã trùng hợp mà còn ngược lại với những điều họ đang nghĩ. Ông là một người phản biện vĩ đại.
Năm 1875, Carlyle công bố một loạt các phóng sự của mình dưới nhan đề Những vị vua Na Uy đầu tiên. Năm 1866, Carlyle được mời làm Hiệu trưởng Trường Đại học Edinburgh danh giá. Ngoài cương vị này, ông không khi nào giữ bất cứ một chức vụ hành chính nào khác mà chỉ dồn sức cho nghiên cứu và viết sách.
Trong cuộc chiến tranh giữa Pháp và Phổ, Carlyle đã đứng về phía Phổ và chân thành ủng hộ người Đức trong các lá thư in trên tờ Times và tới năm 1871 được in thành một tập sách riêng…
Carlyle mất ngày 5/1/1881 ở London. Tồn tại nhiều cách đánh giá về ông. Có ý kiến cho rằng, những tư tưởng mà Carlyle truyền bá về chủ nghĩa anh hùng đã khởi nguồn cho những cực đoan thời hiện đại trong xã hội châu Âu. Thực ra, tư tưởng của Carlyle ngay cả ở trong những phát biểu “nóng miệng” nhất của ông vẫn luôn sáng tỏ trí tuệ và biết dừng lại ở những ranh giới hữu lý…

Những lời hay ý đẹp trích từ các tác phẩm của Thomas Carlyle:

- Bất cứ một cuộc cách mạng nào đều được ấp ủ tư tưởng bởi những người lãng mạn, được những kẻ cuồng tín thực hiện nhưng lại bị những kẻ bất lương nhất lợi dụng thành quả.

- Nhiệm vụ chính của chúng ta không phải là hướng tới chân trời mờ mịt đằng trước của tương lai mà là hành động ngay bây giờ, theo cách mà chúng ta thấy rõ.

- Hãy lựa chọn mục đích cuộc sống và dồn hết sức mạnh tinh thần và thể xác đã được chúa trời ban cho để đạt được nó.

- Ngay khi chúng ta  bắt đầu cảm thấy cơn giận khi tranh luận thì tức là chúng ta đang tranh luận không phải vì chân lý mà vì chính bản thân mình.

- Cảm giác khó chịu nhất là cảm giác bất lực.

- Con người có mục tiêu sáng rõ sẽ tiến lên được phía trước ngay cả trên con đường gập ghềnh nhất. Người không có mục tiêu thì kể cả trên đường bằng phẳng nhất cũng bị giậm chân tại chỗ.

- Sự mất niềm tin khủng khiếp nhất là mất niềm tin vào chính bản thân mình.

- Lý tưởng ở trong chính ta. Cản trở vươn tới nó cũng ở trong chính ta. Tình cảnh của ta chính là chất liệu để ta xây dựng nên lý tưởng đó.

- Nếu bạn muốn ngăn ai đó không làm việc gì đó thì hãy buộc anh ta phải nói về việc đó: người ta càng nói nhiều thì họ càng ít muốn thực hiện điều đã nói.

- Đời quá ngắn ngủi, đời là khoảng thời gian ngắn ngủi giữa hai cõi vô biên.

- Dưới mũ của bất kỳ ai cũng là một nhà hát, nơi diễn ra những tấn kịch còn phức tạp hơn những tấn kịch ở ngoài rạp.

- Hàng trăm người có thể vượt qua thiếu thốn. Rất ít người có thể vượt qua cảnh đủ đầy.

- Tội lỗi lớn nhất là không chịu công nhận tội lỗi của mình.

Theo CAND