Các giải pháp phát triển nền giáo dục theo hướng mở của Giáo sư Trần Hồng Quân

23/05/2018 10:26
Giáo sư Trần Hồng Quân
(GDVN) - Trong giáo dục mở, người thầy không phải và không thể như một nhà truyền giáo, bắt người học phải thừa nhận giáo huấn của mình, không được kiểm chứng.

LTS: Hệ thống giáo dục theo hướng mở là vấn đề quan trọng được Nghị quyết số 29-NQ/TW định hướng cho sự phát triển của giáo dục đào tạo nước nhà.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, sau 5 năm, khái niệm hệ thống giáo dục “mở” dường như vẫn còn khá mơ hồ.

Vấn đề này đã được đem ra bàn luận tại Hội thảo khoa học quốc gia “Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế” do Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức ngày 16/5.

Kết thúc hội thảo, Giáo sư Trần Hồng Quân – nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có bài viết về nội dung “giáo dục mở” gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam hi vọng độc giả có cái nhìn tổng quát về nền giáo dục theo xu hướng này. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 

Được biết Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ sơ kết bốn năm việc thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương khoá 11 "Về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục".  

Một trong những quan điểm quan trọng của nghị quyết đó là phải xây dựng một nền giáo dục theo định hướng mở. 

Đó là định hướng cực kỳ quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển sôi động trên thế giới.

Giáo dục mở đang có một cao trào mới nhưng không phải là chuyện hoàn toàn mới với thế giới và với nước ta.

Giáo sư Trần Hồng Quân phát biểu tại hội thảo khoa học quốc gia “Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế” do Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức ngày 16/5. (Ảnh: Trinh Phúc)
Giáo sư Trần Hồng Quân phát biểu tại hội thảo khoa học quốc gia “Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế” do Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức ngày 16/5. (Ảnh: Trinh Phúc)

Sau khi cách mạng thành công năm 1945, chính quyền non trẻ phải đương đầu ngay với nạn đói mà Phát xít Nhật gây ra, cùng lúc đó giặc Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, Chính phủ  kêu gọi toàn dân đứng lên "chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm". 

Trong tình thế chỉ mành treo chuông đó mà giáo dục vẫn được coi là một trong ba nhiệm vụ chiến lược bức bách.

Chúng ta bắt tay ngay xây dựng nền giáo dục của nhân dân để "ai cũng được học hành" như Bác Hồ mong ước, đó là nền giáo dục đại chúng dành cho tất cả mọi người, không phải chỉ dành cho người giàu hoặc chỉ phục vụ đào tạo tinh hoa dành cho số ít. Đó là tư tưởng mở trong giáo dục. 

Để sớm khắc phục tình trạng có đến 95% dân số Việt Nam lúc ấy chưa biết chữ, Bác Hồ phát động phong trào “bình dân học vụ” để xoá nạn mù chữ. 

Sau đó trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ta đều tranh thủ mở trường lớp dạy học trong mọi hoàn cảnh.

Sau giải phóng, ta có một hệ thống giáo dục hoàn chỉnh dành cho mọi người và có chính sách đặc biệt cho người nghèo và đồng bào dân tộc ít người. Đó là quan điểm mở nhằm bảo đảm bình đẳng trong giáo dục.

Các giải pháp phát triển nền giáo dục theo hướng mở của Giáo sư Trần Hồng Quân ảnh 2Tự chủ và trách nhiệm giải trình điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục mở

Ta cũng có những hình thức linh hoạt như các lớp tại chức, chuyên tu, lớp học tình thương, đào tạo từ xa...

Với công cuộc đổi mới từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, xoá bỏ cơ chế kế hoạch hoá tập trung quan liêu; có thể nói gọn là chuyển sang xây dựng một nền kinh tế mở. 

Nền giáo dục không thể không thay đổi theo hướng mở tương ứng, đặc biệt là bộ phận sau giáo dục phổ thông. Bắt đầu ở chỗ: 

Không chỉ đào tạo cho biên chế nhà nước mà còn cho các thành phần kinh tế khác,  các hoạt động khác của xã hội và còn đáp ứng nguyện vọng học tập của nhân dân.

Không chỉ đào tạo bằng ngân sách nhà nước mà còn từ học phí, từ các nguồn đầu tư khác từ trong nước và nước ngoài

Không chỉ bằng trường của nhà nước (trường công lập) mà còn cho mở các trường bán công, trường tư thục

Sinh viên tốt nghiệp không cần chờ nhà nước tìm chỗ làm việc cho mình như lâu nay mà tự phải đi tìm chỗ làm, có thể trong cơ quan nhà nước, cũng có thể ngoài cơ quan nhà nước.

Chính phủ ra Nghị quyết về xã hội hoà giáo dục. Các trường ngoài công lập và hai đại học mở cũng ra đời.

Mấy năm gần đây Chính phủ cũng ban hành nhiều quyết định về xã hội học tập, về giáo dục từ xa và giáo dục trực tuyến, tự chủ đại học, về xây dựng nguồn tài nguyên học tập mở, về xây dựng nguồn tri thức số. Đó là bước đầu bắt nhịp với trào lưu giáo dục mở hiện đại.

Ở nước ta  nhận thức về giáo dục mở còn khác nhau. Có người quan niệm đơn giản rằng, giáo dục mở là các loại hình giáo dục từ xa bằng gửi thư, bằng truyền hình, bằng trực tuyến, không tập trung hoặc tập trung một phần. 

Cũng có người coi đại học mở là mô hình tiêu biểu duy nhất của giáo dục mở. Quan niệm như vậy cũng đúng một phần nhưng rất không đủ.

Bởi lẽ, giáo dục mở không phải là một bộ phận được hình thành như là một sự bổ sung, đứng bên cạnh hệ thống giáo dục truyền thống mà tư duy mở phải được thẩm thấu vào hệ thống giáo dục truyền thống, tạo ra sự phát triển mới của toàn bộ hệ thống, thậm chí có thể có sự phát triển đột phá.

Các giải pháp phát triển nền giáo dục theo hướng mở của Giáo sư Trần Hồng Quân ảnh 3Phó giáo sư Lê Đức Ngọc đề xuất nội dung xây dựng hệ thống giáo dục đại học mở

Ngày nay với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và với sức ép phải đổi mới việc đào tạo nhân lực để phục vụ và thích nghi với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các hệ thống giáo dục buộc phải mở theo hướng mới mà trước đây không  có điều kiện làm được như vậy. 

Các nguồn tài nguyên học tập mở cũng như tài nguyên khoa học mở ra đời trên nét văn hoá mới là chia sẻ và liên kết một cách hào hiệp của các nhà khoa học và các cơ sở giáo dục và khoa học, các loại hình giáo dục sinh động trên  mạng, xuyên quốc gia hình thành ở rất nhiều nước. 

Các trường đại học lớn vào cuộc mở ra nhiều phương thức đào tạo mở đồng thời đưa các phương thức mở đan xen với các phương thức truyền thống. Nhờ đó mà tạo ra một luồng gió mới giáo dục mở.

Với  tất cả các giải pháp nhằm mở ra khả năng cho mọi người dễ dàng thực hiện quyền được học hành;

Khả năng lựa chọn được phương thức học tập thích hợp với điều kiện cá nhân về sức khỏe, về năng lực tiếp thu giáo dục, về xu thế năng khiếu, về năng lực tài chính, về địa điểm học, thời gian học, học tập trung hay từ xa, học liên tục hay gián đoạn, học toàn bộ chương trình hay chỉ học một số môn nhằm nâng cao năng lực chuyên biệt, thậm chí có thể lựa chọn sự tuỳ biến các chương trình học, chọn thầy, chọn tập thể cùng nghiên cứu và học tập. 

Trong cuộc đời của một người lao động người ta tính trung bình phải chuyển đổi ngành nghề năm lần.

Người ta còn nói rằng chừng mười năm sau sẽ có đến 65% ngành nghề mới ra đời, đó là một thách thức lớn.  

Do đó cần phải có các chương trình mở để trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cơ bản mang tính "vạn năng" thích hợp làm nền tảng cho những ngành nghề khác nhau, sau đó được bổ sung phần năng lực riêng theo từng ngành nghề cụ thể.

Mặt khác trên cơ sở có các tổ hợp khác nhau, các tín chỉ đã tích luỹ, người học có thể thuận tiện chuyển đổi ngành nghề lân cận với sự học tập bổ sung không nhiều. 

Ở Việt Nam, vào những năm 80 của thế kỹ trước, ta chia học trình độ đại học thành hai giai đoạn, giai đoạn một nhằm tăng cường năng lực cơ bản mang tính "vạn năng", làm nền tảng cho chất lượng, để cưỡng lại xu thế ngành hẹp và để dễ chuyển đổi ngành nghề. Tiếc là chủ trương đó không được duy trì.

Với giáo dục mở, người học phải có ý chí và có năng lực tự học , có năng lực tự chuyển đổi ngành nghề thì mới có thể đạt được kết quả như ý. Ở Việt Nam còn có một yêu cầu bức xúc để có năng lực tự  học, đó là phải thạo tiếng Anh.

Trong giáo dục mở, người thầy không phải và không thể như một nhà truyền giáo, bắt người học phải thừa nhậnn giáo huấn của mình, không được kiểm chứng, mà phải người vừa truyền đạt, vừa hướng dẫn  trao đổi thảo luận, thậm chí tranh luận, như một lãnh đạo đồng hành cùng người học chinh phục kiến thức, tìm đến chân lý khoa học. 

Các giải pháp phát triển nền giáo dục theo hướng mở của Giáo sư Trần Hồng Quân ảnh 4Trong tương lai học chính quy cũng không cần phải đến trường

Người thầy phải coi trọng ý kiến sinh viên kể cả khi họ có ý kiến khác thầy, phải tạo cho họ biết độc lập tư duy, dám bảo vệ chủ kiến, tạo cho sinh viên một thói quen hoài nghi khoa học và ý thức kiểm chứng, phản biện. 

Người thầy giỏi sẽ phát hiện được chỗ yếu của sinh viên để giúp họ tự khắc phục  và chỗ mạnh để phát huy tiềm năng.

Với tất cả điều đó, một xu thế mới hình thành một cách tự nhiên  đó là cá nhân hoá giáo dục. Cá nhân hóa giáo dục là ước mơ của các nhà sư phạm. 

Ai cũng biết mỗi người học có tư chất khác nhau, có môi trường trưởng thành khác nhau, có xu thế năng khiếu khác nhau, có năng lực tiếp thụ khác nhau. 

Nhưng họ lại phải học cùng một chương trình, với cùng một phương pháp, theo cùng một định hướng là vô cùng phi lý. 

Ngày xưa khi xã hội chưa phát triển, giáo dục được tiến hành trên cơ sở dạy từng cá nhân, do cha mẹ dạy hay gửi cho một ông giáo làng nào đó...

Khi xã hội phát triển, người đi học nhiều nên được tổ chức thành trường lớp, thống nhất hoá nhiều thứ và tiến hành giáo dục đồng loạt, là thứ công nghệ giáo dục phổ biến rộng khắp, đã kéo dài nhiều thế kỷ, đã hoàn chỉnh hầu như mọi cơ chế vận hành. 

Với cách giáo dục đồng loạt đó chắc chắn đã che lấp biết bao mầm mống nhân tài, che lấp những viên kim cương dưới bề mặt đã được khoả bằng để thành trình độ chung.

Mặt khác vì lối xếp hàng ngang tiến lên đó mà biết bao người không bám theo nổi vì yếu kém vài mặt nào đó, trở thành người không có tương lai. 

Thực ra không có ai là hoàn toàn không còn khả năng tiếp thu giáo dục, chỉ vì người thầy chưa phát hiện tiềm năng có thể là ít ỏi, kín đáo để từ đó giúp họ phát triển, để có một năng lực nào đó có ích cho chính họ và cho đời.
  
Vì lý do muốn có chi phí thấp  mà giáo dục truyền thống không thể cá nhân hoá giáo dục vì ai cũng biết rằng tính đồng loạt càng cao thì chi phí đơn vị càng rẻ. Giáo dục mở ngày nay đã có thể cá nhân hoá giáo dục với chi phí rẻ, hoàn toàn có thể thực hiện ước mơ đó.

Và tự chủ hoá đại học là một chủ trương quan trọng theo hướng mở . Nó dân chủ hoá trong quản lý và xã hội hoá về nguồn lực, nó tạo điều kiện và bắt buộc các trường phải tự lực tự cường, phải có động lực tự thân  mà sáng tạo phát triển. 

Hy vọng tự chủ hoá đại học sẽ tạo sinh khí mới và bộ mặt mới của giáo dục đại học nước nhà.

Cần tăng cường hội nhập quốc tế, tận dụng khai thác thuận lợi mà nền giáo dục mở quốc tế đem lại với bao nhiêu tài nguyên trí tuệ, với các mối liên kết, với việc học hỏi kinh nghiệm; cần tận dụng  lợi  thế của người đi sau để nhanh chóng vươn lên ngang hàng.

Nói đến giáo dục mở, ta thường quan tâm đó chỉ là phương thức nhưng khi đã trở thành phổ biến thì nó giúp làm hiện thực hoá sâu sắc thêm các tính chất cao đẹp của nền  giáo dục tiến bộ, đó là tính đại chúng, tính dân chủ, tính bình đẳng , tính xã hội, tính nhân đạo...

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là cơ hội lớn vừa là thách thức lớn đối với nước ta. 

Nó diễn ra trên bốn trụ cột chính: kết nối vạn vật – trí tuệ nhân tạo – các trung tâm dữ liệu lớn – tự động hóa, robot hóa. 

Cả bốn lĩnh vực đó đều phụ thuộc nhiều  vào sức mạnh trí tuệ, ít phụ thuộc vào sức mạnh vật chất có sẵn. Nhiều nhà chiến lược cho rằng đây là cơ hội có tính bình đẳng giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển trên con đường đi vào tương lai. 

Riêng tôi cho rằng đây còn là cơ hội cuối cùng để bắt kịp mà xây dựng sức mạnh trí tuệ là sứ mạng của giáo dục.

Nhưng cơ hội không phải tự nó có thể trở thành hiện thực. Dân tộc ta thông minh, hiếu học, cần cù, nghĩa là giáo dục Việt Nam có sẵn mảnh đất màu mỡ, là yếu tố địa lợi lại trong bối cạnh thời đại thuận lợi chính là yếu tố thiên thời; cần phải có yếu tố nhân hoà từ quyết tâm, từ cơ chế, chính sách, chương trình hành động ... đó là chuyện trong tầm tay chúng ta. 

Ta có thể phấn đấu vươn lên về sức mạnh trí tuệ để có ưu thế trên 3 rưỡi  trong 4 trụ cột kể trên không?. 

Không làm được thì chẳng những ta sẽ tụt hậu, hầu như không còn cơ hội bắt kịp ai kể cả những nước hiện nay còn thua kém chúng ta, thậm chí không thể giữ gìn độc lập dân tộc. Không làm được thì có tội trước lịch sử. 

Ngày xưa với cái nhục mất nước mà ta có động lực mạnh mẽ để làm cách mạng. Ngày nay với cái nhục lạc hậu, thua kém, bị coi thường, bị o ép ... chẳng lẽ không đủ tạo động lực cho cả dân tộc vùng lên sao ?

Giáo sư Trần Hồng Quân