Các thầy cô giáo nên hiểu cái khó của người ra đề thi

07/07/2018 07:42
ĐỖ TẤN NGỌC
(GDVN) - Để thỏa mãn được mọi yêu cầu của môn học, của thầy cô giáo, của việc phân hóa được chất lượng học sinh với hai mục đích là nhiệm vụ rất khó khăn.

LTS: Tiếp tục trao đổi về đề thi Ngữ văn trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia vừa qua, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc cho rằng người ra đề thi cũng phải cố gắng rất nhiều để đảm bảo mục tiêu "2 trong 1" của kỳ thi.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Bài viết: "Đề thi môn Ngữ văn 2018 đã đủ sức “đánh thức tiềm lực” ở tuổi trẻ?" đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam (ngày 6/7) của thầy giáo Phan Thế Hoài ở thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận những bước điều chỉnh, tiến bộ về cách ra đề môn Ngữ văn từ năm 2014 đến nay của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đó là hạn chế được kiểu tái hiện kiến thức (thực chất là học thuộc lòng), chuyển sang phát huy khả năng chủ động tiếp cận văn bản của học sinh và hướng tới vừa đảm bảo yêu cầu tốt nghiệp và phân hóa được đầu vào tuyển sinh đại học có chất lượng.

Cũng là giáo viên dạy văn bậc Trung học phổ thông, tôi hoàn toàn đồng tình với những đánh giá, nhận xét chân thực, khách quan (nêu trên) của thầy Hoài.

Thí sinh trao đổi về bài thi. Ảnh minh hoạ: Báo Nhân Dân
Thí sinh trao đổi về bài thi. Ảnh minh hoạ: Báo Nhân Dân

Tuy nhiên đến phần nhận xét, đánh giá cụ thể cho yêu cầu Đọc hiểu trong đề thi môn Ngữ văn năm 2017 và 2018, tôi lại không đồng tình, có suy nghĩ khác với thầy.

Ở phần Đọc hiểu trong đề Ngữ văn năm 2017 là một văn bản văn xuôi bàn về sự “thấu cảm” được trích từ bài viết “Thiện – ác và smart phone” của tác giả Đặng Hoàng Giang.

Tác giả viết: "Tuy nhiên, việc thiết kế các câu hỏi ở phần Đọc hiểu quá mức dễ dãi đã làm mất đi chất “văn” vốn có của bộ môn này.

Cách hỏi: “Theo tác giả, thấu cảm là gì?”, “Nhận xét về hành vi của đứa trẻ 3 tuổi, cô bé có bạn bị ốm, cậu bé Bồ Đào Nha được nhắc đến trong đoạn trích” chỉ phù hợp với học sinh tiểu học.

Vì học sinh đã qua 12 năm ăn học, có thể nói, các em đã “sạch nước cản” với tiếng mẹ đẻ.”

Các thầy cô giáo nên hiểu cái khó của người ra đề thi ảnh 2Theo thầy Thiên Ấn, kì thi quốc gia “hai trong một” thế là ổn

Còn ở phần Đọc hiểu đoạn trích thơ “Đánh thức tiềm lực” của Nguyễn Duy trong đề thi Ngữ văn năm 2018, thầy Hoài đưa ra kết luận rằng:

"Có những câu hỏi khiên cưỡng, hỏi cho có.

Câu 1, hỏi đoạn trích được viết theo thể thơ nào, là một câu hỏi vô hồn vì nó không hề liên quan gì đến giá trị của nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ.

Câu 2, hỏi chỉ để học sinh liệt kê các yếu tố thuộc về tiềm lực tự nhiên của đất nước như khoáng sản, châu báu, rừng, biển,… thì chỉ cần người biết chữ là có thể chép câu trả lời từ văn bản.

Câu 3, yêu cầu học sinh nêu hiệu quả của câu hỏi tu từ trong đoạn trích là một cách “mớm cung” không đáng có.

Lẽ ra, ban ra đề cần hỏi, chỉ ra biện pháp tu từ có trong đoạn trích (cho sẵn) và phân tích hiệu quả nghệ thuật mà biện pháp tu từ đó mang lại thì sẽ kiểm tra được năng lực hiểu kiến thức tiếng Việt của học sinh một cách rõ ràng.”

Tôi không đồng tình với những phân tích trên vì những mấy lý do sau đây:

- Trong phần Đọc hiểu, ban ra đề thường ra dễ như vậy, nhất là ở ba câu đầu, là sát đúng với yêu cầu kiến thức cơ bản, ở mức độ nhận biết và thông hiểu mà Bộ Giáo dục và Đào tạo từng có chủ trương, hướng dẫn trong dạy-học và kiểm tra, đánh giá học sinh ở nhà trường phổ thông.

- Đối với thầy Hoài và nhiều thầy cô giáo dạy văn khác thì những câu hỏi nêu trên thì quá đơn giản, “chỉ phù hợp với học sinh tiểu học”, “chỉ cần người biết chữ là có thể chép câu trả lời từ văn bản”.

Các thầy cô giáo nên hiểu cái khó của người ra đề thi ảnh 3Một số ý kiến về kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018

Nhưng đối với một bộ phận học sinh học yếu kém bộ môn văn thì mấy câu hỏi tưởng như vô cùng đơn giản ấy lại là những “vật cản” khó khăn, thách thức không nhỏ. 

- Các thầy cô giáo dạy văn thấy đấy, riêng bài thi môn Ngữ văn năm nào cũng có đến hàng trăm, hàng ngàn thí sinh bị điểm liệt, từ 1 điểm trở xuống.

Nếu phần Đọc hiểu ra khó một tí, đòi hỏi có chất văn thì số bài thi bị điểm kém còn nhiều nữa.

Từ đây, chúng ta nên hiểu, điều kiện dạy-học từng vùng miền khác nhau, năng lực học tập bộ môn Ngữ văn của các học sinh cũng không giống nhau (em học tốt, em học trung bình, em học chẳng biết gì) mà yêu cầu, đòi hỏi cao ở tất cả thí sinh là điều không tưởng.

Các giáo viên dạy ở miền núi, dạy con em đồng bào dân tộc thiểu số, dạy học sinh ở các Trung tâm giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp… mới thấu hiểu các học sinh ở đó kém cỏi như thế, khác xa với học sinh ở trường tốt, nơi kinh tế- xã hội phát triển.          

Tôi rất hiểu mong muốn của cá nhân thầy và nhiều thầy cô giáo dạy văn tâm huyết khác, ban ra đề môn Ngữ văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo làm sao ra được những đề thi với các câu hỏi vừa hay, có chất văn vừa tường minh cho kỳ thi quan trọng như thi Trung học phổ thông Quốc gia.

Tôi biết các thầy cô giáo trong ban ra đề cũng đầy ắp những trăn trở, cân nhắc, lựa chọn… khi được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ, trọng trách nặng nề, “làm dâu trăm họ” này.

Song để thỏa mãn được mọi yêu cầu của môn học, của thầy cô giáo, của việc phân hóa được chất lượng học sinh với hai mục đích, vừa tốt nghiệp và xét tuyển đại học quả là một nhiệm vụ rất khó khăn.

Chắc có lẽ, ai từng tham gia ra đề thi tuyển sinh vào lớp 10, thi Trung học phổ thông Quốc gia sẽ có những chia sẻ, trải nghiệm thực tế, sâu sắc hơn để gửi đến thầy cô giáo, các em học sinh và dư luận xã hội.

ĐỖ TẤN NGỌC