Các trường ĐH - CĐ NCL: Nhiều thiệt thòi lớn về thuế do đâu?

16/08/2013 07:30
Xuân Trung
(GDVN) - Đảng và Nhà nước đã ban hành một số những chính sách ưu đãi đối với các cơ sở giáo dục ĐH NCL để thực hiện chủ trương xã hội hóa, chính sách thuế rất quan trọng đối với các trường. Tuy nhiên, thuế với các trường NCL hiện nay đang ở rơi vào tình trạng “thiệt thòi” do đóng quá cao.
Hiện theo số liệu của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam, cả nước đã có hơn 80 trường ĐH, CĐ NCL, các trường đã trở thành một hệ thống tạo ra sự phong phú, đa dạng trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách cũng đang được hoàn thiện để có được sự phát triển bền vững, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ đất nước.

Quy định về tiêu chí 55m2/sinh viên là quá cao


Ưu đãi về thuế là một trong những chính sách quan trọng đã được thể hiện trong Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005, Nghị định 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 và Quyết định 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục các loại hình tiêu chí quy mô tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.

Đại học Lạc Hồng là trường có ý kiến phản ánh sự bất hợp lý về tiêu chí 22m2/sinh viên tới Bộ GD&ĐT.
Đại học Lạc Hồng là trường có ý kiến phản ánh sự bất hợp lý về tiêu chí 22m2/sinh viên tới Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên, kể từ khi các văn bản ấy được ban hành đến trước ngày 6/5/2013 các trường ĐH, CĐ NCL, nhất là các trường ra đời trước năm 2008 vẫn chưa được hưởng chính sách ưu đãi về thuế. Hàng năm hầu hết các trường vẫn thực hiện đóng mức thuế như một doanh nghiệp là 25%.

Vậy vì đâu có bất cập này? Tại Công văn số 11660/BTC-TCT ngày 20/8/2009 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 69/2008/NĐ-CP Bộ Tài chính yêu cầu các trường phải đáp ứng các tiêu chí về quy mô tiêu chuẩn theo Quyết định số 1466 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể các trường phải đạt bình quân mỗi sinh viên là 55m2 (Theo Thông tư 12 của Bộ Xây dựng) mới được hưởng ưu đãi về thuế.

Nhiều chuyên gia cho rằng, quy định về tiêu chí 55m2/sinh viên là quá cao, không phù hợp với thực tế, ngay cả các trường công lớn được Nhà nước cấp đất cũng không đáp ứng được.

Trước sự bất hợp lý này, năm 2011 Bộ Tài chính đã có 2 lần gửi Công văn tới các bộ, ngành có liên quan (Công văn số 2109 ngày 17/2/2011 và Công văn số 7148 ngày 1/6/2011) đề nghị các bộ xem xét, điều chỉnh và gửi về Bộ Tài chính.

Công văn của Bộ Tài chính đã được gửi đi, cho đến hết tháng 4/2013 văn bản sửa đổi vẫn chưa được ban hành. Nhiều hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ NCL cho rằng, có lẽ hai Công văn của Bộ Tài chính đã không được sự quan tâm của các bộ ngành?

Cho đến ngày 9/7/2012 Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam đã có Công văn số 28/HH-VP trình Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành có liên quan xem xét giải quyết, thực hiện chính sách ưu đãi về thuế đối với các trường NCL. Mới đây, ngày 6/5/2013 Thủ  tướng Chính phủ đã có Quyết định số 693 về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung, danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo...

Như vậy, vấn đề thuế cơ bản được giải quyết, nhưng không phải không có điều còn băn khoăn.

Phải sau gần 5 năm kể từ khi Nghị định 69/NĐ-CP ngày 30/5/2008 (Điều 8 của Nghị định này mới đến được các trường ĐH, CĐ NCL). Như vậy, trong gần 5 năm đó các trường đã phải nộp 25% thuế doanh nghiệp (theo mức ưu đãi 15% các trường chỉ phải đóng 10% thuế).

Nếu đơn giản làm một phép tính nhỏ với hơn 80 trường ĐH, CĐ NCL đóng 25% thuế trong gần 5 năm thì sẽ có một con số rất “ấn tượng” về lượng tiền đóng. Đó chính là sự thiệt thòi đáng kể cho các trường, đây như là sự đóng góp “ngoài quy định” của hệ thống các trường ĐH, CĐ NCL đối với Nhà nước.

Tính chuyên nghiệp và trách nhiệm của các Bộ, ngành đến đâu?

Các Bộ ngành là những cơ quan thực thi chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc soạn thảo các văn bản. Nói như vậy để thấy rẳng, có những văn bản đã hết hiệu lực thi hành nhưng nhiều Bộ ngành vẫn “hồn nhiên” đưa vào danh mục thực thi.

Cụ thể, Thông tư số 12/BXD-KHCN ngày 24/4/1995 của Bộ Xây dựng về áp dụng các tiêu chuẩn và quy trình quy phạm kỹ thuật xây dựng đã hết hiệu lực thi hành và thay thế bằng Thông tư 07/1999/TT-BXD, nhưng năm 2008 các cơ quan soạn thảo và trình Thủ tướng ký Quyết định 1466 về danh mục các loại hình tiêu chí quy mô tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường vẫn để tên Thông tư 12 trong danh mục này.

Thông tư 07/1999 tiếp tục lại được thay thế bằng Quyết định  số 09/2005 của Bộ Xây dựng ngày 7/4/2005. Thông tư số 12/BXD-KHCN hết hiệu lực kể từ ngày 14/4/2006 theo Quyết định số 09/2006 của Bộ Xây dựng ngày 29/3/2006.

Trong khi đó, Quyết định số 09/2006  kể từ ngày 1/2/2010 được thay thế bằng Thông tư số 40/2009 của Bộ Xây dựng. Kể từ ngày 15/12/2010 Thông tư số 40 lại được thay  thế bằng Thông tư số 18/2010.

Như vậy, đã có tới 4 lần thay đổi liên quan tới Thông tư số 12 nêu trên nhưng một số cơ quan quản lý nhà nước không hề hay biết. Tại Quyết định số 1466 ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ tên và nội dung các Thông tư trên vẫn là điều kiện không thể thiếu để xét ưu đãi về thuế đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa. Vậy cơ quan nào phải chịu trách nhiệm trước sự tách trách này khi được biết cả 7 bộ đều trình Thủ tướng ký Quyết định 1466?

Đại diện một trường ĐH NCL, Trường ĐH Lạc Hồng ngày 21/6/2011 đã có Công văn số 118 gửi Bộ GD&ĐT về phản ánh những bất cập và không hợp lý trong cách xác định tiêu chí với 55m2/sinh viên. Bộ GD&ĐT cũng đã có Công văn số 4580 gửi Bộ Tài chính xem xét đề nghị của Trường ĐH Lạc Hồng. Sau khi xem xét ý kiến của Trường ĐH Lạc Hồng thấy được sự bất hợp lý về tiêu chí 55m2/sinh viên, Bộ Tài chính đã có 2 Công văn (các Công văn số 2109 ngày 17/2/2011 và Công văn số 7148 ngày 1/6/2011 thể hiện rõ điều này) gửi tới các Bộ ngành liên quan (trong đó có Bộ GD&ĐT), có thể Bộ GD&ĐT nhận được hoặc chưa nhận được 2 công văn trên, nếu nhận được mà chưa trả lời phải chăng các cơ quan chức năng của bộ không quan tâm?.

Cho tới khi nhận được Công văn số 10760/VPCP – KGVX ngày 28/2/2013 của Văn phòng Chính phủ về trách nhiệm sửa đổi, bổ sung một số nội dung về giáo dục và đào tạo của Quyết định 1466, lúc này Bộ GD&ĐT thành lập “nhóm công tác” phối hợp với Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài Chính) và Cục thuế địa phương đi khảo sát thực tế tại cơ sở tại Cần Thơ và Tp. HCM...

Đồng thời Bộ GD&ĐT gửi kèm Công văn số 397 và 398 tới hơn 80 trường ĐH, CĐ NCL đề nghị báo cáo những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Quyết định 1466 và gửi kèm những kiến nghị.

Cũng trong ngày 28/2/2013 Bộ GD&ĐT mới có Công văn số 1275 gửi Bộ Tài chính theo đúng đề nghị cách đây 21 của Bộ Tài chính. Nếu xem Công văn số 1275 của Bộ GD&ĐT là sự trả lời Bộ Tài chính thì phải sau 21 tháng (từ ngày 1/6/2011 đến ngày  28/2/2013) mới có câu trả lời. Vậy, trách nhiệm về sự chậm trễ này thuộc về ai khi các cơ quan chức năng của Bộ GD&ĐT là nơi trực tiếp giúp Bộ trưởng triển khai công việc?

Nếu có sự quan tâm thực sự, và có ý thức trách nhiệm của các cơ quan nhà nước (trong đó có Bộ GD&ĐT) thì các trường ĐH, CĐ NCL không phải khát khao và kiên nhẫn chờ  tới 4 năm 9 tháng để được hưởng chính sách ưu đãi về thuế?

Xuân Trung