Các “vị thuốc” để chữa 4 trọng bệnh của giáo viên

23/01/2016 07:05
Đỗ Tấn Ngọc
(GDVN) - Ngành giáo dục cần thay đổi mạnh khâu tuyển dụng và sa thải giáo viên theo hướng mở, có cạnh tranh, mỗi năm có người ra, có người vào...

LTS: Ngày 16/1, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết “Thầy giáo chỉ mặt 4 “trọng bệnh” của giáo viên” của thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc. Bài viết đã nhận được những ý kiến, bình luận trái chiều của nhiều độc giả. 

Trong bài viết này, như một lời cảm ơn tác giả gửi tới độc giả đã quan tâm tới quan điểm của mình đồng thời thầy cũng nêu ra các “vị thuốc” để chữa 4 “trọng bệnh” đó của giáo viên. 

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả.


Bài viết: “Thầy giáo chỉ mặt 4 “trọng bệnh” của giáo viên” của tôi được đăng tải trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 16/1/2016, lại tiếp tục nhận được sự quan tâm, bình luận nhiều của độc giả. 

Lần này, số người đồng tình, ủng hộ thì ít nhưng số người phản đối, không đồng tình (thậm chí có ý kiến gay gắt, thái quá, dùng từ thiếu chuẩn mực, tế nhị) thì nhiều. 

Tôi cho đó cũng là chuyện bình thường, vì chân lý, sự thật chưa hẳn thuộc về đám đông. 

Nói ra sự thật, nhiều người (giáo viên ta) không ưng, nhưng tôi tin vào triết lý sống của cha ông ta ngày xưa: “Thuốc đắng dã tật. Nói thật mất lòng. Mất lòng trước được lòng sau”.

Tôi có quan điểm, góc nhìn, cách đánh giá riêng của mình dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn khá vững chắc của 20 năm “sống” với nghề dạy học và cầm bút (Trong 2000 bài viết đã được đăng báo, tạp chí trong Nam ngoài Bắc thì có gần 900 bài báo chuyên về các vấn đề giáo dục từ năm 1996 đến nay). 

Các “vị thuốc” để chữa 4 “trọng bệnh” của giáo viên (Ảnh minh hoạ: cand.com.vn)
Các “vị thuốc” để chữa 4 “trọng bệnh” của giáo viên (Ảnh minh hoạ: cand.com.vn)

Trong nhiều ý kiến trao đổi, có ý kiến đề nghị tác giả viết  tiếp bài nêu lên những biện pháp, phương hướng giải quyết, khắc phục 4 “trọng bệnh” của số đông thầy, cô giáo hiện nay. Tôi tâm đắc ý kiến đó. 

Tiếp tục trên diễn đàn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, tôi gửi đến độc giả, quý thầy cô giáo bài viết này. 

Tính tiên phong và gương mẫu của lãnh đạo nhà trường

Có thể nói đây là thành phần có năng lực, phẩm chất tốt, được nhà trường, thầy cô giáo, tổ chức cấp trên tín nhiệm, cân nhắc, bổ nhiệm làm cán bộ quản lý. 

Nhiều cán bộ quản lý đã thể hiện tốt vai trò, vị trí, trách nhiệm của mình, có những đóng góp, hoạch định quan trọng, đưa nhà trường phát triển đi lên,  được anh, chị em giáo viên, cấp trên ghi nhận, đánh giá cao. 

Tuy nhiên cũng có một số cán bộ quản lý giáo dục năng lực hạn chế, phẩm chất, đạo đức sa sút, nặng toan tính, lợi ích cá nhân, khiến hiệu quả công việc không đạt, mất đi sự tín nhiệm, yêu quý của tập thể, giáo viên.

Các “vị thuốc” để chữa 4 trọng bệnh của giáo viên ảnh 2

Còn bệnh thành tích, còn nặng về hình thức thì đổi mới thế nào?

(GDVN) - Kết thúc mỗi học kỳ, học sinh lo lắng với những bài kiểm tra cuối kỳ, giáo viên cuống cuồng “chạy” chuẩn bị cho đợt kiểm tra hồ sơ của Ban giám hiệu.


Có một số giáo viên không phục, không nể trọng, thường nói xấu “sau lưng” các vị cán bộ quản lý giáo dục, nhờ quan hệ, chạy chọt mà lên được vị trí này, vị trí nọ. 

Có một số giáo viên rất ghét, khó chịu (thậm chí từng làm đơn tố cáo) đối với lãnh đạo quan liêu, độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ,  tư lợi, nói hay làm dở, sa sút về phẩm chất, đạo đức, lối sống… 

Chúng tôi cho rằng, ở mọi lĩnh vực nói chung, lĩnh vực giáo dục nói riêng thì vai trò của người quản lý, thủ trưởng đơn vị là vô cùng quan trọng, có tính chất gần như quyết định đến sự thành hay bại, phát triển hay thụt lùi …của nhà trường.  

Trong giáo dục, một môi trường đặc thù, với đội ngũ trí thức giáo viên có nhận thức, trình độ khá đồng đều nhau thì tính tiên phong, tính nêu gương tốt của những người đứng đầu là rất cần thiết. 

Bởi vì, lãnh đạo có tâm, có tầm, nói đi đôi với  làm, mọi việc công khai, dân chủ, bàn bạc, thể hiện lối làm việc khoa học, chặt chẽ vì tập thể, vì ngành giáo dục, không tư túi, hám lợi, kéo bè, kéo cánh, kiên trì thuyết phục, tư vấn mọi người đoàn kết, làm việc có trách nhiệm….

Khi được như vậy nhất định giáo viên bên dưới sẽ nể trọng, làm theo, nghe theo, hạn chế được tình trạng giáo viên lười biếng, “sợ” đổi mới.  

Muốn có được điều đó chẳng hề đơn giản, đòi hỏi lãnh đạo cấp trường phải liên tục học hỏi, trau dồi về năng lực, phẩm chất, thường xuyên làm tốt việc phê bình và tự phê bình, nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của giáo viên, nhân viên. 

Khi có thanh tra chuyên đề của cấp trên, kiểm tra nội bộ nhà trường về hồ sơ, sổ sách, giáo án, thu chi tài chính…vui vẻ, sẵn sàng để họ kiểm tra, không nề hà, thoái thác... 

Thực tế cho thấy, nơi nào cán bộ tốt, làm việc chăm chỉ, trách nhiệm, giáo viên nơi ấy không có “cửa “ để kêu ca, so đo, lười biếng.

Công bằng, khách quan trong thi đua, khen thưởng

Công tác thi đua khen thưởng, nâng lương trước thời hạn, nâng hạng, ngạch, bậc…là quyền lợi sát sườn, thiết thực của giáo viên, một trong những động lực để thúc đẩy, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả giáo dục. 

Giáo viên cần tính công bằng, khách quan của nhà trường trong việc xét, bình bầu các danh hiệu thi đua, nâng lương trước thời hạn…..

Dựa vào những quy định thi đua của Nhà nước, của ngành, từng đơn vị xây dựng , hình thành quy chế thi đua cụ thể làm cơ sở, tiêu chí để mọi người thực hiện, để cuối năm bình bầu, xếp loại.

Các “vị thuốc” để chữa 4 trọng bệnh của giáo viên ảnh 3

Lương tâm cắn rứt của người giáo viên dạy trường chuẩn quốc gia

(GDVN) - Chỉ vì 4 chữ “trường chuẩn quốc gia” mà nhiều lúc giáo viên tự hỏi: Tại sao tình thầy trò là có thật, trường thật, dạy học trò là thật…mà đánh giá lại ảo.

 
Lâu nay, từng có chuyện, nhiều lãnh đạo luôn có tên trong danh sách khen thưởng, có chuyện giáo viên “nhường” lãnh đạo các xuất khen thưởng, vì thấy lãnh đạo “xứng đáng” hơn. 

Tôi cho rằng, đã đến lúc “bệnh” hám thành tích của lãnh đạo, “bệnh” giáo viên “nhường” khen thưởng cho lãnh đạo cần chấm dứt. 

Cứ công khai, khách quan, công bằng trong bình bầu, ai đăng ký, ai xứng đáng hơn thì người đó được khen thưởng. Nhà nước có chủ trương, khen thưởng nên hướng vào, dành nhiều cho những đối tượng lao động trực tiếp. 

Nơi nào làm không đúng, thiếu công bằng thì giáo viên mạnh dạn đề đạt ý kiến…Cứ lúc nào cũng nghĩ mình là thân phận “con sâu, con kiến” thì muôn năm chịu thiệt thòi, một số lãnh đạo hám thành tích, khen thưởng được đà lấn tới. 

Minh bạch hóa công tác thi đua- khen thưởng, không thể thiếu vai trò, tiếng nói xác đáng của giáo viên.

Tăng cường, đổi mới công tác bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên

Từ lâu, Bộ GD&ĐT rất chú trọng hoạt động này, có nhiều thay đổi, cải tiến về nội dung và cách thức bồi dưỡng, tập huấn. 

Tuy nhiên, hiệu quả của nó chưa cao, nhiều giáo viên còn lúng túng, khó khăn khi vận dụng, thực hành, nhất là những kỹ thuật dạy học hiện đại, dạy học theo chủ đề, tích hợp liên môn… 

Do khâu quản lý, tổ chức các lớp học thiếu bài bản, chuyên nghiệp. Do nhận thức, thái độ, trách nhiệm về nghề nghiệp, về hoạt động tập huấn, bồi dưỡng của một bộ phận giáo viên còn hạn chế, phiến diện. 

Theo tôi, hoạt động này trong thời gian đến cần tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa, nếu không thì nhiều giáo viên hiện nay khó đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện. 

Các “vị thuốc” để chữa 4 trọng bệnh của giáo viên ảnh 4

Thầy giáo chỉ mặt 4 “trọng bệnh” của giáo viên

(GDVN) - Trong số này, bệnh sợ đổi mới, bệnh coi thường pháp luật và quy định của ngành có vẻ phổ biến hơn cả...

Đi đôi với việc tập huấn đại trà, dành cho mọi đối tượng là tập huấn, bồi dưỡng có chọn lọc, nhóm đối tượng giáo viên còn non yếu về năng lực chuyên môn ở nhóm, tổ, nhà trường để đối tượng này không bị tụt hậu khá xa so với đồng nghiệp. 

Việc phân loại, sàng lọc nhóm giáo viên ấy ở nhóm, tổ, đơn vị thừa sức để làm, dạy bao nhiêu năm với nhau, biết ai dạy như thế nào, năng lực chuyên môn ra sao. 

Nên tổ chức tập huấn theo hướng tập trung, giống như bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ theo dự án đã và đang làm (2 tháng), nhưng thời gian có thể rút ngắn xuống còn 15 ngày hoặc 1 tháng tùy theo thực tế từng bộ môn. 

Có vậy, giáo viên “tốp dưới” mới “thích nghi, thấm nhuần”, “làn sóng” đổi mới của Bộ GD&ĐT; nội dung, chương trình dạy học mới bắt đầu từ năm 2018-2019. 

Không chỉ dừng lại ở đó, gắn bồi dưỡng với kiểm tra, đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm qua thực tiễn, vận dụng của thầy cô giáo, các cơ sở giáo dục. 

Hình thức sinh hoạt chuyên môn theo cụm, liên trường mà nhiều địa phương đang thực hiện cần tiếp tục khuyến khích, duy trì và làm sâu sắc hơn trong hoàn cảnh nhiều cái mới của giáo dục khiến giáo viên mơ hồ, lúng túng, kêu than… 

Qua sinh hoạt, trao đổi, dạy mẫu, dự giờ…thầy cô giáo ở các trường có thể trau dồi, học hỏi được nhiều cái hay, điều bổ ích về chuyên môn từ đồng nghiệp của mình. 

Đây thực sự là một “sân chơi” cần thiết, hữu ích, đặc biệt đối các đơn vị trường học ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo khi mà mỗi bộ môn chỉ có 1 đến 2 người, khó có điều kiện chia sẻ, học hỏi chuyên môn. 

Chế độ chính sách đãi ngộ và kỷ luật giáo viên

Lương bổng nhà giáo thấp, không đủ sống, chưa xứng đáng với công sức bỏ ra, buộc phải dạy thêm trái phép, khó tâm huyết với nghề… được đề cập, nói đến rất nhiều trên các diễn đàn. 

Mong mỏi thì chính đáng. Nhà nước, lãnh đạo cấp trên đều biết cả. Nhưng kinh tế đất nước còn khó khăn, thu không đủ chi, hơn nữa số lượng đội ngũ nhà giáo quá lớn, gần 1,2 triệu người. 

Các “vị thuốc” để chữa 4 trọng bệnh của giáo viên ảnh 5

Thầy cô eo hẹp về vật chất nhưng giàu có về tiếng cười

(GDVN) - Bù lại sự eo hẹp về vật chất, sự nghèo nàn về kinh tế nhưng các thầy cô lại có được niềm vui, sự an ủi từ những cô cậu học trò vô cùng dễ thương của mình.

“Đông con” như thế, cha mẹ nào đáp ứng nổi? Lương của giáo viên phụ thuộc nhiều vào “sức khỏe” của nền kinh tế. Cần có thời gian để điều chỉnh, thay đổi từng bước. Không thể nôn nóng, muốn cái gì là được cái đó. 

Các văn bản, quy định về tinh giản biên chế, buộc thôi việc giáo viên vi phạm đã có đủ. Vấn đề còn lại là nhận thức và cách làm của các nhà quản lý. 

Chủ nghĩa duy tình, nể nang, xuê xoa, quan hệ này, nọ …đang lực cản lớn nhất đối với nền hành chính công nói chung, ngành giáo dục nói riêng khiến cho việc tinh giản biên chế, xử lý, buộc thôi việc giáo viên vi phạm…ỳ ạch, ít chuyển biến, không có tác dụng kích thích và răn đe. 

Hậu quả, nhiều địa phương, giáo viên dư thừa đầy ngay, tuần dạy, làm việc chưa đến nửa số tiết theo chuẩn, một bộ phận giáo viên yếu kém năng lực chuyên môn, tay nghề, giáo dục học trò không được…vẫn ung dung tồn tại, vẫn hưởng lương nhà nước đều đều. 

Ngành giáo dục cần thay đổi mạnh khâu tuyển dụng và sa thải giáo viên theo hướng mở, có cạnh tranh, mỗi năm có người ra, có người vào…dựa trên những tiêu chí, quy định cụ thể, công khai, ắt hẳn sức ỳ của giáo viên sẽ mất đi, mọi việc sẽ tốt lên.  

Đỗ Tấn Ngọc