Cám ơn VNEN, cám ơn Thông tư 22

28/10/2018 06:13
Thảo Ly
(GDVN) - Sự có mặt của mô hình trường học mới VNEN và sự ra đời của Thông tư 22 đã làm cho “nghề tay trái” của một số giáo viên trở thành nguồn thu nhập chính của họ.

LTS: Tiếp tục có những chia sẻ về mô hình trường học mới VNEN và sự ra đời của Thông tư 22, cô giáo Thảo Ly đã gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Không ít người đã từng thốt lên câu ấy bởi chính sự có mặt của mô hình trường học mới VNEN và sự ra đời của Thông tư 22 đã làm cho “nghề tay trái” của một số giáo viên trở thành nguồn thu nhập chính của họ trong khi đồng lương hàng tháng thì vô cùng èo uột.

Học thêm trở thành học chính

Nhiều phụ huynh có con học chương trình VNEN đều muốn cho con đi học thêm ở nhà thầy cô.

Có giáo viên không dạy thêm, phụ huynh sẵn sàng gửi bất cứ ai (từ cô bảo mẫu, những học trò cấp 3 đến những cử nhân cao đẳng, đại học đang thất nghiệp chờ việc).

Buổi tối đi học thêm, các em sẽ được học tất cả những kiến thức ngày mai sẽ phải học trên trường.

Thế là buổi học thêm trở thành buổi học chính vì tại đây các em được nghe giảng bài. Lên trường, trò chỉ việc lấy sách vở làm lại các bài tập, trả lời lại các câu hỏi.

Mô hình lớp học VNEN (Ảnh minh họa: TTXVN).
Mô hình lớp học VNEN (Ảnh minh họa: TTXVN).

Một phụ huynh lên tiếng “nếu không học trước như thế, con chúng tôi làm gì theo nổi? Mấy đứa học trò bé tí thì biết gì mà thảo với luận?”.

Một nhóm chỉ cần 2 em đi học thêm xem như nhóm ấy sẽ luôn dành phần thắng trong việc học nhóm vì điều gì các em cũng biết, cũng hiểu cả rồi.

Nở rộ các lò ôn luyện

Từ khi có quy định của Thông tư 22 về kiểm tra các mức độ trong bài kiểm tra, bài thi của học sinh thì khá nhiều các lò luyện toán nâng cao ra đời.

Dù theo quy định, trong các tiết dạy giáo viên phải dạy đủ 4 mức độ cho các đối tượng học sinh.

Thế nhưng 35 phút cho nửa trăm học sinh thì làm gì còn thời gian để dạy học nâng cao, dạy học phân hóa?

Phần khác không phải thầy cô nào cũng có thể dạy được những bài toán nâng cao của khối 4, 5. Có quá nhiều bài toán trong violympic mà tập trung nhân sự cả trường còn phải bó tay.

Học sinh có cha mẹ là giáo viên dạy Toán cấp 2, 3  đôi khi cũng chào thua những bài toán sao của tiểu học.

Cám ơn VNEN, cám ơn Thông tư 22 ảnh 2Dự án VNEN ươm mầm những điều giả dối?

Thế nhưng trong đề kiểm tra, đề thi của các em vẫn thường xuyên xuất hiện những dạng toán thế này.

Không thể dạy cho con, vậy là cách tốt nhất phụ huynh đăng kí cho con vào học lò luyện toán nâng cao.

Những giáo viên mở lò luyện này chủ yếu là những thầy cô có kiến thức chuyên sâu về toán.

Lịch học thêm cũng được lên khá chi tiết. Một tuần có 7 buổi tối thì 3 buổi tối  học thêm Toán, tiếng Việt. 2 buổi tối học Anh văn và 2 buổi còn lại học  thêm Toán nâng cao.

Mỗi buổi chiều cứ ra khỏi cổng trường, cha mẹ cho ăn vội cái gì đó (khi bánh canh, lúc bánh mì hoặc cục xôi) những đứa trẻ được chở đến thẳng nhà thầy cô học đến 8 giờ mới về.

Ngày nào cũng như ngày ấy, thế nên có học sinh nói “con không biết ngày thứ bảy là ngày nào”.

Bộ giáo dục và Đào tạo cũng đã lên tiếng về chương trình mới sắp tới sẽ được biên soạn theo hướng giảm tải cho học sinh.

Chừng nào các em đi học trên trường mà đêm về không phải lọ mọ đi học hết lò luyện này đến lò luyện khác thì kế hoạch giảm tải kiến thức mới thật sự hiệu quả.

Thảo Ly