"Chảy máu chất xám" thế nào, làm ở đâu cũng là cống hiến!

21/08/2014 06:31
Xuân Trung
(GDVN) - Câu chuyện thu hút nguồn nhân lực cho đất nước giống như một bài toán có lời giải nhưng việc áp dụng như thế nào lại là đáp số rất khó.

Vấn đề nguồn nhân lực thực chất là vấn đề con người. Xây dựng nguồn nhân lực Việt Nam tức là xây dựng con người Việt Nam có đủ tầm vóc, tố chất, tiêu chuẩn, tài đức, đủ sức đảm đương công việc được giao.

Tuy nhiên, trong thời gian qua vấn đề “chảy máu chất xám”, “thất thoát” nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao đang ở mức báo động. Gần đây nhất đất nước chứng kiến 12/13 nhà vô địch sân chơi tri thức “Đường lên đỉnh Olympia” được cấp học bổng du học nước ngoài, sau khi hoàn thành khóa học hầu hết các bạn đều ở lại làm việc cho các công ty, tổ chức nước ngoài. Điều gì khiến nguồn nhân lực chất lượng cao thường ở lại nước ngoài làm việc?

Trả lời cho câu hỏi này, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Trần Đức Cảnh, nguyên là Thành viên Hội đồng liên trường đại học vùng Đông Bắc bang Massaschusetts, tốt nghiệp Thạc sĩ kinh tế và khóa Tham mưu cao cấp tại Trường Hành chính công John F. Kennedy thuộc đại học Harvard, Hoa Kỳ. Ông Cảnh cũng đã có 16 năm kinh nghiệm quản lý và xây dựng chính sách cho các Chương trình Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực tại bang Massachusetts. 

Bàn cân của tài năng

Ông Trần Đức Cảnh cho rằng, khi đã là một nhà khoa học tầm của thế giới thì các đề tài khoa học của họ không còn là phạm vi của một quốc gia, do đó nơi nào có điều kiện tốt nhất để làm việc thì họ sẽ ở đó. 

Tuy nhiên, không thể nói làm việc, học tập ở nước ngoài là không cống hiến cho đất nước bởi đã là người Việt Nam dù có đi đâu, sống ở đâu vẫn là người Việt Nam. Vì công việc, vì tương lai, vì đề tài khoa học mà nhiều người cho là quan trọng nhất trong cuộc đời để theo đuổi, cũng vì lí do đó mà nhiều người muốn ở lại nước ngoài làm việc.

"Chảy máu chất xám" thế nào, làm ở đâu cũng là cống hiến! ảnh 1

Ông Trần Đức Cảnh.

Thách thức lớn nhất hiện nay là môi trường và điều kiện làm việc trong nước còn quá nhiều bất cập, hạn chế sự phát triển tài năng của tuổi trẻ. Điều này không còn mới lạ đối với nhiều người.

Ông Cảnh cũng cho rằng, việc lựa chọn quyết định về hay ở lại nước ngoài là một lựa chọn khó. Thậm chí đã có nhiều người đặt lên bàn cân để tính toán về và ở, và nếu không có những ràng buộc khác thì thường trong giới khoa học, bàn cân đó sẽ nghiêng về việc ở lại một quốc gia nào đó - nơi có điều kiện phát huy tài năng của họ. 

Ông Trần Đức Cảnh đồng ý tình trạng “chảy máu chất xám” nhưng nghĩa của nó có nhiều cách hiểu. Lấy ví dụ như trường hợp của GS. Ngô Bảo Châu và nhiều nhà khoa học trẻ của Việt Nam ở nước ngoài không thể nói “chảy máu chất xám” được, bởi chính họ đã từng bước tạo một cầu nối cho nền khoa học nước nhà với sự phát triển khoa học của thế giới, họ hướng về Việt Nam với nhiều cách thức khác nhau – kết nối lực lượng tri thức trẻ trong nước ra nước ngoài học tập và làm việc, và ngược lại thu hút nguồn nhân lực có chất lượng của thế giới về Việt Nam trao đổi kinh nghiệm.

"Chảy máu chất xám" thế nào, làm ở đâu cũng là cống hiến! ảnh 2

Lo lắng học- thi, một học trò gửi tâm thư tới Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

(GDVN) - Xin đừng mạo hiểm tương lai nhiều thế hệ một cách thiếu trách nhiệm chỉ vì một chút vội vàng, một chút danh dự, một chút bảo thủ...

Cũng theo ông Cảnh, việc đóng góp công sức cho đất nước của nguồn nhân lực chất lượng cao không nhất thiết phải về nước mới có thể làm điều đó, thậm chí làm việc ở nước ngoài sẽ có những thuận lợi nhất định để góp sức xây dựng đất nước. 

Lấy ví dụ như tại MIT (Viện Kỹ Thuật Massachusetts - Mỹ), có nhiều giáo sư người gốc Trung Quốc, họ đã tạo điều kiện cho rất nhiều sinh viên Trung Quốc sang Mỹ học tập, nghiên cứu, sau đó trở về. Lực lượng này đã đóng góp không nhỏ cho sự phát triển khoa học, kỹ thuật ở Trung Quốc trong 3 thập niên qua. 

Ông Cảnh và các bạn trong giới khoa học đã giúp khởi động chương trình tương tự cho sinh viên Việt Nam 15 năm trước ở một số trường đại học Mỹ, nhưng chỉ ở con số rất khiêm nhường. 

Mục tiêu của người tài bị thui chột

Trở lại câu chuyện thu hút nguồn nhân lực cho quốc gia, làm thế nào để thu hút nguồn nhân lực? Đây cũng chính là một trong 9 giải pháp mà Chính phủ để đổi mới và phát triển nền giáo dục. 

Ông Trần Đức Cảnh cho rằng, vấn đề quan trọng nhất mang tính nội tại để phát triển nguồn nhân lực đó là cấu trúc hệ thống giáo dục và đào tạo bên cạnh cách sử dụng nhân sự và môi trường làm việc.

Điều quan trọng là cải cách nền giáo dục hiện nay phải dựa trên tổng thể, rồi kết nối từng phần cho đồng bộ. Theo ông, cấu trúc vận hành của một xã hội nói chung và lĩnh vực giáo dục nói riêng đang không khớp với nhau. 

Bởi thực tế, trong quá trình đào tạo, đầu vào có thể tốt nhưng để ra một “sản phẩm” thì lại tệ, vấn đề này cũng cần xem lại “khúc giữa” – đó là quá trình đào tạo như thế nào. Ngoài ra, đầu ra đại học hiện nay lại bị méo mó, người có khả năng không được tận dụng, ngược lại người kém lại lọt vào một vị trí tốt nào đó. Do đó, động cơ cho những người giỏi có điều kiện để vượt lên, những minh chứng hàng ngày như vậy sẽ làm nản chí người tài.

“Tôi có thể học giỏi đứng đầu lớp, nhưng có người học kém nhất lớp mà họ lại lọt vào một vị trí mà đó là ước mơ của tôi bấy lâu nay thì học giỏi để làm gì?  Công bằng và minh bạch trong khâu tuyển chọn và sử dụng nhân sự là khâu đột phá quan trọng nhất trong đổi mới giáo dục và xã hội”, ông Cảnh cho hay.  

Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực

Theo ông Trần Đức Cảnh, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực phải được gắn liền với phát triển kinh tế và xã hội theo nghĩa rộng. Thông tin, dữ liệu cần thiết phải thường xuyên được cập nhật qua các nghiên cứu, phân tích, đánh giá và tranh luận trên các diễn đàn một cách rộng rãi. Các cơ quan, trường đại học, trung tâm đào tạo sẽ tự nghiên cứu và tham khảo các tài liệu cần thiết để lập kế hoạch đào tạo cho riêng mình. 

"Chảy máu chất xám" thế nào, làm ở đâu cũng là cống hiến! ảnh 3

Học trò lớp 12 muốn đối thoại về kỳ thi quốc gia với Bộ Giáo dục

(GDVN) - Một số học sinh mong muốn Bộ GD&ĐT cần đối thoại để lắng nghe ý kiến từ chính người trong cuộc là các em học sinh đang học lớp 12 để nghe các em nói gì.

Nhằm hoạch định một kế hoạch phát triển nguồn nhân lực hiệu quả cho Việt Nam, bài toán khó hiện nay là định hướng và chiến lược phát triển kinh tế vĩ mô còn nhiều bất cập. Tuy nhiên, ở mức độ tổng quan chúng ta vẫn có thể phác họa một mô hình phát triển nguồn nhân lực trong chu kỳ 10 đến 20 năm tới. Các nghiên cứu tin cậy về nhu cầu ngành nghề phát triển trong tương lai sẽ tiếp tục cập nhật và điều chỉnh, là dự báo tốt cho các trường đại học lập kế hoạch đào tạo, sát với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.  

Một mô hình được ông Trần Đức Cảnh cho rằng có khả năng thực hiện, trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay hướng phát triển để trở thành một nước công nghiệp trong tương lai, nếu nhà nước tập trung đầu tư, xây dựng nguồn nhân lực mạnh hơn nữa. 

“Ước tính dân số năm 2035 là 117 triệu người, 52% dân số ở độ tuổi lao động từ 25-64. Số người qua đào tạo chiếm 53.5% so với 17% hiện nay. Ở thời điểm đó, số người tốt nghiệp Cao đẳng trở lên là 30%, Đại học trở lên chiếm 20%. Muốn tiến đến một nền công nghiệp và dịch vụ thật sự, chúng ta phải xây dụng  một nguồn nhân lực vừa số lượng và chất lượng, đồng thời cải thiện đáng kể môi trường làm việc thì mới mong hiện thực được kế hoạch công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong 20 năm tới” ông Trần Đức Cảnh khẳng định.

Xuân Trung