Chỉ đạo miệng của cấp trên, "khẩu thiệt vô bằng" giáo viên khiếp sợ

25/10/2017 06:40
Thảo Ly
(GDVN) - Để tránh rắc rối, khi ban giám hiệu muốn học sinh lên lớp phải có bút phê hoặc ghi vào biên bản cuộc họp rõ ràng”, còn không giáo viên sẽ nhất quyết chối từ.

LTS: Phản ánh nỗi lo lắng cùng sự khó xử của các thầy cô giáo trước những chỉ đạo, phân công công việc từ cấp trên nhưng chỉ bằng miệng chứ không qua bất kì văn bản, giấy tờ nào, cô giáo Thảo Lý đã có bài viết chia sẻ về vấn đề này.

Theo cô, để không mất lòng sếp mà vẫn bảo vệ được mình câu hỏi này đối với giáo viên chẳng đơn giản chút nào? 

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Cấp trên ở các cơ sở của ngành giáo dục hiện nay vẫn thường hay chỉ đạo cấp dưới làm một số việc bằng miệng chứ không hề ra văn bản. Bởi thế, đã có không ít giáo viên phải nhận trách nhiệm về mình chỉ vì nghe những lời chỉ đạo miệng ấy.

Nếu bình thường thì cũng chẳng sao nhưng khi có chuyện gì đó xảy ra thì phần lớn các sếp đều chối bay chối biến vì “lời nói gió thoảng bay” chẳng có gì lưu lại bằng chứng cả.

Không ít giáo viên tâm tư “không nghe lời sếp cũng chết mà nghe cũng chết”. Vậy làm sao để không mất lòng sếp mà vẫn bảo vệ được mình câu hỏi tuy khó nhưng chẳng đơn giản chút nào?

Hình ảnh minh họa cho sự bất lực của các giáo viên trước hiệu trưởng (Ảnh nguồn: tuoitre.vn).
Hình ảnh minh họa cho sự bất lực của các giáo viên trước hiệu trưởng (Ảnh nguồn: tuoitre.vn).

Năm vừa qua, dư luận được phen rúng động bởi một học sinh lớp 6 ở Sóc Trăng bị nhà trường trả về cho học lớp 1.

Lý giải chuyện này, cô Nguyễn Huỳnh Ngọc Hạnh - hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Đạo Thành xác nhận, em Vũ đã vào lớp 6 nhưng học rất yếu là có thật.

Cô Hạnh nói: “Hàng năm, để xét lên lớp, nhà trường tổ chức thi, kiểm tra chéo, nhận xét đánh giá đầy đủ. Vì quá tin tưởng giáo viên nên mới có chuyện này xảy ra…”.

Mới đây, Báo Tuổi Trẻ đưa tin “Sự thật học sinh lớp 2 trường chuẩn quốc gia không đọc được chữ nào”, theo ông Thắng hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Tôi không thể kiểm tra từng trường hợp, việc này được giao cho giáo viên, nhưng cách làm không ổn".

Nếu trong ngành giáo dục thì ai ai cũng hiểu chẳng giáo viên nào lại muốn cho học sinh lên lớp khi các em học quá yếu. Bởi như thế, chính họ hoặc đồng nghiệp của mình sẽ rất vất vả.

Nhưng dù muốn thế cũng chẳng dễ thực hiện nếu để các em ở lại sẽ bị khống chế đủ các chỉ tiêu. Và chẳng hiệu trưởng nào lại im lặng chấp nhận điều này.

Chỉ chỉ đạo miệng

Khi nhận thấy có học sinh sẽ ở lại lớp, ban giám hiệu sẽ mời giáo viên chủ nhiệm lên để trao đổi.

Trong câu chuyện, họ không bao giờ ra lệnh cho thầy cô phải cho học sinh lên lớp mà mang đủ thứ chỉ tiêu ra để phân tích, để đưa ra những hậu quả khi trường có nhiều học sinh lưu ban. Chưa hết, danh hiệu của giáo viên cũng sẽ bị khống chế.

Thế rồi, ngày nào cũng họp, cũng phân tích nguyên nhân, cũng tìm cách lý giải và bao giờ cũng thế giáo viên là người chịu trách nhiệm chính khi dạy mà các em không tiến bộ.

Chỉ đạo miệng của cấp trên, "khẩu thiệt vô bằng" giáo viên khiếp sợ ảnh 2

Học sinh lớp 6 phải về lớp 1 vì không biết đọc, biết viết đâu phải chuyện hiếm!

Có trường hiệu trưởng chẳng cần vòng vo mà nói thẳng “do thầy (cô) giảng dạy chưa nhiệt tình, do phương pháp dạy học chưa hiệu quả…”. Thế rồi, phần lớn giáo viên chọn giải pháp tặc lưỡi “muốn lên lớp thì cho lên” để đỡ phiền phức.

Ban giám hiệu nào cũng học được bí quyết chỉ đạo mà như không bởi chẳng thể lưu lại bằng chứng gì. Thế nên, họ dễ dàng chối bỏ trách nhiệm, mặc cho giáo viên đứng mũi chịu sào.

Một đồng nghiệp của tôi ở xa than thở, “không cho trò lên lớp thì mệt với nhà trường. Cho lên lớp lại phập phồng lo sợ nếu bị cấp 2 trả lại như Sóc Trăng thì cầm chắc án kỉ luật trong tay vì lúc đó chắc chắn chẳng có ai đứng ra bảo vệ mình.

Một đồng nghiệp khác lại rầu rĩ, “mình cũng vì nghe lời chỉ đạo miệng của ban giám hiệu mà rước họa vào thân. Nhưng không nghe cũng chẳng thể sống yên ổn với họ, chẳng biết nên phải làm gì đây?”.

Nói rồi bạn kể, lớp mình có 2 học sinh học vô cùng yếu. Nhìn các em ngu ngơ, không chịu hợp tác học tập dù giáo viên đã nỗ lực hết mình kèm cặp. Ai ai nhìn vào cũng nói các em bị tự kỉ chỉ riêng gia đình các em vẫn không thừa nhận.

Cứ học như thế, hai học sinh này cầm chắc vé ở lại lớp. Thế rồi, ban giám hiệu nói rằng “Thầy nói với 2 phụ huynh đi giám định khuyết tật cho các em. Nếu họ không chịu đi hãy bảo rằng nên xin trường khác học vì trường này là trường chuẩn quốc gia không thể có học sinh lưu ban một em huống gì tới 2 em một lúc”.

Thầy giáo nói mình đã vất vả thế nào để thuyết phục gia đình đưa các em đi giám định nhưng phụ huynh thì cứ khăng khăng nói rằng “con tôi bình thường không bệnh tật gì cả”.

Với sức ép từ phía nhà trường, cứ vài ba ngày, giáo viên chủ nhiệm lại gọi cho phụ huynh để nhắc nhở. Có lẽ do mệt mỏi, áp lực nên gia đình cho hai em nghỉ học và làm đơn kiện nhà trường buộc con họ chuyển trường.

Chỉ đạo miệng của cấp trên, "khẩu thiệt vô bằng" giáo viên khiếp sợ ảnh 3

"Hoá ra từ dưới lên trên đều cố gắng lừa dối nhau vì bệnh thành tích"

Chuyện tới tai cấp trên và trở nên ầm ĩ, thanh tra về xác minh xem có chuyện buộc gia đình phụ huynh chuyển trường học khác nếu không lấy được giấy chứng nhận khuyết tật về.

Thầy giáo chủ nhiệm được mời lên chất vấn. Thầy nói mình làm theo chỉ đạo của ban giám hiệu. Lập tức hiệu trưởng, phó hiệu trưởng chối bay chối biến rằng: “Chúng tôi nói khi nào? Nói với ai? Ai có thể làm chứng?”.

Dĩ nhiên giáo viên không thể chứng minh được nên một mình phải gánh tội “phân biệt đối xử, bạc đãi học sinh…”, “ngại khó ngại khổ” và “vô cảm”....

Cách nào bảo vệ mình?

Nhiều thầy cô giáo đều răm rắp nghe theo mọi lời nói của cấp trên mặc dù lòng không muốn. Họ thường tự nhủ “chỉ xui mới bị phát hiện, lúc đó cũng chỉ biết chịu vì mình không được hên”.

Nhưng một số giáo viên thẳng thắn bày tỏ “Để tránh rắc rối cho mình, khi ban giám hiệu muốn học sinh lên lớp phải có bút phê hoặc phải ghi vào biên bản cuộc họp rõ ràng”, còn không sẽ nhất quyết chối từ. Làm được điều này, chính thầy cô phải biết bỏ qua bệnh thành tích của bản thân mình.

Tài liệu tham khảo:

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/tra-hoc-sinh-lop-6-ve-lop-1-vi-khong-biet-doc-biet-viet-331996.html

Thảo Ly