Chiều cao mét rưỡi, thông tin chi tiết từ Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh

14/02/2019 06:44
Phương Linh
(GDVN) - Đại diện Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định rằng, chiều cao cũng có ảnh hưởng nhất định đến yêu cầu của nghề giáo viên.

Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố các thông tin tuyển sinh của nhà trường trong năm 2019.

Trong đó, đặc biệt, nhà trường yêu cầu, các thí sinh nữ phải có chiều cao từ 1,5m trở lên mới được thi vào ngành sư phạm tại trường.

Ngay sau khi công bố, thông tin này đã nhận được các phản ứng trái chiều khác nhau trong giới chuyên môn, phụ huynh cũng như các em học sinh.

Ngày 13/2/2019, ông Lê Phan Quốc – Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã có thông tin chi tiết, cụ thể hơn, phản hồi những yếu tố mà hiện dư luận đang rất quan tâm.

Theo ông Lê Phan Quốc, chiều cao cũng là một trong những yếu tố sức khỏe của người dự tuyển vào trường, đã được quy định từ năm 2008. Cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng” do Nhà Xuất bản Giáo dục phát hành cũng đã ghi rõ điều này.

Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: baogiaothong.vn)
Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: baogiaothong.vn)

Tiêu chí sức khỏe là một trong những yếu tố được nhà trường rất quan tâm, để có thể đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho ngành giáo dục có sức khỏe, có khả năng thích nghi với nghề.

Đây là một trong những yếu tố đón đầu các đòi hỏi của xã hội, mong mỏi của phụ huynh về một lớp nhà giáo hiện đại, tâm huyết với nghề, có sức khỏe tốt.

Đây là đề án tuyển sinh của riêng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, chứ không phải là tiêu chí mới của ngành. Ngoài chiều cao, thì các yêu cầu khác về sức khỏe còn có nhiều yêu cầu, phẩm chất năng lực khác.

Cao mét rưỡi trở lên mới được thi ngành sư phạm ở Thành phố Hồ Chí Minh

Xét trên bình diện chung của cả xã hội, với những đề án có liên quan, như đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất, thể thao trường học giai đoạn 2016 – 2020 do Thủ tướng Chính phủ ký ngày 17/6/2016, đánh giá sức khỏe trong trường học là rất quan trọng.

Bên cạnh đó, việc tham gia thể thao, hay quy định có ít nhất 95% trường tiểu học đảm bảo có kỹ năng giáo dục thể chất, tổ chức hoạt động thể thao ngoại khóa cho thấy yêu cầu về mặt sức khỏe là rất cần thiết.

Theo quyết định 1613 của Bộ Y tế ban hành từ năm 1997, sức khỏe loại 3 – trung bình ứng với chiều cao nhất định của sinh viên, học sinh. Cùng lúc, theo chiến lược quốc gia về dinh dưỡng, đến năm 2011 – 2020, chiều cao của người Việt sẽ tăng thêm vài cm so với những năm trước…nên vấn đề chiều cao cũng được xem như là tiêu chuẩn sức khỏe.

Theo thông tư liên tịch giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Y tế, bảng treo ở lớp học cách nền phòng từ 0,65 đến 0,8m (trường tiểu học) và từ 0,8 đến 1m (trường trung học cơ sở).

Chính vì vậy, chiều cao của thầy cô giáo sẽ có ảnh hưởng nhất định từ phương diện yêu cầu của nghề.

Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh lại là nơi đào tạo giáo viên trung học phổ thông ở nhiều ngành mũi nhọn, cung cấp cho thành phố này, và cả khu vực phía Nam.

Việc đảm bảo sức khỏe của giáo viên, khi đảm trách công tác dạy học cho học sinh trung học phổ thông là điều rất cần thiết, trong đó kể cả vấn đề chiều cao.

Bất cứ học sinh nào có nhu cầu trở thành sinh viên của ngành sư phạm tại trường, đều được nhà trường xem xét chi tiết, đảm bảo tính công bằng.

Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh mới, cần xem xét đến tính khoa học, hiện đại của nghề, yêu cầu chung trên bình diện hội nhập quốc tế, cần xem xét đến tiêu chí chiều cao như là một yêu cầu của việc tuyển sinh, không suy luận hay giả định có những thí sinh có hoàn cảnh khác, bởi tuyển sinh cần có sức khỏe chung, và yêu cầu này cần được xem xét.

Các số liệu cập nhật cho thấy, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2009 – 2010, nam cận 20 tuổi đã đạt chiều cao 1,64m, nữ đã đạt 1,5m, nên yêu cầu tối thiểu 1,5m với nữ là chấp nhận được, khả thi.

Đề án tuyển sinh của trường cũng thể hiện rõ ràng, đối với những trường hợp đặc biệt, trường vẫn trân quý, và xem xét chi tiết, cụ thể, đồng thời sẽ có những biện pháp để đảm bảo tính nhân văn, tôn trọng.

Nói cách khác, vấn đề tuyển sinh, chọn nghề cần dựa trên khả năng tự đánh giá, tự nhận thức, tự hướng nghiệp…Bất cứ trường hợp nào có yêu cầu, ban tuyển sinh sẽ xem xét công bằng, nghiêm túc, đảm bảo tính nhân văn nhất.

Nhà trường sẽ sẵn sàng lắng nghe mọi ý kiến phản hồi, vì đây cũng chỉ mới là dự kiến, trên tinh thần cầu thị, có xem xét và nghiên cứu, nhưng cũng cần đảm bảo các chuẩn chung khác với từng trường hợp.

Vấn đề quan trọng hơn cả, là nhà trường cần tuyển những thí sinh thật sự yêu nghề, có khả năng đáp ứng tất cả các tiêu chí, chứ không phải chỉ vì rào cản chiều cao mà có thể cản trở bất cứ thí sinh nào.

Với các trường hợp đặc biệt, nhà trường sẽ sẵn sàng xem xét, nếu thí sinh có nhu cầu, khẳng định được khả năng và lòng yêu nghề.

Khi có đề án chính thức do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, nhà trường sẽ bắt đầu công tác tuyển sinh. Với dự kiến này, nhà trường có thể hướng dẫn rõ: Với các trường hợp đặc biệt thì sẽ được xem xét, tư vấn cụ thể.

Phương Linh