Giải cứu bong bóng đại học:

Chính sách không bình đẳng, làm sao các trường tự cứu mình?

02/01/2013 07:35
Ngọc Lâm
(GDVN) - Ở Pháp, các cơ sở giáo dục bậc cao tư nhân chiếm 30% tổng số cơ sở giáo dục bậc cao. Đây là một bộ phận không tách rời và bình đẳng trong hệ thống giáo dục quốc gia và được sự trợ giúp nhất định từ phía Chính phủ, kể cả về tài chính ở các mức và các hình thức khác nhau.
LTS: Sau khi vấn đề "bong bóng đại học" được nêu ra và GS.TS Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ Giáo dục trả lời về vấn đề này với câu nói "Trường phải tự cứu lấy mình trước", độc giả Nguyễn Ngọc Lâm (từ Pháp) đã gửi tới Báo Giáo dục Việt Nam những chia sẻ, so sánh thú vị giữa giáo dục Việt Nam và giáo dục Pháp. Để độc giả hiểu hơn về những khó khăn của các trường, chúng tôi xin đăng tải nguyên văn bài viết này.
Ở một vài xã hội, tương tự các doanh nghiệp kinh tế tư nhân, các trường đại học tư nhân nhan nhản mang tính kinh doanh vì lợi nhuận, nay thành lập, mai biến mất là chuyện thường. Chẳng ai cứu họ cả. Đó là những tổ chức thuộc hạ tầng cơ sở mà ta thường gọi là những tổ chức ở cấp vi mô tương thích với những thượng tầng kiến trúc mà ta thường gọi là cấp vĩ mô, ở một vài quốc gia, tại đó có nền kinh tế thị trường tự do rất đúng nghĩa. Chẳng hạn như nước Mỹ, thuê và sa thải lao động dễ nhất thế giới.

Việt Nam có chấp nhận cách tổ chức thượng tầng kiến trúc như vậy không? Chắc là không. Vậy thì nên tham khảo một số mô hình khác, ở đó cũng có nền kinh tế thị trường nhưng có vai trò điều tiết rất quan trọng của Nhà nước, chẳng hạn ở Châu Âu là Đức, Pháp… ở Châu Á là Hàn Quốc. Nền giáo dục của nước Đức có những nét đặc thù truyền thống mà Việt Nam khó học và làm theo. Nền giáo dục của Hàn Quốc được OCDE đánh giá cao về giáo dục trung học nhưng chưa được xếp hạng cao về giáo dục bậc cao. Nền giáo dục của Pháp chưa được xếp hạng nhất nhì thế giới, nhưng được đánh giá cao về giáo dục bậc cao và nhiều điều ta có thể tham khảo và áp dụng vừa với sức ta.

Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)

Theo số liệu đã công bố, cuối năm 2012 Việt Nam có 409 trường đại học và cao đẳng. 245 trường trong số 409 trường đó (chiếm 60%) mới được nâng cấp trong 10 năm qua từ các trường bậc thấp hơn (mà thấp hơn cao đẳng thì chỉ có trung học chuyên nghiệp) và 32 trường (chiếm 8%) hoàn toàn thành lập mới. Các trường này không sẵn có giáo viên đại học, năng lực tổ chức, năng lực quản lý.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cảnh báo cho các trường biết kể từ năm nay 2013, Bộ sẽ dừng mở một số ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, có nghĩa là gián tiếp bảo các trường lâu nay ưu tiên mở các ngành đó phải thay đổi chiến lược ngành nghề đào tạo.

Ai cũng biết khối lượng vốn đầu tư ban đầu vào các chuyên ngành thuộc lĩnh vực kinh tế không lớn như đầu tư vào các chuyên ngành thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ; ở đó cần có thư viện chuyên ngành kỹ thuật, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành với nhiều thiết bị kỹ thuật thực hành đắt tiền và phải luôn luôn đổi mới. Do ít vốn ban đầu, nhiều trường đại học ngoài công lập ưu tiên mở các ngành thuộc lĩnh vực kinh tế là điều dễ hiểu. Trừ những trường có vốn đầu tư của nước ngoài, nếu không có sự trợ giúp vật chất của Nhà nước chẳng hạn chính sách cho thuê đất để mở xưởng trường, chính sách tín dụng ưu đãi trong những năm đầu để mua sắm thiết bị kỹ thuật và ứng trước kinh phí đào tạo thì nhiều trường đại học ngoài công lập khó có thể tự cứu bằng cách chuyển đổi các ngành đào tạo từ lĩnh vực kinh tế đã bão hoà khả năng cung ứng cho thị trường lao động sang lĩnh vực khoa học công nghệ.

Ở Pháp, các cơ sở giáo dục bậc cao tư nhân chiếm 30% tổng số cơ sở giáo dục bậc cao. Đây là một bộ phận không tách rời và bình đẳng trong hệ thống giáo dục quốc gia và được sự trợ giúp nhất định từ phía Chính phủ, kể cả về tài chính ở các mức và các hình thức khác nhau. Năm 2008 đã có 58 cơ sở giáo dục bậc cao tư nhân được Bộ giáo dục Pháp trợ cấp tài chính, trong đó có 32 trường đào tạo kỹ sư, 13 trường đại học quản trị doanh nghiệp có hợp đồng đào tạo với Nhà nước.
Vai trò thượng tầng kiến trúc ở nước ta cực kỳ quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của các tổ chức cấp vi mô, kể cả các tổ chức giáo dục, vì Nhà nước nắm hầu hết mọi nguồn lực của đất nước. Do đó, nhiều người mong lời giải của Thứ trưởng Bùi Văn Ga là “Trường phải tự cứu mình trước và Bộ sẽ chỉ ra trận địa mới cho các Trường, và giúp đỡ thông qua quy hoạch lại hệ thống giáo dục đổi mới của nước ta”.

Thật ra, muốn quy hoạch lại, Bộ có cái khó của Bộ. Bộ chịu trách nhiệm trước nhân dân về giáo dục đào tạo nghề, nhưng hiện nay đào tạo nghề dưới bậc đại học thì Bộ không quản mà thuộc quyền của Tổng cục dạy nghề. Ở Pháp không như vậy. Giáo dục đào tạo là lĩnh vực bất khả chia của Bộ giáo dục. Chỉ có sự phân chia 2 nấc thang vì quy mô quá lớn, là Bộ Giáo dục quốc gia quản lý giáo dục phổ thông, kể cả đào tạo nghề, từ bậc trung học trở xuống và Bộ Giáo dục bậc cao và nghiên cứu, đồng thời phân cấp quản lý giáo dục cho 36 cơ quan quản lý cấp dưới của toàn nước Pháp. Mỗi cơ quan quản lý ấy sẽ quản lý tất cả các trường tiểu học, trung học và đại học thuộc vùng đó. Vậy nên, theo quan điểm hệ thống, để quy hoạch lại hệ thống giáo dục, Nhà nước nên sát nhập Tổng cục dạy nghề vào Bộ giáo dục đào tạo. Nếu quy mô quản lý quá lớn thì nên tách thành 2 nấc quản lý trong Bộ giáo dục, để quản lý giáo dục phổ thông và quản lý giáo dục bậc cao.

Bắt đầu mỗi kỳ phát triển kinh tế 5 năm hoặc 10 năm, bộ ba gồm Bộ Kế hoạch và đầu tư – Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục nên cùng nghiên cứu và chỉ rõ ra được trong 5 năm hoặc 10 năm sắp tới xã hội ta sẽ có thêm những lĩnh vực nào mới, cần có những chuyên ngành nào ở mọi cấp độ từ bậc trung học đến bậc đại học, số lượng và chất lượngnhân lực phải được cung ứng cho thị trường lao động với mức nào, làm luận cứ cho Bộ Giáo dục triển khai trận địa và kế hoạch tác chiến của mình. Không có dự báo như vậy thì hệ thống giáo dục khó tránh khỏi lúng túng trong quá trình vận hành và các trường đại học tư nhân khó lập chiến lược phát triển ngành nghề phù hợp như Thày Ga mong muốn.

Tuy nhiên, bản thân các trường đại học tư nhân cũng nên lường sức mình trong việc chọn quy mô đào tạo phù hợp, để có thể linh hoạt ứng phó với những thay đổi của môi trường giáo dục. Ở Pháp không có các trường đại học tổng hợp (Université) tư nhân đa lĩnh vực, đa ngành quy mô lớn. Chỉ có những trường đại học tư nhân đa ngành thuộc 1 lĩnh vực, chẳng hạn các trường đào tạo kỹ sư, các trường đại học thương mại, các trường dự bị đại học 2 năm, quy mô mỗi trường không quá 3.000 sinh viên.

Khó khăn lớn nhất hiện nay của các trường đại học ngoài công lập vẫn là vấn đề tuyển sinh. Khó khăn này chỉ có thể được hoá giải triệt để như ở các quốc gia phát triển, khi bất kỳ học sinh nào có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông đều có quyền đăng ký vào học đại học, đồng thời từng trường đại học được quyền tuyển sinh theo quy chế riêng. Nhưng có lẽ ở nước ta, điều đó còn là xa vời, do Bộ giáo dục còn thiếu 2 điều kiện tiên quyết là chưa có trong tay 1 hệ thống trường nghề đủ về số lượng, mạnh về chất lượng để hướng nghiệp cho học sinh sau bậc trung học cơ sở, đồng thời chưa bảo đảm được chất lượng giáo dục trung học phổ thông tương đối đồng đều và chưa đạt đến mức có thể chuyển tiếp hầu hết học sinh lên bậc đại học. Ngay bây giờ bỏ kỳ thi 3 chung tuyển sinh đại học hoặc hạ điểm sàn tuyển sinh đại học hơn nữa đều dẫn đến sự hy sinh chất lượng đào tạo bậc đại học là điều không ai mong đợi nên chúng ta chỉ có thể mong Bộ sớm đạt được 2 điều kiện tiên quyết đó , để sớm bỏ cuộc thi 3 chung vào đại học như hiện nay.

Có lẽ rất khó tìm ra trường đại học ngoài công lập nào lại hoàn toàn không tích luỹ từ lợi nhuận. Nếu không có lợi nhuận thì trường đại học dân lập kỹ thuật công nghệ TPHCM lấy vốn đâu để xây thêm cơ sở 2 khang trang trên đường Ung Văn Khiêm mà Thày Ga đã nhắc đến. Nhiều người đang chờ Bộ xác định giới hạn mức nào thì các trường đại học ngoài công lập sẽ phải chịu thuế đánh vào lợi nhuận . Không Hội đồng quản trị nào bỏ tiền cá nhân ra nộp thuế mà tiền thuế sẽ được đưa vào học phí do người học gánh. Đây sẽ là 1 bài toán bậc cao về chính sách đòn bẩy đối với giáo dục.

Xin kể lại 1 mẩu chuyện gần gũi và có thật. Vào đầu thập kỷ 1970, nông nghiệp miền Bắc được tổ chức thành các Hợp tác xã. Nhiều vị Chủ nhiệm hợp tác xã khá hách dịch vì họ trực tiếp quản từng chiếc dạ dày của xã viên thông qua quyết định phân chia phần thu hoạch của hợp tác xã. Trong 1 cuộc họp với Chủ nhiệm hợp tác xã mà tôi được dự, ông Thiên, khi đó là Thứ trưởng Bộ Lương thực thực phẩm nói: “Họ (tức các nông dân xã viên) phơi lưng ngoài đồng để nuôi chúng ta, nuôi Bộ đội. Đáng lẽ các anh phải trải chiếu hoa mời họ ngồi để nói phải trái, cớ sao lại hách dịch với họ”.

Trong các trường đại học ngoài công lập có những gương tốt, chẳng hạn trường đại học dân lập Thăng Long đã được GS Ga nhắc đến. Cũng có trường đã gây ra tai tiếng xấu nên Bộ phân loại và có cách ứng xử khác nhau là hoàn toàn hợp lý hợp tình nhưng nói chung các trường đại học ngoài công lập là những tổ chức do dân thành lập bằng vốn của mình và chia sẻ nhiệm vụ giáo dục quốc dân với Bộ. Do vậy đối với các trường ngoài công lập, xã hội ta nên có thái độ ứng xử đẹp như thái độ của vị Thứ trưởng Thiên mà tôi kể trên.
Ngọc Lâm