Chưa thể đưa ngoại ngữ vào chương trình từ lớp 1

01/11/2012 14:26
Theo TT&VH
"Khi chúng ta đưa ngoại ngữ vào ngay từ lớp 1 nghĩa là 7 triệu rưỡi học sinh tiểu học sẽ học theo chương trình ngoại ngữ này, đồng nghĩa với độ 30.000 giáo viên cần được đào tạo mới. Kéo theo một khối kinh phí khổng lồ đè lên quyết định vĩ mô này."
Đó là nhận định của GS Nguyễn Ngọc Hùng, trưởng bộ phận thường trực Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020.
Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, là một trong những nội dung quan trọng được thảo luận tại Hội nghị Trung ương 6 vừa qua. Hội nghị cho rằng đây là vấn đề lớn, hệ trọng cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết một cách thấu đáo tạo sự thống nhất cao để ban hành nghị quyết vào một thời điểm thích hợp. Trước mắt, ngành giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện thật tốt Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo từ nay đến năm 2020.

GS Nguyễn Ngọc Hùng, trưởng bộ phận thường trực Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020.
GS Nguyễn Ngọc Hùng, trưởng bộ phận thường trực Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020.

HỘP THƯ TỐ CÁO TIÊU CỰC GIÁO DỤC

Một nội dung quan trọng của Chiến lược này là Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020. Đề án được thực hiện từ tháng 6/2011 dự tính sử dụng 9.378 tỷ đồng cho 10 năm hoạt động, kinh phí lấy từ chương trình Mục tiêu quốc gia về giáo dục đào tạo. Mục tiêu của Đề án là đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Xung quanh đề án này, TT&VH đã trao đổi với GS Nguyễn Ngọc Hùng (ảnh), trưởng bộ phận thường trực Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020 (gọi tắt là Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020).
Theo ông Hùng, ngoại ngữ chính là chìa khóa cho "chứng chỉ quốc tế" mà lao động Việt Nam cần trang bị khi cạnh tranh tại thị trường lao động trên đường đua hội nhập.
Cần chứng chỉ quốc tế cho mọi nghề
Tại sao việc thực hiện Đề án trong giai đoạn này ngày càng trở nên bức thiết?
GS Nguyễn Ngọc Hùng: Dự kiến đến 2015, Cộng đồng ASEAN bắt đầu hoạt động. Thời điểm đó, thị trường lao động sẽ mở cửa, lao động nước ngoài được phép vào Việt Nam, cạnh tranh thị trường việc làm trực tiếp. Nếu chúng ta không chuẩn bị chu đáo cho lao động trong nước, sẽ chịu thất bại ngay trên sân nhà.
Một trong những điều quan trọng nhất là trang bị là ngoại ngữ cho người lao động.
Ví dụ, Philippines mở cửa thị trường lao động sớm, khi chưa có những sự chuẩn bị tốt, hệ quả là lao động của Malaysia, Singapore, vùng lãnh thổ Đài Loan ồ ạt tràn vào, chiếm lấy tất cả các vị trí quản lý bậc trung. Người Philippines không còn những cơ hội tiếp cận những vị trí quản lý tốt, trở thành những lao động làm thuê ngay tại sân nhà.
Với Hàn Quốc, họ chuẩn bị rất kỹ trước khi mở cửa, rất nhiều lĩnh vực họ đều có dấu ấn trên thị trường quốc tế. Hai quốc gia trên là bài học nhãn tiền với chúng ta.
Còn với chúng ta, có câu chuyện cán bộ của Hàn Quốc sang Việt Nam tuyển thợ hàn dưới nước. Nhìn mối hàn, chuyên gia này biết rằng thợ hàn có trình độ tương đương với bậc 7 của Hàn Quốc, ông rất thích. Nhưng trước khi tuyển dụng, ông mới biết lao động của ta không có chứng chỉ quốc tế về hàn, nên ông phải gạch tên người thợ này.
Theo Đề án, chúng ta bắt đầu dạy ngoại ngữ cho trẻ từ lớp 3. Tại sao ta không làm sớm hơn, thưa ông?
GS Nguyễn Ngọc Hùng: Chúng ta quyết định vào lớp 3 mới bắt đầu dạy ngoại ngữ vì liên quan đến kinh phí, nền kinh tế của ta chỉ chịu được như vậy. Khi chúng ta đưa ngoại ngữ vào ngay từ lớp 1 nghĩa là 7 triệu rưỡi học sinh tiểu học sẽ học theo chương trình ngoại ngữ này, đồng nghĩa với độ 30.000 giáo viên cần được đào tạo mới. Kéo theo một khối kinh phí khổng lồ đè lên quyết định vĩ mô này. Ta tạm chấp nhận, đưa ngoại ngữ vào từ lớp 3 để giảng dạy cho 4 triệu rưỡi học sinh.
Các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM sử dụng chương trình Tiếng Anh tăng cường, cho các cháu học thêm thành 6 tiết/ tuần thay vì 4 tiết/ tuần như các địa phương khác.
Nếu ngân sách khó khăn, chúng ta huy động xã hội hóa, các trường ngoài công lập?
GS Nguyễn Ngọc Hùng: Tôi nghĩ chính sách giáo dục quốc gia nên là một chính sách khuyến học hơn là hạn chế học. Trường tư thục sẽ tạo ra bứt phá trong lĩnh vực tiếng Anh trong thời gian tới, trẻ có thể "học" tiếng Anh từ mẫu giáo. Nếu xây dựng được một chương trình ngoại ngữ tốt thì cố sao để trẻ vừa chơi vừa học là hợp lý.
Sẽ thuyên chuyển GV ngoại ngữ không đạt chuẩn
Theo Đề án, giáo viên giữ vị trí quyết định trong việc đổi mới. Ông có thể phân tích rõ hơn?
GS Nguyễn Ngọc Hùng: Đề án muốn đổi mới cơ bản và toàn diện việc dạy và học tiếng Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân. Bởi nếu vẫn như cũ, chúng ta đổi mới chương trình, thay SGK 3 lần rồi, học sinh vẫn vậy. Nên Đề án đặt vấn đề quan trọng nhất là đổi mới được hệ thống giáo viên.
Giáo viên phải thay đổi được tư duy giáo dục, phải lấy học sinh làm trung tâm. Giáo viên phải hiểu học sinh giỏi cái gì, yếu cái gì và cần bổ sung gì.
Hiện tại ta có 80.000 giáo viên tiếng Anh, đại bộ phận số giáo viên này chưa đạt chuẩn. Việc đào tạo lại để các thầy cô nghe - nói được tiếng Anh là một khó khăn lớn cần giải quyết.
Ngay cả khi các trường sư phạm không tuyển mới, chỉ đào tạo lại 80.000 giáo viên ngoại ngữ hiện tại phải mất… 20 năm! Đề án đang cố rút ngắn xuống còn 10 năm. Chúng tôi đưa ra các phần mềm đào tạo để giáo viên về tự học, tự nghiên cứu rồi thi cấp chứng chỉ. Điều này vừa nâng cao được khả năng của đội ngũ giáo viên vừa rút ngắn được thời gian đổi mới toàn diện chất lượng giáo viên. 
Vậy 10 năm tới, chất lượng giáo viên tiếng Anh sẽ cải thiện nhiều, thưa ông?
GS Nguyễn Ngọc Hùng: Một gói kinh phí nhỏ chỉ đáp ứng được độ 1.000 giáo viên đi bồi dưỡng là hết. Nếu không có những sáng kiến đột phá, tôi e là khó giải quyết tình hình trong một sớm một chiều. Nhưng giáo viên nhất định phải đạt chuẩn. Vì không phụ huynh học sinh nào muốn con em mình được dạy tiếng Anh bởi một cô giáo không nói được tiếng Anh.
Đến năm 2020, Bộ sẽ xử lý thế nào với các giáo viên không đạt chuẩn?
GS Nguyễn Ngọc Hùng:
 Đổi mới là cả một quá trình đau đớn, giáo viên không đạt chuẩn, các sở GDĐT sẽ bố trí công việc khác phù hợp. Theo tôi, thời gian từ nay đến 2020 những giáo viên không phấn đấu lên được, sẽ rất khó để biện minh và không thể đứng lớp.
Theo TT&VH