Chúng ta giờ thua cả Lào, Campuchia về trường Tư thục

30/01/2018 06:51
NGUYỄN MINH THANH
(GDVN) - Đây là câu hỏi khó nhưng những cơ quan có trách nhiệm phải nhanh chóng trả lời câu hỏi này cho người dân.

LTS: Bàn về vấn đề phát triển Đại học tư thục, nhà giáo Nguyễn Minh Thanh, giáo viên Trường Trung học cơ sở Hưng Long (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng các cơ quan chức năng cần sớm tìm ra giải pháp để người dân có đủ khả năng tài chính cho con theo học trường tư thục, giảm gánh nặng cho trường công.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Chưa xét vấn đề chuyên môn, chưa xét tới mô hình hoạt động, trong bài viết này, tôi chỉ nhìn dưới góc nhìn ngân sách và hệ quả của một chỉ số là Tỉ lệ sinh viên Đại học tư thục trên tổng số sinh viên được Tiến sĩ Khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến nêu ra tại Hội thảo "Hoàn thiện chính sách, pháp luật về Đại học tư thục" diễn ra ngày 22/1/2018 tại Thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức.

Thứ nhất, dưới góc nhìn ngân sách (lưu ý rằng ngân sách ở đây chỉ ngân sách quốc gia cấp về ngành giáo dục), nếu chỉ có 13,3% (*) sinh viên theo học vào học Đại học tư thục thì gần 86% còn lại sẽ theo học tại Đại học công lập.

Và, đương nhiên các trường công lập sẽ nhận ngân sách từ chính phủ về để hoạt động theo năm tài khóa.

Càng nhiều trường công lập, càng nhiều sinh viên theo học trường công thì ngân sách chi cho giáo dục càng lớn, đồng thời chi phí dựa trên đầu sinh viên càng ngày càng tăng làm gia tăng áp lực lên ngân sách quốc gia.

Xét theo ngân sách gia đình, vấn đề phụ huynh quan tâm hàng đầu sẽ là "tiền đâu để đi học?".

Tỉ lệ sinh viên học Đại học tư thục tại các nơi. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Tỉ lệ sinh viên học Đại học tư thục tại các nơi. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Phụ huynh lo lắng là lẽ thường vì chi phí giáo dục cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt gia đình.

Đứng ở vị trí phụ huynh và gia đình khó khăn tôi hiểu được cảm nhận về thử thách khi vào học Đại học tư thục không dễ quyết định.

Nhưng thử ngoái nhìn vào hai quốc gia trình độ phát triển kinh tế đến thời điểm hiện tại thấp hơn Việt Nam là Lào (khoảng 30% sinh viên theo học tại các Đại học tư thục) và Campuchia (khoảng 60%) (**) để thấy tỉ lệ sinh viên theo học Đại học tư thục cao hơn chúng ta rất nhiều.

Nếu câu hỏi đặt ra "Tiền đâu để đi học?" thì Lào và Campuchia sẽ hỏi trước và giờ họ đã có kết quả sinh viên theo học Đại học tư thục cao hơn chúng ta.

Vấn đề là chính sách nào cho Đại học tư thục phát triển thì Hội thảo đang tìm cách tháo gỡ, và, Chính phủ phải có trách nhiệm để người dân yên tâm cho con em đi học Đại học tư thục mà câu hỏi "tiền đâu để đi học?" không quá thường trực và cơ hội trao đều một cách tương đối cho sinh viên tiếp tục theo học.

Thứ hai, hệ quả dẫn đến tính cạnh tranh thấp, tâm lý ỷ lại trong giáo dục công

Điều tất yếu mà ai cũng phải thừa nhận ở trên là áp lực rất lớn cho ngân sách quốc gia để cung cấp đủ kinh phí duy trì những cơ sở giáo dục vất vả để tồn tại và đầu tư đủ tầm nguồn lực vốn cho những cơ sở giáo dục đạt chuẩn kiểm định cũng như tiêu chí quốc tế.

Ở một số cơ sở giáo dục yếu kém tính cạnh tranh, không thu hút được sinh viên (đa phần là các trường Đại học công thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh như Đại học Hà Tĩnh, Đại học Quảng Nam...) nhưng vì yếu tố chính trị mong muốn phát triển địa phương, hay vì quyền lợi vì lợi ích sẽ ít chịu thay đổi, chỉ ngồi chờ chực ngân sách cấp về để hoạt động, áp lực cạnh tranh không có, dẫn tới việc chất lượng không cao.

Số lượng trường và sinh viên Đại học tại một số nước trong khu vực châu Á (Ảnh do tác giả cung cấp)
Số lượng trường và sinh viên Đại học tại một số nước trong khu vực châu Á (Ảnh do tác giả cung cấp)

Những cơ sở này họ vẫn no đủ vì nhận được nguồn chu cấp từ địa phương hay bộ ngành chủ quản nên sự trì trệ kéo dài.

Việc duy trì các cơ sở này vừa hao phí nguồn lực (đất đai, cơ sở vật chất, giảng viên....) vừa gây mất niềm tin vào chất lượng giáo dục của xã hội.

Ở các quốc gia gia phát triển, họ cũng có những trường công lập ở dạng tinh hoa, họ đầu tư rất lớn ngân sách vào đó nhưng không tràn lan như chúng ta hiện nay.

Nói theo cách Tiến sĩ Khoa học Tiến trên đây là bước thụt lùi trong định hướng phát triển Đại học tư thục (Nghị quyết năm 2005 của Chính phủ nêu rõ đến năm 2020 có 40% sinh viên theo học tại các trường tư thục. Tuy nhiên, đến nay chỉ đạt khoảng 13,3%).

Theo tôi, tiền đâu để đi học là câu hỏi khó nhưng những cơ quan có trách nhiệm phải nhanh chóng trả lời câu hỏi này cho người dân, vì không lẽ mô hình Đại học tư thục phát triển trên thế giới một cách mạnh mẽ và góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách quốc gia, nhiều Đại học tư thục tinh hoa phát triển được mà chúng ta không làm được?

Và, không lẽ chúng ta cũng tụt hậu hơn cả Lào và Campuchia hay sao?

Tài liệu tham khảo:

(*) Bảng tỉ lệ sinh viên học Đại học tư thục tại các nơi của Tiến sĩ Khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến (Báo Tuổi trẻ ngày 23/01/2018: Có nên xem Đại học tư thục là doanh nghiệp)

(**) Bảng số lượng trường và sinh viên Đại học tư thục tại Việt Nam và một số nước khác trong khu vực những năm gần đây tổng hợp từ Chapman & Chien (Báo tuổi trẻ cuối tuần, số 4-2018 ngày 28/01/2018: Vấn đề - sự kiện: 10 năm Đại học tư thục Việt Nam)

NGUYỄN MINH THANH