Chúng ta sẽ làm gì khi gặp những học sinh được cho là dốt và cá biệt?

09/05/2017 06:16
Trần Trí Dũng
(GDVN) - Khi nhận diện đúng học sinh, người thầy sẽ có nội dung giảng dạy hợp lý và phương pháp giảng dạy thích hợp, mang lại hiệu quả học tập cho các học sinh.

LTS: Chia sẻ câu chuyện về việc giáo viên cảm hóa học sinh, thầy Trần Trí Dũng cho rằng người làm thầy không nên nói trò dốt.

Quan trọng hơn, người làm thầy nên căn cứ cá tính của từng em để có cách giáo dục hiệu quả, tránh làm tổn thương đến học trò.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Trong nghề làm thầy, có lẽ nỗi vất vả nhọc nhằn của các thầy cô thường đến là khi gặp phải những học sinh được cho là “dốt” và “cá biệt”.

Nói là vất vả và nhọc nhằn là bởi vì khi đó các thầy cô phải đầu tư thời gian và công sức để tìm được những hiệu quả giảng dạy cho những học trò như thế.
    
Tạp chí Thế giới trong ta số Chuyên đề đổi mới giáo dục -170 tháng 4/2017 có đăng bài viết “Người bạn nhỏ của tôi” của tác giả là cô giáo trẻ Dương Thị Thu Trang. 

Bài viết là câu chuyện của cô giáo nói về việc dạy dỗ và cảm hóa một học sinh được cho là “cá biệt’ trong qúa trình làm thầy mà cô đã gặp. 

Có thể nói, đây được xem là như một kinh nghiệm quý báu và một cách nhìn nhận cho tất cả những ai đang làm thầy. Để tiện theo dõi, tôi xin trích dẫn lại câu chuyện của cô giáo Trang.
   
Theo đó, bén duyên với nghề dạy học mới chỉ được gần 6 năm nhưng cô Trang đã rong ruổi từ Bắc vào Nam với ba ngôi trường khác nhau, từ dạy hợp đồng cho trường công lập đến dân lập chỉ để theo đuổi một ước mơ duy nhất là được đứng trên bục giảng. 

Cũng chính bởi vậy mà dù tuổi nghề còn ít nhưng cô Trang đã có cơ hội được tiếp cận giảng dạy nhiều đối tượng học sinh với những tính cách, trình độ tiếp thu và hoàn cảnh khác nhau.

Thầy Trần Trí Dũng cho rằng người làm thầy không nên nói học trò dôt. (Ảnh minh họa: hoc.vtc.vn)
Thầy Trần Trí Dũng cho rằng người làm thầy không nên nói học trò dôt. (Ảnh minh họa: hoc.vtc.vn)

Năm học 2015-2016, cô Trang được chuyển về giảng dạy tại trường Tiểu học thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Và trong năm học đó, cô Trang đã biết tới một học trò cá biệt tên là Lương Duy Khánh. 

Nói là cá biệt vì theo lời của cô giáo từng dạy em và cô giáo chủ nhiệm lớp 2 hiện tại của em thì em là một đứa trẻ chẳng biết sợ ai, thường xuyên trêu chọc bạn, có khi còn lấy cắp đồ của cô giáo và bạn học, học lực yếu và gia đình không quan tâm nhắc nhở... . 

Và  như một mối lương duyên, đến năm học 2016-2017 này, học trò Lương Duy Khánh là học sinh của lớp cô Trang chủ nhiệm.                          
   
Thời gian đầu các em khác trong lớp hay báo cáo với cô rằng, lúc thì em đánh bạn, lúc thì lấy đồ của bạn. Các giáo viên bộ môn thì phàn nàn rằng em Khánh hay quậy phá, không chịu ghi chép bài trong giờ học. 

Còn ngay trong giờ học của cô Trang, em cũng không khác mấy, vẫn những hành động đó, không ghi bài, không mang sách vở và vẫn quậy phá.     
    
Những lúc đó, cô không hỏi em lý do mà cứ mặc định tất cả là do em khó bảo rồi lớn tiếng tiếng la mắng em, bắt em đứng cuối lớp quay mặt vào tường. 

Tuy nhiên, em không khóc, không phản kháng mà chỉ nhìn cô với ánh mắt gần như thách thức. Cuối giờ cô mời phụ huynh của em lên lớp để gặp. 

Với giọng nói tức giận, cô nói hết tất cả những hành động sai trái của em với bố của em. Ngày hôm sau đến lớp, cô thấy trên tay em hiện rõ những lằn roi còn đỏ ửng. 

Và chính những vết lằn ấy đã thức tỉnh cô giáo rằng nếu cô cứ tiếp tục như thế này thì em sẽ càng khó bảo hơn, rằng mắng chửi cùng là một loại bạo lực và bạo lực nối tiếp bạo lực sẽ chẳng thay đổi được gì mà chỉ làm xuất hiện thêm nhiều “vết thương” mà thôi.

Từ đó, cô gần gũi em hơn, bắt chuyện với em nhiều hơn. Ban đầu em không mấy hứng thú với những câu hỏi quan tâm của cô. Nhưng cô vẫn kiên trì hàng ngày quan tâm đến em hơn. 

Trong giờ học, cô đến chỗ em nhắc nhở nhẹ nhàng: “Con ghi bài đầy đủ nhé! Chỗ nào con không hiểu thì hỏi cô. Cô sẽ rất vui”.  

Và cô cũng thường xuyên gọi em đứng dậy trả lời câu hỏi trong bài học. Mỗi ngày cô cố gắng nhìn nhận những điểm tốt của em dù là những tiến bộ rất ít. 

Dù cũng còn có lúc em mắc lỗi nhưng chỉ cần một hành động nhỏ tích cực của em cô cùng khen: “Con đi học đúng giờ là rất tốt, cô vui vì điều đó”, “Con làm đúng phép tính rồi! Rất tốt”, hay, “Con biết nhường nhịn bạn nữ là rất tốt, cô tự hào về con"... .   
    
Tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của em, cô được biết gia đình em thuộc diện hộ nghèo, bố mẹ không có thu nhập ổn định. Bố em làm phụ hồ lại nóng tính, có lúc uống rượu say về nhà lại vung roi đánh em. 

Mẹ em lại còn chăm hai nhỏ, đứa lên năm tuổi và đứa nên hai tuổi nên cũng không có thời gian quan tâm kèm cặp em. 

Chúng ta sẽ làm gì khi gặp những học sinh được cho là dốt và cá biệt? ảnh 2

Thực tế, có học sinh giỏi và cũng có học sinh dốt

(GDVN) - Thầy giáo Tùng Sơn cho rằng cách nói “Trên đời này không có ai dốt, chỉ tại người đó chưa giỏi” là cách nói mang tính động viên, khích lệ và không thật lòng.

Sau nhiều lần kiên trì đến nhà, cô đã thuyết phục được bố em không đánh em mỗi khi em mắc lỗi nữa mà hãy nghe em nói, cũng như hãy nói chuyện nhiều hơn với em. 

Vì hơn ai hết, cô hiểu những hành động vừa qua của em cũng chỉ để gây chú ý với người lớn, để người lớn quan tâm đến em hơn mà thôi chứ đó hoàn toàn không phải bản chất của em. 

Bởi lẽ, em cũng như bao nhiêu đứa trẻ khác cần tình yêu và sự quan tâm của bố mẹ, thầy cô. Hiểu được điều đó, cô không chỉ là người thầy dạy em mà còn là một người bạn đồng hành cùng em, lắng nghe và quan tâm tới em bằng cả trái tim. 
   
Thế rồi, em từ một đứa trẻ lầm lì, không thích học hành nay đã thay đổi trở thành một đứa trẻ hòa đồng, kiên trì ngồi nghe cô giảng lại những bài chưa hiểu, dù đó là trong giờ ra chơi. 

Cô cũng không còn nghe các giáo viên bộ môn phàn nàn về em nữa, thay vào đó là những lời khen rằng em đã biết ngồi học đàng hoàng và lại còn ghi chép bài đầy đủ. 

Tuy nhiên, cô tự nhủ rằng, cả cô và em đang còn phải cố gắng rất nhiều, rất nhiều nữa.

Nhưng những lời khen đó cũng đủ làm cô cảm thấy thời gian sáu năm qua, khi mà cô vất vả kiên trì theo đuổi ước mơ dạy học của mình là con đường đúng đắn. 
    
Rồi, từ đó, cô như tự nói, “Cảm ơn em, người bạn nhỏ của tôi! Em đã dạy tôi một bài học đắt giá, đó là đừng bao giờ vội đánh giá nhân cách một con người tốt hay xấu, còn hy vọng hay không còn hy vọng để sửa lỗi chỉ qua lời kể của người khác”. 

Và cũng từ đó, cô khẳng định rằng, không có học sinh nào “cá biệt” cả, mà chỉ có những học sinh tốt và học sinh đang cố gắng để tốt hơn thôi.          
    
Như thế, nắm bắt đúng tâm tư và tâm lý, từ đó hiểu đúng về học trò để từ đó tìm ra cãch thức giáo dục thích hợp là yêu tố thành công của nghề giáo, một nghề mà còn được xem là nghề “gõ đầu trẻ”. 

Câu chuyện của cô giáo Trang là một bài học quý giá cho tất cả những ai đang theo đuổi nghề thầy.   
   
Thời gian gần đây, dư luận xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh rất nhiều về tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp”, học sinh “sáng 6, chiều 1”... .  

Một số giáo viên tiểu học có tâm huyết cũng than phiền rằng, năm nào lớp của họ cũng có một vài em gặp khó khăn về khả năng tiếp thu và học lực kém xa so với các bạn cùng học.

Vậy thực hư của tình trạng này là gì? Làm cách nào để giúp những học sinh đó vươn lên trong học tập? 

Chúng ta sẽ làm gì khi gặp những học sinh được cho là dốt và cá biệt? ảnh 3

Có học trò dốt không, đau lòng mà nói là có!

(GDVN) - Kiến thức cũ chưa thuộc, kiến thức mới lại chồng lên nên học sinh có lực học yếu kém càng học càng dốt cũng chẳng có gì lạ.

Các nghiên cứu gần đây trên thế giới cũng như ở Việt Nam cho thấy, bất kỳ một cộng đồng học sinh nào cũng có một bộ phận học sinh có khó khăn trong học tập, bao gồm nhiều nguyên nhân, như:

Môi trường giáo dục, hoàn cảnh gia đình, đặc thù địa lý, sự khác biệt về ngôn ngữ, bị các dạng khuyết tật (như: Khiếm thị, khiếm thính, trí tuệ, rối loạn cảm xúc...). 

Đặc biệt, có một nhóm đối tượng học sinh không có biểu hiện của những nguyên nhân trên nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong học tập. 

Những em thuộc nhóm đối tượng này có khó khăn đặc thù chủ yếu là nghe, nói, đọc, viết, tính toán. 

Theo thầy Lê Văn Phúc-Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu trong một bài viết trên Báo Giáo dục và Thời đại thì cho rằng, những em đó được đưa vào dạng “khuyết tật học tập”. 

Theo đó, theo kết quả điều tra năm 2016 của Chương trình Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP), được tiến hành tại 30 trường tiểu học thuộc 2 tỉnh Kiên Giang và Lào Cai, tỷ lệ khuyết tật học tập (dạng khó khăn đặc thù về đọc, viết và tính toán) chiếm khoảng 10%. 

Đa số học sinh khuyết tật học tập có kết quả học tập thấp, song trên thực tế, nhiều em lại không hề thua kém bạn bè đồng trang lứa ở các lĩnh vực khác trong các mối quan hệ gia đình và xã hội.
   
Cụ thể, những biểu hiện thường gặp ở học sinh khuyết tật học tập là: Khả năng ghi nhớ kém (các em thường quên cách đánh vần, quy tắc chính tả, bảng cửu chương, lời thầy, cô dặn...);

Khả năng tập trung hạn chế (các em chỉ tập trung được trong thời gian ngắn, thường lơ đãng và bị chi phối bởi những hoạt động xung quanh); các em có tâm lý tự ti, một số khác có hành vi gây gổ, làm ngược lại yêu cầu của giáo viên;

Những em có khó khăn về đọc thường nhầm lẫn trong việc phân tích âm - vần, nhầm lẫn các chữ cái đối xứng nhau (chữ b, d hay p, q), đọc sai dấu thanh, đọc thêm từ, có những em nhìn hình thì đọc chữ được còn che hình lại không đọc được. 
   
Mặt khác, những em có khó khăn về viết thường viết chậm, chữ xấu, mắc nhiều lỗi chính tả, khả năng sử dụng từ ngữ, lập dàn bài kém. 

Những em có khó khăn về tính toán thì thường không thuộc các bảng cộng, bảng nhân, nên khả năng tính nhẩm kém, làm tính viết thường quên nhớ lẫn lộn. 
    
Mặc dù hiện tượng học sinh bị khuyết tật học tập là một hiện tượng phổ biến trong tất cả các trường, mà biểu hiện rõ nhất là ở cấp Tiểu học; song trên thực tế, khi được hỏi thì đa số giáo viên trả lời không biết hoặc không có hiểu biết chính xác về đối tượng hoc sinh bị khuyết tật học tập. 

Nhiều ý kiến cho rằng, học sinh khó khăn về tiếp thu kiến thức là do khuyết tật trí tuệ, do lười học, do gia đình không quan tâm... 

Từ đó đã đưa ra nhiều biện pháp giúp đỡ không phù hợp như trách phạt, giao bài tập quá sức, bắt các em học bài trong giờ giải lao... Những biện pháp đó, vô hình trung khiến học sinh đã khó khăn về học tập lại càng khó khăn hơn.

Mặt khác, do không xác định được đây là những học sinh bị khuyết tật học tập nên không có hồ sơ theo dõi riêng; công tác bàn giao giữa giáo viên năm trước và năm sau chưa quan tâm đến các trường hợp này; lâu dần những khó khăn về học tập của các em ngày càng trầm trọng và việc học sinh học hết Tiểu học vẫn không biết đọc, biết viết là có khả năng xảy ra.
  
Từ đó, theo thầy Lê Văn Phúc, nguyên nhân của khuyết tật học tập ở một bộ phận học sinh không phải là các yếu tố khuyết tật bẩm sinh hoặc môi trường giáo dục không phù hợp, mà là do “bên trong” mỗi học sinh, có thể do sự khác biệt hoặc khiếm khuyết của hệ thần kinh Trung ương trong quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin trong quá trình học tập (nghe, nói, đọc, viết, tính toán) và học sinh khuyết tật học tập luôn chiếm một tỷ lệ nhất định trong các trường học. 

Chúng ta sẽ làm gì khi gặp những học sinh được cho là dốt và cá biệt? ảnh 4

Vì sao Albert Einstein nói “sự ngu xuẩn của Con người là không có giới hạn”?

(GDVN) - Loài người đã “ngu hết cỡ” chưa, câu trả lời đã được Einstein khẳng định và người viết cũng đồng ý như vậy.

Do đó, để khắc phục tình trạng này, không phải là vấn đề một sớm một chiều, mà cần phải có những nghiên cứu khoa học chuyên sâu để đưa ra các giải pháp phù hợp với từng đối tượng học sinh. 

Theo đó, trước mắt trong giai đoạn này, khi mà đội ngũ cán bộ, giáo viên chưa được tập huấn chuyên sâu về dạy học cho học sinh bị khuyết tật học tập, chúng ta cần quan tâm một số biện pháp sau:
   
Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, giáo viên và cộng đồng để mọi người hiểu rằng trong trường học lúc nào cũng có một bộ phận học sinh bị khuyết tật học tập luôn cần sự giúp đỡ, cảm thông, chia sẻ hơn là những quy định, nguyên tắc, là sự áp đặt, bắt buộc của người lớn. 
    
Thứ hai, từng giáo viên, từng trường phải tiến hành sàng lọc để tìm ra những học sinh bị khuyết tật học tập và nắm rõ từng em mắc khó khăn đặc thù gì để có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp. 
   
Thứ ba, cần gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ thông tin với cha mẹ học sinh để phối hợp giúp các em vượt qua khó khăn. 
   
Thứ tư, các trường, các cơ quan quản lý giáo dục cần nghiên cứu một cách nghiêm túc thực trạng này, đồng thời cần tổ chức các hội thảo, chuyên đề và tổ chức bồi dưỡng chuyên sâu cho giáo viên về các kỹ năng dạy học trẻ khuyết tật học tập. 
    
Như thế, từ câu chuyện của cô giáo Trang và quan điểm của thầy Lê Văn Phúc thì sẽ không có học sinh nào được cho là “cá biệt” hay “dốt”. 

Đó chỉ có thể là những học sinh chưa được tốt hay ở dạng mắc “khuyết tật học tập”. Vì thế, cần thiết phải có sự nhìn nhận và đánh giá đúng về đối tượng học sinh, từ đó đưa ra giải pháp giảng dạy thích hợp. 
   
Thời gian qua, khi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng bài viết: “Có học trò dốt không?” thì đã xảy ra một cuộc tranh luận về vấn đề này. Thiết nghĩ, trong nghề dạy luôn cần những cái nhìn khách quan và toàn diện về học sinh. 

Hơn nữa, đã làm thầy thì không nên nói học sinh mình dốt, vì như thế là sẽ làm mất đi sự tôn trọng đối với học trò.

Vì thế thầy cô luôn cần sự đánh giá đúng đối với học sinh, để từ đó có những phương pháp giảng dạy tích cực, mang lại hiệu quả giáo dục. 

Khi nhận diện đúng học sinh, người thầy sẽ có nội dung giảng dạy hợp lý và phương pháp giảng dạy thích hợp, mang lại hiệu quả học tập cho các học sinh.
    
Từ câu chuyện của cô giáo Trang và những chia sẻ trên đây, mong rằng các thầy cô giáo cũng các cấp quản lý về giáo dục cần có cách nhìn nhận về học sinh một cách xác đáng hơn, để từ đó có những giải pháp thích hợp, tránh không làm tổn thương và thiệt thòi đối với các học trò, để mang lại hiệu quả cao cho giáo dục. 

Trần Trí Dũng