Chúng tôi không thể nghiêm khắc, chính là vì đồng nghiệp của mình

02/05/2019 06:24
Đăng Bình
(GDVN) - Vì thành tích, gian dối xuất hiện trong môi trường giáo dục. Nhà trường, không dám đánh giá học sinh thẳng tay. Một số học sinh yếu đã mất quyền ở lại lớp.

Sau khi đọc bài viết “Con không học dốt, chỉ tại thầy trông thi khó” đăng trên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 23/4, khá nhiều đồng nghiệp chia sẻ rằng tác giả viết cứ như đang nói chuyện về trường mình.

Giáo viên ngày càng mất quyền kiểm soát chất lượng học sinh (Ảnh minh họa tienphong.vn)
Giáo viên ngày càng mất quyền kiểm soát chất lượng học sinh (Ảnh minh họa tienphong.vn)

Người lại tâm đắc với đoạn kết của bài “Xem thi khó để trò sợ mà học bài, thế nhưng giờ trò không sợ điểm thấp mà nhiều thầy cô giáo dạy bộ môn lại sợ mình không hoàn thành chỉ tiêu”.

Vì chuyện này, một số giáo viên đã không còn muốn nghiêm khắc nữa và buộc phải làm lơ vì chính những đồng nghiệp của mình”.

Có giáo viên kể mình nổi tiếng là nghiêm khắc, là “sát thủ” của những cô cậu bé lười học.

Thế nhưng giờ đây đã khác trước nhiều rồi. Bởi, coi thi khó quá chỉ làm tội đồng nghiệp phải nghĩ cách nâng điểm chứ chẳng cải thiện, chẳng nâng cao việc học của các em là bao.

Có giáo viên kể mình và đồng nghiệp đã bị nhà trường nặng nhẹ khi cho rằng chất lượng giờ dạy không đảm bảo nên học sinh mới làm bài không tốt.

Bởi, nếu học sinh không muốn học (như giáo viên phản ánh) thì tại sao có lớp làm bài đạt nhiều điểm tốt, còn lớp lại toàn điểm yếu? (nhưng thực chất lớp coi thi dễ sẽ làm bài tốt và ngược lại).

Giận nhất là hiệu trưởng còn nặng lời “Đừng biện minh nữa, các thầy cô cứ về xem lại cách dạy dỗ của mình đi”.

“Giải phóng” cho trò

Vì những lý do chỉ tiêu chất lượng, vì sự đánh giá thiên về điểm số của nhà trường, giáo viên trong tổ chuyên môn đã chia sẻ bí quyết cho nhau (bí quyết này chủ yếu áp dụng cho một số môn học Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân…).

Học sinh không biết đọc, xin đừng đổ hết tội lên giáo viên chúng tôi

Thứ nhất, ra đề cương ôn tập thật ngắn, thật trọng tâm (ra 5 câu trong đề cương nhưng đề thi đã có tới 4 câu).

Thứ hai, coi thi thật dễ theo kiểu “có đi có lại…” (mình coi lớp cậu, cậu coi lớp mình đề cao quan điểm làm lơ là chính).

Thứ ba, chấm thi thật thoáng, đáp án hướng dẫn tìm cái đúng để cho điểm nhưng cái sai lại không phải trừ điểm.

Thứ tư, với đề kiểm tra 15 phút, báo trước cho học sinh ngày kiểm tra cùng với việc giới hạn nội dung kiến thức sẽ kiểm tra.

Khi không thể yêu cầu học trò học để hiểu thì mục tiêu cuối cùng của thầy cô là điểm số học sinh đạt từ mức yêu cầu trở lên để bản thân giáo viên không phải gánh trách nhiệm.

Khắc phục bằng cách nào?

Học sinh lười học và chính các em cũng hiểu rằng dù kết quả thế nào mình cũng khó ở lại lớp.

Còn giáo viên lại lo sợ bị đánh giá dạy yếu, bị ảnh hưởng xếp loại thi đua cuối năm.

Vì sao các thầy cô biết học sinh yếu vẫn phải "đôn" các em lên lớp?

Thế nên thay vì học sinh phải phấn đấu học thì thầy cô lại phải tìm mọi cách cho trò đủ điểm.

Chung quy cũng bắt nguồn từ hai chữ thành tích của bản thân, sự tiếng tăm của nhà trường.

Vì thành tích sự gian dối xuất hiện dày đặc trong môi trường giáo dục.

Điển hình là nhà trường sợ mất thi đua, thầy cô sợ mất danh hiệu nên không dám đánh giá học sinh thẳng tay.

Dẫn đến, một số học sinh yếu đã mất quyền ở lại lớp.

Thầy cô thỏa hiệp với nhau và sẵn sàng vi phạm quy chế trong việc ra đề, coi thi, chấm thi…vì ai biết đâu mà lần.

Muốn khắc phục những tồn tại ấy để trả lại sự trong sạch cho giáo dục chẳng có con đường nào khác, cần nêu cao việc dạy thật, học thật để đánh giá học sinh một cách trung thực, chính xác.

Cần mạnh dạn từ chối thành tích của cá nhân để đề cao việc dạy thật, học thật.

Học giỏi được khen, học yếu ở lại lớp.

Chính thầy cô phải luôn rèn cho mình bản lĩnh, nếu lớp chủ nhiệm có học sinh yếu và giáo viên có bị quy trách nhiệm “dạy chưa đạt yêu cầu” như hiện nay nhiều trường vẫn làm thì giáo viên hãy vì học trò (hơn là vì mình) nên chấp nhận.

Có thế, giáo viên sẽ không phải vì mình, vì đồng nghiệp để xảy ra những tiêu cực trong giáo dục.

Đăng Bình