Chương trình Vật lí mới: Nhiều “kiến thức” không còn là kiến thức vật lí

23/02/2018 06:19
Tiến sĩ Lê Thị Thanh Thảo
(GDVN) - Nếu học Vật lí mà không có kiến thức thực sự là “Kiến thức vật lí” thì các việc làm tiếp theo để hy vọng hình thành được năng lực này có thể trở nên vô ích.

LTS: Tiếp tục đưa ra những góp ý về dự thảo chương trình môn Vật lí mới, Tiến sĩ Lê Thị Thanh Thảo (Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh) tiếp tục phân tích rằng nhiều nội dung trong chương trình không còn là kiến thức vật lí.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông này nhấn mạnh tới cái mới nhất, đó là quan tâm đến hình thành các "năng lực" khác nhau ở học sinh.

Môn Vật lí cũng vậy, mục tiêu duy nhất mang tính khác biệt của môn học này là "Hình thành và phát triển năng lực tìm hiểu thế giới tự nhiên dưới góc độ vật lí".

Ở bài báo của cùng tác giả: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Muc-tieu-chuong-trinh-vat-ly-can-dieu-chinh-nhung-gi-post183790.gd đã phân tích những bất cập trong mục tiêu của môn Vật lí mới đề ra là:

"Hình thành và phát triển năng lực tìm hiểu thế giới tự nhiên dưới góc độ vật lí".

Tuy nhiên, ngay cả với mục tiêu bất ổn này thì còn có một bất ổn không nhỏ trong Dự thảo chương trình khiến mục tiêu này cũng không thể nào đạt được (bên cạnh nhiều bất ổn khác về nội dung và cấu trúc chương trình mà chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích sau):

Để có được cái gọi là "năng lực tìm hiểu thế giới tự nhiên dưới góc độ vật lí" thì "kiến thức vật lí" là "điều kiện cần" đề có năng lực này (chương trình mới gọi đó là năng lực thành phần: "Năng lực nhận thức kiến thức vật lí").

Nghĩa là, nếu học vật lí mà không có được kiến thức thực sự là ‘Kiến thức vật lí’ thì sẽ không thể có năng lực này, bất luận có làm bất cứ việc gì khác nữa (tìm tòi, khám phá, thực hành, …).

Ta thử xem, liệu chương trình vật lí mới có đảm bảo được điều kiện cần này hay không?

Ảnh minh hoạ về kiến thức vật lí trên Pinterest.com
Ảnh minh hoạ về kiến thức vật lí trên Pinterest.com

Trước hết, ta thử tìm hiểu thế nào là "kiến thức vật lí":

Ta thử hình dung, nếu bỏ qua những mệnh đề ngôn ngữ đi kèm thì nhìn vào một cuốn sách vật lí nó còn lại giống như sự trình diễn những suy luận logic hình thức toán học triền miên, từ công thức này hình thành công thức kia…

Nhưng ai là giáo viên vật lí cũng cần phải biết:

Một khái niệm vật lí được cấu thành bởi hai bộ phận:

- Một là: Ý nghĩa vật lí (chỉ ra khái niệm này phản ánh thuộc tính nào của sự vật, hiện tượng vật lí

Ví dụ: Khối lượng đặc trưng cho mức quán tính (và mức hấp dẫn) của vật; Lực đặc trưng cho tương tác của vật này lên vật khác, ….

- Hai là: Biểu diễn mối liên hệ định lượng (nếu có) của khái niệm đó với các khái niệm liên quan (dưới dạng một công thức).

* Một định luật vật lí mô tả một mối quan hệ nhân – quả có điều kiện của một loại tương tác giữa các sự vật, hiện tượng vật lí.

Ví dụ: Định luật II Newton mô tả mối quan hệ giữa nguyên nhân (lực) trong tương tác cơ giữa các vật và kết quả làm các tham gia tương tác vật biến đổi vận tốc (thu gia tốc) với điều kiện coi các vật như chất điểm.

Vì thế một định luật vật lí cũng gồm hai bộ phận:

- Một là: Ý nghĩa vật lí: Nói về một mới quan hệ nhân quả có điều kiện của sự vật, hiện tượng vật lí: Nguyên nhân (‘nếu’) – Điều kiện – Kết quả (‘thì’)

- Hai là: Biểu thức toán học chỉ quan hệ giữa các đại lượng vật lí (nguyên nhân, kết quả).

Chương trình Vật lí mới: Nhiều “kiến thức” không còn là kiến thức vật lí ảnh 2Muốn góp ý cho chương trình môn học Vật lí mới, bạn nên bắt đầu từ đâu?

Chúng ta cần nhấn mạnh để nhớ rằng, những gì chương trình này nêu ra khi đã được phê duyệt thì muốn hay không, sai hay đúng đều trở thành những định hướng, chỉ dẫn, quy định, … mà việc biên soạn sách giáo khoa và việc dạy và học phải theo (vì nội dung thi cử sẽ từ đó mà ra, cách thức đánh giá cũng dựa vào đó).

Thế nhưng điều nguy hiểm là rất nhiều chỉ dẫn mang tính định hướng của chương trình học này về kiến thức vật lí đã khiến cái gọi là kiến thức không còn là kiến thức vật lí nữa.

Tôi sẽ lấy dẫn chứng ngay từ chính Dự thảo chương trình này để minh chứng:

Hầu hết các khái niệm, định luật vật lí được chương trình nêu ra như hướng dẫn cách phát biểu về kiến thức vật lí chỉ như ngôn ngữ hóa một biểu thức toán học thuần túy, bỏ qua thành phần quan trọng nhất để ‘biến’ một công thức giống như trong toán học trở thành một khái niệm, định luật vật lí.

Trong khi định hướng của chương trình nêu rõ "tránh khuynh hướng thiên về toán học" (!?),

Tức là chương trình mới muốn khắc phục một khuynh hướng đã bị phê phán ở các bộ sách giáo khoa Vật lí từ trước tới nay, nhưng thực chất lần đổi mới này cũng không tránh được:

Minh chứng:

* Gọi "Các loại lực" là: Lực kéo, lực đẩy, sức căng, lực cản, lực tiếp xúc, lực không tiếp xúc

Trong khi đó chỉ là cách gọi lực trong đời sống (không học vật lí người ta mới gọi lực như thế!).

Còn trong khoa học vật lí không hề có những loại lực này mà chỉ có các loại lực cơ (hấp dẫn, đàn hồi, ma sát và các loại lực suy ra từ chúng), lực điện, lực từ, lực hạt nhân… đặc trưng cho từng loại tương tác trong tự nhiên.

Rất nhiều lực mà chương trình học này gọi tên có chung bản chất là một loại lực cơ: Lực đàn hồi (xuất hiện do các vật bị biến dạng tiếp xúc hay va chạm nhau).

Các bạn thử xem, với quan niệm về lực như thế làm sao vận dụng để "tìm hiểu được các tương tác trong tự nhiên"?

Còn nữa, hầu hết định nghĩa khái niệm, phát biểu định luật vật lí được chương trình nêu ra mất đi thành phần quan trọng nhất: Ý nghĩa vật lí.

Chương trình Vật lí mới: Nhiều “kiến thức” không còn là kiến thức vật lí ảnh 3Mục tiêu chương trình vật lý cần điều chỉnh những gì?

Minh chứng: Dưới đây là một số trong hàng loạt các phát biểu được dẫn ra trong "Yêu cầu cần đạt" của các chủ đề cụ thể:

Động lượng là tích khối lượng với vận tốc; Lực  "tốc độ" thay đổi của động lượng;

Công được tính bằng tích của lực và độ dịch chuyển theo phương của lực;

Thế của trường hấp dẫn tại một điểm có giá trị bằng công thực hiện…;

Cường độ điện trường tại một điểm là lực…,….

Hàng loạt phát biểu cùng một kiểu như thế này được dẫn ra chứng tỏ đây là một quan niệm nhất quán về kiến thức vật lí của những người biên soạn chương trình học này chứ không phải chỉ là một hai dẫn chứng tình cờ.

Quan niệm không đúng này có từ các bộ sách giáo khoa từ trước tới nay nhưng ở lần này đã không hề được khắc phục mà trái lại, sự toán học hóa vật lí còn đạt tới cấp độ cực đoan hơn rất nhiều:

Thứ nhất:

Không chỉ dừng lại ở việc phát biểu định nghĩa khái niệm, định luật vật lí chỉ như ngôn ngữ hóa một biểu thức toán học mà cách phát biểu định nghĩa thế này còn là bất chấp cả việc làm khái niệm này lẫn lộn với khái niệm khác:

Thế hấp dẫn, bằng công (!?), điện thếcông (!?), cường độ điện trườnglực (!?)

Trong khi những cặp khái niêm bị đánh đồng này thực chất là hai khái niệm vật lí hoàn toàn khác nhau về ý nghĩa vì chúng đặc trưng cho hai thuộc tính khác nhau của cùng một loại sự vật, hiện tượng vật lí.

Thứ hai:

Các phát biểu khái niệm ở chương trình môn Vật lí còn phạm các quy tắc về cú pháp, văn phạm cần thiết để có một mệnh đề có nghĩa:

Động lượng của cái gì, vật nào? Công là công gì, của cái gì thực hiện lên cái gì? Cường độ điện trường gây ra bởi cái gì? Thế của trường hấp dẫn của cái gì?...

Chương trình Vật lí mới: Nhiều “kiến thức” không còn là kiến thức vật lí ảnh 4Chương trình Vật lý mới: Có chỗ cho ứng dụng kỹ thuật trong đời sống hay không?

Thứ ba:

Đặc biệt quan trọng là sự chỉ dẫn phát biểu định nghĩa khái niệm và định luật thế này đã bất chấp việc làm mất đi bộ phận quan trọng nhất: Ý nghĩa vật lí, cái cần thiết để ‘biến’ một công thức giống như trong toán học trở thành một khái niệm, định luật vật lí.

Kết luận:

Ý nghĩa vật lí là cầu nối giữa kiến thức vật lí và sự vật hiện tượng vật lí (tức cầu nối giữa kiến thức vật lí với thực tại khách quan).

Nhưng theo quan niệm về kiến thức vật lí của chương trình môn học vật lí mới lần này thì:

Học về lực sẽ không thể vận dụng được để tìm hiểu về tương tác trong tự nhiên;

Học định luật sẽ không thể biết nó mô tả cái gì của sự vật, hiện tượng vật lí;

Học về khái niệm sẽ không thể biết nó đặc trưng cho thuộc tính nào của sự vật hiện tượng vật lí;

Thì thử hỏi các bạn làm sao học sinh có thể dùng kiến thức như thế để "tìm hiểu thế giới tự nhiên dưới góc độ vật lí"?

Như vậy rõ ràng:

Sự xa rời thực tiễn của việc học vật lí mà lâu nay ai cũng than phiền là đã bắt đầu ngay từ đây, từ lúc người học học tập trên lớp và tiếp nhận những kiến thức vật lí như thế này chứ không hẳn nó khởi nguồn từ sự lạc hậu về các phương pháp dạy và học (mà ngược lại, chính từ quan niệm sai lầm về kiến thức vật lí như thế này đã làm lí do quan trọng nhất giữ cho các phương pháp dạy và học vật lí lạc hậu tồn tại lâu bền và rất khó khắc phục như thế!).

Muốn "chữa căn bệnh" này không thể hời hợt nghĩ rằng đổi mới phương pháp dạy học là được, vì học kiểu gì đi nữa mà rốt cục chỉ có kiến thức như thế này thì cũng không thể dùng kiến thức vào việc gì khác ngoài đối phó với các kỳ thi kiểu như lâu nay.

Chúng ta cần nhìn vào nguyên nhân sâu xa, bản chất hơn:

Cách mà học sinh được học để có kiến thức vật lí,

Cách mà người ta quan niệm về kiến thức vật lí.

Tức là phải chữa từ khâu đầu tiên là biện soạn chương trình môn Vật lí sao cho có được những chỉ dẫn đúng về kiến thức vật lí, vì từ đó mới dẫn đến sự thay đổi cách tiếp cận nội dung và quan niệm đúng về kiến thức ở các sách giáo khoa vật lí và giáo viên vật lí.

Nếu không có quan niệm đúng về kiến thức vật lí thì mục tiêu cao nhất mà chương trình học đề ra (dù còn nhiều bất cập) là: 

"Hình thành và phát triển năng lực tìm hiểu thế giới tự nhiên dưới góc độ vật lí" cũng sẽ không có cơ sở để đạt được.

Tiến sĩ Lê Thị Thanh Thảo