Chương trình giáo dục phổ thông mới gặp những thách thức nào? (2)

28/12/2018 07:09
Tấn Tài
(GDVN) - Giáo sư Thuyết cho rằng, những người biên soạn chương trình đã lựa chọn phương án tích hợp phù hợp để phát huy hiệu quả của dạy học tích hợp.

Trong bài tham luận in trong cuốn kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia về “tiếp cận giáo dục thông minh trong đổi mới giáo dục phổ thông”, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới cũng nêu ra những thách thức cần vượt qua để triển khai chương trình này.

Thách thức từ dạy học tích hợp

Giáo sư Thuyết cho rằng, chương trình giáo dục phổ thông mới kế thừa chương trình hiện hành nhưng có những đổi mới rất căn bản so với chương trình hiện hành.

Dạy học tích hợp cũng là một thách thức khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: TT
Dạy học tích hợp cũng là một thách thức khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: TT

Những đổi mới này đặt ra thách thức không nhỏ đối với đội ngũ thực hiện chương trình.

Thứ nhất là việc thực hiện yêu cầu phát triển năng lực cho học sinh. Mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới là phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cho học sinh.

Chương trình đã xác định các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi cần hình thành phát triển ở học sinh.

“Giáo dục thông minh” sẽ thay đổi phương pháp dạy học truyền thống

Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định của chương trình thành sách giáo khoa và thực hiện chương trình, sách giáo khoa trong các hoạt động dạy, học, chỉ đạo, quản lý vẫn là một thách thức đối với người viết sách giáo khoa, cán bộ quản lý, chỉ đạo, giáo viên và học sinh.

Bản chất của thách thức này nằm ở chỗ nhận thức và xử lý đúng mối quan hệ giữa kiến thức với năng lực.

Thách thức thứ hai là việc thực hiện dạy học tích hợp. Chương trình giáo dục phổ thông mới thực hiện dạy học tích hợp theo ba định hướng sau:

Tích hợp nội môn: tích hợp giữa các mảng kiến thức khác nhau trong cùng một môn học, tích hợp giữa yêu cầu trang bị kiến thức với việc rèn luyện kỹ năng.

Tích hợp liên môn: tích hợp kiến thức của các môn học, khoa học có liên quan với nhau.

Ở mức thấp là liên hệ kiến thức được dạy với những kiến thức có liên quan trong dạy học. Ở mức cao là xây dựng các môn học tích hợp.

Tích hợp xuyên môn: tích hợp một số chủ đề quan trọng vào nội dung chương trình nhiều môn học. 

Ví dụ, các chủ đề về chủ quyền quốc gia, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, giáo dục giới tính, giáo dục tài chính.

"Trong việc triển khai ba định hướng trên thì thách thức đáng kể nhất là dạy các môn học tích hợp khoa học tự nhiên, lịch sử, địa lý ở cấp trung học cơ sở".

Cũng theo Giáo sư Thuyết thì những người biên soạn chương trình giáo dục phổ thông mới đã lựa chọn phương án tích hợp phù hợp để phát huy hiệu quả của dạy học tích hợp.

Đồng thời, bảo đảm kiến thức cốt lõi của mỗi ngành khoa học và phù hợp với điều kiện thực tế trong bước đầu thực hiện dạy tích hợp ở nước ta.

Chương trình môn Khoa học tự nhiên được thiết kế thành 4 mạch chủ đề chung.

Giảm hơn 300 giờ học mỗi năm ở chương trình giáo dục phổ thông mới

Mỗi chủ đề nói trên vận dụng kiến thức của một ngành khoa học, tạo điều kiện cho giáo viên vốn được đào tạo đơn môn ở môi trường sư phạm có thể thực hiện chương trình.

Bên cạnh đó, chương trình còn có một số chủ đề đòi hỏi tính tích hợp cao như biến đổi khí hậu, giáo dục sức khỏe, giáo dục STEM, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Chương trình môn lịch sử và địa lý gồm hai phân môn lịch sử và địa lý.

Nội dung của mỗi phân môn vừa đảm bảo tính độc lập tương đối, vừa góp phần soi sáng, hỗ trợ cho nhau.

Bên cạnh đó, chương trình còn tạo cơ hội cho học sinh tìm hiểu một số chủ đề đòi hỏi tính tích hợp cao như: các cuộc đại phát kiến địa lý, Đô thị - lịch sử và hiện tại, Văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long...

"Với phương thức và mức độ tích hợp của chương trình các môn Khoa học tự nhiên, lịch sử, địa lý ở cấp trung học cơ sở, các tổ chuyên môn có thể phân công giáo viên dạy mạch chủ đề phù hợp với chuyên ngành của mình trên cơ sở đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các giáo viên trong việc dạy học và đánh giá kết quả học tập của học sinh.

Đây là giải pháp mà các nước phát triển như: Anh, Hoa Kỳ vẫn thực hiện lâu nay", ông Thuyết nêu quan điểm.

Theo vị Tổng chủ biên chương trình này thì những giáo viên có điều kiện và nguyện vọng có thể theo học chương trình bồi dưỡng ở trường sư phạm, bổ sung kiến thức chuyên môn để tiến tới đảm nhiệm việc dạy toàn bộ môn học.

Chương trình bồi dưỡng được tổ chức theo hình thức tích lũy tín chỉ nên giáo viên có thể sắp xếp thời gian hợp lý để theo học và hoàn thành chương trình.

Nhiều thách thức khác

Theo Giáo sư Thuyết thì ngoài những thách thức về dạy học tích hợp thì chương trình giáo dục phổ thông mới còn gặp nhiều thách thức về thực hiện dạy học phân hóa, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ thực hiện chương trình...

Chương trình giáo dục phổ thông mới giảm số môn học, giảm số giờ học

Trong đó, việc dạy học phân hóa đòi hỏi giảm sĩ số trong một lớp học để giáo viên đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá phù hợp các đối tượng học sinh khác nhau.

Từ đó, có những biện pháp hỗ trợ trợ phù hợp cho từng học sinh. Yêu cầu phân hóa ngoài đòi hỏi nhà trường phải tăng số phòng học để sắp xếp lớp học một cách linh hoạt cho các môn học lựa chọn và chuyên đề học tập. Cả hai yêu cầu này đều đòi hỏi phải tăng số lượng giáo viên.

Một thách thức khá lớn khác được Giáo sư Thuyết nêu ra là thách từ xã hội.

"Thách thức lớn nhất đối với đổi mới giáo dục hiện nay là sự đồng thuận của xã hội.

Niềm tin của người dân giảm sút nghiêm trọng trước những hiện tượng tiêu cực trong ngành và một số thử nghiệm đổi mới ít thành công.

Nhiều người dường nhủ phủ nhận mọi nỗ lực, thành tựu của giáo dục, thổi phồng khuyết điểm của ngành hoặc khái quát một số hiện tượng cá biệt thành bản chất và dị ứng với mọi giải pháp đổi mới.

Dư luận càng phân tán khi có nhiều ý kiến phê bình, góp ý chỉ dựa vào những kinh nghiệm thời đi học của người phê bình, góp ý hoặc sự quan sát thiếu hệ thống về giáo dục nước ngoài".

(Còn nữa).

Tấn Tài