Chuyện cổ tích ở ngôi trường mang tên nữ sinh Nhật Bản

29/01/2019 06:43
Nguyễn Trung Thành
(GDVN) - Số phận nghiệt ngã đã khiến cô nữ sinh Nhật Bản không kịp thực hiện dự định xây dựng một ngôi trường khang trang cho những đứa trẻ nghèo ở vùng quê xứ Quảng.

Ở Điện Phước (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) có một ngôi trường thật đặc biệt, mang tên một nữ sinh người Nhật là Trường tiểu học Junko.

Ngay từ cái tên đã khiến nhiều người phải tò mò, lạ lẫm. Nhưng khi đến với người dân xứ này thì mới biết được một “câu chuyện cổ tích” cảm động đằng sau ngôi trường ấy.

Cô nữ sinh nặng lòng với đất Việt

Là người gắn bó với mái trường này từ những ngày đầu thành lập, thầy Trần Công Trường – nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu Junko hiểu rõ câu chuyện cổ tích được viết nên từ nhiều năm về trước.

Ngôi trường được xây dựng nên bởi tình yêu và ước mơ của một nữ sinh Nhật Bản.
Ngôi trường được xây dựng nên bởi tình yêu và ước mơ của một nữ sinh Nhật Bản.

Đó là vào năm 1993, cô nữ sinh Junko Takahashi (20 tuổi, sinh viên khoa quan hệ quốc tế, Trường đại học Meiji Gakuin, Nhật Bản) cùng với một nhóm bạn đặt chân đến Việt Nam để thu thập tư liệu làm luận văn.

Những đền đài, di tích của phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn... đã lôi cuốn nhóm sinh viên Junko về với mảnh đất Quảng Nam – Đà Nẵng cũ (thời điểm chưa chia tách tỉnh).

Lăn lộn thực tế, Junko có dịp tiếp xúc với những người dân mộc mạc, quanh năm chân lấm tay bùn. Cô trăn trở khi nhìn những đứa trẻ nghèo phải nhọc nhằn đến trường tìm chữ.

Ngôi trường đổi thay nhờ cô hiệu trưởng

Các em phải vượt qua những quãng đường dài để đến lớp, trường học thiếu thốn đủ bề, cơ sở vật chất ọp ẹp...

Nhưng đằng sau sự đói nghèo, vất vả ấy là khát vọng được học tập, được vượt lên trên những nghịch cảnh của những đứa trẻ xứ này.

Tất cả những ký ức đó được Junko lưu lại trong quyển nhật ký của mình. Cô mang theo những điều ấy trở về Nhật với tấm lòng nặng trĩu và suy tư.

Junko bắt đầu lên kế hoạch để thực hiện ước mơ “mang nguồn tri thức nhân loại” đến với trẻ em vùng này.

Nhưng định mệnh trớ trêu thay, chỉ một tháng sau ngày trở về từ Việt Nam, Junko bất ngờ gặp tai nạn giao thông và qua đời sau đó. Những dự định, ước mơ, hoài bão của một sinh viên đại học đã khép lại khi nó còn viết dở dang.

Thực hiện di nguyện của con

Trong căn phòng truyền thống của nhà trường còn lưu giữ khá nhiều hình ảnh và câu chuyện về những ngày đầu đặt viên gạch làm nền nóng xây nên ngôi trường khang trang ngày hôm nay.

Học sinh trường tiểu học Junko đọc và tìm hiểu về lịch sử ngôi trường được viết nên bởi tình yêu của một cô gái Nhật.
Học sinh trường tiểu học Junko đọc và tìm hiểu về lịch sử ngôi trường được viết nên bởi tình yêu của một cô gái Nhật.

“Đó là một câu chuyện cảm động về tình cảm giữa người dân hai nước Việt – Nhật. Chính những di nguyện của cô Junko được viết lại trong cuốn nhật ký là viên gạch đầu tiên xây nên ngôi trường này”, thầy Trường chia sẻ.

Trong ngày đám tang, cha mẹ Junko lật lại những trang nhật ký của Junko viết về mảnh đất xứ Quảng trong những ngày ở Việt Nam. 

Trong đó có chứa đựng cả những ước mơ về xây dựng một ngôi trường cho trẻ em nghèo xứ này.

Nét độc đáo của hai ngôi trường trăm tuổi ở xứ Huế

Và để hoàn thành ý nguyện cuối cùng của con gái, ông bà Takahashi đã gom góp các khoản tiền phúng điếu, tiền bảo hiểm, tiền tiết kiệm và sự ủng hộ của bạn bè, người thân để tạo thành nguồn quỹ 100.000 USD (hơn 1 tỷ đồng vào thời điểm đó).

Hai ông bà đã mang số tiền đó lặn lội sang Việt Nam để xây dựng trên mảnh đất Điện Phước một ngôi trường khang trang với 8 phòng học, nhà vệ sinh và nhà thi đấu.

Năm 1995, khi ngôi trường hoàn thành và chào đón những học sinh đầu tiên, cha mẹ Junko đã mang theo ảnh của cô nữ sinh đến dự lễ khai giảng.

Đã có những giọt nước mắt tiếc thương, niềm tự hào và xen lẫn niềm vui khi những đứa trẻ nghe được nghe câu chuyện về Junko.

“Ban đầu, ngôi trường này là một phân hiệu của trường tiểu học Hoàng Hoa Thám. Đến năm 2003, trường mới chính thức được chọn làm cơ sở chính cho học sinh tiểu học xã Điện Phước.

Và để ghi ơn tấm lòng của người con gái Nhật Bản, ngôi trường được mang tên Trường tiểu học Junko”, thầy Lê Quốc Hà – Hiệu trưởng Trường tiểu học Junko cho hay.

Câu chuyện cổ tích còn được viết tiếp

Những tưởng câu chuyện cổ tích về Junko sẽ dừng lại ở đó khi ngôi trường đã đi vào hoạt động.

Những tấm hình về hoạt động của Hiệp hội Junko được treo trang trọng trong phòng truyền thống của nhà trường.
Những tấm hình về hoạt động của Hiệp hội Junko được treo trang trọng trong phòng truyền thống của nhà trường.

Nhưng suốt nhiều năm sau đó, ước mơ của Junko lại được các thầy cô giáo và sinh viên của nhiều trường Đại học tại Nhật Bản “thắp sáng”.

Hiệp hội Junko được thành lập nhằm nối tiếp những hoài bão của cô nữ sinh Nhật Bản nặng lòng với mảnh đất xứ Quảng.

Những đoàn sinh viên đến từ Nhật Bản nối tiếp nhau đến giúp đỡ, trao học bổng cho những học sinh nghèo vượt khó.

Ngôi trường đẹp như tranh vẽ nhờ tận dụng những phế thải không ai ngờ

Năm 2000, cha mẹ và những người bạn của Junko lại tiếp tục quyên góp, xây thêm 5 phòng học trên tầng lầu (trị giá khoảng 200 triệu đồng vào thời điểm đó) cùng nhiều dụng cụ dạy học khác.

Hiệp hội Junko còn phối hợp với Trường Đại học Đà Nẵng thành lập chương trình học bổng du học Nhật Bản nhằm tạo điều kiện cho các em giao lưu, học hỏi thêm về ngôn ngữ và văn hóa Nhật.

Hàng năm, những cựu học sinh Trường tiểu học Junko thi đậu vào Trường Đại học Đà Nẵng và có thành tích học tập giỏi nhất sẽ được nhận học bổng sang Nhật Bản một năm.

Tại đây, các em sẽ được tham gia một khóa học của Đại học Meiji Gakuin”, thầy Hà cho hay.

Nguyễn Trung Thành