Chuyên gia nêu thực trạng thể chế hội đồng trường trong giáo dục Đại học

25/09/2016 06:41
GS. Lâm Quang Thiệp
(GDVN) - Một bước tiến quan trọng về thể chế quản lý giáo dục Đại học là việc đưa vào thực thể hội đồng trường đầu tiên trong Điều lệ trường Đại học năm 2003.

LTS: Trong quá trình đổi mới giáo dục Đại học ở nước ta, quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của trường đại học dần dần được tăng cường và nâng cao. Đặc biệt việc đưa thể chế hội đồng trường vào hệ thống giáo dục Đại học từ năm 2003 là một bước tiến đáng ghi nhận. 

Tuy nhiên quá trình áp dụng thể chế hội đồng trường trong giáo dục Đại học nước cho ta đến nay xảy ra không suôn sẻ, nguyên nhân chủ yếu là đưa vào một thể chế mới mà không có sự chuẩn bị tạo nên sự đồng thuận và đưa ra một lộ trình hợp lý. 

Dựa vào kinh nghiệm thế giới, bài viết này GS.TSKH Lâm Quang Thiệp giới thiệu cơ chế được xây dựng để thực hiện quản trị và quản lý trường đại học, đó là hội đồng trường. 

Đồng thời, tác giả cũng nêu rõ thực trạng của cơ chế hội đồng trường đang áp dụng ở nước ta. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Việc đưa thể chế hội đồng trường vào hệ thống giáo dục Đại học nước ta

Một bước tiến quan trọng về thể chế quản lý giáo dục Đại học là việc đưa vào thực thể hội đồng trường đầu tiên trong Điều lệ trường Đại học năm 2003, sau đó khẳng định trong Luật Giáo dục năm 2005, Luật Giáo dục sửa đổi năm 2009, Điều lệ trường Đại học năm 2014 và Luật giáo dục Đại học 2012.
 
Điều 16 trong Luật giáo dục Đại học quy định: “Hội đồng trường là tổ chức quản trị, đại diện quyền sở hữu của nhà trường. Hội đồng trường có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: 

a) Quyết nghị chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển và quy chế về tổ chức và hoạt động của nhà trường; 

b) Quyết nghị phương hướng hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục; 

c) Quyết nghị về cơ cấu tổ chức và phương hướng đầu tư phát triển của nhà trường; 

d) Quyết nghị về việc thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các tổ chức của cơ sở giáo dục đại học; 

đ) Giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng trường, việc thực hiện quy chế dân chủ trong các hoạt động của nhà trường”.

GS.Lâm Quang Thiệp chỉ ra thực trạng áp dụng thể chế hội đồng trường đối với giáo dục Đại học nước ta (Ảnh: GDVN)
GS.Lâm Quang Thiệp chỉ ra thực trạng áp dụng thể chế hội đồng trường đối với giáo dục Đại học nước ta (Ảnh: GDVN)

Điều 16 trong Luật giáo dục Đại học cũng quy định hội đồng trường bao gồm:

 “a) Hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng, bí thư đảng ủy, chủ tịch Công đoàn, bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; đại diện một số khoa, đại diện cơ quan chủ quản cơ sở giáo dục đại học; 

b) Một số thành viên hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, khoa học, công nghệ, sản xuất, kinh doanh”.

Điều lệ trường Đại học quy định cụ thể hơn: “Hội đồng trường có số lượng thành viên là số lẻ, tối thiểu là 15 thành viên; có 01 Chủ tịch và 01 thư ký hội đồng. Thành phần hội đồng trường gồm: 

a) Hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng, Bí thư đảng ủy trường, Chủ tịch công đoàn trường, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trường; 

b) Đại diện giảng viên, nghiên cứu viên của một số khoa, viện; 

c) Đại diện của cơ quan trực tiếp quản lý trường; 

d) Một số thành viên bên ngoài, không phải là giảng viên, cán bộ quản lý cơ hữu của trường đáp ứng các yêu cầu sau đây: Đang hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, khoa học, công nghệ, sản xuất, kinh doanh có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhà trường.

Và không phải là người có quan hệ bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị em ruột với các thành viên khác trong hội đồng trường.

Nếu các thành viên này không phải là công chức, viên chức thì không đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch hoặc thư ký hội đồng trường. Số lượng thành viên thuộc thành phần này chiếm không dưới 20% tổng số thành viên của hội đồng trường; 

đ) Số lượng, cơ cấu thành viên, quy trình, thủ tục lựa chọn các thành viên, bầu Chủ tịch, thư ký hội đồng trường phải được thể hiện cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.”

Chuyên gia nêu thực trạng thể chế hội đồng trường trong giáo dục Đại học  ảnh 2

Xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản trong giáo dục đại học, dễ hay khó?

(GDVN) - Năm 2006, Bộ GD&ĐT có đề xuất xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, giao quyền tự chủ tối đa cho các trường. Thế nhưng, đến năm 2016 vẫn chưa có gì thay đổi.

Đồng thời, Điều 20 trong Luật giáo dục Đại học quy định Hiệu trưởng “là người đại diện cho cơ sở giáo dục đại học trước pháp luật, chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học”.  

Đối với các “đại học”, Điều 18 của Luật giáo dục Đại học năm 2012 có đưa ra quy định về “Hội đồng đại học”, có vai trò đối với “đại học” cũng giống như hội đồng trường đối với trường đại học.      

Như vậy, Luật giáo dục Đại học và Điều lệ trường Đại học đã quy định khá rõ về chức năng nhiệm vụ của hội đồng trường và quan hệ giữa hội đồng trường với hiệu trưởng. 

Tuy nhiên, trong điều kiện ở một nước mà hệ thống giáo dục Đại học chưa quen với thể chế Hội đồng trường thì những quy định như trên là khá tiến bộ.

Vấn đề là có biện pháp để đưa được các quy định này vào đời sống giáo dục Đại học hay không? 

Thực trạng về việc áp dụng thể chế hội đồng trường trong giáo dục Đại học nước ta

Một số chuyên gia giáo dục Đại học cho rằng theo cơ chế hiện tại quyền của hiệu trưởng các trường Đại học Việt Nam là “lớn nhất so với bất kỳ ở nước nào”.

 Khi luận bàn về quyền lực và trách nhiệm của hội đồng trường, người ta thường nói quyền lực và trách nhiệm quan trọng nhất của nó là lựa chọn hiệu trưởng, và “Hội đồng trường chỉ có một người thừa hành duy nhất là hiệu trưởng” (John Carver, 1990 ). 

Do đó việc luật lệ hiện hành không quy định hội đồng trường có quyền và trách nhiệm lựa chọn hiệu trưởng thực tế đã vô hiệu hóa hội đồng trường. 

Một biểu hiện cụ thể là, ngay theo quy định của Bộ GD&ĐT, thể hiện ở Quyết định 7939/QD-BGĐT ngày 20/11/2008, quyền đề cử hiệu trưởng các trường Đại học trực thuộc Bộ vẫn thuộc chức năng của Vụ Tổ chức và Cán bộ của Bộ chứ không thuộc chức năng của hội đồng trường. 

Chuyên gia nêu thực trạng thể chế hội đồng trường trong giáo dục Đại học  ảnh 3

Chuyên gia đề nghị chưa nên thành lập đại trà Hội đồng trường đại học

(GDVN) - Chỉ thành lập khi đã thể hiện đủ năng lực để được Nhà nước trao quyền tự chủ trên cơ sở nhận thức đầy đủ trách nhiệm xã hội của mình.

Ngoài ra, về mặt tâm lý, nếu các cơ quan “chủ quản” không tập trung vào chức năng quản lý nhà nước mà vẫn duy trì cơ chế “xin, cho”, thì cơ chế này cũng sẽ cản trở hoạt động của hội đồng trường. 

Như vậy, sự không nhất quán về pháp quy và những yếu kém trong thực tiễn công tác quản lý đã vô hiệu hóa tác dụng của hội đồng trường được đưa ra trong Luật giáo dục Đại học và Điều lệ trường Đại học. 

Vào năm 2011 và 2012, trong quá trình xây dựng Luật Giáo dục Đại học, hội đồng trường là một trong những vấn đề được thảo luận nhiều nhất. 

Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, thể chế hội đồng trường đã được đưa ra 8 năm nhưng không đi vào được hệ thống giáo dục Đại học Việt Nam chứng tỏ nó không có tính khả thi. 

Bởi đây là thể chế của phương Tây không thích hợp với nước ta, đặc biệt khi ở nước ta có cơ chế Đảng lãnh đạo. Luồng ý kiến này còn viện dẫn là 70 – 80% lãnh đạo các trường Đại học cho rằng không cần thiết hội đồng trường. 

Luồng ý kiến thứ hai, ngược lại, đưa ra phân tích các lý do của việc thể chế hội đồng trường không đi vào được hệ thống giáo dục Đại học, cho rằng: 

Một là, vì Nhà nước không chỉ đạo hướng dẫn cụ thể để thực hiện quy định về hội đồng trường. Hai là, các văn bản luật pháp về hội đồng trường chưa nhất quán, đặc biệt cơ chế “bộ chủ quản” đã hạn chế quyền tự chủ của các trường Đại học và vô hiệu hóa chức năng của hội đồng trường. 

Đối với vấn đề Đảng lãnh đạo, luồng ý kiến thứ hai cho rằng Đảng ủy đại diện cho tổ chức Đảng trong trường, còn hội đồng trường là đại diện của chủ sở hữu cộng đồng thuộc phạm vi rộng lớn hơn bên ngoài nhà trường. 

Hơn nữa, hội đồng trường là cơ quan quyền lực, lãnh đạo cụ thể, hội đồng trường của một trường cũng đóng vai trò như Quốc hội của một nước, còn Đảng ủy là cơ quan lãnh đạo về chính trị tư tưởng. 

Ngoài ra, luồng ý kiến thứ hai cũng cho rằng việc đa số giới lãnh đạo các trường Đại học không hưởng ứng thể chế hội đồng trường là điều hiển nhiên, vì thể chế này có thể hạn chế quyền hành của hiệu trưởng, đặc biệt đối với các hiệu trưởng thiếu năng lực. 

Thể chế hội đồng trường thực tế sẽ tạo một sự “dịch chuyển quyền lực”, chỉ khi có quyết tâm chính trị mạnh mẽ của những người lãnh đạo cấp cao mới mong thực hiện được.  

Còn tiếp...

GS. Lâm Quang Thiệp