Chuyện khen thưởng và hoa hồng cuối năm học

02/06/2018 06:45
Nhật Duy
(GDVN) - Việc tạo mối quan hệ và duy trì mối quan hệ bán hàng với các trường học bây giờ bằng cách nào nếu không phải là việc trích lại % hoa hồng cho hiệu trưởng?

LTS: Một năm học nữa cũng đã kết thúc, việc chuẩn bị khen thưởng cho học sinh trong buổi tổng kết năm học cũng đã được các trường thực hiện.

Chia sẻ về chuyện khen thưởng cho học sinh cùng tiền "hoa hồng" cuối năm của các hiệu trưởng, tác giả Nhật Duy gửi đến độc giả bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Cuối năm học, các đơn vị nhà trường rầm rộ khen thưởng cho học trò. Nhìn vào thành tích, nhìn vào số lượng học sinh được khen thưởng chúng ta cảm nhận được nhiều chỉ số ảo.

Tuy nhiên, có một điều “không ảo” đó là “hoa hồng” được các cửa hàng văn phòng phẩm trích lại cho hiệu trưởng các nhà trường thì luôn luôn “tiền tươi, thóc thật”.

Nhiều người nghĩ rằng chuyện hoa hồng chỉ phát sinh ở đầu năm nhưng thực tế thì cuối năm hoa hồng mà các hiệu trưởng nhận được từ việc mua hàng để phát thưởng cho học trò cũng không hề ít.

Khen thưởng cùng câu chuyện khen thưởng cuối năm (Ảnh minh họa: vietnamnet.vn).
Khen thưởng cùng câu chuyện khen thưởng cuối năm (Ảnh minh họa: vietnamnet.vn).

Càng trường lớn, càng khen thưởng nhiều thì mức hoa hồng được chi cho hiệu trưởng  càng cao.

Có điều, những phần trăm hoa hồng không ai biết được ngoài hiệu trưởng và chủ các cửa hàng văn phòng phẩm với nhau.

Vì mối làm ăn càng lâu dài, càng tốt nên chuyện tiết lộ hoa hồng ra ngoài luôn được họ giữ kín.

Hiện nay, nguồn kinh phí khen thưởng cuối năm dành cho học trò được đến từ 2 nguồn chính là kinh phí khen thưởng từ ngân sách nhà trường và kinh phí từ nguồn xã hội hóa. Càng xã hội hóa được nhiều thì mức chi cho khen thưởng càng lớn.

Vì vậy, cứ cuối năm học là nhà trường phát thư ngỏ đến học trò. Chốn thôn quê còn đỡ chứ ở thành phố thì một khi nhà trường đã gửi thư ngỏ thì điều tất yếu là phụ huynh đều có “tấm lòng tự nguyện” với nhà trường.

Người nhiều thì 500.000 - 1.000.000 đồng, người nào ít cũng bấm bụng bỏ bao thư 100-200 ngàn đồng chứ không gửi thì làm sao coi được.

Chuyện khen thưởng và hoa hồng cuối năm học ảnh 2Hiệu trưởng, kế toán sao cưỡng nổi “hoa hồng”

Tâm lý của nhiều phụ huynh ở các thành phố là vậy và chuyện phát thư ngỏ đã là “văn hóa truyền thống” của nhiều nhà trường.

Từ số tiền xã hội hóa, nhà trường sẽ tính toán để tặng thưởng cho học sinh.

Học sinh tiên tiến thì mươi quyển tập, học sinh giỏi, xuất sắc thì số tập nhiều hơn cùng với bộ sách giáo khoa cho năm học sau.

Có điều học sinh bây giờ khen thưởng đến 2/3 học sinh, thậm chí có lớp gần như khen thưởng cả.

Nhất là đối với các trường chuyên, trường điểm, trường chuẩn quốc gia thì khen thưởng gần cả trường nên số lượng sách, vở phải mua rất nhiều.

Và, những trường lớn ở thành phố thì có nhiều trường đến cả vài nghìn học sinh, trường nhỏ cũng trên dưới cả ngàn học sinh.

Với số lượng như vậy, chúng ta đã hình dung ra số vật phẩm nhà trường sẽ mua lớn ra sao vào dịp cuối năm.

Trong khi, các cửa hàng, công ty văn phòng phẩm bây giờ họ phải tạo mối quan hệ để bán hàng. Bởi, ai cũng biết, liên hệ, tạo mối quan hệ và duy trì được mối quan hệ với nhà trường bây giờ càng nhiều thì càng tạo ra được nhiều lợi nhuận.

Vì thế, việc chia lợi nhuận nhưng bán được nhiều sản phẩm thì họ vẫn có lợi hơn rất nhiều nếu họ bán đắt nhưng bán được ít sản phẩm.

Chính vì vậy, việc duy trì mối quan hệ với hiệu trưởng các trường là điều các nhà cung cấp sản phẩm luôn hướng đến.

Chuyện khen thưởng và hoa hồng cuối năm học ảnh 3Hoa hồng bao nhiêu phụ thuộc vào lương tâm người lãnh đạo

Vậy, việc tạo mối quan hệ và duy trì mối quan hệ bán hàng với các trường học bây giờ bằng cách nào nếu không phải là việc trích lại % hoa hồng cho hiệu trưởng?

Thực tế thì các hiệu trưởng thường xuyên nhận được các lời mời chào bán hàng nên việc lựa chọn nhà cung cấp nào thì họ cũng cân nhắc rất kĩ lưỡng.

Chỉ khi nào đem lại lợi ích cho họ nhiều hơn thì họ mới gật đầu để mua hàng mà thôi.

Quay lại với câu chuyện vận động xã hội hóa để phát thưởng, dù trên danh nghĩa là tiền vận động này có thể là Ban đại diện cha mẹ học sinh quản lý nhưng phát thưởng như thế nào lại phải do nhà trường cân đối số lượng.

Vì thế, dù nhiều trường họ làm “rất khách quan” khi đi mua có đầy đủ các thành phần như hiệu trưởng, kế toán, Ban đại diện cha mẹ học sinh nhưng chủ ý mua của ai, mua cái gì thì hiệu trưởng vẫn là người quyết định.

Khi học sinh đến đông đủ thì cửa hàng vẫn đưa giá niêm phong ra, mua hàng của họ thì họ vẫn đưa hóa đơn đỏ một cách bình thường như bao khách hàng khác.

Có điều, sau những cuộc mua bán công khai như vậy thì lại có một cuộc gặp gỡ riêng giữa hiệu trưởng và chủ cửa hàng văn phòng phẩm.

Một chủ cửa hàng bán văn phòng phẩm là chỗ bạn bè thân thiết của chúng tôi đã tiết lộ với rằng việc mua bán cuối năm học rất lớn. Và, chủ cửa hàng này đã tạo được mối quan hệ rất tốt với nhiều hiệu trưởng của các trường lớn đóng trên địa bàn.

Chuyện khen thưởng và hoa hồng cuối năm học ảnh 4Chỉ tại...hoa hồng

Dù việc mua bán diễn ra công khai, minh bạch nhưng bao giờ sau “vở diễn” hoàn hảo này thì chuyện “mời cà phê” để cảm ơn hiệu trưởng là chuyện bắt buộc phải xảy ra để duy trì lâu dài mối quan hệ.

Trong buổi uống cà phê đó, ngoài lời cảm ơn xã giao thì tất cả sách, vở và những vật phẩm nhà trường mua để tặng học trò trong buổi tổng kết năm học đều được quy về  từ 10-15% hoa hồng.

Vậy, chúng ta sẽ hình dung ra, mỗi em học sinh dao động tặng thưởng cuối năm ở các thành phố, trường có điều kiện khoảng từ 1-3 trăm ngàn (tùy vào danh hiệu) mà đối với các trường lớn thì “hoa hồng” hiệu trưởng được nhận cũng không hề ít chút nào.

Giá như, hiệu trưởng không nhận hoa hồng để khoản tiền đó tặng thêm quà cho học sinh, hoặc cũng với số tiền thưởng đó nhưng mua hàng tốt hơn cho học trò thì tốt biết bao nhiêu. Nhưng, có hiệu trưởng nào lại trong sáng đến như vậy.

Bởi, họ đâu có mất gì đâu và cũng đâu phải lo sợ cân đối sổ sách tài chính gì nhiều. Hơn nữa, đây là “tấm lòng” của các cửa hàng bán văn phòng phẩm dành cho họ thôi mà!

Nhật Duy