Chuyện nên vui hay buồn?

17/07/2015 07:43
Phan Tuyết
(GDVN) - Giờ thì cô mới hiểu, sợ bố mẹ cãi lộn và đánh nhau nên cậu bé thường tìm cách nói dối. Cô bỗng thấy hối hận khi vợ chồng mắng mỏ, mạt sát nhau trước mặt con.

LTS: Một trong những sai lầm trong cách nuôi dạy trẻ chính là các bậc cha mẹ thường chửi, đánh nhau trước mặt con cái. Hành vi thiếu văn hóa này đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của trẻ. 

Cô giáo Phan Tuyết chỉ ra điều này qua một câu chuyện đời thường mà cô đã chứng kiến để thấy rằng những hành động, việc làm, lời nói của nói của bố mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển toàn diện của trẻ. 

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả. 

Cậu em họ của tôi có máu đam mê cờ bạc, nên đã rất nhiều lần bị nợ bủa vây tứ phía. Mỗi lần như thế, vợ chồng thường xuyên đánh chửi nhau, trong cơn giận họ không tiếc lời tặng cho nhau những mỹ từ chỉ nghe thôi cũng phải đỏ mặt. 

Thời gian đầu, họ còn ý tứ chửi nhau khi vắng mặt con cái nhưng mãi cũng quen dần nên họ sẵn sàng khẩu chiến trước mặt các con.

Trong nhà, ngoài cậu bé 5 tuổi vô cùng lém lỉnh và dễ thương còn có một đứa cháu gọi em dâu tôi bằng cô ruột năm nay học lớp 7. 

Mỗi lần thấy bố mẹ chửi nhau đôi khi nhìn thấy mẹ cầm dao đuổi bố đòi chém, cậu bé cứ run cầm cập và đứng nép vào một xó nhà khóc rấm rứt. 

Bao giờ cũng vậy, sau trận “hỗn chiến” là “chiến tranh lạnh” xảy ra khi không ai nói với ai lời nào. Và cậu bé đã trở thành liên lạc viên giữa hai người. 

Chuyện nên vui hay buồn? ảnh 1
Cha mẹ cãi nhau trước mặt con cái và những hậu quả khôn lường

Hàng đêm, cậu em nằm ngoài võng ngủ. Chỉ tội cho cậu bé thấy bố không vào phòng, nó nhất định không ngủ trước dù trời đã khuya. 

Nhiều lúc nó nói: “Mẹ gọi bố vào ngủ đi, không thì con ra ngoài ngủ chung với bố đó”. Có những đêm, em tôi tỉnh dậy ra ngoài phòng, thấy cậu bé nằm dưới chân bố ngủ ngon lành. 

Cũng nhờ có cậu bé mà: “Vợ chồng em không thể giận nhau lâu, nhìn con u buồn mà thấy tội. Nhưng ông ấy lại dựa vào tình thương của con càng làm liều. Nhiều khi em muốn bỏ quách đi nhưng lại thương con”, em dâu tôi buồn rầu tâm sự.

Dù bị vợ phản đối, cậu em tôi vẫn chứng nào tật ấy. Một hôm, nhân lúc vợ đi công tác gần một tuần, cậu tranh thủ rủ mấy người bạn “tâm giao bài bạc” về đánh bài ngay trong nhà. 

Để cẩn thận, em cậu tôi dặn đứa cháu: “Đừng về mách cô là chú đánh bài nhé”. Em tôi hỏi con trai: “Bin thương bố không? Bin có về mách mẹ bố đánh bài không đó?” Hỏi thì hỏi thế chứ em tôi thừa biết cu cậu không bao giờ làm điều đó.

Chuyện nên vui hay buồn? ảnh 2

Bí quyết để trẻ lắng nghe khi nói chuyện với con

(GDVN) - Bạn cố gắng nói chuyện với con mình về những quy tắc nhất định, hoặc bữa tối, hoặc bất kì điều gì và bọn trẻ giả vờ như không nghe thấy.

Vài ngày sau, em dâu đi công tác về, cô cháu gái nhanh miệng đã kịp mách: “Chú ở nhà đánh bài mấy ngày nay đó cô”. 

Vào nhà, cô em dâu gọi hai đứa bé vào phòng, giả vờ như chưa biết gì và hỏi đứa con: “Bin thấy bố ở nhà có đánh bài không?" 

Nghe mẹ hỏi, cậu bé đáp liền: “Bố không đánh bài đâu mẹ, bố chỉ nằm ngoài võng xem ti vi xong rồi ngủ”

Em dâu tôi nói tiếp: “Mẹ cho con suy nghĩ 5 phút rồi trả lời cho thật, trẻ con mà nói dối là xấu lắm”. Mẹ vừa nói xong, cậu bé vẫn khẳng định: “Con nói thật mà, mẹ hỏi em Hoa xem”. 

Như chỉ chờ có thế, cô cháu gái tên Hoa lại một lần nữa khẳng định: “Chú ở nhà đánh bài mà”. Tội nghiệp cô bé chưa nói dứt câu đã bị cậu bé xô mạnh xuống nền nhà kèm câu nói: “Em Hoa là rắc rối nhất đó. Em có biết nói ra như thế vợ chồng người ta cãi nhau thì con cái khổ như thế nào không”. 

Vừa nói, cu cậu vừa quay sang mẹ khẩn khoản: “Mẹ đừng nuôi em Hoa nữa, mẹ để em ý về quê đi, con ghét người hay mách lẻo”.

Đến đây thì cô em của tôi sững sờ, cô không thể nghĩ ra tại sao một đứa bé vừa tròn 5 tuổi lại có thể nói ra những suy nghĩ như vậy? 

Cô bỗng nhớ lại cũng có vài lần đưa con đi chơi cùng bạn bè, mải hát karaoke về muộn, chưa kịp dặn con nhưng khi nghe bố hỏi, cậu bé đã vội vàng trả lời: “Mẹ đi công chuyện bố ạ”. 

Giờ thì cô mới hiểu, sợ bố mẹ cãi lộn và đánh nhau nên cậu bé thường tìm cách nói dối. Cô bỗng thấy hối hận cứ nghĩ trẻ con chưa biết gì nên hai vợ chồng tha hồ chửi bới, mạt sát nhau trước mặt nó. Có lẽ lúc đó, con cô đã rất buồn.

Ngược lại sự ăn năn hối hận của vợ, cậu em tôi lại tỏ ra vui mừng, hãnh diện vì mình được con bênh vực. Cậu nghĩ nó đã là “đồng minh” nên nhiều lúc làm việc gì đó không phải đều dặn trước cậu bé: “Đừng cho mẹ biết nhé”.

Đi đến đâu, cậu em cũng đem chuyện về con trai ra kể đặc biệt là những lần tưởng “chết trong gang tấc” nhưng được con cứu nguy.

Ai cũng tán dương cậu bé khôn trước tuổi, biết thương và bảo vệ bố… Vì thế, cậu bé được mọi người gọi là “ông cụ non” đáng ngưỡng mộ. 

Riêng tôi thì nghĩ khác, dù còn rất nhỏ nhưng cậu bé đã bị nhồi nhét vào đầu những điều không thật.

Dù tận mắt chứng kiến nhiều việc làm không đúng của bố hay của mẹ nhưng vẫn phải tìm cách bảo vệ… Với cách dạy con như thế, lớn lên cậu bé sẽ thế nào? 

Phan Tuyết