Chuyện về thầy giáo mầm non "cõng chữ" lên cao nguyên đá

23/05/2019 06:46
Vũ Phương
(GDVN) - Ai cũng chọn về thành phố, về nơi điều kiện đủ đầy dạy học thì ai sẽ lên vùng cao dạy chữ cho trẻ em nghèo? Là giáo viên, nơi nào có học trò tôi sẽ đến.

Qua khe cửa của ngôi trường mới xây khá khang trang, một người đàn ông bước đi rất khẽ, rón rén đến kê lại gối, chỉnh lại tay chân cho lũ trẻ đang ngủ say thỉnh thoảng ú ớ ngủ mê cựa quậy, giật mình.

Hôm nào trời mưa, đám trẻ đến trường lấm lem, công việc đầu tiên của người thầy giáo cắm bản là tắm rửa, chải đầu, vệ sinh cho các em trước khi vào học.  

Chỉ từng đó thôi đã thấy công việc của giáo viên cắm bản gieo chữ cho 45 đứa trẻ từ 2-4 tuổi tại bản vùng cao vất vả đến nhường nào.

Chuyện về thầy giáo mầm non "cõng chữ" lên cao nguyên đá  ảnh 1Cô giáo dành cả thanh xuân ươm mầm xanh trên bản Lộng Ngài

Gần 7 năm gắn bó với những điểm trường mầm non, thầy Hoàng Văn Công (sinh năm 1989), giáo viên mầm non điểm Trường mầm non bản Ma Sang (xã Nậm Pì, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) đã quá quen thuộc với những công việc như thế.

Hàng ngày thầy thức dậy từ khi trời chưa sáng hẳn. Hơn 6h đã bắt đầu nhận trẻ để bố mẹ các em đi nương rẫy hay phải đến tận nhà học sinh đón các em đến trường.

Công việc của người “gõ đầu trẻ” mầm non vất vả hơn bao giờ hết, người giáo viên phải làm đủ việc từ rửa mặt, nấu ăn, phục vụ bữa cơm chính, bữa cháo phụ, rồi chỗ ngủ trưa cho các em… đến việc đưa các em đi vệ sinh, dọn vệ sinh cũng đến tay người thầy.

Nói đến giáo viên mầm non có rất ít nam giới nhận công việc này, có không ít người sau một thời gian ngắn gắn bó đã phải bỏ cuộc vì quá vất vả, phải hi sinh nhiều thứ. Nói như thầy Hoàng Văn Công, phải có tình yêu thực sự với trẻ vùng cao mới trụ lại được.

Thầy Công tâm sự, giáo viên nam cắm bản dạy chữ cho trẻ vùng cao còn có cơ hội, còn đối với những giáo viên nữ rất thiệt thòi, đặc biệt cô giáo trẻ vì không có thời gian dành cho chuyện tình cảm riêng tư, tìm hiểu bạn đời.

Được biết, thầy Công sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghề giáo, từ nhỏ Công đã được bố, một giáo viên tiểu học nay đã nghỉ hưu hướng Công theo nghiệp “gõ đầu trẻ”.

Một phần vì bố hướng nghiệp, nhưng điều quan trọng đối với Công có một tình yêu đặc biệt đối với trẻ em vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số.

Bản thân Công cũng là người dân tộc thiểu số, bởi vậy, Công hiểu hơn ai hết cần thay đổi tư duy để trẻ em vùng cao được đi học nhiều hơn, học cao hơn thay vì chỉ biết chữ rồi đi nương rẫy.

Chỉ có con chữ mới giúp đồng bào vùng cao nâng cao chất lượng cuộc sống, giữ gìn những nét văn hóa đặc sắc, bỏ những hủ tục, đặc biệt thoát cái nghèo đeo bám.

Thầy giáo Hoàng Văn Công và những học sinh vô cùng đáng yêu tại điểm trường mầm non bản Ma Sang. Ảnh: NVCC.
Thầy giáo Hoàng Văn Công và những học sinh vô cùng đáng yêu tại điểm trường mầm non bản Ma Sang. Ảnh: NVCC. 
Nhiều buổi sáng thầy Công phải đến tận nhà học sinh đón các em đến trường vì bố mẹ đi nương rẫy từ rất sớm. Ảnh: NVCC.
Nhiều buổi sáng thầy Công phải đến tận nhà học sinh đón các em đến trường vì bố mẹ đi nương rẫy từ rất sớm. Ảnh: NVCC. 

Nói về cái duyên làm thầy của trẻ em mầm non vốn công việc thường chỉ dành cho các cô giáo, thầy Hoàng Văn Công vui vẻ cho biết: “Tôi tốt nghiệp ngành sư phạm tiểu học Trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu.

Theo chuyên ngành học, tôi sẽ dạy cấp tiểu học, nhưng thời điểm đó địa bàn huyện thiếu giáo viên mầm non ở một số bản vùng sâu, vùng xa, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn nên tôi nộp hồ sơ đi dạy luôn”.

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai. Ai cũng chọn về thành phố, về nơi điều kiện đủ đầy thì ai sẽ lên vùng cao dạy chữ cho trẻ em nghèo. Đơn giản những nơi đó, các em đang cần tôi sẽ đến.

Vất vả, khó khăn, nhưng cố gieo mầm chữ nơi đây, mai mốt các em sẽ chồi lên thành lá, đi học như mình. Trong số các em sẽ có người quay trở lại dạy học cho đồng bào mình”, thầy Công nói.

Có lẽ bên những đứa trẻ ngây thơ, trong sáng, hồn nhiên giúp thầy Công trẻ hơn, yêu đời hơn quên đi mọi vất vả. “Mỗi ngày mới được nghe các em cười nói, hát ca, thậm chí khóc mếu như một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi. 

Như lời bài hát của một nhạc sĩ đã viết rất hay “cảm ơn đời mỗi sớm mai thức giấc, ta có thêm ngày nữa để yêu thương”, thầy Công vui vẻ nói.

Được đánh giá cao về chuyên môn, hát hay, múa dẻo, thầy Hoàng Văn Công không ngừng tự nâng cao chuyên môn của mình bằng việc đọc sách, tìm hiểu tài liệu trên mạng internet về tâm lý trẻ nhỏ, phương pháp sư phạm cho lứa tuổi mầm non, những bài hát hay phù hợp lứa tuổi, những điệu múa đẹp…

Thầy Công được đánh giá là cây văn nghệ của trường, học sinh của thầy rất thích hát bài Cả nhà thương nhau hay Lớn lên cháu lái máy cày. Ảnh: NVCC.
Thầy Công được đánh giá là cây văn nghệ của trường, học sinh của thầy rất thích hát bài Cả nhà thương nhau hay Lớn lên cháu lái máy cày. Ảnh: NVCC. 
Giờ tập thể dục ngoài trời buổi sáng thầy Công hướng dẫn các em. Ảnh: NVCC.
Giờ tập thể dục ngoài trời buổi sáng thầy Công hướng dẫn các em. Ảnh: NVCC. 

Chia sẻ với phóng viên, phụ huynh phản ứng như thế nào khi dạy con em họ cấp mầm non là thầy giáo, thầy Công vui vẻ cho biết: “Nhiều phụ huynh thích thầy dạy hơn cô vì đơn giản với đồng bao dân tộc được học thầy giáo sẽ giúp con cái họ mạnh dạn hơn, bản lĩnh hơn.

Trên vùng cao, thú rừng, chuột, bọ, rắn nhiều, có lớp học tạm việc thi thoảng có những con vật "ghé thăm" là chuyện bình thường. Giáo viên nam có thể xử lý ngay được, nhưng cô giáo thì chưa chắc”.

Cũng theo thầy Hoàng Văn Công, thực tế khó khăn đối với giáo viên cắm bản đó là tại nhiều điểm trường, giáo viên phải đi vận động rất vất vả người dân mới cho con đi học, thậm chí họ còn ra điều kiện.

Có gia đình chỉ đồng ý “đứa lớn đi học, đứa bé cũng đi học”. Theo lý giải của họ, không thể đứa lớn đi học, đứa bé ở nhà ai trông.

Đặc điểm của đồng bào dân tộc thiểu số sinh nhiều con và rất mau. Trẻ mới học mầm non đã có vài em nhỏ kế tiếp. Vào mùa nương rẫy, mùa bẻ măng, nếu không thuyết phục, vận động họ sẽ không cho con đi học để đi phụ giúp bố mẹ.

Để thuyết phục cho trẻ đến trường, thầy Công phải gật đầu đồng ý. Lớp thầy Công có em chưa đến độ tuổi đi học nhưng vẫn đến trường cùng anh chị.

“Vất vả một chút nhưng vui vì phần nào mình cũng giúp các em biết đọc, biết viết, biết múa biết hát. Giờ đây dân bản đã thay đổi suy nghĩ muốn đưa con đến trường và các em cũng rất vui vì được đi học, múa hát, vui chơi.

Mỗi ngày đến trường thực sự với các em là một ngày vui. Là một người thầy điều đó còn gì vui và hạnh phúc hơn”, thầy Công nói.

Một mình thầy Công nấu ăn, cho trẻ ăn, chuẩn bị chỗ ngủ trưa, đi vệ sinh... rồi dạy các em từng li từng tí. Ảnh: NVCC.
Một mình thầy Công nấu ăn, cho trẻ ăn, chuẩn bị chỗ ngủ trưa, đi vệ sinh... rồi dạy các em từng li từng tí. Ảnh: NVCC. 

Ra trường năm 2012, thầy Hoàng Văn Công đã dạy tại 6 điểm trường mầm non tại những bản làng khó khăn của huyện Nậm Nhùn. Theo phân công mỗi năm giáo viên sẽ luân chuyển điểm trường một lần.

Năm học này đối với thầy Hoàng Văn Công vui hơn bởi ngôi trường thầy dạy mới được xây dựng khá khang trang, điều kiện học tập tốt.

Vui hơn hết, thầy được gần vợ cũng dạy mầm non cùng điểm trường bản Ma Sang. Như thầy Công tâm sự chính nhờ nhận dạy mầm non, thầy mới gặp và nên duyên với cô giáo mầm non cùng huyện.

Hiện hai vợ chồng thầy Công ở luôn tại trường, trường có một phòng bố trí cho giáo viên cắm bản. Đường sá đi lại vất vả, khó khăn, hàng tháng vợ chồng thầy Công mới về thăm con ở với ông bà nội một lần, cách cả trăm cây số.

Trải nghiệm cuộc sống của đồng bào vùng cao, đến thăm những bản làng người dân tộc thiểu số mới thấu hiểu sự thiếu thốn, vất vả của họ. Đặc biệt, càng khâm phục hơn những giáo viên cắm bản tại các điểm trường miền núi khó khăn, vất vả vì sự nghiệp cao cả “cõng chữ” lên dẻo cao.

"Cháu xem cày máy, cày thay con trâu; Đường cày đã sâu, lại nhanh mà không mệt nhọc; Mùa về lắm thóc, hạt thóc phơi đầy sân; Ơi! chú công nhân cháu yêu chú lắm…"

Rời điểm trường mầm non bản Ma Sang, trong tiếng trẻ và thầy giáo cùng múa hát bài “Lớn lên cháu lái máy cày” khiến những ai từng đến nơi đây mới thật sự thấy khâm phục những giáo viên cắm bản mang tiếng cười, tri thức thắp sáng cho trẻ vùng cao. 

Một giờ hoạt động ngoài trời, thầy Công giới thiệu cho các em về các loài hoa để các em biết yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Ảnh: NVCC.
Một giờ hoạt động ngoài trời, thầy Công giới thiệu cho các em về các loài hoa để các em biết yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Ảnh: NVCC.

Cô Lù Thị Điệp, Ban giám hiệu Trường mầm non xã Nậm Pì đánh giá rất cao năng lực chuyên môn của thầy Hoàng Văn Công. Năm nào thầy Công cũng hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc công việc, nhiệm vụ được giao. 

"Thầy Công không chỉ hát hay, múa dẻo mà còn là cây văn nghệ của trường. Công việc của giáo viên mầm non vùng cao rất vất vả, đặc biệt đối với nam giới càng khó khăn, nhưng thầy Công đã không ngừng trau dồi, học hỏi được phụ huynh, học sinh yêu quý.

Thầy Công không ngại bất cứ việc gì từ việc vệ sinh, tắm rửa, chải tóc, nấu ăn, cho trẻ ăn, cho trẻ ngủ, dạy chữ...

Để gắn bó và cắm bản dạy chữ cho trẻ vùng cao, điều quan trọng giáo viên phải có tình yêu trẻ. Ở thầy Công có điều đó và rất nhiệt huyết, yêu nghề", cô Lù Thị Điệp nói.

Vũ Phương