Cô Nguyễn Thị Kim Hương: Không sử dụng biện pháp trừng phạt trẻ, dù là cách nào

10/11/2018 07:36
Phương Linh
(GDVN) - Theo cô Nguyễn Thị Kim Hương, không cần phải cấm, mà giáo viên bắt buộc phải nhớ là không sử dụng biện pháp trừng phạt học sinh, dù cách nào đi nữa.

Trước sự việc cô giáo tiểu học của Trường Trần Văn Ơn, sử dụng biện pháp phạt học sinh, bằng cách cho học sinh tự tát vào mặt mình, ngày 7/11, cô Nguyễn Thị Kim Hương – Hiệu trưởng Trường tiểu học Lạc Long Quân, quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh đã chia sẻ: Đây là một biện pháp giáo dục hoàn toàn sai trái, nếu căn cứ theo các quy định của đạo đức nhà giáo.

Không chấp nhận chuyện trừng phạt trẻ em

Là một nhà quản lý giáo dục lâu năm trong nghề, cô Nguyễn Thị Kim Hương nói rằng, cô chưa bao giờ chấp nhận chuyện giáo viên của mình bạo hành, sử dụng các biện pháp đòn roi, đánh hay trừng phạt trẻ.

“Chúng ta không cần phải cấm, mà trong bất kỳ hoàn cảnh nào, giáo viên cũng phải luôn nhớ và làm theo là không bao giờ sử dụng các biện pháp trừng phạt học sinh” – cô Kim Hương nhấn mạnh.

Trước lời giải thích của cô giáo là phạt như thế để mong học sinh tiến bộ, đừng nói chuyện trong lớp nữa, tập trung vào bài học, cô Nguyễn Thị Kim Hương khẳng định: Cho dù cô giáo giải thích như thế nào đi nữa thì cũng không được.

Về nguyên nhân của việc này, cô Nguyễn Thị Kim Hương phân tích: Có thể có nhiều lý do, hoặc do gia đình có chuyện gì đó không yên ổn, hay có thể là do sự đầu tư, giáo dục các em của cô giáo chưa được tương xứng, có nghĩa là cô giáo muốn có một con đường ngắn nhất để giải quyết được mong muốn của mình, đó là phải trừng phạt các em.

Trường tiểu học Trần Văn Ơn, phường 8 - quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)
Trường tiểu học Trần Văn Ơn, phường 8 - quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)

Trường hợp của cô giáo dạy tại Trường tiểu học Trần Văn Ơn, quận Tân Bình sẽ giúp thức tỉnh lương tâm của toàn thể giáo viên hiện tại, nhìn vào trường hợp này mà tránh.

Nói về cách dạy những học sinh chậm tiến, ngỗ nghịch, cô Nguyễn Thị Kim Hương – Hiệu trưởng Trường tiểu học Lạc Long Quân, quận 11 tư vấn: Những dạng trẻ như vậy, giáo viên cần phải có một giải pháp riêng. 

Cô giáo tiểu học bắt học sinh nói chuyện phải tự tát vào mặt mình 32 cái

“Giáo viên đều được học về tâm lý học, giáo dục học trong trường sư phạm để làm gì? Sao không mang ra áp dụng trong lúc này?” – cô Nguyễn Thị Kim Hương nhấn mạnh.

Theo cô Nguyễn Thị Kim Hương, từ trước tới nay, chúng ta hay áp dụng một phương pháp giáo dục kiểu truyền thống, đó là: Giáo viên nói, học sinh nghe.

Tuy nhiên, cô Kim Hương nói, kỹ thuật dạy học, giáo dục tích cực như là một biện pháp, giải pháp để áp dụng cho những học sinh cá biệt như là chưa ngoan, khó học.

Sử dụng biện pháp này, giáo viên cần phải tương tác, đàm thoại, sử dụng công nghệ thông tin để dạy trẻ.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Lạc Long Quân, quận 11 kết luận: Dựa vào mức độ trẻ chưa ngoan, khó học như thế nào, giáo viên cần phải có định hướng giảng dạy phù hợp nhất.

Kỷ luật chứ không phải trừng phạt

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn – Giám đốc Trung tâm tuyển sinh, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, ở lứa tuổi tiểu học, việc cô giáo có biện pháp kỷ luật học sinh là cần thiết, nhưng không thể kỷ luật như là trừng phạt được.

Ông Phạm Thái Sơn nêu suy nghĩ cá nhân của mình: Giáo viên cần phải kỷ luật cho phù hợp, tránh để cho các em học sinh sợ hãi, vì khi đó, thầy cô sẽ còn khó khăn hơn khi muốn giáo dục các em.

Nói về việc cô giáo tiểu học bắt học sinh phạt bằng cách tự tát vào mặt mình, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn nói: Đây là hình thức kỷ luật quá nặng nề, sẽ tạo ra một tâm lý không tốt đối với các em học sinh.

“Những vấn đề nào quá khó, thầy cô nên đưa ra hội đồng sư phạm để cùng nhau phân tích, đánh giá và tìm ra một giải pháp phù hợp, nhằm giáo dục các em học sinh ngày càng tốt, tiến bộ hơn” – ông Phạm Thái Sơn nhấn mạnh.

Phương Linh