‘Cô Nguyện từ điển’, bông hoa đẹp nơi vùng trũng Thái Bình

27/09/2018 07:32
LÃ TIẾN
(GDVN) - Trong vườn hoa giáo dục Thái Bình, cô giáo Mai Thị Bích Nguyện, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở An Vũ (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) là một bông hoa đẹp.

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm, chuyên ngành Ngữ Văn, cô giáo Mai Thị Bích Nguyện về công tác tại Trường Trung học cơ sở An Bài (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình).

Sau 15 năm gắn bó với bục giảng, năm học 2009-2010, cô giáo Nguyện được điều động về công tác tại Trường Trung học cơ sở An Vũ (huyện Quỳnh Phụ) giữ chức vụ hiệu trưởng nhà trường.

Đây là một ngôi trường nằm trên địa bàn xã nghèo, phức tạp về an ninh. Nhà trường lại thiếu cơ sở vật chất, thiếu giáo viên phục vụ cho việc dạy và học.

Nhiều năm liền, học sinh nhà trường phải học ở lán gửi xe hoặc học nhờ ở nhà văn hóa các thôn lân cận.

Hơn nữa, học sinh đang học ở trường chủ yếu là học sinh có học lực trung bình, do số lượng học sinh khá, giỏi đã chuyển sang các trường thị trấn.

Khó khăn là vậy nhưng khi tiếp quản ngôi trường này dường như chưa bao giờ cô Nguyện chùn bước.

Trên cương vị công tác, cô Nguyện đưa Trường Trung học cơ sở An Vũ trở thành điểm sáng của huyện Quỳnh Phụ về việc thực hiện các phong trào thi đua. (Ảnh: CTV)
Trên cương vị công tác, cô Nguyện đưa Trường Trung học cơ sở An Vũ trở thành điểm sáng của huyện Quỳnh Phụ về việc thực hiện các phong trào thi đua. (Ảnh: CTV)

Với cương vị Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường, cô Nguyện luôn đổi mới trong công tác quản lý, sáng tạo trong mọi hoạt động, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Nếu như cách đây 5 năm, hình ảnh học sinh học trong lán xe, đi bộ cắt ngang qua quốc lộ 10 để học nhờ nhà văn hóa thôn thì nay các em đã được học ở dãy nhà 2 tầng khang trang, có phòng học thông minh, khuôn viên xanh với mô hình giáo dục sinh thái.

Thế nhưng căn phòng làm việc của cô hiệu trưởng vẫn ở dãy nhà cấp bốn đã xuống cấp trầm trọng với diện tích chưa đến 10 m2, chỉ cần một cơn mưa nhỏ cũng khiến nước chảy lênh láng khắp phòng.

Cô Nguyện tâm sự: “Năm 2015, nhà trường được đầu tư kinh phí xây dựng mới nhưng cũng chỉ đủ để xây phòng học cho học sinh còn khu hiệu bộ thì chưa được xây mới.

Đối với tôi, phòng làm việc không phải là khó khăn mà phòng học, trang thiết bị dạy học, đạo đức học sinh, giáo viên là điều khiến tôi luôn suy nghĩ để tìm phương pháp mới giúp nâng cao chất lượng dạy và học”.

Đối với cô giáo Mai Thị Bích Nguyện, để thầy cô dạy giỏi, trò chăm ngoan, trước hết, những người làm công tác quản lý cần tiên phong đi đầu trong mọi hoạt động.

Nghĩ là làm, cô bắt tay vào nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến kinh nghiệm với mong muốn đổi mới phương pháp dạy học.

Cô hiệu trưởng Mai Thị Bích Nguyện giới thiệu những cuốn sách viết về Bác Hồ cho học sinh. (Ảnh: CTV)
Cô hiệu trưởng Mai Thị Bích Nguyện giới thiệu những cuốn sách viết về Bác Hồ cho học sinh. (Ảnh: CTV)

Với những kiến thức, kinh nghiệm trong suốt những năm đi dạy, các đề tài khoa học của cô Nguyện lần lượt “ra đời” và được áp dụng vào thực tiễn.

“Cô Nguyện từ điển” cũng là tên gọi thân thương nhiều đồng nghiệp dành cho Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở An Vũ, bởi các sản phẩm khoa học của cô liên tiếp giành giải nhất tại cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc lần thứ 12 và 13.

Từ sự khởi động của cô hiệu trưởng, phong trào nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến của các thầy cô trong trường hình thành và phát triển mạnh mẽ.

Từ đơn vị đứng cuối khối Trung học cơ sở, Trường An Vũ đã vươn lên xếp thứ nhất huyện trong phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm.

Trong các đợt hội giảng, nhà trường đã khích lệ, động viên giáo viên thi đua dạy tốt với các danh hiệu thi đua “Viên phấn vàng”, “Giờ dạy ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả nhất”, “Giờ dạy học sinh làm việc tích cực, hiệu quả nhất”.

Đặc biệt, Trường Trung học cơ sở An Vũ là đơn vị giáo dục duy nhất trong tỉnh Thái Bình đã và đang đưa vào sử dụng 2 phòng học thông minh với các thiết bị hiện đại như: ti vi thông minh, bộ phần mềm điều khiển tích hợp, bộ thu và nhận tín hiệu không dây IQClick USB Receiver, thiết bị điều khiển từ xa…

Các phòng học này vừa giúp giáo viên kiểm tra bài học sinh vừa kết nối được với cha mẹ học sinh.

‘Cô Nguyện từ điển’, bông hoa đẹp nơi vùng trũng Thái Bình ảnh 38 tiêu chuẩn cần có của một hiệu trưởng giỏi

Nhờ thế, chất lượng từng tiết dạy từng bước được nâng lên, học sinh hào hứng đến trường.

Đối với học sinh, cô hiệu trưởng Mai Thị Bích Nguyện cũng luôn đồng hành cùng các em kể từ những ngày đầu bước vào lớp 6.

Những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, học sinh yếu kém, cô Nguyện cùng các giáo viên khác thường xuyên đến nhà để giúp đỡ, tâm sự, động viên các em vươn lên.

Bên cạnh đó, với mong muốn lấy các hoạt động thi đua để giữ lửa cho phong trào dạy tốt và học tốt trong toàn trường, cô Nguyện đã chỉ đạo Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên nhà trường xây dựng tủ sách Bác Hồ và nâng cao hiệu quả sử dụng tủ sách Bác Hồ trong trường học.

Đồng thời khuyến khích học sinh, giáo viên viết nhật ký làm theo lời Bác; lồng ghép các nội dung tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh trong các cuộc thi do nhà trường tổ chức.

Các cuộc thi như: kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với chủ đề “Sáng mãi tên Người”, hội thi nét đẹp đội viên, hoa trạng nguyên; triệu phú ngôn ngữ, làm tập san, báo tường để học sinh hiểu hơn về tấm gương của Bác, để học và làm theo Bác.

Để phát huy tính sáng tạo của học sinh, cô Nguyện cùng các thầy cô trong trường đã xây dựng mô hình giáo dục sinh thái ngay trong khuôn viên nhà trường với các loại cây ăn quả, cây ăn lá, các loại hoa… là nơi để các em trải nghiệm, phục vụ đắc lực môn Công nghệ và Sinh học.

Sau gần 10 năm cô giáo Mai Thị Bích Nguyện công tác tại Trường Trung học cơ sở An Vũ, kỷ cương, kỷ luật, trong Chi bộ, trong trường học được duy trì thực hiện tốt.

100% cán bộ, giáo viên đăng ký học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tự nguyện, tự giác hết mình vì học sinh, vì sự nghiệp giáo dục.

Từ một trường xếp tốp cuối của huyện, nhiều năm trở lại đây, các hoạt động chuyên môn của nhà trường có nhiều khởi sắc như: chất lượng học sinh giỏi, giáo dục toàn diện từ vị trí tốp cuối vươn lên tốp đầu của huyện;

Số lượng giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện tăng 15 lần so với trước đây, đưa Trường Trung học cơ sở An Vũ trở thành điểm sáng của huyện Quỳnh Phụ về việc thực hiện các phong trào thi đua.

LÃ TIẾN