Cô Tuyết, cô "chạy" hết bao nhiêu?

15/08/2017 06:00
Phan Tuyết
(GDVN) - Tôi vẫn luôn ước ao “giá như nơi nào cũng như thế” để những đồng nghiệp của mình vốn đã nghèo càng không phải nghèo thêm chỉ vì muốn về dạy ở một nơi phù hợp.

LTS: Trong thời điểm hiện nay, khi mà tình trạng dôi dư giáo viên đang diễn ra trên tất cả các cấp học, từ những khó khăn trong việc sắp xếp nhân sự của mỗi đơn vị, mỗi địa phương mà một số nơi đã phát sinh tiêu cực trong việc thuyên chuyển giáo viên.

Là người trong cuộc, nhằm nói lên tiếng nói cũng như nỗi niềm mong muốn, ước ao của mình, cô giáo Phan Tuyết đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Đồng nghiệp của tôi ở một tỉnh Tây Nguyên kể rằng, mỗi ngày đi dạy của bạn là 120 cây số. Bạn phải dậy từ 3 giờ sáng để vượt qua một quãng đường dài và dốc, nhiều đoạn còn khúc khuỷu, quanh co để đến được trường cho kịp giờ. 

Nghe kể đến đoạn “chiếc xe máy phải vay 20 triệu của ngân hàng để mua theo kiểu trả góp từ tiền lương hàng tháng. Nhưng, khi trả tiền nợ ngân hàng xong (khoảng 5 năm) thì chiếc xe cũng hỏng luôn”. Thực sự, khi nghe bạn nói mà tôi thấy nhói lòng.

Tôi nói với bạn “sao không làm đơn xin chuyển công tác về trường gần? Bạn cũng dạy ở nơi đó hơn 20 năm rồi còn gì?”. Cô bạn thở dài “Đâu phải dễ xin? Muốn được về gần nhà phải có khoảng 500 triệu, khoản tiền lớn như vậy gia đình lo không nổi. Mà kể ra, nếu có được khoản tiền đấy thì thà ở nhà buôn bán cho xong”. 

Hình ảnh minh họa về vấn đề xin thuyên chuyển nơi công tác của các giáo viên (Ảnh nguồn: Tuoitre.vn)
Hình ảnh minh họa về vấn đề xin thuyên chuyển nơi công tác của các giáo viên (Ảnh nguồn: Tuoitre.vn)

Một số giáo viên ở một vài tỉnh miền Trung cũng đã từng kể rằng, hàng năm muốn chuyển trường từ vùng sâu về miền xuôi hay từ vùng nông thôn lên thành thị, giáo viên nơi đây cũng phải chi đến hàng trăm triệu đồng tùy vào từng thương hiệu của trường. 

Thông tin mà nhiều giáo viên nói, thật ra chẳng ai có thể kiểm chứng, chẳng ai có thể chứng minh mức độ đúng đến đâu. Bởi, những người đã phải bỏ ra một số tiền lớn đến thế để chạy việc thì chẳng ai dại gì mà làm đơn tố cáo hay tung ra bằng chứng. 

Vì vậy, nó chỉ là những lời rỉ tai, thì thầm to nhỏ của người đi trước, mách nước cho người đi sau theo kiểu “đưa đường dẫn lối”.

Có lẽ vì thế mà cách đây khoảng chục năm, khi hai vợ chồng tôi đang dạy ở một trường tiểu học vùng biển cách trung tâm thị trấn lúc đấy khoảng 20 cây số lại được chuyển ngay về hai trường học lớn của thị trấn bây giờ. 

Không ít người gọi điện cũng như đến tận nhà hỏi thăm “chạy hết bao nhiêu?” để họ biết đường còn lo liệu. Tôi đã trả lời thẳng thừng (vì đó là sự thật) rằng “chẳng mất đồng nào dù chỉ là một ly nước hay một lời cám ơn”. Tuy thế, cũng có người không tin còn cố nói lại “em nói thế thì nghe thế, chứ biết làm sao?”.

Nói là không mất cả một lời cám ơn cũng chẳng sai vì biết cám ơn ai khi mình chẳng đến xin cậy nhờ? 

Hàng năm, Phòng Giáo dục thị xã La Gi tỉnh Bình Thuận đều thực hiện việc luân chuyển giáo viên trong toàn thị xã trước năm học mới.

Giáo viên có thể làm đơn đề đạt nguyện vọng để được xem xét, hoặc có thể tự Phòng giáo dục điều động khi thấy chính giáo viên đó đã công tác ở trường khá lâu.

Cô Tuyết, cô "chạy" hết bao nhiêu? ảnh 2

27 giáo viên tiểu học quận 10 bất ngờ nhận lệnh luân chuyển không rõ nguyên do

Việc luân chuyển cũng được xem xét sao cho giáo viên đó thuận lợi nhất.

Thế rồi, chẳng biết trên Phòng xét duyệt ra sao? Thành viên xét duyệt gồm những ai? Quy trình xét duyệt như thế nào?

Chỉ biết rằng, trước ngày nhập học, giáo viên nào luân chuyển thì nhận được nhận quyết định thông báo và chuẩn bị bàn giao trước khi về nhiệm sở mới.

Năm đấy, vợ chồng tôi đều làm đơn trình bày lý do đã giảng dạy ở nơi vùng quê nhiều năm nên có nguyện vọng muốn xin về gần trung tâm thị trấn (nay là thị xã La Gi). Đơn gửi về phòng và chúng tôi ở trong tâm thế sẽ được chuyển vì tin chắc mình đã có thời gian giảng dạy vùng quê khá lâu. 

Thế là gần ngày tựu trường, cả hai vợ chồng nhận được quyết định chuyển về hai ngôi trường điểm của thị trấn lúc đó. 

Có lẽ, cũng chẳng riêng gì trường hợp của gia đình tôi. Nhiều giáo viên sau này cũng nói việc luân chuyển từ trường ở xa về trường gần hay luân chuyển từ trường này sang trường khác họ chẳng phải “đi cửa sau” hay “quà cáp phong bao phong bì” gì cả. 

Nhìn sang địa phương bạn, nghe nhiều câu chuyện về tiêu cực trong giáo dục cũng tự cảm thấy mình thật may khi được sống và giảng dạy chính tại nơi này.

Nhưng, sau niềm vui riêng, tôi vẫn luôn ước ao “giá như nơi nào cũng như thế” để những nhà giáo – đồng nghiệp của mình vốn đã nghèo càng không phải nghèo thêm chỉ vì muốn về dạy ở một nơi phù hợp.

Phan Tuyết