Có bao nhiêu hy vọng một trường Đại học Việt Nam vào top 100 thế giới?

09/02/2016 08:20
Xuân Trung (thực hiện)
(GDVN) - Để lọt vào Top 100 thế giới không dễ, vì vào được Top này tức là phải đẩy được trường nào đó đang trong Top này ra ngoài.

LTS: Tháng 8 năm 2013, Tổng thống Nga Putin ký sắc lệnh phê duyệt dự án 5TOP100 với mục tiêu đến năm 2020 đưa được ít nhất 5 trường đại học của Nga vào Top 100 trường đại học hàng đầu thế giới.

Trước đó hơn 6 năm, vào tháng 7 năm 2007 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng giai đoạn 2006 – 2020, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2020, Việt nam có một trường đại học lọt vào top 200 đại học hàng đầu thế giới. 

Cuối năm 2015 Thủ tướng cũng đã ban Nghị định quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học. Đây là cơ sở để các trường đại học Việt Nam tự đánh giá chính mình, từng bước hội nhập quốc tế.

Xung quanh câu chuyện này, nhân dịp năm mới, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trò chuyện với ông Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT.

Xếp hạng đại học quốc tế có tin cậy?

PV: Thưa ông, như ông biết hiện nay có bao nhiêu tổ chức độc lập tham gia vào đánh giá, xếp hạng đại học? 

Ông Lê Trường Tùng: Đại học là một thực thể khá phức tạp, cho nên việc so sánh xếp hạng các trường đại học toàn cầu mới chỉ được thực hiện chính thức từ 2003, trong khi - chẳng hạn với doanh nghiệp, việc xếp hạng Fortune 500 đã có từ 1990, hoặc xếp hạng Forbes các tỷ phú trên thế giới đã có từ năm 1987. 

Bảng xếp hạng các trường đại học toàn cầu đầu tiên (ARWU) được thực hiện bởi một trường đại học tại Trung Quốc – đại học Giao thông Thượng Hải. 

Công việc này đầu tiên được đặt trong khuôn khổ một dự án của chính phủ Trung Quốc với mục tiêu nâng tầm đại học Trung Quốc lên “đẳng cấp quốc tế”. Để vào được đẳng cấp quốc tế - chẳng hạn lọt vào Top 100 - thì phải biết được trường nào đang ở trong Top 100 này, và khi mà không có ai xếp hạng thì Trung Quốc tự đứng ra làm. 

Sau đó một năm, năm 2004 thêm một tổ chức tư vấn giáo dục của Anh quốc  - tên là Quacquarelli Symonds (QS) phối hợp với tạp chí Times Higher Education (Times HE) - vào cuộc tham gia xếp hạng đại học quốc tế. 

Đến năm 2009, nhóm xếp hạng của QS-Times HE tách ra và từ 2010 có xếp hạng riêng của QS và của Times HE. 

Từ đó đến nay, hàng năm có 3 bảng xếp hạng đại học chính là ARWU, QS và Times HE (không kể các xếp hạng đi sâu vào chuyên ngành cụ thể, một quốc gia cụ thể hoặc xếp hạng dựa trên sự hiện diện trên WEB của các trường). 

Số trường đại học được xếp hạng và công bố khoảng 500-800. Cũng nói thêm là đến nay, Trung Quốc có 4 trường nằm trong Top 100 trường hàng đầu thế giới.  

Vậy các tổ chức này xếp hạng đại học như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Trường Tùng: Mỗi tổ chức độc lập đứng ra xếp hạng đại học đều có phương pháp luận, cách thức tính toán cũng như nguồn dữ liệu tham chiếu riêng. 

Phương pháp xếp hạng nói chung đều dựa vào các chỉ tiêu lên quan đến hoạt động chính của một trường đại học là đào tạo, nghiên cứu, mức độ quốc tế hóa và quan hệ doanh nghiệp, riêng ARWU tập trung chủ yếu đánh giá theohướng hàn lâm, chủ yếu tập trung vào đào tạo và nghiên cứu. 

Với mỗi tổ chức xếp hạng, tỷ trọng của các tham số tham gia vào quá trình tính toán, nguồn dữ liệu, cách quy chuẩn dữ liệu, các tiêu chí phụ… khác nhau, cho nên kết quả xếp hạng của 3 tổ chức này không hoàn toàn trùng nhau. 

Như thế thì quy trình đánh giá của những tổ chức quốc tế này có mức độ tin cậy và khách quan như thế nào đối với một trường đại học? 

Ông Lê Trường Tùng: Thứ hạng cụ thể của một trường đại học chỉ là tương đối, vì chỉ cần thay đổi trọng số cho các tiêu chí đánh giá, thêm bớt tiêu chí là thứ hạng các trường có thể thay đổi. 

Giáo sư Alicon Richard – nguyên hiệu trưởng đại học Cambridge từng phát biểu thế này: “Xếp hạng đại học nào cũng có khiếm khuyết, không đánh giá toàn diện một trường đại học và không thể dùng để so sánh trường này tốt hơn trường khác. Tuy nhiên tôi vô cùng sung sướng khi trường tôi được xếp thứ hạng cao”.  

Ông Lê Trường Tùng - Chủ tịch HĐQT Đại học FPT. Ảnh Xuân Trung
Ông Lê Trường Tùng - Chủ tịch HĐQT Đại học FPT. Ảnh Xuân Trung

Năm 2015, ARWU xếp đại học Havard đầu bảng, QS thì lại xếp trường MIT vào vị trí đầu bảng, còn Times HE thì xếp Caltech ở vị trí này. 

Hoặc trường Đại học Lomonoxop của Nga, trong bảng xếp hạng 2015 của ARWU xếp thứ 86, còn QS thì xếp thứ 108 và Times HE xếp thứ 161. Cũng vì mức độ tương đối, nên các trường ít khi đề ra cụ thể là sẽ phấn đấu ở thứ hạng bao nhiêu, mà thường là lọt vào Top bao nhiêu, chẳng hạn Top 500, Top 200, Top 100… 

Ba bảng xếp hạng đại học ARWU, QS, Times HE hàng năm được nhiều quốc gia, nhiều trường thừa nhận và thuộc loại có uy tín và thường được trích dẫn nhất.  

Vào Top 100 có quá khó không?

Theo ông để lọt vào Top các trường tốt – chẳng hạn Top 100 – thì đối với các trường đại học trong nước có khó quá không?

Ông Lê Trường Tùng: Để lọt vào Top 100 thế giới không dễ, vì vào được Top này tức là phải đẩy được trường nào đó đang trong Top này ra ngoài.

Các trường trong Top 100 đều là trường danh tiếng, lâu đời, chủ yếu tại châu Âu, châu Mỹ, Úc. Có một số ít trường tại khu vực châu Á. 

Tuổi thọ trung bình của các trường nằm trong Top 100 là hơn 175 năm. Mục tiêu lọt vào Top được nhiều quốc gia đặt ra. Tháng 8 năm 2013, Tổng thống Nga Putin ký sắc lệnh phê duyệt dự án 5TOP100 với mục tiêu đến năm 2020 đưa được ít nhất 5 trường đại học của Nga vào Top 100 trường đại học hàng đầu thế giới. 

Trước đó 6 năm, vào tháng 7 năm 2007 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng giai đoạn 2006 – 2020, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2020, Việt nam có một trường đại học lọt vào top 200 đại học hàng đầu thế giới. 

Có bao nhiêu hy vọng một trường Đại học Việt Nam vào top 100 thế giới? ảnh 2

Nhiều gia đình vay nợ cho con vào đại học lấy danh hão, để rồi... thất nghiệp

(GDVN) - PGS.TS Nguyễn Văn Nhã bình luận: "Con người ta có trí thì phải học, nhưng thời gian thì có hạn nên phải tập trung vào mục tiêu cụ thể".

Bảng xếp hạng đại học đồ sộ nhất có 800 trường. Hiện chưa có trường đại học nào của Việt Nam được đưa vào danh sách Top 800 này. 

Để các trường hình dung ra vị trí của mình dễ hơn, QS và Times HE có thêm các bảng xếp hạng đại học riêng cho từng châu lục, chẳng hạn bảng xếp hạng đại học châu Á. 

Lọt vào Top 200 châu Á thì dễ hơn nhiều – khi đã bỏ các trường tinh hoa của châu Âu, Úc, Mỹ ra ngoài. ARWU có bảng xếp hạng riêng cho các trường đại học Trung Quốc. 

Một dạng “phân tầng” khác cũng được QS thực hiện là phân các trường đại học thành 6 thứ hạng: từ 1 đến 5 sao và Siêu sao (5 stars +) bằng cách tính điểm và so với các tiêu chí đặt ra. 

Theo cách phân tầng này, không cần phải so sánh các trường với nhau mà là so sánh những gì trường đạt được với bộ tiêu chuẩn có điểm số chi tiết. 

Trong thời gian gần đây, một số trường đại học ở Việt Nam đã tham gia đánh giá, xếp hạng do các tổ chức quốc tế trên thực hiện. 

Theo ông, việc tham gia đánh giá, xếp hạng đại học có ý nghĩa như thế nào đối với giáo dục đại học Việt Nam? 

Điều này sẽ làm cho trình độ đại học, chất lượng đại học tiến lên hay không, hay chỉ là tham gia để có được điều kiện thuận lợi hơn trong thu hút sinh viên?

Ông Lê Trường Tùng: Biết trường mình đang ở đâu, tốt xấu thế nào theo một tiêu chuẩn cụ thể hoặc trong mối tương quan với các trường khác có ý nghĩa hết sức lớn. 

Năm 2015, Việt Nam có một trường được xếp trong Top 191-200 và một trường xếp vào Top 201-250 châu Á – và đây là 2 đại học Quốc gia tầm cỡ nhất nước. Cũng không đáng tự hào, vì hầu hết các nước châu Á, trừ Lào, Việt Nam, Campuchia – đều đã có trường nằm trong trong Top 100-150 châu Á rồi. 

Việt Nam cũng có 2 trường đại học tham gia đánh giá “phân tầng” để gắn sao của QS. Trường Đại học FPT được 3 sao từ năm 2012, cuối năm 2015 đánh giá lại đạt được ngưỡng 3 sao rưỡi. 

Tham gia đánh giá phân tầng hoặc được xếp hạng trong bảng xếp hạng quốc tế có ý nghĩa rất quan trọng. Ngay cả chỉ cần hiểu việc tính điểm được thực hiện thế nào đã là thông tin quan trọng để xây dựng chiến lược phát triển, để có kế hoạch và hành động từng bước nâng cao thứ hạng của trường lên. 

Việc tham gia đánh giá xếp hạng quốc tế hỗ trợ rất lớn cho hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, chẳng hạn với trường Đại học FPT, khi làm việc với các trường đối tác nước ngoài, khi tuyển sinh trong nước và quốc tế, chỉ cần chỉ ra chứng nhận trường đạt chuẩn 3/5 sao, trong đó đào tạo, cơ sở vật chất, việc làm được 5 sao – là đã khá đủ thông tin để hình dung tầm cỡ của trường thế nào. 

Trong đánh giá, xếp hạng đại học thì theo ông với Việt Nam tiêu chí nào là quan trọng nhất?

Ông Lê Trường Tùng: Một trường đại học theo chuẩn mực cổ điển cần thực hiện tốt hai hoạt động là đào tạo và nghiên cứu. 

Theo quan điểm hiện đại, một trường đại học tốt cần thực hiện tốt 4 hoạt động, ngoài hai hoạt động đào tạo, nghiên cứu còn hoạt động quốc tế hóa và quan hệ doanh nghiệp. 

Tuy nhiên với các trường đại học Việt Nam, để được đánh giá cao trong các tiêu chí quốc tế hóa và nghiên cứu khoa học là hết sức khó khăn. 

Chẳng hạn quốc tế hóa được đo bằng tỷ lệ sinh viên nước ngoài trên tổng sinh viên, tỷ lệ giảng viên nước ngoài ngoài trên tổng giảng viên, tỷ lệ sinh viên trong nước được gửi nước ngoài trao đổi sinh viên ngắn hạn…, các con số này cần đạt trên 10%. 

Hoặc thành tích nghiên cứu khoa học được tính qua số giảng viên được giải thưởng Nobel hoặc tương đương, số công trình nghiên cứu được công bố, số lượt trích dẫn trên một giảng viên… 

Chúng tôi nghĩ rằng mỗi trường đại học cần làm tốt tất cả các hoạt động này, nhưng trước mắt các trường đại học Việt Nam cần tập trung vào đào tạo và việc làm sinh viên trước, đây là hoạt động nền tảng và vừa sức hơn, song song với việc từng bước nâng cao hoạt động nghiên cứu và quốc tế hóa. 

Như ông nói, Đại học FPT đã tham gia đánh giá, xếp hạng của tổ chức QS từ năm 2012, và trở thành trường đại học Việt Nam đầu tiên đạt chuẩn 3 sao của QS. 

Năm 2015, trường Đại học FPT tham gia tái kiểm định và cũng đã đạt được những tiêu chí mà QS đưa ra. Ông cho biết, để đạt được những thứ hạng tiêu chí cao mà QS hay bất kỳ một tổ chức đánh giá nào đưa ra thì trường đại học cần làm gì, cần cam kết gì và thực hiện nó như thế nào?

Ông Lê Trường Tùng: QS có bộ tiêu chí chi tiết, chỉ cần xem xét kỹ và tự tính cũng có thể biết được trường đại học của mình được bao nhiêu điểm, nếu được đánh giá thì được xếp mấy sao. 

Có bao nhiêu hy vọng một trường Đại học Việt Nam vào top 100 thế giới? ảnh 3

Tự chủ đại học sẽ được bàn thảo sâu hơn tại Phú Yên

(GDVN)- Trong ngày 09-10/4/2016, Hội thảo về Tự chủ đại học do Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cùng ba cơ quan chủ trì sẽ được tổ chức tại Phú Yên.

Để đạt được 1 sao cần 100 điểm, mỗi sao tiếp theo cần thêm 150 điểm và đáp ứng một số tiêu chí khác. Việc kiểm định lại được tiến hành 3 năm một lần. Cái cần là quyết tâm, còn chi phí kiểm định không cao, vài chục ngàn đô la là đủ. 

Theo tôi một trường đại học nên bắt đầu từ 2-3 sao, sau đó thực hiện lộ trình tăng sao dần. Các trường đại học Indonesia thực hiện khá tốt lộ trình này, thậm chí còn bắt đầu từ trường chỉ 1 sao để được sớm tham gia vào cộng đồng các trường phát triển theo chuẩn mực quốc tế để tăng cường học hỏi, hợp tác.

Khi một trường đại học đã đứng trong “hàng ngũ” những trường được xếp hạng thì trách nhiệm xã hội của trường đại học đó có khác gì so với những trường được xã hội đánh giá là chất lượng nhưng lại không tham gia đánh giá, xếp hạng hay không? 

Ông Lê Trường Tùng: Việc có những trường được xã hội đánh giá là chất lượng nhưng lại không tham gia đánh giá, xếp hạng chắc cũng giống như một sản phẩm được đưa ra cho xã hội thưởng thức - được cho là thơm ngon nhưng chưa đăng ký và chưa kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Cũng có thể là ngon thật, nhưng cũng có thể là chỉ là cái ngon vị giác. Tôi nghĩ nếu đã là “ngon thật” thì cũng nên kiểm định để xã hội yên tâm hơn, hơn nữa khi kiểm định sẽ xét đến nhiều yếu tố ẩn mà xã hội, người học không nhìn thấy được. 

Chẳng hạn bình thường thì người học Việt Nam không thấy mình đang thua thiệt vì không được cung cấp các tri thức, kỹ năng để sau này có thể làm việc trong nền kinh tế toàn cầu hóa, còn khi kiểm định thì điều này bộc lộ ra ngay.

Năm mới, liệu có gì mới?

Với những gì đã, đang và sẽ diễn ra của giáo dục đại học năm vừa qua và những năm tiếp theo, ông có dự báo gì về xu thế phân loại đại học năm tới khi mà Chính phủ ban hành Nghị định về phân tầng, xếp hạng và bắt đầu có hiệu lực từ tháng 10/2015?

Ông Lê Trường Tùng: Mục tiêu có một trường đại học Việt Nam lọt vào Top 200 thế giới năm 2020 quá xa vời, vì đến nay vẫn chưa có trường Việt nam nào vào được Top 500. 

Vài năm gần đây, giáo dục đại học Việt Nam đang tích cực đi theo hướng phân tầng, xếp hạng nội địa với nhau, từ việc đưa thành nhiệm vụ trong Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới giáo dục, đến việc chính phủ ra Nghị định về phân tầng xếp hạng và Bộ GD&ĐT ra Thông tư về trường đại học đạt chuẩn quốc gia trong đó đưa trên kết quả phân tầng xếp hạng. 

Nhưng mới thực hiện đã thấy rối rồi, vì thực tế chúng ta không theo chuẩn quốc tế mà sử dụng một chuẩn riêng. 

Lẽ ra chỉ có 2 loại trường đại học là Hàn lâm (định hướng nghiên cứu - Academic) và Nghề nghiệp-Ứng dụng (Professional) theo chuẩn phân loại của UNESCO, thì lại chia Nghề nghiệp-Ứng dụng thành 2 loại là loại Nghề nghiệp và loại Ứng dụng để thành 3 loại trường đại học. 

Rồi việc phân loại các trường đại học theo định hướng hoạt động thì lại gọi là “phân tầng”, trong đó “tầng” ở đây không phải là chỉ mức độ cao thấp. 

Tiếp đến mỗi loại lại phân thành 3 nhóm 1, 2, 3 theo tỷ lệ 30:40:30, và chỉ những trường nào lọt vào nhóm 1 (Top 30% đầu tiên) thì mới xét là “đạt chuẩn quốc gia”… 

Đã gọi là chuẩn, mà vẫn tư duy theo kiểu cấp phân phối chỉ tiêu. Tham gia xếp hạng quốc tế rõ ràng mạch lạc hơn, và cũng minh bạch hơn. 

Theo tôi biết hiện nay có một số trường đại học Việt Nam đang xúc tiến đánh giá theo chuẩn QS Stars để được gắn sao.  

Trân trọng cảm ơn ông.

Xuân Trung (thực hiện)