Có cần ngày khai giảng thống nhất toàn quốc nữa không?

01/09/2017 05:59
Phan tuyết
(GDVN) - Không ít người thắc mắc “vì sao đi học cả tháng rồi mà hôm nay vẫn thấy thầy cô nói đây là ngày đầu tiên tới lớp? Ngày mở đầu năm học mới?”.

LTS: Đã có không ít ý kiến đề xuất “trường nào học trước thì khai giảng trước, ngày khai giảng nên để các trường linh động”.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết của cô giáo Phan Tuyết bàn về vấn đề này. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả.

Nhiều năm trở lại đây, học sinh trong cả nước đều tựu trường bắt đầu từ tháng 8. Có nơi chọn ngày 1/8, nơi vào ngày 10, nơi lại vào ngày 15, 20… nhưng đều thống nhất chung ngày khai giảng là ngày 5/9. 

Tới trường, học sinh vào học chương trình mới cả tháng (hoặc ít nhất 2 tuần) nhưng ngày 5/9 nhiều thủ tục trong buổi lễ khai giảng vẫn diễn ra đúng như tên gọi “ngày mở đầu năm học mới”.

Hình ảnh các em nhỏ bước vào ngày khai giảng năm học (Ảnh: Ngọc Thành)
Hình ảnh các em nhỏ bước vào ngày khai giảng năm học (Ảnh: Ngọc Thành)

Vào buổi lễ, sau phần giới thiệu long trọng của nhà trường, tất cả học sinh lớp 1 đang được xếp hàng ngoài cổng sẽ được đại diện học sinh lớp 5 và các cô giáo chủ nhiệm lớp 1 ra đón để dẫn vào trường trong tiếng trống chào mừng, tiếng vỗ tay của tất cả các anh chị học sinh.

Rồi màn tặng hoa của một số học sinh lớp 5 cho một số học sinh đại diện lớp 1 diễn ra có vẻ bất ngờ nhưng thực chất đã được tập duyệt cả tuần trước đó. 

Bởi thế, người tặng tỏ ra bình thường còn người nhận cũng khá hững hờ. Học sinh toàn trường cũng chẳng lấy gì làm lạ vì nhiều ngày đã được xem.

Sau màn giới thiệu, Hiệu trưởng lên đánh hồi trống khai trường đầu tiên chào đón một năm học mới bắt đầu.

Trước đó, tiếng trống trường đã được điểm cả tháng nên có cái gì đó thật máy móc, khiên cưỡng.

Cũng vì điều này, học sinh hờ hững ngó nhìn, những ánh mắt trong veo ngơ ngác, những khuôn mặt không còn hồ hởi như lời diễn văn đang đọc trên kia. 

Có lẽ, sẽ không ít người thắc mắc “vì sao đi học cả tháng rồi mà hôm nay vẫn thấy thầy cô nói đây là ngày đầu tiên tới lớp? Ngày mở đầu năm học mới?”

Còn với nhiều thầy cô giáo, có lẽ họ cũng thở dài nhẹ nhõm vì từ nay mỗi sáng sớm, mỗi buổi chiều sẽ không phải dẫn học sinh ra sân để tập dợt các nghi lễ cho buổi lễ khai giảng.

Có cần ngày khai giảng thống nhất toàn quốc nữa không? ảnh 2

Lễ khai giảng năm học mới phải ngắn gọn, lấy học sinh làm trung tâm

Nếu so với trước đây, ngày 5/9 là ngày khai giảng cũng đúng nghĩa “ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường” vì chỉ sau buổi lễ ấy, ngày 6/9 học sinh mới bắt đầu vào học chính thức. 

Bởi thế, ngày đầu tiên đến trường mới thật sự là ngày hội, ngày vui mừng khôn xiết của tất cả học sinh sau 3 tháng hè xa trường lớp, xa thầy cô và bạn bè. 

Những khuôn mặt háo hức khi được gặp thầy, gặp bạn. Những câu chuyện chuyện vui hào hứng kể cho nhau nghe. 

Rồi những ánh mắt ngơ ngác, sự rụt rè, khép nép của những cô cậu bé lần đầu tiên đến trường. Có em cứ núp vào người mẹ mà không dám vui chơi, chạy nhảy tung tăng. 

Chẳng có sự tập luyện từ trước nên vào buổi lễ, mọi thứ diễn ra đều mới mẻ ấn tượng và càng trở nên hấp dẫn. 

Nhiều ánh mắt ngó lên không rời khi cô (thầy) Hiệu trưởng tuyên bố năm học mới đã bắt đầu và hồi trống trường vang lên giòn giã, như chào đón, thúc dục những trái tim đang ngập tràn niềm vui đến rạo rực… năm học mới đã thật sự đến trong niềm hân hoan, sự hứng khởi của mọi người.

Vài năm trở lại đây “học chán chê rồi mới khai giảng” nên mọi chuyện đều trở nên nhàm chán. 

Chưa nói đến việc gần như trong tuần ngày nào học sinh cũng phải ra sân để tập các nghi thức chuẩn bị cho buổi lễ khai giảng nên cảm giác chán nản, nhàm chán càng tăng thêm. 

Nhiều người nói “sao cứ nhất thiết phải lấy ngày khai giảng là 5/9? Khai giảng như thế có còn ý nghĩa nữa không?” 

Không ít người đề xuất “trường nào học trước thì khai giảng trước, ngày khai giảng nên để các trường linh động”…

Và việc tổ chức buổi lễ khai giảng ra sao? Tổ chức như thế nào cần giao cho trường chủ động, tránh sự chỉ đạo từ trên phải làm như thế này rồi thế khác...

Như vậy mới có được những buổi khai giảng vui vẻ, ấn tượng mang đầy tính sáng tạo và để lại dấu ấn khó phai trong đời mỗi em học sinh.

Năm học mới sắp bắt đầu, chuyện lạm thu trong các trường học ngày càng trở nên tinh vi là nỗi ám ảnh, bức xúc của phụ huynh học sinh và các thầy cô giáo chân chính.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời quý độc giả gửi thông tin phản ánh tình trạng lạm thu và tiêu cực ở các trường, các hội phụ huynh để chung tay góp phần làm trong sạch môi trường giáo dục nước nhà.

Chúng tôi cũng rất mong muốn nhận được các câu chuyện tấm gương người tốt việc tốt, những bài viết phản ánh hơi thở cuộc sống học đường từ các thày cô, các nhà quản lý giáo dục và các bạn học sinh sinh viên trên cả nước.

Các thông tin và bài viết, quý bạn đọc vui lòng gửi về hòm thư điện tử 

toasoan@giaoduc.net.vn

Ngoài ra, vui lòng cung cấp thông tin cá nhân (số chứng minh thư nhân dân, số tài khoản ATM, địa chỉ liên hệ / nơi công tác) để Tòa soạn tiện liên hệ xác minh và chi trả nhuận bút, nếu bài được đăng.

Các thông tin cá nhân của người cung cấp nguồn tin được chúng tôi cam kết bảo mật theo pháp luật nhà nước.

Trân trọng cảm ơn!

Phan tuyết