Cô giáo đặt câu hỏi vì sao giáo viên vừa thừa vừa thiếu?

21/01/2017 06:17
Đỗ Quyên
(GDVN) - Do việc dự báo thiếu chính xác nên nhiều địa phương rơi vào tình trạng thừa thiếu giáo viên vì tuyển sinh một cách ồ ạt chỉ trong một thời gian ngắn.

LTS: Chủ trương điều chuyển những giáo viên diện dôi dư sang dạy ở cấp học mầm non và tiểu học đang được nhiều thầy cô giáo quan tâm.

Cô giáo Đỗ Quyên cho rằng hiện nay giáo viên vừa thừa lại vừa thiếu là do việc hoạch định kém và tuyển sinh ồ ạt.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Theo thông tin tại Hội nghị sơ kết học kì 1 năm học 2016-2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa qua tổng số giáo viên dôi dư trong cả nước là gần 27.000 người.  

Trong khi đó, giáo viên thiếu trầm trọng ở hai cấp học mầm non và tiểu học là 45.000 người.

Tại sao lại có điều bất cập này? Câu hỏi được nhiều người đặt ra: Giáo viên vừa thừa, vừa thiếu là do đâu? 

Nhiều giáo viên sẽ được điều chuyển sang dạy mầm non và tiểu học. (Ảnh minh họa trên Báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh)
Nhiều giáo viên sẽ được điều chuyển sang dạy mầm non và tiểu học. (Ảnh minh họa trên Báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh)

Có ý kiến cho rằng việc thừa, thiếu giáo viên là do ngành giáo dục thiếu quyền. Chẳng hạn, con người thì do ngành nội vụ, tiền thì do ngành tài chính còn ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục…

Ý kiến này xem chừng chưa có tính thuyết phục.

Bởi lẽ, dù ngành giáo dục không có quyền ra quyết định tuyển dụng giáo viên nhưng việc dự báo số lượng học sinh sẽ tăng giảm hàng năm để điều tiết lượng giáo viên cần thiết lại là việc của ngành giáo dục. 

Do việc dự báo thiếu chính xác nên trong thực tế nhiều địa phương rơi vào tình trạng thừa thiếu giáo viên vì tuyển sinh một cách ồ ạt chỉ trong một thời gian ngắn.

Tuyển sinh bằng nhiều cách

Có địa phương, để giải quyết bài toán thiếu giáo viên bậc trung học phổ thông ở thời điểm hiện tại đã đồng loạt xin được chiêu sinh theo nhiều hình thức như:

Tuyển sinh bằng học bạ, tổ chức thi theo kiểu khảo sát chất lượng, gửi học sinh vào học khoa sư phạm ở các trường đại học… 

Cô giáo đặt câu hỏi vì sao giáo viên vừa thừa vừa thiếu? ảnh 2

Điều chuyển giáo viên “miếng mồi” béo bở cho nhiều lãnh đạo

Với cách tuyển sinh nóng vội thế này, chất lượng đầu vào là vô cùng thấp.

Có những học sinh trước đó thi sư phạm tiểu học không đậu nhưng thi vào lớp sư phạm cấp 3 của tỉnh lại đậu một cách đàng hoàng với số điểm 3 môn thi khối C là 9 điểm. 

Những học sinh này được học tại tỉnh nhà giống như hình thức cấp tốc.

Số khác được tuyển bằng điểm thi đại học cao hơn điểm sàn khoảng 2-3 điểm, được gửi vào trường đại học theo dạng chính quy.

Tuyển sinh bằng những hình thức như thế, chỉ sau một thời gian, số sinh viên ra trường hàng mấy trăm người đáp ứng đầy đủ tình trạng thiếu giáo viên ở cấp học trung học phổ thông tại thời điểm đó.

Hệ lụy

Nhưng cũng chỉ ít năm sau, tỉ lệ học sinh ngày một giảm, tình trạng dư thừa giáo viên bắt đầu xuất hiện. 

Nhiều thầy cô giáo không dạy đủ theo số tiết quy định dù thế nhà trường cũng không thể bố trí giáo viên làm thêm việc khác. 

Không ít thầy cô bỗng nhiên được ngồi chơi xơi nước nhưng lương tháng vẫn nhận đủ. Chưa kể trình độ của nhiều giáo viên này chẳng hơn gì học sinh. 

Có thầy cô dạy Văn, Sử… bài giảng cũng chỉ gói gọn những gì đã viết trong sách giáo khoa. Giáo viên dạy Toán, Lý nhưng khi học sinh có cách giải khác ngắn gọn và hay hơn thầy cô giáo vẫn chấm sai…

Giải pháp tình thế

Giải quyết bài toán thừa thiếu giáo viên bậc trung học phổ thông là giảm cho ngân sách một khoản tiền không nhỏ. 

Một số địa phương đã chuyển những giáo viên này xuống dạy mẫu giáo và tiểu học. 

Hai cấp học này, kiến thức của giáo viên không yêu cầu cao nhưng kĩ năng sống, những hiểu biết về tâm lý lứa tuổi của giáo viên lại vô cùng quan trọng và cần thiết.

Để thích nghi với công việc mới và làm việc một cách hiệu quả, những giáo viên này cần được đào tạo, được tập huấn lại một cách bài bản hơn tránh kiểu tập huấn sơ sài theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” trong một thời gian cấp tốc, dẫn đến chất lượng giáo dục sẽ gặp nhiều khó khăn.

Đỗ Quyên