Cô giáo tiểu học hơn 20 năm ‘cặm cụi’ luyện học sinh giỏi

03/10/2018 07:49
LÃ TIẾN
(GDVN) - 24 năm cô giáo Phí Thị Thu Thủy, giáo viên Trường Tiểu học Lê Hồng Phong gắn bó với bục giảng thì hơn 20 năm cô dạy đội tuyển học sinh giỏi môn Toán.

Đến Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) nhắc đến cô Phí Thị Thu Thủy, từ cán bộ, giáo viên đến học sinh đều dành một tình cảm đặc biệt cho cô.

Theo mọi người, cô Thủy là một giáo viên có thâm niên ở trường và là một nhà giáo tận tụy với nghề, hết lòng với học sinh, sẵn sàng hỗ trợ đồng nghiệp.

Năm 1994, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp sư phạm (nay là Đại học Hải Phòng), cô Thủy được nhận về trường Tiểu học Lê Hồng Phong công tác, được phân công nhiệm vụ giảng dạy môn Toán lớp 5.

Ngày mới về trường, cô Thủy còn nhiều bỡ ngỡ vì kinh nghiệm giảng dạy chưa có; các phương pháp giảng dạy học được từ nhà trường đưa vào áp dụng thực tế còn khó khăn.

Cô giáo Thủy có thâm niên hơn 20 năm luyện học sinh giỏi tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (Ảnh: Lã Tiến)
Cô giáo Thủy có thâm niên hơn 20 năm luyện học sinh giỏi tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (Ảnh: Lã Tiến)

Tuy nhiên, càng tiếp xúc và gắn bó với nghề, cô Thủy càng nhận ra vấn đề mấu chốt của người giáo viên đó là phải không ngừng trau dồi kỹ năng nghề nghiệp và đạo đức nhà giáo.

Được sự giúp đỡ của Ban giám hiệu nhà trường và các đồng nghiệp, chỉ sau thời gian ngắn, cô Thủy đã được phân công dạy đội tuyển học sinh giỏi của trường.

Đến nay, 24 năm gắn bó với bục giảng thì có hơn 20 năm cô Thủy “cặm cụi” luyện học sinh giỏi Toán và năm nào cô cũng có học trò đạt giải.

Cô Thủy chia sẻ: “Theo tôi để một giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi có kết quả tốt thì trước hết mình phải quyết tâm với công việc này.

Thứ hai là truyền cảm hứng, tạo hứng thú cho học sinh để các em yêu thích môn Toán bằng cách đưa các trò chơi, câu truyện Toán học vào giảng dạy, từ đó các em sẽ học tốt.

Khi các em học tốt, đăng ký vào nhóm học sinh giỏi, lúc này mình phân loại, lựa chọn các học sinh để dạy theo từng chuyên đề, dạng bài và dạy cho các em cách học hiệu quả, rèn thêm kỹ năng cao hơn…”.

Theo cô Thủy, muốn làm được những việc đó, người giáo viên phải có chuẩn bị tốt về kiến thức, chẳng hạn mình hệ thống lại kiến thức môn đó từ thấp đến cao, giải theo chuyên đề và mình đưa ra nhiều cách giải.

Qua đó nhận thấy em nào phù hợp với cách giải nào nhanh nhất, hay nhất thì tiếp tục bồi dưỡng cho các em.

Cô Thủy (bên phải) luôn được đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh yêu mến, tin tưởng (Ảnh: Lã Tiến)
Cô Thủy (bên phải) luôn được đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh yêu mến, tin tưởng (Ảnh: Lã Tiến)

Ngoài ra, cô Thủy cũng cho rằng, trong quá trình bồi dưỡng học sinh giỏi người giáo viên cần lưu ý, đôi khi một số em đang học giỏi nhưng khi vào lớp bồi dưỡng học sinh giỏi thì bị chựng lại.

Đối với trường hợp này, đa phần là các em “vướng” ở cách học, do vậy người giáo viên chỉ cần xem lại phương pháp học của học sinh này.

Đồng thời chỉ các em cập nhật kiến thức, giải nhiều bài tập theo nhiều dạng bài để từng bước giúp các em tự tin trong học tập cũng như khi tham gia thi cử.

Gắn bó nhiều năm với công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, cô giáo Thủy không nhớ được có bao nhiêu em đạt giải cao, nhưng mỗi năm học sinh của cô đều đạt giải học sinh giỏi từ cấp quận, cấp thành phố đến cấp quốc gia.

Cô giáo tiểu học hơn 20 năm ‘cặm cụi’ luyện học sinh giỏi ảnh 3

Cô Hoa sáng tạo dùng lá cây khô đưa vào tiết dạy mỹ thuật

Đặt vấn đề “tiền công” trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, cô Thủy cười tươi và cho biết:

“Từ năm 1996 tôi đã bắt đầu tham gia công tác bồi dưỡng học sinh giỏi và từ đó cho đến bây giờ tôi vẫn giữ nguyên tinh thần tự nguyện, chưa bao giờ nghĩ đến chuyện tính công với nhà trường hay học sinh.

Mỗi lần có học trò của mình đạt giải, tôi vui mừng và hạnh phúc lắm và có lẽ chính cái niềm vui và niềm hạnh phúc đó đã “tiếp sức” cho tôi gắn bó với công việc này một cách vui vẻ, đầy tự hào trong suốt hơn 20 năm qua”.

Với trình độ chuyên môn giỏi, nhiều năm liên tục, cô Thủy được chọn đi tập huấn đội tuyển học sinh giỏi của quận Ngô Quyền; được lựa chọn đi kiểm tra, hướng dẫn các trường trên địa bàn về mặt chuyên môn.

Qua 24 năm gắn bó với nghề, cô Thủy luôn khắt khe với bản thân trong việc không ngừng trao đổi học tập nâng cao kiến thức, hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy và cũng là một giáo viên tiên phong trong nhiều phong trào ở trường.

Nhờ đó, cô Thủy hàng năm đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; nhiều lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp thành phố.

Đặc biệt, cô Thủy có 2 lần vinh dự nhận Bằng khen của Bộ Giáo duc và Đào tạo; 1 lần nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.

Mới đây, năm học 2017-2018, tại cuộc thi dạy kỹ năng thực hành giao thông toàn quốc được tổ chức tại Tây Nguyên, cô Phí Thị Thu Thủy đã giành giải nhất.

Cô giáo Phạm Thị Diện, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong nhận xét:

“Cô giáo Thủy luôn tâm huyết, tận tụy với nghề, phẩm chất đạo đức tốt, là nhà giáo mẫu mực, tiêu biểu, là tấm gương sáng cho học sinh và đồng nghiệp, có ảnh hưởng rộng rãi trong ngành, được học sinh, đồng nghiệp và phụ huynh quý mến.

Trong công tác giảng dạy, cô Thủy luôn thực hiện tốt đổi mới phương pháp, tạo được sự chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng bộ môn, cũng như giáo dục toàn diện cho học sinh.

Còn trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi luôn đầu tư và hệ thống các kiến thức, giúp học sinh rèn luyện khả năng tư duy, tính sáng tạo”.

LÃ TIẾN