Co hẹp Giáo dục đại học là đi ngược với thế giới

20/04/2015 09:03
GS. Lâm Quang Thiệp
(GDVN) - Hiện nay dù đã được Quốc hội thông qua nhưng qua nhiều ý kiến phát biểu có thể thấy Luật Giáo dục Nghề nghiệp (GDNN) còn nhiều vấn đề.

LTS: Luật GDNN đã được thảo luận và được Quốc hội thông qua với tỷ lệ đồng ý khá thấp (55,13%). 

Từ tháng 7/2015, Luật chính thức có hiệu lực. Xung quanh vấn đề này các chuyên gia đã chỉ ra những điều cần sửa đổi gấp nếu không muốn Luật ảnh hưởng tới sự nghiệp giáo dục. 

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của GS. Lâm Quang Thiệp, ông là một trong số những người thường xuyên có những góp ý thiết thực, kịp thời về những chủ trương, chính sách giáo dục Việt Nam.

Trên đây là quan điểm của GS. Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT). 

Cho ý kiến về Luật Giáo dục nghề nghiệp, ông nói: “Phải chăng việc làm Luật GDNN của ta đã đi theo quy trình ngược lại: phân chia khu vực điều hành hệ thống trước, sau đó mới xây dựng hệ thống một cách khiên cưỡng sao cho phù hợp với sự điều hành. Có lẽ chính yếu tố đó làm méo mó việc làm luật?”. 

GS. Lâm Quang Thiệp viết:

Hệ thống giáo dục và đào tạo nghề nghiệp của chúng ta hiện rất yếu, điều đó ảnh hưởng tiêu cực lên việc phát triển nguồn nhân lực và trực tiếp tác động xấu lên quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 

Thông tin về việc nước ta là một trong 3 nước năng suất lao động thấp nhất ASEAN, chỉ bằng 1/5 Singapore, làm nhiều người lo lắng. 

Cho nên việc ban hành Luật GDNN là một ưu điểm, một cố gắng lớn trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, góp phần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam theo tinh thần của Nghị quyết 29.

Tuy nhiên, sau khi Luật được Quốc hội ban hành, có điều kiện nghiên cứu tìm hiểu, một số chuyên gia mới thấy Luật còn thể hiện khá nhiều nhược điểm, có thể lưu ý một số nhược điểm sau đây.

Theo thông lệ quốc tế: Để làm sáng tỏ về Luật GDNN, trước hết chúng tôi xin nêu một số chuẩn mực quốc tế. 

Co hẹp Giáo dục đại học là đi ngược với thế giới ảnh 1

Ảnh minh họa. Tuổi trẻ

Khi nói đến phân đoạn giáo dục và đào tạo quốc tế, mọi người phải lưu ý ngay đến Phân loại tiêu chuẩn quốc tế về giáo dục (International Standard Classification of Education – ISCED) của UNESCO được sử dụng cho mọi thống kê quốc tế về giáo dục. 

Văn bản này đề cập đến các loại hình giáo dục, các bậc giáo dục, thời gian, mức độ, tiêu chí chất lượng về chương trình, người dạy, người học v..v… 

Văn bản mới nhất của ISCED ban hành năm 2011, quy định có 9 trình độ (level) giáo dục từ 0 đến 8 (0-mẫu giáo. 

1-tiểu học, 2-trung học mức thấp, 3-trung học mức cao, 4-sau trung học – trước đại học, 5-đại học ngắn hạn, 6-cử nhân và tương đương, 7-thạc sĩ và tương đương, 8-tiến sĩ và tương đương). 

Đặc biệt là từ trình độ 2 (trung học mức thấp) lên đến trình độ 5 (đại học ngắn hạn) có 2 hướng (orientation) đào tạo, được gọi là general (phổ thông) và vocational (nghề). 

Từ trình độ 5 trở lên đến trình độ 8 cũng có 2 hướng đào tạo, được gọi là academic (học thuật) và professional (chuyên nghiệp).

Co hẹp Giáo dục đại học là đi ngược với thế giới ảnh 2

Kỳ thi THPT quốc gia: Vẫn còn nhiều rắc rối cho thí sinh

(GDVN) - Nhà giáo ưu tú Đặng Đình Đại: "Việc tổ chức các cụm thi như dự kiến vẫn gây khó khăn cho không ít thí sinh, vì phải đi xa".

Những điều khó hiểu và mâu thuẫn vẫn còn: Ngay vào đầu Luật GDNN, ở khoản 1 Điều 3 thuật ngữ giáo dục nghề nghiệp được định nghĩa là một bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng. 

Định nghĩa đó rất khó hiểu nếu so với thông lệ quốc tế được nêu ở ISCED, vì đã loại bỏ 2 định hướng xuyên suốt các bậc giáo dục của ISCED là “phổ thông, hàn lâm” và “nghề chuyên nghiệp”. 

Chính việc không lưu ý đến hai định hướng song song trong suốt hệ thống giáo dục sẽ làm yếu GDNN. 

Ngoài ra, nếu xem GDNN là một bậc của hệ thống giáo dục quốc dân thì Luật GDNN, cũng như Luật GDĐH, phải là luật con trong luật mẹ là Luật Giáo dục. 

Thế mà Luật GDNN buộc Luật GDĐH phải xóa bỏ rất nhiều điều, nếu ai thử làm theo đúng như yêu cầu thì thấy Luật Giáo dục bị “sửa nát”. Các hành xử của Luật con đối với Luật mẹ như thế là khá bất thường.

Làm co hẹp GDĐH, ngược với xu hướng thế giới: Điều 77 của Luật GDNN buộc phải loại bỏ ra khỏi GDĐH tất cả những điều khoản liên hệ đến trình độ cao đẳng, điều này hoàn toàn ngược với xu hướng chung của thế giới. 

Theo ISCED trình độ cao đẳng cũng có hai loại academic và profession chứ không chỉ có một loại. 

Hơn nữa, trên thế giới ngày nay khi nói đến Higher Education, đặc biệt khi nói đến mass Higher Education (GDĐH đại chúng) người ta thường gắn khái niệm đó với Possecondary Education (GDĐH sau trung học) chứ không chỉ gói vào chỉ University Education. 

Cắt cụt GDĐH chỉ để lại University Education sẽ làm yếu hệ thống GDĐH, làm giảm tác dụng của nó đối với toàn bộ hệ thống, nhất là theo NQ14/2005 đối với GDĐH nước ta hướng chuyên nghiệp chiếm 70%, 80%, hướng học thuật chỉ chiếm 20-30%. 

Một mô hình GDĐH mà thế giới công nhận là rất có hiệu quả là mô hình cao đẳng cộng đồng kết hợp rất nhuần nhuyễn hai định hướng nói trên.

Phải chăng thực hiện quy trình ngược khi xây dựng Luật? Để xây dựng một hệ thống trước hết nên xem xét tính logic của hệ thống, xem xét mối tương quan đối với yếu tố khác và hệ thống khác, sau đó mới xét đến việc phân công quản trị điều hành hệ thống. 

Phải chăng việc làm Luật GDNN của ta đã đi theo quy trình ngược lại: phân chia khu vực điều hành hệ thống trước, sau đó mới xây dựng hệ thống một cách khiên cưỡng sao cho phù hợp với sự điều hành. 

Có lẽ chính yếu tố đó làm méo mó việc làm luật. 

Hơn nữa, việc xây dựng Luật GDNN và thông qua Quốc hội có vẻ khá vội vã, như có vị đại biểu đã nói, một luật có nhiều tính mới như thế nên được thảo luận cẩn thận ở hai kỳ họp quốc hội, nhưng Luật GDNN đã được thảo luận và thông qua vội vã chỉ ở một kỳ họp với một tỷ lệ đồng ý rất thấp (55,13%).

Hiện nay dù đã được Quốc hội thông qua nhưng qua nhiều ý kiến phát biểu có thể thấy Luật GDNN còn nhiều vấn đề, như vậy chắc chắn là Luật sẽ khó đi vào cuộc sống một cách thuận lợi.

Do đó nên đề xuất một phương án xử lý có thể chấp nhận được trước khi Luật có hiệu lực.

GS. Lâm Quang Thiệp