Có nhất định phải dạy trẻ quy tắc 4 vòng tròn?

03/06/2017 06:33
Phan Tuyết
(GDVN) - “Cô ơi! Hôm nay trên lớp học cái gì mà về con bé nhất định không cho ông bà ôm?” - một phụ huynh thắc mắc sau buổi tập huấn về phòng chống xâm hại trẻ em.

LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của cô giáo Phan Tuyết, một nhà giáo rất tâm huyết.

Trong bài viết này, cô Phan Tuyết đề cập đến vấn đề dạy phòng chống xâm hại tình dục cho học sinh tại nhà trường.

Theo cô, việc dạy trẻ theo những quy tắc rập khuôn từ các nước phương Tây không phù hợp với phong tục tập quán và văn hoá vùng miền tại Việt Nam.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trước thực trạng liên tiếp xảy ra các vụ xâm hại tình dục, bắt cóc trẻ em, nhiều trường học trong cả nước đặc biệt là các trường mầm non và tiểu học đồng loạt triển khai việc dạy phòng chống xâm hại tình dục cho học sinh để giúp các em có thêm kiến thức và kĩ năng phòng tránh.

Nhưng với những kiến thức yêu cầu giáo viên tập huấn cho học sinh mà các trường học đang sử dụng hiện nay sợ rằng việc phòng trách xâm hại cho trẻ chẳng thể giảm đi mà nhen vào lòng các em (tuổi hồn nhiên trong sáng) tâm lý bất an, thói sống vô cảm, thiếu thân thiện với mọi người thì nhiều.

Quy tắc 4 vòng tròn

Một vòng tròn được vẽ với 4 quy tắc chỉ rõ các mức quan hệ tương ứng với các hành vi nên và không nên đối với trẻ.

Cụ thể, vòng tròn đầu tiên: bố mẹ được ôm; Vòng tròn thứ hai: ông bà nội, ngoại, anh chị em ruột được khoác tay; Vòng tròn thứ ba: họ hàng thân quen chỉ được bắt tay; Vòng tròn thứ tư: người lạ đến gần hãy xua tay…

Quy tắc 4 vòng tròn khó áp dụng tại Việt Nam. (Ảnh: Báo Phụ nữ Việt Nam)
Quy tắc 4 vòng tròn khó áp dụng tại Việt Nam. (Ảnh: Báo Phụ nữ Việt Nam)

Nhiều giáo viên chia sẻ với nhau rằng mình rất khó dạy, rất khó truyền đạt để học sinh hiểu rõ về quy tắc của 4 vòng tròn đã nêu.

Đặc biệt là quy tắc vòng tròn thứ hai và thứ ba “Ông bà nội, ngoại, anh chị em ruột được khoác tay. Những người họ hàng thân quen chỉ được bắt tay”.

Dạy các em mẫu giáo, tiểu học những điều như thế này chẳng hề đơn giản chút nào. Bởi, nó khác xa với cách sống, cách giao tiếp của người Việt Nam chúng ta.

Bởi thế, có giáo viên kể lại rằng, buổi tập huấn sắp kết thúc, bỗng bất ngờ từ phía cuối lớp, một vài cánh tay giơ lên. Khi cô bé Mai được mời, em do dự hồi lâu rồi đặt câu hỏi:

Thưa cô, tại sao ông bà nội, ngoại, anh chị em ruột chỉ được khoác tay? Ông thương con lắm mỗi khi con về đều vui mừng ôm con vào lòng và thơm vào má. Vậy từ nay con không được cho ôm hôn phải không?

Trước tình huống bất ngờ ấy, hầu như giáo viên có mặt hôm ấy đều tỏ ra lúng túng. Đây là điều nằm ngoài giáo án của thầy cô khi lên lớp dạy theo quy tắc 4 vòng tròn.

Có nhất định phải dạy trẻ quy tắc 4 vòng tròn? ảnh 2

Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu đưa nội dung chống xâm hại trẻ em vào giảng dạy

Sau buổi tập huấn, có thầy cô còn nhận được điện thoại của phụ huynh để hỏi về thắc mắc của mình. Có người nói “Cô ơi! Hôm nay trên lớp học cái gì mà về con bé nhất định không cho ông bà ôm?

Có người còn nặng lời “Cô dạy con tôi điều gì mà kì thế, hàng ngày tôi vẫn tắm cho nó, hôm nay nó bảo tôi đụng vào vùng đồ bơi là dê”.

Hằng ngày, ông bà nội ngoại vẫn luôn thể hiện tình cảm với các cháu bằng việc ôm cháu vào lòng và ôm hôn một cách tràn đầy tình cảm yêu thương.

Hay phải dạy trẻ “Những người họ hàng thân quen chỉ được bắt tay”? Có ai từng thấy khi ông chú, bà thím hay cô, dì, chú, bác… tỏ tình cảm mà trẻ nhỏ lại lẫn tránh và chỉ đưa tay ra bắt?

Thầy cô băn khoăn nếu dạy không khéo trẻ nhỏ sẽ sợ và xa cách người thân, sợ rằng có em còn phản ứng mạnh lại chẳng gây phiền lòng cho những người lớn hay sao?

Ở nội dung vòng tròn thứ 4 “Người lạ đến gần hãy xua tay?” phải chăng tất cả người lạ đều xấu? đều phải đề phòng? Dạy trẻ như thế có khác nào giáo dục các em đừng tin ai cả.

Dùng cử chỉ “xua tay” là không tiếp xúc chỉ khi mình cảm thấy người đối diện không an toàn hoặc có điều gì đó khả nghi (điều này cũng áp dụng luôn với cả những người thân). Còn ai là người lạ cũng đều “xua tay” như thế liệu có nên không?

Nên giao trọng trách và tin tưởng giáo viên

Dù là người bình thường đọc xong quy tắc của 4 vòng tròn cũng dễ dàng nhận ra rằng đây chính là văn hóa giao tiếp của người phương Tây nó hoàn toàn không thích hợp với văn hóa giao tiếp của chúng ta nơi luôn đề cao tính cộng đồng, ưa sự tế nhị, ý tứ và trọng sự hòa thuận.

Có nhất định phải dạy trẻ quy tắc 4 vòng tròn? ảnh 3

Ra mắt sổ tay phòng chống xâm hại tình dục trẻ em

Chưa kể mỗi vùng miền chúng ta đều có những cách giao tiếp mang đậm đặc trưng vùng miền ấy. Đây cũng chính là những nét đẹp trong giao tiếp của người Việt chúng ta từ xưa đến nay.

Con người sống gắn kết, thân thiện với nhau cũng vì điều này. Chẳng hạn, người ở vùng nông thôn, bà con anh chị em ruột thường sống quây quần bên nhau.

Khi cha mẹ đi vắng, ông bà, cô dì chú bác hay cậu mợ… cũng có thể tắm cho trẻ, ủ cho các bé ngủ trong vòng tay của mình.

Hay khi con cháu nơi xa về mọi người thường biểu thị tình thương cũng bằng cách ôm hôn thật thân thiết.

Nay chúng ta giáo dục trẻ học theo những quy tắc khuôn mẫu ấy vô tình làm vấn đục tâm hồn ngây thơ trong sáng của các em.

Thay vì các em rất vô tư trong giao tiếp với người thân, với bà con chòm xóm, trẻ lại bất an, thay đổi suy nghĩ và luôn nghĩ đến chuyện ấy để đề phòng. Điều này sẽ làm lệch lạc các mối quan hệ trong gia đình, chòm xóm.

Giáo viên chính là người hiểu rõ nhất phong tục tập quán, văn hóa giao tiếp từng vùng miền.

Bởi thế, họ sẽ có đủ kiến thức để dạy các em thế nào là biết phòng chống xâm hại để bảo vệ an toàn cho bản thân mà chẳng cần phải bắt buộc dạy theo một quy tắc khuôn mẫu cứng nhắc nào cả.

Bằng kiến thức, vốn sống và kinh nghiệm thực tế thầy cô sẽ phổ biến cho các em những nguy cơ bị xâm hại và cách phòng tránh.

Nêu một số tình huống để các em xử lý như bị người lạ cho quà bánh, cầm tay, cho đi nhờ xe, gọi mở cửa khi không có ba mẹ ở nhà…

Tổ chức cho học sinh đóng vai và xử lý những tình huống được đưa ra theo nhận thức của từng bé.

Thông qua đó, các em được tự do nêu ý kiến đồng tình hay không với cách xử lý của bạn. Từ đó, thầy cô sẽ hướng các em cách xử lý đúng nhất.

Phan Tuyết