Có phải thực sự Việt Nam đang thừa thầy, thiếu thợ?

08/10/2017 06:51
Trần Thị Tuyết
(GDVN) - Tỷ lệ thất nghiệp đơn thuần không nói lên thực chất chất lượng công việc của người lao động Việt Nam và dễ đưa đến những nhận định sai.

LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của tác giả Trần Thị Tuyết hiện đang làm công tác nghiên cứu sau tiến sĩ tại Viện nghiên cứu Thị trường Lao động thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Liên bang Đức.

Trong bài viết này của mình, tác giả Trần Thị Tuyết đã có những chia sẻ, phân tích về tình hình và chất lượng nguồn lao động ở nước ta hiện nay.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Thị trường lao động Việt Nam là một thị trường lao động trẻ với xấp xỉ 50% lực lượng lao động ở dưới độ tuổi 40 và gần nửa số đó có tuổi đời từ 15 tới 29.

Nền kinh tế cũng đang chuyển hóa từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường với sự vươn lên mạnh mẽ của khu vực kinh doanh và dịch vụ.

Với bối cảnh đó, thông thường tri thức của người ra nhập thị trường lao động càng cao, nền kinh tế càng có tiềm năng phát triển.

Nhìn từ những con số thống kê

Tuy nhiên, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ở Việt Nam tính đến hết quý 2 năm 2017 mới chỉ đạt 21,6% và số lao động có bằng đại học trở lên chỉ chiếm 5,17% lực lượng lao động.

Theo Ngân hàng thế giới, đây là những chỉ số còn thấp so với đòi hỏi của một nền kinh tế đang khát nhân lực có kỹ năng như ở Việt Nam.

Thực tế khảo sát của chúng tôi cũng cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động có kỹ năng trên thị trường lao động còn rất cao.

Các nhà tuyển dụng thường kêu ca về áp lực và khó khăn của họ khi tìm kiếm trên thị trường những ứng cử viên có kiến thức và kỹ năng giúp công ty tăng khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế thời hội nhập. Việc khát nhân lực có kỹ năng của thị trường vẫn còn hiện hữu khá rõ ràng.

Có phải thực sự Việt Nam đang thừa thầy, thiếu thợ? ảnh 1

Tại sao chất lượng lao động của Việt Nam lại thua xa các nước khác?

Theo báo cáo về mức độ cạnh tranh toàn cầu của diễn đàn kinh tế thế giới năm 2015-2016, Việt Nam đứng thứ 56 về mức độ cạnh tranh toàn cầu.

Tuy đã vươn lên ở nửa trên của bảng xếp hạng, nước ta vẫn đi sau nhiều nước trong khu vực như Malaysia (thứ 18), Trung Quốc (thứ 28), Thái Lan (thứ 32) hay Philipin (thứ 47).

Việt Nam vẫn được coi là một nền kinh tế phát triển ở mức thấp, đang trong thời kỳ chuyển đổi từ nền kinh tế dựa chủ yếu vào các nguồn lực sẵn có sang nền kinh tế chú trọng tính hiệu quả.

Bên cạnh đó, giáo dục đại học, một trong các chỉ số cần thiết để phát huy tính hiệu quả của nền kinh tế, còn bị đánh giá khá thấp, đứng thứ 95 trong tổng số 140 nước trong bảng xếp hạng.

Diễn đàn kinh tế thế giới cũng coi chất lượng và số lượng của lực lượng lao động đã qua đào tạo là trở ngại lớn thứ 3 trong việc phát triển sản xuất và kinh doanh ở Việt Nam.

Tuy nhiên, vài năm gần đây các chỉ số thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng như của Tổng Cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp của những người đã qua đào tạo nghề luôn cao hơn so với với mặt bằng chung.

Trong khi tỷ lệ thất nghiệp của những người không có chuyên môn kỹ thuật, không có bằng cấp, chứng chỉ luôn dao động trong khoảng dưới 2%, thì tỷ lệ thất nghiệp của tất cả các nhóm đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật (từ 3 tháng trở lên) đều cao hơn nhiều.

Hơn nữa, các thống kê, nghiên cứu, các trang báo cũng thường xuyên đưa ra những con số lớn và ngày càng lớn về tỷ người có trình độ cao đẳng, đại học thất nghiệp và những khuyến cáo về tình trạng thừa thầy thiếu thợ ở Việt Nam hiện nay.

Các con số này cho thấy một nghịch lý:

Trong khi các báo cáo và nghiên cứu trong nước và quốc tế đều cho rằng tỷ lệ lao động có kỹ năng ở Việt Nam còn rất thấp, chưa đáp ứng, thậm chí còn là cản trở lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội;

Thì các số liệu thống kê trong nước lại cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của các nhóm đối tượng được đào tạo nghề trở lên cao hơn mặt bằng chung, và tỷ lệ thất nghiệp của nhóm có trình độ cao nhất (cao đẳng, đại học và trên đại học) lại cao nhất.

Liệu có phải chất lượng đào tạo của các trường đại học Việt Nam là quá kém, không đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động?

Nguồn: Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam số 1-13, Bộ Lao động – Thương binh xã hộ và Tổng Cục Thống kê.
Nguồn: Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam số 1-13, Bộ Lao động – Thương binh xã hộ và Tổng Cục Thống kê.

Tuy nhiên, khách quan mà nói thì các con số thống kê về lao động, việc làm của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng như Tổng Cục Thống kê chưa đủ để quy trách nhiệm cho các trường cao đẳng, đại học.

Các trường đào tạo có trách nhiệm trong bước chuyển dịch sang thị trường lao động của những người trẻ được họ đào tạo.

Nhưng họ không có trách nhiệm đối với tỷ lệ thất nghiệp chung của lực lượng lao động có kỹ năng trên thị trường.

Cách thống kê có thể gây hiểu nhầm, ngộ nhận

Thông thường, các khảo sát, thống kê về bước chuyển dịch sang thị trường lao động của người trẻ ở các nước thường hạn chế trong độ tuổi từ 15 tới 24 hoặc tới 29.

Tuy nhiên thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng như Tổng Cục Thống kê không có các chỉ số riêng cho đối tượng này.

Khi bàn về vấn đề chuyển dịch từ trường học sang thị trường lao động của những người trẻ, Tổ chức Lao động Thế giới cũng đưa ra khuyến cáo:

Bước chuyển dịch này không đơn thuần chỉ là khoảng thời gian từ khi người trẻ kết thúc việc học tới khi đi làm công việc đầu tiên, mà phải là khoảng thời gian từ khi thôi học tới khi tìm được công việc ổn định và thỏa đáng.

Yếu tố chất lượng của công việc sau dịch chuyển là điều cần bàn, đặc biệt với một thị trường lao động còn phát triển ở mức độ thấp như ở Việt Nam, khi phần đông người lao động vẫn còn phải làm việc ở khu vực kinh tế phi chính quy với các điều kiện làm việc nghèo nàn.

Có phải thực sự Việt Nam đang thừa thầy, thiếu thợ? ảnh 3

“Mục tiêu của chúng ta là đào tạo ra những người có việc làm”

Họ không phải tuân thủ theo luật lao động, không phải đóng thuế thu nhập.

Nhưng họ cũng không được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội và các quyền lợi khác của người lao động trong khu vực chính quy như:

Được hưởng trợ cấp thất nghiệp, các kỳ nghỉ phép có lương, được báo trước thời gian sa thải theo quy định của luật lao động.

Các số liệu thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng như Tổng Cục Thống kê cũng không có các chỉ số phân định chất lượng công việc của lực lượng lao động với các trình độ chuyên môn kỹ thuật khác nhau.

Một kỹ sư chấp nhận đi làm xe ôm sẽ được tính là người có việc làm, một học sinh bỏ học cấp 3 đi bán hàng xén cũng được tính là người có việc làm, trong khi đó một kỹ sư tập trung tìm kiếm việc làm phù hợp sẽ được tính là người thất nghiệp.

Số liệu thống kê của Tổ chức Lao động thế giới cung cấp những dữ liệu phong phú hơn về tính chất các công việc của người trẻ Việt Nam ở độ tuổi từ 15 tới 29.

Theo đó thì trong số những người có việc làm, chỉ có 65,7% nhận là người làm công ăn lương hoặc làm chủ;

34,3% còn lại chấp nhận ở nhà phụ giúp gia đình không lương (20,3%) hoặc trở thành lao động tự do (14%) – đây là hai loại công việc điển hình trong khu vực kinh tế phi chính quy ở Việt Nam.

Tuy nhiên, con số lao động trẻ làm cho khu vực phi chính quy dường như không chỉ dừng lại ở đó, bởi 26,1% người trẻ, mặc dù nhận là người làm công ăn lương nhưng phải chấp nhận làm việc theo thỏa thuận miệng.

Điều này đồng nghĩa với việc đa phần họ chỉ được trả công theo giờ làm việc thực tế và không có gì đảm bảo cho họ hưởng các chế độ bảo hiểm hay nghỉ phép theo luật lao động như những người trong khu vực kinh tế chính quy.

Tựu chung, có tới hơn 60% lao động trẻ đang chấp nhận làm việc trong khu vực kinh tế phi chính quy. Đây thực sự không phải là một tín hiệu tốt về chất lượng công việc mà người trẻ Việt đang làm.

Biểu đồ 2: Tình trạng lao động của người trẻ.
Biểu đồ 2: Tình trạng lao động của người trẻ.

Sự khác biệt về đặc thù công việc của người trẻ ở trình độ học vấn khác nhau 

Nếu nhìn vào đặc thù công việc của những người trẻ với các trình độ học vấn khác nhau ta sẽ thấy một xu hướng khá rõ rệt:

Người trẻ có trình độ học vấn càng cao thì càng dễ dàng tiếp cận các công việc trong khu vực kinh tế chính quy và được hưởng các chế độ và quyền lợi theo luật lao động hiện hành.

Biểu đồ 2 cho thấy sự khác biệt rõ rệt giữa hai nhóm đối tượng:

Nhóm không có trình độ chuyên môn kỹ thuật (từ phổ thông trung học trở xuống) với tỷ lệ làm công ăn lương theo hợp đồng có ký kết dao động từ 3,5% (nhóm học chưa hết tiểu học) tới 43,6% (nhóm đã học xong trung học phổ thông);

Và nhóm có trình độ chuyên môn kỹ thuật với tỷ lệ này dao động trong khoảng từ 73,5% (nhóm có trình độ trung cấp nghề) tới 85,3% (nhóm có trình độ đại học).

Rõ ràng người có trình độ học vấn càng thấp càng có nguy cơ phải chấp nhận những công việc tạm bợ, tự làm (như mò cua, bắt ốc, xe ôm, cửu vạn, …) hoặc hỗ trợ gia đình để kiếm sống (cày cuốc, thu hoạch mùa màng, giúp bán hàng, làm phở…);

Hoặc họ phải chấp nhận đi làm công ăn lương theo thỏa thuận miệng, có thể bị chấm dứt công việc bất kỳ lúc nào mà khó có thể được nhận trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp ốm đau hay bảo hiểm xã hội.

Ngược lại, người có trình độ càng cao, đặc biệt là những người có bằng đại học trở lên, càng có xu thế được tuyển chọn và được làm việc theo các hợp đồng ký kết bằng văn bản, được hưởng các chế độ lao động và được bảo vệ bởi luật lao động.

Rõ ràng, những người có trình độ cao có xu hướng tìm được việc làm có tính ổn định và chất lượng hơn của những người có trình độ thấp, các chế độ ngoài lương của họ cũng tốt hơn nhiều.

Không bằng cấp

Tiểu học

Trung học cơ sở

Trung học phổ thông

Trung cấp nghề

Cao đẳng

Đại học

Trên đại học

Trợ cấp ốm đau

2%

24,2%

24,4%

49,3%

79,5%

65,7%

83,5%

83,3%

Lương hưu

0

10,1%

14,7%

34,2%

65,4%

46,3%

67,6%

83,3%

Bảo hiểm xã hội

0

21,3%

29,5%

56%

78,2%

59,7%

86,3%

83,3%

Bảng 1: Tỷ lệ người trẻ được hưởng các chế độ lao động - theo trình độ. 

Mức lương trung bình tính theo tháng của các đối tượng này cũng phản ánh một xu hướng chung là:

Trình độ học vấn cuả người trẻ càng cao thì mức lương họ nhận được cũng càng cao (ngoại trừ trường hợp của cử nhân cao đẳng, cần có những nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ vấn đề này).

Mức lương trung bình của người lao động trẻ từ 15 tới 29 tuổi là 3.695.000 đồng, tuy nhiên, nếu có bằng đại học trở lên, trung bình họ có thể được trả lương gần gấp đôi số tiền đó (6.271.000 đồng).

Mức lương này gần gấp đôi mức lương của những người có trình độ dừng lại ở mức trung học cơ sở hoặc phổ thông trung học và cao gấp 2,4 lần những người có trình độ dưới tiểu học.

Biểu đồ 2: Mức lương trung tính theo tháng của người lao động trẻ (đơn vị: ngàn đồng).
Biểu đồ 2: Mức lương trung tính theo tháng của người lao động trẻ (đơn vị: ngàn đồng).

Những con số trên cho thấy, ở Việt Nam, con số về tỷ lệ thất nghiệp đơn thuần không nói lên thực chất chất lượng công việc của người lao động Việt Nam và dễ đưa đến những nhận định sai lệch rằng người có học vấn càng cao càng dễ thất nghiệp.

Tỷ lệ người lao động không tìm được việc làm trong khu vực kinh tế chính quy còn lớn (62,7% năm 2013).

Nhiều người chấp nhận những công việc tạm bợ để kiếm sống qua ngày mà vẫn được thống kê là có việc làm thì việc đưa ra những con số thống kê tổng thể, dễ đưa đến hiểu lầm, ngộ nhận là điều dễ hiểu.

Nói riêng về đối tượng lao động trẻ – đối tượng mà các trường đào tạo phải chịu một phần trách nhiệm – bước chuyển của người trẻ Việt sang thị trường lao động còn chứa đựng nhiều rủi ro.

Khi Việt Nam đang chuyển mình sang nền kinh tế chú trọng tính hiệu quả và khi giáo dục đại học trở thành một trong các chỉ số cần thiết để phát huy tính hiệu quả cuả nền kinh tế;

Việc đẩy mạnh quy mô và chất lượng giáo dục ở các cấp độ đào tạo chuyên môn kỹ thuật sau phổ thông, đặc biệt là ở bậc đại học vẫn là cần thiết.

Tuy nhiên, việc đào tạo như thế nào để cung cấp cho thị trường lao động một lực lượng lao động đáp ứng những đòi hỏi của nền kinh tế thị trường, hội nhập lại là một vấn đề cần bàn, những vấn đề này sẽ được đề cập trong các phần tiếp theo.

Trần Thị Tuyết