Có thật là nhiều lãnh đạo, hiệu trưởng, kế toán hiểu nhầm văn bản không?

07/09/2018 07:11
HỮU SƠN
(GDVN) - Hiện tượng nhầm, hiểu sai văn bản hướng dẫn đến thực hiện sai, nhất là về chế độ chính sách, tài chính gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực rất đáng lo ngại.

LTS: Sau vụ việc Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) thực hiện chi sai do hiểu nhầm văn bản hướng dẫn, thầy giáo Hữu Sơn bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Mới đây, báo Quảng Ngãi có bài phản ánh về việc Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) vì lỗi hiểu "nhầm" văn bản hướng dẫn nên đã chi sai hơn 200 triệu đồng tiền phụ cấp theo Nghị định 116 cho giáo viên và buộc phải thu hồi lại.

Dù việc chi sai diễn ra trong năm 2013, nhưng đến thời điểm này số tiền trên vẫn chưa được truy thu đủ. 

Cuối năm 2017, nhiều nữ giáo viên đang công tác tại huyện miền núi Sơn Hà bất ngờ khi được yêu cầu nộp lại một phần số tiền phụ cấp thu hút, phụ cấp lâu năm đã được hưởng từ năm 2013 theo Nghị định số 116 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Hà. Ảnh: Baoquangngai.vn
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Hà. Ảnh: Baoquangngai.vn

Nguyên nhân được thông báo là do đơn vị quản lý chi trả chế độ sai quy định trong thời gian giáo viên nghỉ thai sản.

Tuy vậy, suốt một thời gian dài Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Hà không báo cáo và cũng không tiến hành truy thu lại số tiền cấp sai quy định này.

Phải đến cuối năm 2017 khi Thanh tra huyện tiến hành thanh tra phát hiện sai phạm và yêu cầu truy thu đủ trước ngày 31/1/2018 thì phía Phòng Giáo dục huyện Sơn Hà mới thực hiện "quyết liệt" truy thu. 

Trước đó, tháng 10 năm 2014, theo kết luận của Thanh tra tỉnh Bình Định về công tác quản lý, sử dụng nguồn kinh phí và quản lý đầu tư xây dựng cơ bản hỗ trợ cho các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển theo Nghị định số 116/2010/NĐ-CP giai đoạn 2011 - 2013 tại hai huyện trên:

Do xác định sai đối tượng được hưởng phụ cấp thu hút, phụ cấp công tác lâu năm, trợ cấp lần đầu nên Phòng Giáo dục và Đào tạo hai huyện Phù Cát và Phù Mỹ, Uỷ ban nhân dân các xã và các trường thuộc các xã bãi ngang của hai huyện này đã chi tiền hỗ trợ sai đối tượng với số tiền hơn 12,3 tỉ đồng, trong đó huyện Phù Mỹ hơn 5,464 tỉ đồng và huyện Phù Cát hơn 6,887 tỉ đồng.

Có thật là nhiều lãnh đạo, hiệu trưởng, kế toán hiểu nhầm văn bản không? ảnh 2Ai bênh che cho Hiệu trưởng Trường Phù Đổng để chi sai gần 400 triệu đồng?

Về vụ việc này, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Định đã ban hành quyết định xử lý, yêu cầu Uỷ ban nhân dân 2 huyện Phù Mỹ và Phù Cát nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với sai phạm do xác định sai đối tượng hưởng trợ cấp xã bãi ngang ven biển, dẫn đến chi sai hơn 12,3 tỉ đồng từ năm 2011 - 2013. 

Báo chí phản ánh, cuối năm 2017, cũng do lỗi không đọc kỹ văn bản một số kế toán, hiệu trưởng trường học thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông để xảy ra tình trạng chi sai hàng tỉ đồng.

Theo báo Người lao động, trước đó, Thanh Tra tỉnh Đắk Nông kết luận tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuy Đức để cho các trường dùng kinh phí thực hiện Nghị định 116 sai quy định; doanh nghiệp cung cấp bảng viết cho trường trên địa bàn huyện vào năm 2014 không thực hiện nghĩa vụ đóng thuế giá trị gia tăng vãng lai 2% với số tiền hơn 1,1 triệu đồng.

Tại Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Gia Nghĩa, năm 2015-2016, đơn vị này chi sai chế độ theo quy định tại Nghị định 116 chi lương cho 3 nhân viên bảo vệ với số tiền 114 triệu đồng.

Tại các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý, sử dụng ngân sách thuộc Nghị định 116 không đúng, với số tiền sai phạm hơn 1,8 tỉ đồng.

Thanh tra tỉnh đề nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước là 434 triệu đồng.

Có thật là nhiều lãnh đạo, hiệu trưởng, kế toán hiểu nhầm văn bản không? ảnh 3Thu, chi sai cả trăm triệu tại Trường THCS dân tộc nội trú Quan Hóa

Trong lĩnh vực giáo dục, hiện tượng nhầm, hiểu sai văn bản hướng dẫn đến  thực hiện sai, nhất là về chế độ chính sách, tài chính, tiền bạc gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực rất đáng lo ngại.

Tình trạng này cho thấy năng lực đọc - hiểu đúng văn bản, quy định của một số cán bộ quản lý giáo dục, ban giám hiệu, kế toán… ở trường học, Phòng, Sở Giáo dục còn hạn chế.

Mặc dù trong quá trình làm việc, các đối tượng ấy đã được tập huấn, bồi dưỡng nhiều đợt, nhiều ngày về nghiệp vụ quản lý tài chính.

Vội vàng, đọc lướt, hiểu không đến nơi đến chốn mà đã cho triển khai thực hiện ngay, đó cũng là một nguyên nhân.

Các minh chứng, sự việc cụ thể nêu trên, lỗi hoàn toàn thuộc về người đọc - thực hiện.

Mặt khác, một số văn bản pháp quy của ngành giáo dục, của Chính phủ cách trình bày, diễn đạt ở một chỗ lại thiếu rõ ràng, tường minh dễ nảy sinh tình huống hiểu nhầm, hiểu sai và thực hiện không đúng.

Ngoài ra cũng có không ít trường hợp cá nhân và tập thể cố tình hiểu và làm sai để trục lợi, gây thất thoát.

Vì vậy, tất cả cán bộ giáo dục, bộ phận kế toán… ở Phòng, Sở Giáo dục cùng các cơ sở giáo dục cần tự nâng cao năng lực và trách nhiệm trong việc tiếp nhận và xử lý các văn bản của ngành, của Nhà nước.

Và các quản lý nên tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nghiêm túc để tránh xảy ra những sự cố, nhầm lẫn, sai sót đáng tiếc, buộc trả truy thu lại của nhiều đối tượng đã được nhận.

HỮU SƠN