Con đã khóc khi biết mình không còn cơ hội trả món nợ của đời mình

13/11/2014 06:49
Bùi Hường
(GDVN) - Nó sợ! Nó sợ gặp lại giọng nói ân cần, nhỏ nhẹ của Thầy. Và nhất là nó sợ phải đối diện với lương tâm mình.

LTS: Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam, Báo Giáo dục Việt Nam nhận được nhiều chia sẻ của bạn đọc ghi lại kỷ niệm, cảm xúc về thầy cô, mái trường cùng năm tháng học trò.

Bài viết dưới đây là của cô giáo Bùi Hường, gửi tới Tòa soạn từ Đà Nẵng. Đó là câu chuyện ghi lại một kỷ niệm xúc động, nỗi ân hận của người học trò với thầy giáo của mình khi một lần trót nói dối. Thầy ra đi, lời xin lỗi trong tâm cô giáo, vẫn chưa được thực hiện...

Mời bạn đọc cùng theo dõi câu chuyện này:

Chưa bao giờ kể từ khi rời ngôi trường gắn bó cả một thời trẻ dại, nó lại có thể quên được Thầy - người đã để lại trong nó bao nỗi day dứt khôn nguôi.

Sáng thứ hai đến trường, nó vừa đi vừa nhẩm thầm bài hát quen thuộc, lòng nó vui vì cả mấy ngày vừa qua nhận được bao nhiêu là lời chúc mừng của đám học trò trong đó có cả những đứa ra trường đã bốn năm năm. Chưa đến giờ lên lớp, như một thói quen, nó lần mò trang facebook từ chiếc điện thoại nhỏ xíu để xem có điều gì hay ho không và cũng định khoe cái đồng hồ mới mà một học trò cũ vừa tặng hôm qua.

Lướt trang tin, chà, nhiều người gửi lời chúc tới những người thầy đã và đang dạy họ. Thời buổi hiện đại, chỉ cần một cái click là những điều muốn nói có thể cùng lúc gửi đến nhiều người ở khắp mọi nơi, tài thật! Rồi bỗng nó khựng lại trước một thông báo của một đứa bạn từ thuở học phổ thông: “Thông báo với toàn thể các bạn lớp 12a niên khoá…., thầy giáo… của chúng ta đã về cõi vĩnh hằng ngày…”

Con đã khóc khi biết mình không còn cơ hội trả món nợ của đời mình ảnh 1

Ký ức về thầy là những ký ức không bao giờ quên.  Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: internet

Các ngón tay nó đơ lại, rồi run run, hình như mắt nó cũng mờ đi thì phải bởi nó không còn nhìn thấy rõ chữ nữa. Như không thể tin vào những gì vừa đọc, nó lập tức gọi cho đứa bạn vừa đăng tin: “Ừ, thầy đi sáng hôm qua mày ạ…!” Đứa bạn còn nói cái gì đó nữa nhưng tai nó giờ cũng ù mất rồi.

“Làm sao có thể…?!” Bao nhiêu kỉ niệm, bao nỗi day dứt lâu nay nó cố tình cất dấu chợt ùa về, xoắn lấy tâm can nó.

Ngày học phổ thông, nhà nó nghèo lắm. Cha mẹ nó phải cố gắng lắm mới có thể không để nó dở dang chuyện học hành như các anh chị nó. Nó học xong chương trình phổ thông một phần nhờ các chính sách miễn giảm các khoản tiền trường, có nhiều khoản tiền đóng góp Thầy đã nộp dùm, khi vài ngàn, cũng có lúc vài chục.

Số tiền ấy ở thời nó đi học, nhất là đối với gia đình bần nông như nhà nó là khoản tiền khá lớn mà có khi phải chạy vạy vài ngày cha nó mới mượn đủ. Rồi nó ghi danh vào lớp Anh văn để lấy chứng chỉ. Nó ham mê cái môn học này lắm, song đôi lúc đang học, bất chợt nó nghĩ đến việc cha mẹ phải tìm đâu ra khoản tiền hơn trăm ngàn để đóng. Chậc, kệ! Từ từ rồi xin cha mẹ nó sau. Nó quên nhanh sự lo lắng đó và vui vẻ với bạn bè, với những con chữ rất mới mẻ này.

Con đã khóc khi biết mình không còn cơ hội trả món nợ của đời mình ảnh 2Thầy cô và những chuyến đò mải miết sang sông

Năm tháng qua đi, trên dòng đời tấp nập, thầy vẫn thầm lặng đưa từng chuyến đò sang sông, nâng bước cho bao thế hệ học trò nên người.

Khi nó đang say sưa với việc ôn tập cho kì sát hạch để cấp chứng chỉ thì Thầy gọi nó lên văn phòng. Nó hớn hở theo sau Thầy như mọi lần Thầy vẫn gọi nó lên để lấy khi nắm xôi, khi bó rau Thầy cắt từ nhà cho nó. Nó nghe giọng thầy khác hẳn mọi lần: “nhà thầy lâu nay túng quá, vợ thầy lại đang đau nên thầy không thể giúp em đóng số tiền lần này được, em…”

Chuyện vợ Thầy thường xuyên ốm đau thì nó biết lâu rồi nhưng học gần hết khóa học, giờ nó mới biết Thầy là người thu tiền khoá học ngoại ngữ nó đang theo. Có lẽ nhìn thấy khuôn mặt như sắp khóc của nó nên Thầy dừng lại, nó thấy Thầy đứng lên khỏi chiếc ghế cũ kĩ mà lâu nay vẫn sửa đi sửa lại để ngồi, định đi về phía nó. Bỗng nó nảy ra một sáng kiến, thoáng chốc nó thấy mình thoát ra được tình thế khó chịu này. Nó nói với Thầy:

          - Dạ, tiền học này em đóng cho Thầy lâu lắm rồi ạ! Hôm đó Thầy nói để Thầy viết cái gì đó xong rồi Thầy ghi vào sổ!

          Nó nói mà không dám nhìn thẳng mặt Thầy, chỉ hơi liếc qua, nó thấy Thầy hơi nhíu mày. Tùng …tùng… tùng…! Lòng nó như mở cờ.

          - Thôi em về lớp học đi, để Thầy xem lại, chắc là Thầy già rồi nên mọi chuyện cứ lẫn hết.

Nó chạy thật nhanh về lớp, chạy như sợ có ai đó gọi giật nó quay lại. Sau đó, nó không hề thấy Thầy nhắc gì đến chuyện đó nữa và thỉnh thoảng Thầy vẫn gửi cho nó bó rau mang về. Rồi nó tốt nghiệp, thi vào một trường sư phạm.

Ngày cha mẹ nó làm mâm cơm cúng tổ tiên phù hộ nó đã đậu đại học, Thầy đến chia vui và mang theo cho nó vài quyển sổ tay, một cái đồng hồ để bàn. Thầy cũng không quên dặn dò nó phải chăm lo học hành, giữ sức khoẻ và nhất là phải cố gắng tiết kiệm khi học xa nhà. Thầy không hề nhắc đến chuyện cũ và nó cũng đã quên béng từ lâu.

Cuộc sống trọ học đầy khó khăn khiến nó lúc nào viết thư về nhà cũng gần như chỉ nhắc đến việc mình đã thiếu thốn, đã vất vả thế nào khi phải chắt bóp khoản tiền nho nhỏ hàng tháng chị gái nó gửi cho. Nó không nhớ hỏi xem Thầy thế nào mặc dù thỉnh thoảng cha nó viết thư cũng có nhắc đến sự lui tới hỏi han của Thầy dành cho nó. Như một phản xạ, nó dần quên Thầy.

Khi đã ra trường, chính thức trở thành cô giáo, nó vui với niềm vui mới. Nó trở thành một giáo viên chủ nhiệm giỏi và được học trò lui tới rất nhiều. Ngày 20 tháng 11 năm nào cũng quà cáp chất ngất ngưởng trên bàn làm việc.

Những trải nghiệm của nghề giáo khiến nó dần quay về ngày xưa và dòng kí ức nó chạm đến khoảng dành cho Thầy. Bắt đầu những ngày tháng nó thấy day dứt, nó thấy muốn nói với Thầy một điều gì đó. Nhưng nó lại không đủ can đảm để gọi cho Thầy. Nó sợ! Nó sợ gặp lại giọng nói ân cần, nhỏ nhẹ của Thầy. Và nhất là nó sợ phải đối diện với lương tâm mình.

Nó gạt phắt đi bằng một suy nghĩ không hề trách nhiệm: “chắc Thầy quên chuyện đó lâu rồi”. Thế nên, cái mong muốn sẽ xin lỗi Thầy vừa bị manh nha đã bị lí trí đè bẹp.

Cũng đôi ba lần kể từ khi nó trở thành thầy, nó có về thăm nhà, thăm bạn bè cũ. Lần gần đây nhất, gặp bạn bè đứa nào cũng nhắc về Thầy, đứa gần nhà Thầy có nói dạo này thầy yếu lắm. Nó nghe tin như thấy một nỗi lo vô hình nào đó đè nặng trong ngực. Thế nhưng nó vẫn không đủ can đảm đến gặp Thầy. Lòng nó đầy phân vân, cảm giác khó chịu theo nó hết quãng đường đi vào nơi làm việc. Và công việc tấp nập ngày đầu năm học cuốn nó đi, nó quên cả Thầy, quên cả mong muốn bấy lâu. Bỗng hôm nay…

Nước mắt nó ướt đầm tập sách trước mặt lúc nào không hay, tai nó ù, lòng nó thấy đau lắm… Nó không hề hay biết có nhiều đồng nghiệp đang đứng bên cạnh, khuôn mặt ai cũng đầy lo lắng nhìn nó. Nó chợt đứng phắt dậy, chỉ kịp chạy qua phòng hiệu trưởng báo rằng người thân nó qua đời, nó phải về quê gấp…

Nước mắt nó nhạt nhoà dọc đường về nhà. Nó không biết sẽ phải đối diện thế nào trước mộ Thầy nhưng miệng nó cứ lặp đi lặp lại một câu như sợ sẽ quên khi đứng trước Thầy: Thầy ơi, con xin lỗi… Thầy ơi…!/.

Bạn đọc có thể chia sẻ câu chuyện của mình về thầy cô, mái trường đến Báo Giáo dục Việt Nam qua địa chỉ email: toasoan@giaoduc.net.vn 

Bùi Hường