Con đường nhọc nhằn đến trường của cô trò miền núi

20/11/2015 08:07
Thủy Phan
(GDVN) - “Nếu trưa hôm nào mà chúng tôi có việc không ở lại trường được, lỡ… xảy ra chuyện gì với các học sinh thì tôi không biết làm sao, thực sự tôi thấy rất lo”.

Trường Tiểu học Quảng Thạch (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) nằm ở vùng xa và thuộc diện khó khăn của Quảng Bình.

Địa bàn miền núi, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn nên nhiều em học sinh phải nghỉ lại ở trường vào buổi trưa. Tuy nhiên, hiện nhà trường vẫn chưa có điều kiện để tổ chức bán trú cho học sinh nên việc ăn uống, ngủ nghỉ của các em rất thiếu thốn.

Cơm trưa tại trường…

Trường Tiểu học Quảng Thạch (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) thuộc xã miền núi, có 11 lớp với 261 học sinh và hai điểm trường.

Tại điểm trường chính, mỗi ngày, hơn 50 em học sinh phải nghỉ trưa tại trường trong một phòng bán trú gần 50m2, do nhà trường trang bị.

Tan học, hàng chục học sinh trường Tiểu học Quảng Thạch kéo nhau ra ăn cơm phía ngoài cổng trường (Ảnh: Thủy Phan)
Tan học, hàng chục học sinh trường Tiểu học Quảng Thạch kéo nhau ra ăn cơm phía ngoài cổng trường (Ảnh: Thủy Phan)

Thầy Trần Quốc Khánh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Quảng Thạch tha thiết giữ chúng tôi lại tới giữa trưa, chỉ để…chứng kiến một bữa ăn trưa của học sinh và cả các thầy cô giáo ở đây.

Gần 10 giờ 30, khi tiếng trống báo hiệu giờ tan học vang lên, hàng chục học sinh kéo nhau ra cổng trường, lao vào hai nhà dân ở hai bên cổng trường để ăn cơm.

Các em học sinh háo hức đến lấy cơm, đứa cầm tô, đứa cầm thìa nhấp nhổm chờ đến lượt. Ai cũng cười hớn hở và tỏ ra vui sướng ăn hết phần cơm của mình.

Khi được hỏi ăn cơm ở đây có ngon không thì các em đồng loạt trả lời: Ngon!, rồi tất cả lại tập trung vào tô cơm của mình.

Con đường nhọc nhằn đến trường của cô trò miền núi ảnh 2
Có những học sinh vẫn phải mang cơm đến trường (Ảnh: Thủy Phan)

Ăn cơm xong, hơn 50 em học sinh lại kéo nhau vào trường, đứa vào lớp học ngồi chơi, đứa vào phòng bán trú nghỉ, đứa thì chơi ngoài sân trường.

Cô Nguyễn Thanh Vân, Phó Hiệu trưởng cho biết, vì trường không phải là trường bán trú nên nhà trường chỉ lo được cho các em một phòng bán trú rộng khoảng 50m2 để các em nghỉ trưa.

Khoản cơm trưa, bây giờ nhiều phụ huynh đến nhờ được nhà dân sống gần trường nấu cho con mình, chứ trước đây các em đều phải bới theo cơm đến trường.

Nhiều em bố mẹ đi làm rẫy từ sớm, buổi sáng phải đi bộ đến trường xách theo ăng-gô đựng cơm để trưa ăn. Có em bữa trưa chỉ có ít cơm với muối lạc
”, cô Vân nói.

Em Bùi Thị Mỹ Duyên, học sinh lớp 5A, nhà ở cách trường đến hơn 10 cây số. Mỗi sáng, em được mẹ chở đi học, trưa ở lại ăn cơm, nghỉ tại trường với các bạn.

Duyên cho biết: “Nhiều hôm, mẹ bận việc không đến chở về được thì em phải tự đi bộ về. Nếu đi đường thấy người quen thì em xin đi nhờ về nhà”.

“Chúng tôi rất lo lắng…”

Theo tìm hiểu được biết, các em học sinh phải ở lại trường buổi trưa chủ yếu ở các thôn 1, 2, 3, 4 và thôn 9. Thôn gần nhất cách trường 4 cây số, còn xa nhất thì từ 10-12 cây số.

Em Nguyễn Văn Hà, học sinh lớp 3A, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên bố mẹ không đóng tiền ăn cho em được. Vì vậy, mỗi sáng đi học em phải mang theo cơm đến trường.

Con đường nhọc nhằn đến trường của cô trò miền núi ảnh 3
Ăn cơm xong, nhiều học sinh chơi đùa ở ngoài sân (Ảnh: Thủy Phan)

Hà tâm sự: “Sáng nào mẹ cũng dậy sớm nấu cơm rồi cho vào ăng-gô để em mang đi học. Vì không có xe đạp nên em phải đi bộ đến trường. 

Khoảng 6 giờ em bắt đầu từ nhà đi và 7 giờ thì đến nơi. Phải đi bộ nhiều nên nhiều khi em thấy rất mệt, nhưng em vẫn thích được đi học lắm
”.

Đường đến các thôn rất khó khăn, có thôn phải đi qua nhiều khe suối, có thôn thì có con dốc rất cao. Mùa nắng chứ mùa mưa, nhiều em học sinh phải nghỉ học vì đường bị ngập. 

Trước đây, có khi các học sinh đến trường học buổi sáng, cả ngày hôm đó trời mưa to, đường bị ngập lụt nên đành phải ở lại dưới này đến khi nước rút
”, cô Vân, Phó Hiệu trưởng kể.

Thầy cô cũng… bán trú

Không chỉ học sinh mà giáo viên cũng gặp rất nhiều khó khăn và thiếu thốn. Nhiều thầy cô nhà ở xa nên phải ở lại, cũng đặt cơm cùng chỗ với học sinh.

Cơm của các học sinh 10 nghìn đồng/suất, còn cơm của thầy cô nhiều hơn nên 15 nghìn đồng/suất”, thầy Khánh vừa cười vừa nói.

Theo thầy Khánh, hiện tại, nhà trường vẫn thiếu phòng làm việc, rồi không có phòng ở cho giáo viên nên nhiều khi thầy cô phải nghỉ trưa tại phòng làm việc. Mùa hè nắng nóng thì còn bị thiếu nước...

Con đường nhọc nhằn đến trường của cô trò miền núi ảnh 4
Chỉ có một vài em vào nghỉ ở phòng bán trú (Ảnh: Thủy Phan)

Dù khó khăn và thiếu thốn, nhưng các thầy cô vẫn tự hào vì được địa phương quan tâm, tự hào rằng học sinh của mình rất giỏi mà thầy cô cũng giỏi. 
Năm học vừa rồi, trường Tiểu học Quảng Thạch có 2 em học sinh đạt giải trong cuộc thi Olympic tiếng Anh cấp tỉnh.

Tuy nhiên, các thầy cô ở đây cùng chung một lo lắng khi các em phải ở lại trường buổi trưa mà không có đội ngũ quản lý. Nhà trường chỉ trang bị một phòng bán trú để các em ở xa nghỉ lại buổi trưa nhưng công tác quản lý rất khó khăn vì không có một thể lệ gì cả.

Nếu trưa hôm nào mà lỡ, chúng tôi có việc không ở lại trường được, lỡ… xảy ra chuyện gì với các học sinh thì tôi không biết làm sao, thực sự tôi thấy rất lo lắng”, thầy Trần Quốc Khánh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Quảng Thạch trăn trở.

Thủy Phan