“Con xin lỗi vì không hoàn thành được ước mơ của bố mẹ!”

15/04/2018 06:15
Đỗ Quyên
(GDVN) - Làm cha mẹ, ai chẳng mong muốn đặt hy vọng vào con những ước mơ hoài bão nào đó nhưng sự kỳ vọng lại gây áp lực lớn đối với những tâm hồn bé nhỏ.

LTS: Nỗ lực học tập để cha mẹ vui lòng, sống theo ước mơ hoài bão của cha mẹ... đã trở thành áp lực lớn của không ít học sinh, thậm chí có em đã tìm đến cái chết để giải thoát.

Trước thực tế đau lòng này, cô giáo Đỗ Quyên có đôi điều gửi gắm đến các bậc phụ huynh.

Toà soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.

Làm cha mẹ, ai chẳng mong muốn đặt hy vọng vào con những ước mơ hoài bão nào đó nhưng sự kỳ vọng, đặt niềm tin quá lớn vào con cái, vô hình trung gây nên áp lực lớn cho các em dẫn đến những cái kết đau lòng không đáng có.

Đã từng có một nữ sinh lớp 11 tại Đồng Xoài, Bình Phước để lại 5 bức thư tuyệt mệnh trước khi nhảy sông tự tử.

Một học sinh trường chuyên Quảng Ngãi sau khi biết kết quả thi đại học không như mong muốn đã vào rừng quyên sinh bằng cách uống thuốc trừ sâu…

Cha mẹ đặt kỳ vọng quá lớn gây áp lực cho con cái. Ảnh minh hoạ/ Giaoducthoidai.vn
Cha mẹ đặt kỳ vọng quá lớn gây áp lực cho con cái. Ảnh minh hoạ/ Giaoducthoidai.vn

Và mới đây nhất, là một học sinh lớp 10 trường Nguyễn Khuyến nhảy lầu tự tử vì không thể vươn lên vị trí giỏi nhất khối. 

Đọc những dòng chữ em viết trong thư tuyệt mệnh gửi bố mẹ, bất kì ai cũng thấy xót lòng.

"Con xin lỗi vì đã không hoàn thành được ước mơ của bố mẹ, làm bố mẹ thất vọng.

Nhưng con đã trót rồi, con cũng có ước mơ, bố mẹ biết không con cũng từng mơ rằng con sẽ được học trường công an, ước rằng được mặc bộ quân phục ấy dù chỉ một lần. 

Nhưng con biết thực lực của con đến đâu. Con học không giỏi từ nhỏ chắc bố mẹ đã biết.

Nhưng con vẫn luôn nghĩ rằng phải cố gắng lên nếu không sẽ phụ bố mẹ, làm bố mẹ buồn. 

Nhưng con thật sự rất mệt. Con mệt lắm, con buông xuôi tất cả... con không thể hoàn thành nó được…”.

“Con xin lỗi vì không hoàn thành được ước mơ của bố mẹ!” ảnh 2Nam sinh trường Nguyễn Khuyến nhảy lầu tự tử là học sinh xuất sắc

Một bức thư chứa chan nỗi tuyệt vọng đến não nề, ta dễ dàng bắt gặp trong đó những cụm từ được lặp đi lặp "ước mơ của bố mẹ", "phụ lòng bố mẹ", "làm bố mẹ buồn", "cho bố mẹ vui lòng"… cũng đủ thấy khát vọng lớn lao cũng chỉ để bố mẹ vui, bố mẹ vừa lòng… đã trở thành gánh nặng đè gục cậu bé.   

Sẽ còn bao nhiêu em học sinh phải tự giải thoát mình bằng cách này?

Sẽ còn bao nhiêu cái chết đau lòng như thế nữa? Rồi đây, cả quãng đời còn lại của mình, ba mẹ em cũng chẳng thể nào nguôi ngoai được bởi chính sự kì vọng quá lớn về con đã giết chết em.

Sau cái chết tức tưởi đáng thương của em liệu có cảnh tỉnh được nhiều bậc cha mẹ đang lấy con để thực hiện ước mơ cho chính mình?

Thật vô lý khi con cái chúng ta sống cuộc đời của chúng nhưng lại trở thành công cụ tạo niềm hãnh diện, niềm kiêu hãnh cho các bậc phụ huynh.

Cứ làm thử một cuộc phỏng vấn những học sinh lớp 12 bây giờ về chuyện chọn ngành nghề sẽ có hơn phân nửa là do bố mẹ chọn, bố mẹ con thích ngành này, bố mẹ con bắt phải đi hay bố mẹ con nói rằng nghề này là tốt nhất…

Vì thế, đã có khá nhiều học sinh học ngành nghề ấy mà chưa hiểu rõ về nó cũng như không hề yêu thích hay có niềm đam mê.

Có không ít học sinh học đến năm cuối đại học mới bừng tỉnh bỏ ngang để chọn cho mình con đường đi khác.

“Con xin lỗi vì không hoàn thành được ước mơ của bố mẹ!” ảnh 3Tự tử học đường - lời kêu cứu của một thế hệ cô đơn

Nhưng có được mấy em dũng cảm dám từ bỏ nghề cha mẹ đang chọn (dù chậm)?

Thế rồi, suốt cuộc đời những học sinh ấy cũng “chẳng nên cơm cháo gì” vì chọn sai ngành nghề nên chẳng thể phát huy.

Thầy Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu(Khoa Tâm lý học, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng:

Đối với bậc phụ huynh, nếu yêu thương con thì hãy tìm hiểu xem học lực của con không cao chứ đừng "giao thành tích".

Hướng dẫn và giúp đỡ mới là tình thương có trách nhiệm, chỉ tạo áp lực rồi mặc con làm sao làm thì chưa hẳn là thương.”

Mong rằng nhiều phụ huynh hiểu được điều này để đừng áp đặt con, để đừng bắt con sống thay mình. Có thế mới hy vọng chấm dứt những tình cảnh đau lòng như thế.

Đỗ Quyên